Không tiền đóng học phí, tân sinh viên đứng trước nguy cơ phải bỏ học
“Con mong có ai giúp đỡ cho con học chứ nhà con quá nghèo, không thể lo nổi cho con đi học”. Đó là tâm sự đầy nước mắt của cô học trò nghèo Hà Lâm Anh (trú khu Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) – tân sinh viên khoa Kiến trúc ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).
Chủ nhật ngày 20/9, tiếp tôi trong căn nhà mái tôn thấp lè tè, tường bao quanh là những miếng ván ghép nóng kinh khủng dù trời bên ngoài không nóng, dường như Hà Lâm Anh cũng như bố mẹ đều ngại với khách về hoàn cảnh của mình.
Trong căn nhà chưa đến 40m2 ấy mà 5 con người sống chỉ với chưa đến 3 triệu đồng thu nhập từ nghề hớt tóc của bố Lâm Anh – ông Hà Như Ngọc. Ông Ngọc năm nay mới 48 tuổi nhưng nhìn người tiều tụy và già hơn tuổi ông nhiều. Còn mẹ của Lâm Anh là bà Đỗ Thị Bích năm nay cũng chỉ 47 tuổi nhưng chỉ có 30kg vì mang trên người nhiều bệnh tật.
Năm thành viên trong gia đình em Hà Lâm Anh.
Mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân trí, ông Ngọc nói: “Em thấy đó, hoàn cảnh của tôi thế này mà một mình tôi phải nuôi 4 miệng ăn chưa kể tôi nữa là 5. Mỗi ngày tôi chỉ kiếm trên dưới 100 ngàn đồng thôi, khó khăn lắm…”.
Lâm Anh cho biết không muốn bỏ học nhưng hoàn cảnh khó khăn quá nên cũng chưa biết tính sao
Trong căn nhà xập xệ trống trước trống sau của mình, ông Ngọc cho biết, đây là mảnh đất của chính quyền địa phương bán cho vợ chồng ông để có chỗ ở nhưng chưa thu tiền vì ông quá nghèo, có thu ông cũng không có tiền đóng.
Căn nhà này ông dựng vào tháng 3 vừa qua cũng từ tình thương của mọi người trong xóm, ai có gì cho nấy, thiếu ông đi xin thêm. Mái tôn thấp và nóng kinh khủng dù đang là mùa thu, trời mát hơn mùa hè, còn tường thì được đóng bằng những tấm ván bỏ của các xưởng gỗ, ông xin về đóng vào.
Sau khi bài viết này được đăng tải, nhiều bạn đọc liên hệ tới Ban Giáo dục báo điện tử Dân trí xin số điện thoại của em Hà Lâm Anh để gửi động viên, chia sẻ tới em. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin đăng số điện thoại của ông Hà Như Ngọc – ba em Hà Lâm Anh: 0935 429 671 (địa chỉ: khu Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam)
Video đang HOT
Ông Ngọc kể cách đây 10 năm, ông đi làm ăn ở Đắc Lắc, sau khi bố mẹ vợ và những người thân thuộc bên phía vợ qua đời thì không còn ai để nương nhờ nữa, vậy là ông dắt díu vợ con về đây. Lúc đầu thì ở nhà bố mẹ, sau sinh thêm con thì mướn nhà ở. Gần đây, địa phương thấy ông khó khăn quá thì bán cho miếng đất nhưng chưa thu tiền. Có đất, ông che tạm “ căn chòi” để hai vợ chồng và 3 đứa con có chỗ tá túc.
Ngôi nhà xập xệ của gia đình ông Ngọc
Bản thân ông Ngọc bị tật ở chân nên không lao động nặng được, còn vợ ông bị bệnh hở van tim và cao huyết áp nên cũng không lao động nặng, chỉ ở nhà quanh quẩn lo cho đứa con út tên Hà Lâm Khanh năm nay 11 tuổi nhưng bị bệnh bại não và động kinh từ nhỏ, không thể đi học được. Mỗi tháng tiền thuốc men của hai mẹ con cũng hết hơn 1 triệu đồng. Cái khó đè lên cái khó với gia đình ông.
Tuy gia đình quá khó khăn nhưng may mắn ông có cô con gái đầu học giỏi và vừa đỗ đại học. Hỏi về chuyện học hành của con mình, ông Ngọc cho biết: “Khi giấy báo nhập học gởi về nhà, tôi vui một là lo đến mười vì biết gia đình không có khả năng lo cho cháu, nhưng nghĩ lại chỉ có học mới thoát khỏi cảnh nghèo khó này nên tôi bàn với vợ quyết tâm cho con đi học. Dù quyết tâm vậy nhưng nghĩ lại cũng không biết xoay kiểu gì để có tiền cho con đi học”.
Tâm sự của ông Ngọc và Lâm Anh
Đầu năm học, ông Ngọc cho biết đã vay tất cả những người thân trong gia đình được 7 triệu đồng để đóng học phí và tiền sinh hoạt cho cháu nhưng không thể mượn được nữa, vì có mượn nữa cũng không có mà mượn vì người thân cũng khó khăn. “Giờ tôi chỉ mong có tiền đóng học phí mỗi năm cho con, còn tiền ăn ở của cháu tôi cũng cố gắng lo được”, ông Ngọc nói.
Ông Ngọc cũng ước mơ có được một con bò giống để nuôi. Sau khi bò đẻ thì bán con bò đó để lo cho con ăn học nhưng tiền đâu mà mua bò giống giá vài chục triệu đồng? Trong khi cái ăn hàng ngày cho gia đình ông còn lo không xuể.
Để giải quyết khó khăn trước mắt khi con mình vào nhập học, ông Ngọc cho biết đang làm hồ sơ để vay ngân hàng đóng học phí cho con. Ông cho hay, nếu không vay được tiền của ngân hàng chắc chắn con mình sẽ nghỉ học.
Nói về việc học của mình, cô học trò nghèo Hà Lâm Anh tâm sự: “Con muốn đi học nhưng nhà con nghèo quá. Con đã nhập học được một tuần rồi, giờ con không muốn nghỉ học. Con mong có nhà hảo tâm nào đó giúp đỡ để con có thể tiếp tục đi học. Chắc chắn hoàn cảnh của nhà con sẽ không lo nổi”.
Trao đổi với PV Dân trí về hoàn cảnh của ông Ngọc, ông Hứa Văn Hùng – Chủ tịch thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) cho biết, đây là một trong những trường hợp “đặc biệt nghèo” ở địa phương. Thị trấn cũng biết và có những hỗ trợ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
“Hộ ông Ngọc đã được hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện và vừa qua có hỗ trợ đất để ông làm nhà. Nếu ông có làm nhà thì địa phương sẽ vận động Quỹ hỗ trợ người nghèo 15 triệu đồng cho ông làm. Còn vấn đề vay vốn cho cháu đi học, địa phương hỗ trợ hết mình, miễn sao cháu Lâm Anh không bỏ học giữa chừng. Cũng mong có nhà hảo tâm giúp đỡ để cháu Lâm Anh được tiếp tục đến trường”, ông Hứa Văn Hùng nói.
Tổng điểm thi vào Khoa Kiến trúc ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) của Lâm Anh: Toán 8 điểm, Vẽ 7 điểm và Văn 6,75 điểm. Lâm Anh cho biết cộng hệ số điểm của ngành với 1 điểm vùng, em được 33,75 điểm.
Công Bính
Theo Dantri
Nông dân bỏ 300 triệu làm cầu phao cho dân làng
Trăn trở sau những cái chết của người làng khi vượt sông, một nông dân ở Quảng Nam đã bỏ hơn 300 triệu đồng mua vật liệu rồi tự làm cầu phao cho hàng nghìn lượt người qua lại mỗi ngày.
Cây cầu được ông Lê Tất Dũng làm qua sông Vu Gia dài 78 m, tải trọng 1 tấn. Ảnh: Tiến Hùng.
Dưới cái nắng ngày đầu tháng 9, ông Lê Tất Dũng (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) hì hụi sửa những đoạn dây cáp trên cầu phao. Nghe người dân bảo dây cáp bị lỏng, không thể để lâu, ông tất bật chạy ra cầu kiểm tra và sửa chữa. Lau vội giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen, ông Dũng cho hay toàn bộ hơn 200 hecta đất nông nghiệp của xã Đại An nằm bên kia bờ sông Vu Gia. Từ xưa người dân phải vượt sông mỗi ngày sang bên kia làm đồng.
"Con sông bình thường hiền hòa nhưng chỉ cần một trận mưa lớn ở thượng nguồn sẽ trở nên hung dữ, chực chờ nuốt chửng người qua lại. Biết nguy hiểm nhưng không có cầu, hàng nghìn dân làng vẫn phải vượt sông mỗi ngày bởi đi đường vòng mất hơn 17 km", người đàn ông 52 tuổi chưa vợ nói. Con sông rộng chừng 80 m, trước khi có cầu phao hàng chục người đã phải bỏ mạng nơi đây.
Ba năm trước, sau lần đi đám tang thanh niên trong xã bị chết đuối trên đoạn sông này, ông Dũng quyết định bỏ hơn 300 triệu đồng tiền dành xây nhà để làm cầu phao cho dân làng. "Hôm đó tôi đi thắp hương thấy gia đình cậu thanh niên ngất lên ngất xuống trước quan tài mà không cầm lòng được. Cậu ấy là con một, vừa tốt nghiệp kỹ sư. Trong lúc bơi qua sông để lấy ghe chở cha mẹ về ăn cơm thì bị đuối nước", ông Dũng nghẹn ngào kể.
Ngày hôm sau, ông mời dân làng đến họp xin ý kiến về việc tự nguyện bỏ tiền làm cầu. Được người dân hưởng ứng, lão nông kiêm thợ cơ khí bắt tay thiết kế bản vẽ rồi gửi lên chính quyền địa phương xin phép. "Tôi sống một mình nên nhà lúc nào làm cũng được, việc có cây cầu đi lại cho người dân là cấp bách. Có sẵn tiền, tôi chạy ra Đà Nẵng mua thùng phuy, sắt, dây cáp... rồi một mình làm", người đàn ông vẫn được dân làng gọi với cái tên thân mật "Dũng Bồ Tát" nói. 3 tháng sau, cây cầu phao chắc chắn dài 78 mét, rộng 2 mét hoàn thành.
Ông Dũng làm thêm lan can hai bên để đề phòng tai nạn. Ảnh: Tiến Hùng.
Sinh ra trong gia đình đông con, năm lớp 4 mẹ qua đời, một năm sau đó ông Dũng phải bỏ học đi làm thuê ở xưởng cơ khí để kiếm tiền nuôi em. Khoản tiền 300 triệu đồng là do ông tích cóp sau nhiều năm làm thợ cơ khí.
Cây cầu phao do ông Dũng làm khá đặc biệt. Hai đầu cầu, ông đổ các trụ bêtông vững chắc để nối hệ thống dây cáp kéo căng khiến cầu không bị uốn cong bởi dòng nước. Phía dưới mỗi hàng ngang, thay vì thông thường chỉ làm 2 thùng phuy, ông Dũng dùng tới 4 thùng được hàn chặt với nhau để giữ cầu cân đối. Ngoài ra, ông còn thiết kế lan can bằng dây cáp để tránh tai nạn mà theo ông rất ít cầu phao hiện giờ làm như vậy.
"Nó có tải trọng gần một tấn, đến mùa mưa lũ, chỉ dùng tời kéo vào bờ. Cơn lũ đi qua thì lắp lại, tiện lắm. Bây giờ bà con không phải lụy đò nữa, đi ra đồng chạy xe máy bon bon đến ruộng", ông Nguyễn May, Trưởng thôn Phú Lộc (xã Đại An) nói. Ông May từng ngã xuống nước khi đi qua đoạn sông này lúc chưa có cầu và may mắn được người dân cứu vào bờ.
Ông Huỳnh Sáu, Chủ tịch UBND xã Đại An, cho hay từ khi ông Dũng làm cầu cho dân làng, không còn vụ tai nạn nào xảy ra. "Xã không có con số thống kê cụ thể, nhưng trước khi có cầu, người dân bị đuối nước liên tục, hầu như năm nào cũng có người chết đuối khi qua đây làm đồng. Cảm kích trước hành động của ông Dũng, xã đã trao tặng 6 sào đất ruộng để ông canh tác", vị chủ tịch xã nói.
Cây cầu không chỉ giúp dân làng xã Đại An đi làm đồng thuận tiện mà còn giúp hàng trăm học sinh của thôn 10 xã Đại Cường đi học được an toàn. Vốn là thôn xa xôi nhất của xã Đại Cường, thôn 10 chỉ cách xã Đại An con sông Vu Gia nên hàng ngày người dân vẫn qua đây đi chợ, đến trường. Nhiều học sinh phải ở lại trọ học vì không dám qua sông bằng đò mỗi ngày.
Mỗi ngày thuyền bè qua đây nhiều nên lại phải gọi ông Dũng ra tháo cầu. Ảnh: Tiến Hùng.
"Làm xong cầu, có lần mẹ của anh Long ở thôn 10 bị bệnh hen suyễn uống nhầm thuốc phải đi cấp cứu, khi đến trạm y tế bác sĩ nói chậm 5 phút sẽ không cứu được. Sau lần đó anh Long làm lễ mời tôi đến ăn uống để cảm ơn vì không có cầu như trước đây chắc không cứu được mẹ anh ta", ông Dũng vui vẻ kể và bảo chỉ cần thấy người dân vui là ông vui rồi.
Nói về nguyện vọng cá nhân, ông Dũng cho hay nhiều thuyền bè bị chặn bởi cây cầu nên hàng ngày phải đến gọi ông tháo ra để qua lại, trong khi hiện giờ ông đang có nhiều việc phải đi làm xa. Ngoài ra, cầu không phải bảo dưỡng lớn nhưng những việc như sửa, bôi mỡ cho dây cáp... cũng rất cần thiết nên ông muốn đề nghị chính quyền bỏ ít tiền thuê ai đó hàng tháng làm quản lý cây cầu để phục vụ dân làng tốt hơn.
Tiến Hùng
Theo VNE
Một mình đường xa đi thi với 400 nghìn đồng Mồ côi cha mẹ từ khi lớp 6, một mình tự chăm lo việc học tập và trang trải cuộc sống, Nguyễn Văn Ý đã vượt quãng đường 200 km từ huyện miền núi Tiên Phước (Quảng Nam) đến Đà Nẵng dự thi THPT quốc gia chỉ với 400 nghìn đồng dành dụm được từ việc làm thêm. Thí sinh Nguyễn Văn Ý...