Không thi hành án được vì đương sự… dọa tự tử
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi viện dẫn lý do này để giải thích cho việc chậm thi hành bản án có hiệu lực pháp luật đã 9 năm qua.
Mới đây, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản trả lời khiếu nại của ông Lâm Thanh Việt (xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi) về việc chậm thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật cách đây 9 năm. Theo đó, Cục THADS tỉnh này trả lời việc chậm THA là do vụ việc này phức tạp, người phải THA nhiều lần đòi tự tử, kiên quyết không chịu giao đất, cả gia đình chống đối THA.
Theo ông Lâm Thanh Việt, năm 2006 TAND tỉnh Quảng Ngãi đã xét xử vụ tranh chấp di sản thừa kế do cha ông và các anh em khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông L.M chia khối di sản đang quản lý cho các đồng thừa kế. Bản án số 01/2006 ngày 11.1.2006 của TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên vợ chồng ông M có nghĩa vụ chia một phần mảnh vườn tại xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa cho các đồng thừa kế, trong đó cha ông Việt được sử dụng gần 200m2 đất.
Sau khi án có hiệu lực, cha ông Việt đã có đơn yêu cầu THA và tháng 4.2006, Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định THA.
“Tưởng như vậy cha tôi sẽ nhận được phần di sản thuộc về mình. Thế nhưng từ đó đến nay, bản án nói trên vẫn chưa được thi hành với nhiều lý do thoái thác từ phía Cục THADS tỉnh. Hiện nay cha tôi đã mất mà bản án vẫn chưa được thi hành trong khi điều kiện THA đảm bảo. Giờ Cục THADS lại đưa ra lý do đương sự chống đối, đòi tự tử để biện minh cho sự tắc trách của mình. Nói như vậy không lẽ cứ dọa tự tử là có thể chiếm được tài sản của người khác” – ông Việt bức xúc.
Luật sư Cao Quang Thuần, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có giá trị bắt buộc các cá nhân, tổ chức, kể cả các cơ quan nhà nước phải chấp hành. Cơ quan THA có trách nhiệm tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa. Thực tiễn có nhiều bản án dù đã có hiệu lực rất lâu nhưng do không có điều kiện THA như người bị THA không có tài sản, tài sản dùng để THA bị tranh chấp nhưng chưa giải quyết được… Tuy nhiên, nếu điều kiện THA đảm bảo nhưng không thể thi hành được với lý do người bị THA chống đối thì đó không phải là lý do phù hợp với quy định của pháp luật.
“Những người có hành vi cố tình không chấp hành án, không THA, gây cản trở việc THA thì có thể bị xử lý về các tội theo quy định tại các điều 304, 305, 306 BLHS” – luật sư Thuần nhận xét.
Dọa tự tử không phải là lý do chính đáng để hoãn THA
Video đang HOT
Theo quy định của pháp luật về THADS hiện hành, lý do người phải THA dọa tự tử không phải là lý do để thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định hoãn THA. Luật quy định rất rõ nếu người phải THA có điều kiện thi hành mà không tự nguyện THA thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như kê biên phát mại tài sản, trục xuất người và tài sản để giao cho người được THA…
Thực tế có trường hợp người phải THA cố tình trây ỳ, chống đối quyết liệt như cố thủ, đe dọa tự tử, đe dọa đến tính mạng của cán bộ THA. Khi gặp phải những trường hợp này, chấp hành viên phải sử dụng các biện pháp vận động, thuyết phục, phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương động viên, thuyết phục đương sự. Nếu họ vẫn không nghe thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được THA.
Với những vụ có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị của địa phương thì cơ quan THA phải báo cáo với ban chỉ đạo THA cùng cấp và cơ quan THA cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. Nếu chấp hành viên không làm hết trách nhiệm của mình, để vụ việc kéo dài không có lý do chính đáng mà gây thiệt hại cho đương sự thì phải bồi thường, thậm chí còn có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.
Ông Hồ Quân Chính, Phó phòng Nghiệp vụ 1, Cục THADS TP.HCM
Theo_Dân việt
Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ cựu Chi cục trưởng ra quyết định trái luật
Do vắng mặt những người kháng cáo, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Chi cục trưởng ra quyết định trái luật.
Sáng 4/3, Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao đưa bị cáo Trịnh Ngọc Chung (SN 1959, trú ở phố Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Bị cáo Chung bị truy tố tội "Ra quyết định trái pháp luật".
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra theo kháng cáo của bị cáo Trịnh Ngọc Chung và kháng cáo của 3 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: Hoàng Ngọc Minh, Hoàng Đình Mạnh, Hoàng Thị Thu Hằng.
HĐXX tòa phúc thẩm quyết định hoãn phiên tòa
Tại phần làm thủ tục phiên tòa, sau khi kiểm tra căn cước của bị cáo Chung, xét thấy sự vắng mặt của những người kháng cáo ảnh hưởng đến quá trình tố tụng, đại diện VKS Nhân dân Tối cao cho rằng không đủ điều kiện xét xử nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
VKS cũng cho rằng: "Sự có mặt của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo là cần thiết bởi quyền kháng cáo có thể thay đổi. Hiện 3 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Hoàng Ngọc Minh, Hoàng Đình Mạnh, Hoàng Thị Thu Hằng kháng cáo theo chiều hướng bất lợi cho bị cáo", đại diện VKS nói.
Tại tòa, bị cáo Trịnh Ngọc Chung cho rằng, sự việc đã diễn ra từ lâu, cấp sơ thẩm đã xét xử, nên đề nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa.
Luật sư của bị cáo Chung cũng cho rằng, việc những người kháng cáo vắng mặt tức là từ bỏ quyền lợi nên đề nghị phiên tòa tục.
Sau khi xem xét, HĐXX Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao quyết định hoãn phiên tòa.
Theo bản án sơ thẩm, trong quá trình thực hiện quyết định ủy thác thi hành án của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, Trịnh Ngọc Chung là Chấp hành viên - Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng đã ra Quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐTHA để thực hiện việc giao nhà số 194 phố Huế cho người trúng đấu giá.
Trong quá trình thi hành án, Trịnh Ngọc Chung đã có hàng loạt những vi phạm mang tính cố ý như: Kê biên nhà 194 phố Huế cũng như quá trình bán đấu giá không thông báo cho các đồng sở hữu biết; Nhà 194 chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện để chuyển dịch bất động sản cũng như đang bị phong tỏa theo Thông báo số 02/TB-THA ngày 20/1/2000, hiện nay chưa có quyết định giải tỏa.
Chung đã chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người thi hành án, vận dụng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 không đúng, tự chế ra mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp.
Do đó, đủ căn cứ để xác định Trịnh Ngọc Chung biết rõ quyết định cưỡng chế giao nhà là trái pháp luật.
Kết quả điều tra cũng thể hiện, thiệt hại do quyết định cưỡng chế giao nhà gây nên đối với gia đình ông Hoàng Ngọc Minh (bao gồm chi phí cưỡng chế, thiệt hại do mất thu nhập từ việc cho thuê căn nhà 194, tiền thuê nhà cho các thành viên trong gia đình...) lên tới hơn 6,6 tỷ đồng.
Hành vi của Trịnh Ngọc Chung bị truy tố tội: "Ra quy định trái pháp luật". Tại tòa sơ thẩm, VKS đề nghị, HĐXX tuyên phạt bị cáo Chung mức án từ 5-6 năm tù giam.
HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, mặc dù bị cáo Trịnh Ngọc Chung ý thức được việc làm của mình là không đúng pháp luật, nhưng vẫn thực hiện.
Tuy nhiên, sở dĩ bị cáo ban hành các quyết định trái pháp luật một phần do lỗi của ông Hoàng Ngọc Minh đã không thực hiện đúng quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các bên đương sự của tòa án.
Từ nhận định đó, HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo.
Về số tiền gia đình ông Hoàng Ngọc Minh bị thiệt hại do quyết định trái pháp luật của Trịnh Ngọc Chung gây ra, tòa tuyên bố tách ra thành một vụ án dân sự khác./.
Việt Đức
Theo_VOV
Cựu Chi cục trưởng thi hành án tiếp tục hầu tòa Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, hôm nay (4-3), bị cáo Trịnh Ngọc Chung (SN 1959, trú ở phố Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phải ra hầu tòa lần thứ hai...