Không thể xây đô thị 2 bờ sông Hồng theo kinh nghiệm nước ngoài
“Ven hai bờ sông Hồng là đất bồi, rất yếu. Việc tác động quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy và không an toàn trong việc chống lũ”, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương nói với Zing.vn.
PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng việc khai thác quá triệt để 2 bờ sông Hồng sẽ không an toàn trong chống lũ.
PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng nhiều thành phố đã thực hiện dự án cải tạo đô thị, thiết kế khai thác, phát huy giá trị cảnh quan 2 bên bờ sông trong đô thị.
Tuy nhiên, không thể dựa vào “một vài kinh nghiệm từ nước khác” để áp dụng trên sông Hồng ở Hà Nội.
Không nên khai thác triệt để sông Hồng
- Thưa ông, mấy ngày qua dư luận xôn xao trước thông tin Hà Nội đang xây dựng đồ án quy hoạch hai bờ sông Hồng. Ông đánh giá về dự án này như thế nào?
- Theo dõi qua báo chí tôi thấy rằng Hà Nội chưa đồng ý cho đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia tư vấn quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng.
Thực ra, quy hoạch thành phố ven sông Hồng đã có từ lâu nhưng chưa triển khai. Năm 2016 mới được khởi động trở lại với sự tham gia của các tập đoàn lớn.
Dự án cải tạo đô thị, thiết kế khai thác, phát huy giá trị cảnh quan 2 bên bờ sông là rất tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng việc này trên sông Hồng cũng không phải đơn giản. Về bản chất, chúng ta phải thấy sông Hồng là một con sông lớn và rất dữ.
PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: Văn Chương.
- Giả sử dự án được triển khai, việc xây đô thị 2 bên bờ sông có hợp lý?
- Nếu dự án được triển khai theo tôi cần phải tính toán rất kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật. Rõ ràng sông Hồng là con sông tự nhiên nên phải đảm bảo dòng chảy.
Video đang HOT
&’Chúng ta không thể qua một vài kinh nghiệm thực tế ở các nước để thực hiện ở sông Hồng. Dù Hà Nội có làm gì nhưng mục đích chống lũ vẫn phải được đưa lên hàng đầu’. PGS.TS Nguyễn Vũ Phương nói.
Theo tôi, vị trí đô thị 2 bên bờ sông sẽ rất đẹp, thuận lợi nhưng không nên khai thác một cách triệt để. Chúng ta không thể xây dựng quá nhiều tòa nhà trên đó. Nếu mật độ các công trình quá dày sẽ ảnh hưởng đến nền đất ở khu vực bờ sông dẫn đến không an toàn về vấn đề đê điều.
Bởi đây là những vùng đất bồi rất yếu. Hơn nữa, việc tác động quá nhiều vào 2 bên bờ sông sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy.
Như tôi biết đây chỉ mới dừng lại ở đề án. Trong đề án chắc chắn cơ quan chức năng phải tìm hiểu rất nhiều các dữ liệu về địa chất, thủy văn… Đây là cả một quá trình nghiên cứu dài chứ không phải 1-2 năm là xong.
Hơn nữa, mật độ xây dựng như thế nào, số lượng người dân chuyển đến là bao nhiêu cũng rất quan trọng. Ngoài việc phát triển đô thị cần phải đề phòng các vấn đề liên quan đến thủy lợi. Chúng ta chưa thể lường trước được hậu quả khi tác động vào một cong sông lớn như vậy.
Mục đích chống lũ phải là hàng đầu
- Thưa ông, nhiều nước trên thế giới đã từng áp dụng việc xây dựng thành phố ven 2 bờ sông và trở thành điểm du lịch hấp dẫn?
- Đúng vậy, việc xây dựng đô thị bên cảnh quan 2 bên bờ sông nhiều nước đã từng làm. Nhưng việc tác động này phải tùy vào thực trạng của sông.
Tôi xin nói lại, sông Hồng bản chất là sông lớn, lưu lượng nước lớn và sông rất hung dữ. Cho nên cách tiếp cận đối với sông Hồng phải khác với những các con sông cũng nằm trong đô thị trên thế giới.
Khoảng cách hai bên bờ sông Hồng khá lớn. Chưa có con sông nằm trong đô thị nào mà phải xây cầu hàng km để đi qua như sông Hồng cả. Việc xây dựng thành phố ở 2 bờ sông chỉ nên áp dụng trên những con sông nhỏ.
Ở châu Âu, thành phố Warsaw (thủ đô của Ba Lan) có con sông khá lớn cũng giống như sông Hồng. Có một thời kỳ, họ cũng kè sông để phát triển đô thị. Tuy nhiên đến nay, bờ kè đó đã được tháo dỡ để cho con sông đó tự nhiên trở lại.
Ông Phương nói rằng dù phát triển 2 bờ sông Hồng nhưng mục tiêu chống lũ vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Hoàng Hà.
- Được biết Hà Nội đã yêu cầu các nhà đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu lập quy hoạch 2 bên bờ sông thế giới như sông Hàn ở Hàn Quốc, sông Hoàng Phố, Thiên Tân ở Trung Quốc?
- Tôi cho rằng chúng ta không thể qua một vài kinh nghiệm thực tế ở các nước để thực hiện ở sông Hồng. Tức là việc này nên có nghiên cứu kỹ chứ không phải nước ngoài làm mình cũng làm. Dù chúng ta có làm gì nhưng mục đích chống lũ vẫn phải được đưa lên hàng đầu.
Đối với các nhà đầu tư, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận sau khi thực hiện dự án. Nhưng đứng ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải rất quan tâm đến nhiệm vụ dài hạn. Chúng ta phải nghĩ cho Hà Nội 100 năm, 1.000 năm sau.
Việc tham vấn cho Hà Nội về vấn đề này cần một đội ngũ tư vấn với kiến thức tổng hợp. Bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề như văn hóa, cảnh quan, kiến trúc…
- Vậy theo ông, muốn phát triển 2 bên bờ sông Hồng nên đi theo hướng nào?
- Theo tôi hai bên bờ sông hồng có thể cải tạo thành các khu không gian công cộng để tận dụng 2 bờ sông. Như vậy sẽ tốt hơn. Bởi khi đó không chỉ người dân ở 2 bên bờ sông mà toàn bộ người dân thủ đô có thể đến vui chơi, giải trí, thăm thú cảnh quan.
Về mật độ xây dựng, theo tôi các nhà chuyên môn cần nghiên cứu kỹ từ ban đầu để có định hướng đúng cho các tư vấn.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Zing News
Viện thiết kế Trung Quốc tham gia lập quy hoạch bờ sông Hồng
Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) được mời tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5000 cho đô thị hai bên sông Hồng và đã đi khảo sát thực địa.
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch thành phố về việc cung cấp hồ sơ, số liệu nghiên cứu lập đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng theo đề nghị của nhà đầu tư (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco).
Nhà đầu tư đã mời đối tác Trung Quốc tham gia lập đồ án quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng. Ảnh minh hoạ: Giang Huy.
Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan tập hợp các thông tin, tài liệu phục vụ nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch giao nhà đầu tư để cung cấp cho đơn vị tư vấn nước ngoài.
Trong văn bản gửi thành phố, Geleximco cho biết đơn vị này đã chủ động mời đối tác Trung Quốc tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch cho đô thị hai bên sông Hồng.
Ngày 4/2, Geleximco cùng Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu đã khảo sát thực địa dọc hai bên bờ sông Hồng, làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và đã được Sở bàn giao tài liệu lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000.
Tiếp đó, ngày 1/3, Geleximco và đối tác Trung Quốc đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp, Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu đề nghị được cung cấp số liệu thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn... và các tài liệu liên quan.
Bộ Nông nghiệp đã hướng dẫn Geleximco liên hệ với UBND thành phố Hà Nội có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài nguyên để được cung cấp các số liệu trên.
Trước đó, ngày 12/1, UBND TP Hà Nội có thông báo giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì tập hợp toàn bộ thông tin phục vụ nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu việc quy hoạch phải theo hướng đảm bảo phòng chống lũ, tạo lập một đô thị hiện đại, khai thác hiệu quả quỹ đất, ưu tiên tái định cư tại chỗ, phát triển giao thông vận tải và du lịch đường sông.
Việc nghiên cứu quy hoạch được phân làm 2 giai đoạn: Giai đoạn một là lập quy hoạch hai bên sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Giai đoạn 2 là quy hoạch 2 bên sông Hồng đoạn còn lại trên địa bàn thành phố.
Các nhà đầu tư có thể mời thêm nhiều đơn vị tư vấn thiết kế tham gia nghiên cứu lập nhiều phương án quy hoạch để lựa chọn được phương án khả thi nhất. Việc xem xét, lựa chọn ý tưởng thiết kế được thực hiện trước ngày 30/3.
Trao đổi với báo chí sáng 20/3, Chi cục đê điều thành phố Hà Nội xác nhận Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu đã vào làm việc và đề nghị cung cấp tài liệu. Chi cục đã cung cấp cho đơn vị của Trung Quốc các tài liệu: Nghị quyết số 17 năm 2009 của HĐND TP Hà Nội về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ chi tiết; Nghị quyết số 21 của HĐND TP Hà Nội năm 2013 về quy hoạch đê điều trên địa bàn Hà Nội; Quyết định 257 (năm 2016) của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Võ Hải
Theo VNE
Từ thất nghiệp thành ông chủ mây tre đan Nhờ nỗ lực của bản thân anh Tiến, đơn đặt hàng ngày càng tăng lên. Anh Tiến lại vay mượn thêm để mở rộng sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề cho bà con và đưa vào làm việc tại cơ sở. Hàng năm cơ sở sản xuất trên 5.000-6.000 sản phẩn các loại, doanh thu đạt 1,8 tỷ đồng. Xuất ngũ, anh...