“Không thể chỉ dựa vào siêu âm để đình chỉ thai”
TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản TƯ chia sẻ với phóng viên Dân trí về việc hai bé sơ sinh ở Gia Lai và Kon Tum được cho rằng “ chết oan” vì siêu âm phát hiện dị tật nhưng khi kích sinh non, hình thái hai em bé đều bình thường.
TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản T.Ư. Ảnh: H.Hải
Thưa ông, liên tiếp trong thời gian gần đây, hai em bé sơ sinh đã vượt qua 28 tuần tuổi nhưng gia đình đi phá thai vì hình ảnh siêu âm phát hiện dị tật. Tuy nhiên khi sinh ra, hình thái em bé đều bình thường, bé nào cũng tự thở được sau một thời gian thì tử vong. Ông đánh giá như thế nào về hai trường hợp này?
Trước hết, cần phải nói siêu là một phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng cho kết quả khá chính xác. Nhất là khi siêu âm màu 4D ở các tuần thai 12 – 13tuần, 22 tuần và 32 tuần thì rất có hiệu quả phát hiện các dị dạng bất thường hình thái.
Nhưng để quyết định đình chỉ thai nghén một trường hợp, thì không thể chỉ dựa vào siêu âm. Lúc này, siêu âm chỉ có giá trị gợi ý. Bác sĩ phải tiến hành một loạt các xét nghiệm khác mới khẳng định được em bé có dị tật hay không để ra quyết định đình chỉ thai nghén.
Riêng tại bệnh viện chúng tôi, khi xác định những dị tật bất thường, chúng tôi có rất nhiều biện pháp để xác định bất thường thai nhi. Từ siêu âm gợi ý, làm xét nghiệm, nếu có nguy cơ cao với hội chứng sắc thể thì tư vấn người bệnh chọc ối để khẳng định bất thường hay không. Sau đó thông báo với bệnh nhân và sếp vào lịch hội chẩn hàng tuần.
Với những thai to trên 22 tuần do dị tật (luật pháp cho phép phá thai dưới 22 tuần), phải được sự thông qua của một Hội đồng chẩn đoán trước sinh. Hội đồng này gồm các chuyên gia về nhi khoa, phẫu thuật nhi khoa, chuyên gia về di truyền học, chuyên gia về tâm lý… cùng hội chẩn. Khi cả Hội đồng khẳng định đứa trẻ này khi sinh ra không thể sống được, hoặc sống với những dị tật nặng nề thì BGĐ mới chỉ định cho phá thai và thông báo cho gia đình, tư vấn kỹ càng cho gia đình sản phụ về các nguy cơ, thậm chí cả việc đứa trẻ sinh ra có thể sống được và việc quyết định có phá thai hay không hoàn toàn là do sản phụ quyết định.
Với hai trường hợp này, khi siêu âm đều phát hiện những dị tật bất thường nhưng khi sinh ra, hai bé đều có hình thể bình thường như các trẻ khác và hai bé đều sống trong một thời gian ngắn mới trút hơi thở cuối cùng. Xin ông giải thích về điều này?
Sinh ra một em bé khỏe mạnh là niềm hạnh phúc vô bờ của các bà mẹ. Ảnh: H.Hải
Video đang HOT
Như tôi đã nói, khi đã phát hiện dị tật ở thai to trên 22 tuần và đã có chỉ định phá thai, bác sĩ phải tư vấn kỹ cho sản phụ các nguy cơ, thậm chí cả việc đứa trẻ khi sinh ra có thể sống được. Như hai trường hợp này, hai bé khi sinh ra đều sống được một thời gian ngắn rồi mới tử vong.
Nhưng cũng cần nói rõ, với những dị tật bên ngoài có thể nhìn thấy, còn những dị tật bên trong đôi khi không biểu hiện qua hình thái bên ngoài. Có nhiều đứa trẻ sinh ra hình thái bình thường nhưng có dị tật bên trong. Còn người dân chỉ nhìn thấy hình thái bên ngoài của đứa trẻ.
Ví như đứa trẻ có bất thường thể trai, có bệnh lý tim mạch bẩm sinh, bệnh rối loạn chuyển hóa hay như cháu bé ở Kon Tum vừa rồi, sau sinh đi siêu âm thấy tràng dịch màng bụng, không có bàng quang… dù hình thể bên ngoài các cháu hoàn toàn bình thường. Vì thế, không thể nói một đứa trẻ sinh ra với hình thái bình thường thì không có dị tật bên trong.
Với trường hợp thai 33 tuần tuổi ở Kon Tum, bác sĩ chỉ dựa vào siêu âm để khuyên người bệnh đình chỉ thai, đó có phải là một sai xót trong chẩn đoán, thưa ông?
Rất khó để trả lời câu hỏi này vì chúng tôi không làm trực tiếp ca bệnh, không có bằng chứng siêu âm. Tôi không khẳng định được trường hợp này bởi không phải là bác sĩ trực tiếp tham gia ca bệnh.
Về nguyên tắc, để đình chỉ những trường hợp thai to này, bệnh viện phải tư vấn cho bệnh nhân, hội chẩn rộng rãi, mời các chuyên khoa. Nhưng cũng phải nhìn nhận vào tình hình thực tế, có những nơi khó khăn chưa đủ bác sĩ, chưa đủ phương tiện để chẩn đoán.
Vậy với một trường hợp bình thường chẩn đoán không có dị tật, sinh non ở tuần thai tương tự, em bé nặng trên 2kg thì khả năng em bé sống sót có cao không, thưa ông?
Thực ra tùy từng hoàn cảnh bệnh nhân. Xét về đứa trẻ 2,6kg, đã 33 tuần khi sinh ra tại sao bé chết? Phải xem xét xem có bất thường không. Bởi về lô-gic, với một trẻ sinh ra khi trên 30 tuần, cân nặng khoảng 2kg là có thể sống được. Viện tôi đã từng nuôi sống hai trẻ sinh ở tuần 26 chỉ nặng 500 gram.
Theo ông, có cách nào để khẳng định hai em bé này liệu có mắc các dị tật như trong hình ảnh siêu âm mà bác sĩ chẩn đoán?
Tôi cho rằng, với những trường hợp này, phải có giám định pháp y mới có thể góp phần chẩn đoán để trả lời được những thắc mắc của gia đình người bệnh. Bởi chỉ có giải phẫu bệnh mới có thể khẳng định các bé có dị tật bẩm sinh hay không.
Ông có lời khuyên gì với các thai phụ khi bác sĩ phát hiện dị tật qua siêu âm?
Thai phụ nên đi khám thai, siêu âm đúng lịch hẹn của bác sĩ bởi các “mốc” siêu âm rất quan trọng với việc chẩn đoán phát hiện dị tật thai nhi. Còn khi phát hiện có những nghi ngờ về dị tật thai nhi trên hình ảnh siêu âm, không nên vội vã quyết định mà cần phải bình tĩnh đến viện khám để được tiến hành siêu âm lại, làm các xét nghiệm cần thiết. Khi Hội đồng chẩn đoán trước sinh thống nhất đình chỉ thai nghén thì mới nên quyết định. Bởi đây đều là những chuyên gia đầu ngành, đã cùng thảo luận về những nguy cơ dị tật (dựa trên kết quả siêu âm và các xét nghiệm) cho thấy, em bé sinh ra khả năng sống rất thấp, hoặc sống mà mang những dị tật nặng nề ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, thể chất của bé.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hải
Theo Dân trí
Bỏ thai không thể dựa vào siêu âm
Câu chuyện em bé 28 tuần tuổi chết oan do người mẹ quyết định phá thai vì lo dị tật vừa qua đang làm dấy lên nghi ngại về những sai sót trong chẩn đoán trước sinh gây kết cục đau lòng không thể sửa chữa.
Phải làm nhiều xét nghiệm khác nhau
Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Lan, phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh - Bệnh viện Phụ sản trung ương, cho hay những dị tật bên ngoài có thể nhìn thấy ngay bằng mắt thường, nhưng nhiều dị tật liên quan đến các cơ quan bên trong như tim, phổi, não, thận... kể cả bác sĩ có kinh nghiệm cũng không thể xác định khi chỉ nhìn sơ qua bên ngoài.
"Tương lai, Việt Nam nên có những can thiệp trước khi đình chỉ thai quá lớn như các nước, để tránh những tình huống bất đắc dĩ gây ám ảnh lâu dài cho cả bác sĩ và gia đình" Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương
Theo bác sĩ Lan, hội chứng Down là dị tật được tư vấn đình chỉ thai kỳ, nhưng nếu chỉ căn cứ vào vẻ bề ngoài của bé sơ sinh sẽ không thể có sự đối chiếu chính xác. Chẩn đoán xác định thai bị Down hay không phải dựa vào xét nghiệm di truyền. "Nếu khẳng định thai bị Down qua kết quả của siêu âm thai, của xét nghiệm sàng lọc ở máu thai phụ là sai, mà kết quả của siêu âm thai và sàng lọc ở huyết thanh mẹ chỉ để tìm nguy cơ cho thai Down là cao hay thấp, từ đó đưa ra lời tư vấn cho thai phụ. Đối với trường hợp thai có nguy cơ cao cho hội chứng Down thì tư vấn cho thai phụ nên xét nghiệm di truyền để chẩn đoán chính xác thai có phải bị Down hay không" - bác sĩ Lan nói.
Siêu âm kiểm soát định kỳ cho thai phụ - Ảnh: N.C.T.
Nhiều người quan niệm chẩn đoán trước sinh chỉ nằm ở việc siêu âm nên dẫn đến quyết định đình chỉ vội vàng. Nếu chỉ siêu âm thấy độ mờ da gáy cao (dấu hiệu chỉ điểm có thể bất thường về di truyền) thì bỏ thai có thể gây phá thai nhầm. "Tại bệnh viện có trường hợp siêu âm độ mờ da gáy lớn hơn 4mm, nhưng kết quả chọc ối bình thường, sản phụ sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh, không hề mắc Down" - bác sĩ Lan cho hay.
Tuy nhiên, ngay cả với dị tật này, các bác sĩ cũng chỉ dừng lại ở mức tư vấn, quyền quyết định cuối cùng luôn thuộc về gia đình. Thực tế ở Nhật Bản, trẻ bị Down được sinh ra không ít vì người ta không đình chỉ. Song điều không thể phủ nhận là trẻ bệnh Down khi lớn lên sẽ bị thiểu năng trí tuệ từ mức độ trung bình cho đến nặng. Tư vấn đình chỉ thai các dị tật luôn được thông qua hội đồng chuyên gia nhiều chuyên ngành, chứ không bác sĩ nào có quyền ra quyết định đơn lẻ.
Ngay khi phát hiện dị tật qua chẩn đoán trước sinh, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng tư vấn đình chỉ thai kỳ. "Những dị tật như sứt môi đơn lẻ, hở hàm ếch nhỏ, hoặc những dị tật tim, hẹp thực quản... không liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể, có thể khôi phục sau sinh nhờ phẫu thuật, bác sĩ sẽ tư vấn gia đình hướng đến việc giữ bé lại để chữa trị những khiếm khuyết sau khi em bé chào đời" - bác sĩ Lan cho biết.
Việc tư vấn được đưa ra không chỉ dựa trên bệnh lý thực thể mà còn phụ thuộc vào điều kiện gia đình. Có những dị tật tim bẩm sinh có thể chữa trị được sau khi em bé chào đời, nhiều gia đình muốn giữ lại. Song cùng dị tật ấy, nhiều sản phụ lại gạt nước mắt ngậm ngùi xin đình chỉ thai vì gia cảnh quá nghèo, không đủ lo cho những cuộc phẫu thuật sắp tới của đứa bé.
Ám ảnh phá thai trên 23 tuần
Đó là tâm sự của bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản trung ương - khi nói về việc đình chỉ thai khi dị tật được phát hiện muộn.
Theo quy định của Bộ Y tế, việc phá thai chỉ được thực hiện ở tuần thai 22 trở xuống. Song nhiều dị tật phải rất muộn mới phát hiện được, hoặc nhiều thai phụ không tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm, lúc đến cơ sở y tế phát hiện những bất thường thai sản thì thai đã quá to. Khi đình chỉ thai 23 tuần trở lên, bất luận vì lý do nào, ngoài sự tự nguyện của sản phụ còn phải được sự cân nhắc, chấp thuận từ ban giám đốc bệnh viện. Nhiều trường hợp thai gặp bất thường đặc biệt về cấu trúc tim, não, tràn dịch màng phổi buộc phải chỉ định đình chỉ thai muộn.
Siêu âm không thể phát hiện hết dị tật thai nhi. (Ảnh minh họa)
"Thai dưới 22 tuần, nếu phá thai thì kiểu gì bé cũng không sống nổi vì thai nhỏ, cao nhất cũng chỉ 300-400 gam. Với thai 23-30 tuần buộc phải đình chỉ, tỉ lệ sống rất ít, nhưng nếu chức năng sống của đứa trẻ bền bỉ thì bác sĩ sẽ bị ám ảnh rất lâu dài" - bác sĩ Minh chia sẻ.
Có những trường hợp đình chỉ thai, em bé ra đời vẫn sống, bác sĩ không cách nào khác lại cắt rốn chuyển khoa sơ sinh dù biết đứa bé đó không thể sống thêm bao lâu. "Đứa bé mang dị tật, bố mẹ bé đã tự nguyện bỏ thai, nhưng bé ra đời khi phá thai quá to vẫn sống theo cách bất đắc dĩ đó làm sao không ám ảnh cho được! Ở các nước, khi có quyết định đình chỉ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc để thai mất ngay trong bụng mẹ. Trong khi các quy định pháp lý hiện hành, quy định của Bộ Y tế Việt Nam không cho phép nên vẫn gặp không ít trường hợp đứa trẻ sinh ra sau quyết định đình chỉ thai sống lay lắt, rất thương tâm" - bác sĩ Minh nói.
"Khoảng trống" mà các quy định hiện hành chưa đủ lấp đầy này đã dẫn đến những tình huống đau lòng, thậm chí gây cảm giác nhẫn tâm khi đã có đứa trẻ bị ép đẻ non bằng cuộc chuyển dạ nhân tạo, rồi lại bị bỏ đi trong tình trạng "vẫn thở".
Trường hợp nào nên cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ? Thông thường, việc tư vấn chấm dứt thai kỳ được đưa ra khi thai nhi gặp bất thường về di truyền (như hội chứng Down, bất thường nhiễm sắc thể 13, 18) vì trẻ nhiễm dị tật này sẽ không tự chăm sóc được bản thân, không thể học tập, không biểu hiện được tình cảm, tuổi thọ cũng rất ngắn thai có bất thường ở não (như não úng thủy thể nặng, bất thường cấu trúc của não, vô sọ) thai bị rối loạn nhiễm sắc thể kết hợp với bệnh tim mạch...
Theo Ngọc Hà (Tuổi trẻ)
Đâm chết vợ đang mang thai chỉ sau đám cưới một tuần Một gã chồng vô nhân tính ở phía tây tiểu bang Arkansas, Mỹ, đã đâm chết người vợ mới cưới của mình chỉ sau đám cưới có một tuần, dù người vợ này đang mang thai 7 tháng. Người chồng độc ác và những nhát dao chí mạng Ngày 15-5 vừa qua, tại một sở cảnh sát địa phương của Arkansas có một...