Không thể bổ nhiệm nhân viên nhà trường làm hiệu trưởng được
Chuyện chuyển ngạch của nhân viên sang ngạch viên chức như giáo viên và trở thành lãnh đạo nhà trường có lẽ không phù hợp và chắc chắn điều này khó xảy ra.
Những ngày qua, trên Giáo dục Việt Nam đã có một loạt bài viết phản ánh về đội ngũ nhân viên trường học của tác giả Bùi Nam và nhận được sự quan tâm, đồng tình của bạn đọc- đặc biệt là đội ngũ nhân viên của các nhà trường.
Bởi, họ cũng là những người cùng công tác trong một đơn vị với đội ngũ nhà giáo nhưng chính sách tiền lương, chế độ làm việc lại hoàn toàn khác nhau.
Điều đặc biệt là ngày 21/4/2020, tác giả Bùi Nam lại tiếp tục có bài viết: Tại sao lại không thể bổ nhiệm nhân viên trường học làm hiệu trưởng? đã tạo ra một góc nhìn mới đáng suy ngẫm nhưng có lẽ đề xuất này không phù hợp với môi trường rất đặc thù – đó là trường học hiện nay.
Nhân viên nhà trường hiện đang xếp ngạch khác với giáo viên – (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)
Khi đọc những bài viết đề cập về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên trường học, chúng tôi cũng đồng cảm sâu sắc với tác giả Bùi Nam và hàng trăm phản hồi của bạn đọc sau mỗi bài viết. Vì thế, những vấn đề này chúng tôi không bàn luận thêm nữa.
Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là tác giả Bùi Nam đề xuất để những nhân viên trường học có thể đảm nhận các công việc quản lý nhà trường. Liệu đề xuất này có phù hợp với tình hình thực tế hiện nay hay không?
Chúng tôi cho rằng đây là một đề xuất táo bạo nhưng chưa phù hợp với những quy định hiện hành, cũng như đề xuất này khó phù hợp với môi trường giáo dục Việt Nam hiện nay bởi các lý do sau.
Thứ nhất: trường học lấy hoạt động giáo dục làm trọng tâm, nơi đây chủ yếu có 2 hoạt động chính là giảng dạy của giáo viên và học tập của học trò. Hơn nữa, trường học cũng là nơi phải quản lý số lượng con người thường rất nhiều. Trường ít thì cũng có hàng trăm giáo viên, học sinh. Trường nhiều có thể lên đến vài ngàn con người.
Người quản lý giáo dục được đào tạo trong trường sư phạm không chỉ có chuyên môn về giáo dục mà họ được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, về tâm lý lứa tuổi để điều hành, ứng xử, giải quyết những phát sinh trong trường học một cách nhân văn nhất.
Những nhân viên trong trường học cho dù họ rất giỏi nhưng vì chỉ được đào tạo một chuyên ngành hẹp, dù làm việc trong môi trường giáo dục nhưng họ không có nghiệp vụ sư phạm, không có chuyên môn về chuyên ngành sư phạm nên rất khó để quản lý một đơn vị giáo dục.
Thứ hai: các văn bản hướng dẫn về quy trình bổ nhiệm, tiêu chuẩn để trở thành một lãnh đạo, quản lý nhà trường hiện nay có rất nhiều nhưng tuyệt đối không có văn bản nào hướng dẫn, quy định nhân viên trường học có thể cơ cấu vào các vị trí lãnh đạo của nhà trường.Vì thế, chúng ta thấy những người xuất phát được đào tạo từ trường sư phạm có thể làm quản lý ở các ngành nghề khác nhưng đối với những người ở ngành nghề khác lại rất hiếm đảm nhận việc quản lý giáo dục.
Chẳng hạn, tại điều 18 của Điều lệ Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Trường phổ thổng thông có nhiều cấp học, ban hành kèm theo Thông tư số12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã quy định Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phải có các tiêu chuẩn sau:
Video đang HOT
a) Về trình độ đào tạo và thời gian công tác: phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.
b) Hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Phó Hiệu trưởng phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học tương ứng và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công.
Như vậy, để trở thành một nhà quản lý giáo dục thì trước hết người đó phải là một nhà giáo trước đã. Họ phải đạt chuẩn trình độ đào tạo và như quy định hiện nay thì giáo viên cấp Mầm non là cao đẳng sư phạm và từ Tiểu học trở lên thì giáo viên phải có chuẩn đại học sư phạm hoặc tương đương.
Thứ ba: việc cơ cấu, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý nhà trường là nhà giáo sẽ dễ dàng trong việc phát triển giáo dục của nhà trường. Dù họ chỉ được đào tạo 1-2 chuyên ngành nhưng dù sao thì các ngành học cũng ríc rắc với nhau. Việc đưa ra các kế hoạch để phát triển nhà trường, chỉ đạo chuyên môn, dự giờ đồng nghiệp… sẽ thuận lợi.Ngoài ra, những người khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng nhà trường còn phải qua lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục và phải có trình độ chính trị nhất định (hiện nay là trung cấp chính trị).
Chẳng lẽ nhân viên nhà trường làm lãnh đạo mà lại không đi dự giờ- mà đi dự giờ thì biết gì về chuyên môn mà góp ý và khi họ chỉ đạo về chuyên môn thì giáo viên họ cũng không nghe.
Thứ tư: ngạch nhân viên nhà trường khác với ngạch giáo viên. Về trình độ của nhân viên hiện nay ở các trường phổ thông chỉ quy định từ trung cấp và rất ít người hiện đang là nhân viên ở các trường phổ thông có trình độ đại học, nhất là từ cấp Trung học cơ sở trở xuống- đó là một thực tế.
Vậy nên, cho dù cơ chế cho bổ nhiệm hiệu trưởng thì có lẽ nhân viên nhà trường cũng không dám cáng đáng công việc này.
Từ những lý do như đã nêu ở trên, chúng tôi cho rằng đội ngũ nhân viên trường học vẫn ở ngạch như hiện nay là hợp lý. Nếu được, các cơ quan chức năng có thể quan tâm đến chế độ tiền lương, phụ cấp để họ có thể có thêm thu nhập hàng tháng nhằm giúp họ yên tâm công tác.
Còn chuyện chuyển ngạch của nhân viên sang ngạch viên chức như giáo viên và trở thành lãnh đạo nhà trường có lẽ không phù hợp và chắc chắn điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tai-sao-lai-khong-the-bo-nhiem-nhan-vien-truong-hoc-lam-hieu-truong-post208759.gd
//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-12-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-pho-thong-va-truong-120867.aspx
//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx
KIM OANH
Ngày Tết, giáo viên chúng tôi không phải tặng quà cho lãnh đạo nhà trường
Những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở đây cũng không có khái niệm nhận quà tặng của giáo viên. Vì thực tế, có giáo viên nào đến tặng quà đâu mà lãnh đạo nhận.
Ngày mới ra trường, tôi xin vào dạy hợp đồng ở trường phổ thông ở một tỉnh phía Bắc. Lúc ấy, vì là "lính mới" mà thấy giáo viên cũ trong trường đều tặng quà cho lãnh đạo nhà trường nên bắt buộc chúng tôi phải theo.
Đồng lương của giáo viên hợp đồng chẳng đáng bao nhiêu nhưng rồi cũng phải theo nhiều giáo viên trong trường đến nhà lãnh đạo nhà trường tặng quà Tết. Không chỉ Tết Nguyên đán mà ngày 20/11 giáo viên vẫn tặng quà cho lãnh đạo nhà trường như đã là một thông lệ.
Nơi chúng tôi công tác rất hiếm chuyện giáo viên đi biếu quà Tết cho lãnh đạo nhà trường. (Ảnh minh họa: Baophapluat.vn)
"Văn hóa tặng quà Tết"mỗi nơi mỗi khác
Nhớ lại những ngày đó, chúng tôi cùng nhiều anh em trong đơn vị đến nhà hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tặng quà mà thấy chạnh buồn. Đến nhà Ban giám hiệu thấy họ chẳng thiếu thứ gì vào dịp Tết.
Vậy mà, giáo viên trong trường vẫn lần lượt đến nhà lãnh đạo để tặng quà. Những hương vị ngày Tết của nhà lãnh đạo trường mình cái gì cũng có rất đầy đủ.
Từ đặc sản quê hương đến đặc sản của các địa phương khác được nhiều người đem đến biếu lãnh đạo nhà trường. Nào rượu cần, nào thịt đặc sản, bánh kẹo ngon, tranh ảnh đẹp và không quên những bao lì xì cho con hoặc cháu của lãnh đạo nhà trường.
Ngày 20/11 khi ấy, mỗi giáo viên được nhà trường phát quà mấy chục ngàn đồng. Thế nhưng, đa phần giáo viên chỉ ký tên, nhận, rồi sau đó lại phải góp thêm một ít nữa để cùng hùn với nhau vào phong bì làm quà tặng cho lãnh đạo nhà trường.
Những lãnh đạo nhà trường của chúng tôi ngày ấy cũng nhận quà một cách thản nhiên như đó là chuyện phải làm của giáo viên.
Lúc ấy, những lý thuyết sách vở của một sinh viên vừa rời giảng đường đại học bỗng tan biến hết trong tôi bởi những bài học từ cuộc sống hàng ngày đã dạy cho tôi những điều thực tế hơn những trang sách của nhà trường.
Sau này, khi vào Nam dạy học thì chúng tôi lại thấy một hình ảnh hoàn toàn ngược lại trong ngày Tết. Đa phần giáo viên trong trường không đến nhà lãnh đạo của mình trong dịp lễ, tết.
Tết Nguyên đán cũng không có chuyện giáo viên đi tặng quà cho lãnh đạo nhà trường. Tình trạng giáo viên đến nhà các thành viên Ban giám hiệu để tặng quà rất hiếm xảy ra.
Hiệu trưởng và giáo viên trong trường thường bình đẳng với nhau trong mọi công việc và khái niệm tặng quà cho lãnh đạo gần như không tồn tại trong đầu của giáo viên nhiều trường học ở các tỉnh phía Nam vào những khi Tết đến, Xuân về.
Hàng chục năm đi dạy, trường chúng tôi cũng có một số lần thay đổi Ban giám hiệu nhưng đa phần giáo viên chưa biết nhà hiệu trưởng nằm ở đâu- dù cho vị hiệu trưởng hiện tại đã làm gần hết 2 nhiệm kỳ tại trường.
Và, có lẽ những hiệu trưởng, hiệu phó ở đây cũng không có khái niệm nhận quà tặng của giáo viên. Vì thực tế, có giáo viên nào đến tặng quà đâu mà lãnh đạo nhận. Chính vì giáo viên không tặng quà, lãnh đạo nhà trường không nhận quà nên môi trường giáo dục bình đẳng, không bị vẩn đục.
Đừng làm cho bức tranh giáo dục thêm xấu xí
Thực tế, việc quý nhau và tặng nhau một món quà nhỏ trong các dịp Tết của người Việt mình đã có từ xưa. Nhưng, trong môi trường giáo dục mà ở đâu có chuyện đa phần giáo viên đến tặng quà cho Ban giám hiệu nhà trường lại là chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm.
Trường nào mà các thành viên Ban giám hiệu nhà trường mà được cấp dưới tặng quà nhiều trong dịp lễ, tết là môi trường làm việc rất phức tạp. Bởi, ở đó sẽ có nhiều người nịnh bợ, tâng bốc lẫn nhau, đố kỵ nhau nhiều.
Càng ít tặng quà cho lãnh đạo nhà trường thì môi trường làm việc càng dễ dàng và có sự tôn trọng lẫn nhau, không lệ thuộc vào nhau và đương nhiên là chuyện đúng hay sai trong quá trình công tác sẽ rạch ròi hơn, dễ xử lý hơn.
Gần Tết Nguyên đán, chúng ta lại thấy một số Sở Giáo dục ra văn bản cấm cấp dưới đi chúc Tết, tặng quà lãnh đạo ngành mà thấy chạnh buồn. Tại sao phải cấm và cấm như vậy có triệt để được không? Lãnh đạo ra văn bản cấm có nhận quà của cấp dưới mình không?
Cấp dưới có tặng quà lãnh đạo không? Cấp dưới không tặng quà thì có bị sao không? Rất khó có những câu trả lời chính xác. Người Việt mình trọng nghĩa tình nên khi đi tặng quà cho một ai đó thì người ta thường tìm lý do để tặng và đương nhiên lãnh đạo cũng không bao giờ khước từ.
Môi trường giáo dục cần trong sạch, sáng trong mới có thể đào tạo ra những con người liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt. Vì thế, muốn môi trường giáo dục lành mạnh thì phải bắt đầu từ những lãnh đạo của ngành từ hiệu trưởng trở lên.
Đừng để "văn hóa tặng quà" tồn tại một cách hiển nhiên làm khổ cho giáo viên và làm vẩn đục môi trường giáo dục bởi mỗi khi Tết đến chúng ta lại nghe đến chuyện tặng quà cho lãnh đạo của trường, của ngành mà không thể không buồn.
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net.vn
Các trường phổ thông có cần nhân viên văn thư lưu trữ không? Phần lớn, văn thư ở nhiều trường học hiện nay không làm đúng công việc của mình mà thường làm tất cả những công việc gì mà Ban giám hiệu phân công, nhờ vả. Theo Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT Thông tư Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo...