Không tăng giá điện trong năm 2016, vì sao?
Nguy cơ lạm phát tăng cao nên Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất không tăng giá điện trong năm 2016
Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 1-2.6.
Về kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị từ nay đến cuối năm không tăng giá điện, giá phí giao thông đường bộ. Các bộ, ngành liên quan cần xây dựng phương án điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phù hợp, không để tác động mạnh tới giá cả thị trường trong nước, gây áp lực lên lạm phát.
Từ đầu năm tới nay, Tập đoàn điện lực Việt Nam ( EVN) cũng liên tục khẳng định: Dù năm 2016 dự báo có nhiều khó khăn nhưng hiện nay, EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016.
Ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2016 là năm EVN dự báo gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và kéo dài nhất trong 60 năm qua, gây thiếu nước ở hầu hết các hồ chứa thủy điện.
Dù EVN đã chủ động tích nước từ rất sớm, song tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường đến nay vào khoảng 6,5 tỷ m3 nước. Bên cạnh đó, EVN phải đảm bảo cấp nước cho hạ du phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng cấp nước để phục vụ cho gieo cấy vụ đông xuân 2015 – 2016 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, EVN đã phải xả khoảng 5,16 tỷ m3 nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà.
Mặc dù vậy, EVN cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên bằng mọi biện pháp khắc phục.
“Hiện các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. Với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước, EVN thấy cần có trách nhiệm phải góp phần giữ ổn định nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo đất nước phát triển và ổn định cuộc sống người dân”-ông Đinh Quang Tri nói.
Hiện hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, tăng-giảm theo biến động khách quan của thông số đầu vào của tất cả khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Video đang HOT
Theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg hiện hành thì EVN được phép tăng giá bán điện trong khoảng 7-10%, trên 10% mới phải trình Thủ tướng Chính phủ và 6 tháng mới được tăng giá điện một lần.
Vừa qua, giá điện bán buôn của EVN cho 5 Tổng công ty điện lực đã được điều chỉnh tăng song sẽ không ảnh hưởng và làm tăng giá bán lẻ điện trong năm nay, lãnh đạo EVN tiếp tục khẳng định.
Quy định gần nhất trong dự thảo quyết định về cơ chế điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương mới đặt ra, giá điện tới đây có thể tăng 3 tháng một lần thay vì 6 tháng mới được tăng như quy định hiện hành. Dự thảo này cũng cho phép EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện trong khoảng 3-5% và chỉ cần báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra. Chỉ khi tăng giá điện trên 5% mới phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Hồi cuối năm 2015, tại cuộc họp báo cuối năm của Bộ Kế hoạch và đầu tư, bà Đỗ Thị Ngọc – Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, nhiều khả năng, giá điện sẽ được Chính phủ cân nhắc, tính toán để điều chỉnh tăng trong năm 2016.
Lãnh đạo ngành Công Thương khi đó cũng nhìn nhận: Giá điện không tăng tiếp trong cuối năm 2015 nhưng áp lực tăng giá điện năm 2016 dự báo là có.
Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam thì nhận định, với các khoản lãi vay được tính vào giá điện cùng với các khoản lỗ do tỷ giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà các tập đoàn điện, than, khí kêu lỗ và kiến nghị tính vào giá điện, có thể người dân sẽ phải chịu cảnh giá điện tăng lên đáng kể năm 2016.
Ông Trần Viết Ngãi cũng đưa quan điểm: “Tăng giá điện thì cần quan tâm đến tâm lý người dân, mỗi lần nghe tăng giá điện là rất sợ. Hơn nữa, giá điện tăng, yếu tố tác động tâm lý khiến một số mặt hàng khác có thể tăng giá cũng cần tính tới. Vì vậy, có thể một năm tăng chỉ một lần nhưng tăng 6-7% cũng được, thay vì tăng hai lần, mỗi lần 3%, nghe phản cảm”.
Từ năm 2009 đến nay giá điện đã điều chỉnh tăng 8 lần, năm nào cũng tăng ít nhất 1 lần, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần; mức tăng mỗi lần là 5%. Riêng ngày 1.3.2011 tăng 15,28% so với năm 2010. Và theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (ngày 16.3.2015) giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Theo Danviet
Điện sẽ đồng giá 1.747 đồng/kWh?
Theo đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện bậc thang do EVN soạn thảo, giá điện sinh hoạt có thể áp dụng cách tính đồng giá hoặc giảm xuống 3-4 bậc thang. Trong đó, giá đồng nhất là 1.747 đồng/kWh.
Sau khi có nhiều phản hồi của dư luận về giá điện bậc thang lũy tiến và theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã nghiên cứu thêm 2 phương án xây dựng biểu giá điện sinh hoạt mới.
Ở phương án thứ nhất, EVN đề xuất áp dụng giá điện đồng giá ở mức 1.747 đồng/kWh, chính là mức giá điện bình quân của biểu giá sinh hoạt hiện nay.
Với phương án này, người dân sẽ không còn phải trả tiền điện theo kiểu luỹ tiến, càng dùng nhiều điện càng phải chịu đơn giá cao. Từ số điện thứ nhất trở đi,người dân sẽ được tính giá điện theo một mức duy nhất, giống như mọi hàng hoá bình thường khác như xăng dầu, nước...
Nếu vậy, cách tính giá điện này cũng sẽ chấm dứt tình trạng bù lỗ giá điện ở 50kWh đầu cho người nghèo. Theo đó, với những hộ dân sử dụng từ 200 kWh trở xuống thì sẽ phải chịu mức giá tiền điện cao hơn, do các mức đơn giá ở khoảng này là thấp hơn mức trên. 50kWh đầu hiện có giá 1.484 đồng/kWh, 100kWh/tháng có giá 1.533 đồng/kWh và 200kWh/tháng thì trả mức 1.786 đồng/kWh.
Với những hộ dân dùng trên 200 kWh thì sẽ được lợi nhờ đơn giá điện giảm xuống. Hiện, mức giá từ 201- 300kWh/tháng có đơn giá là 2.242 đồng/kWh, từ 301 đến 400kWh có đơn giá là 2.503 đồng/kWh và trên 400kWh có đơn giá là 1.587 đồng/kWh.
Phương án thay đổi thứ 2, EVN đề xuất giảm số bậc thang hiện hành từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc nhưng vẫn đảm bảo mức giá sinh hoạt bình quân là 1.747 đồng/kWh.
Tuy nhiên, phương án thứ 2 này có tới 5 kịch bản rất chi tiết.
Cụ thể, 4 kịch bản đầu, giá điện sinh hoạt chỉ chia 3 bậc thang. Kịch bản thứ 5, giá điện sinh hoạt được chia thành 4 bậc thang. Cùng đó, ở 3 kịch bản, bậc cuối cùng tính từ 300kWh trở lên, 2 kịch bản cuối cùng tính bậc cuối từ 400kWh trở lên như hiện nay. Giá điện tăng luỹ tiến theo nguyên tắc dùng nhiều, giá điện càng cao.
Trong đó,ở kịch bản thứ nhất, bậc 1 vẫn là 50 kWh có giá thấp nhất là 1.484 đồng/kWh. Bậc 2 giãn gia với khoảng cách từ trên 50kwh đến 250 kWh có giá 1.763 đ/kWh. Từ Bậc 3 trên 300 kWh có giá 2.557 đồng/kWh.
Theo kịch bản 2, bậc 1 là 100 kWh đầu có giá 1.501 đ/kWh. Bậc 2 là tới 200 kWh có giá 1.907 đ/kWh; Bậc 3, từ trên 100 kWh có giá 2.557 đ/kWh.
Theo kịch bản 3, Bậc 1 tăng lên là 150 kWh có giá 1.559 đ/kWh; Bậc 2 giảm số kwh còn 150 kWh có giá 2.007 đ/kWh; Bậc 3 vẫn tính trên 300 kWh có giá 2.557 đ/kWh.
Kịch bản 4: Bậc 1 tăng tiếp là 200 kWh đầu có giá 1.584 đ/kWh. Bậc 2 sử dụng tới 200 kWh có giá 2.325 đ/kWh; Bậc 3 trên 400 kWh có giá 2.587 đ/kWh.
Kịch bản 5 chia làm 4 bậc thang. trong đó, bậc 1 chỉ có 50 kWh đầu có giá 1.484 đ/kWh; Bậc 2 là 150 kWh tiếp theo có giá 1.670 đ/kWh. Bậc 3 là 200 kWh tiếp theo có giá 2.325 đ/kWh và Bậc 4 trên 400 kWh có giá 2.587 đ/kWh.
Có thể thấy, nếu giá điện được tính đồng giá thì tổng tiền điện cho một hộ dùng treen 400kWh trở lên sẽ giảm so với trước đây, nhưng nếu chỉ giảm bậc thang thì tổng tiền điện lại có thể tăng hơn so với trước.
Như hiện hành, giá điện sinh hoạt đang có 6 bậc thang trong đó, giá cao nhất là tới 2.587 đồng/kWh từ 400kWh trở lên.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đây mới chỉ là các phương án đang nghiên cứu và có thể còn sửa đổi cho đến khi chính thức đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học và người tiêu dùng tại một hội thảo dự kiến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới.
Theo VietNamNet
TKV và EVN cùng cam kết không tăng giá hết năm 2015 Hôm qua (15.9), lãnh đạo Tập đoàn than - khoáng sản VN (TKV) và Tập đoàn điện lực VN (EVN) cùng đưa ra cam kết không tăng giá điện, giá than từ nay đến cuối năm. Ảnh minh họa Tuyên bố này được đưa ra sau khi báo chí phản ánh thông tin việc các tập đoàn này bị thua lỗ do biến...