Không sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp nghỉ lễ 30/4
Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết sẽ điều chỉnh lịch sửa chữa đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất để không ảnh hưởng tới việc đi lại của hàng triệu hành khách trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Đường hạ cất cánh 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất.
Do năm nay nghỉ lễ kéo dài nên các hãng hàng không đều đã có kế hoạch tăng chuyến, vì vậy Cục Hàng không Việt Nam sẽ yêu cầu các đơn vị có phương án sửa chữa đường băng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trước đó, một số thông tin cho biết sẽ có hàng vạn khách có thể bị hủy tour dịp 30/4-1/5 vì lịch sửa chữa đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Một văn bản của Hội đồng điều phối, giờ hạ cất cánh (Slot) tại các cảng hàng không, sân bay đưa ra thông tin từ ngày 10/4-25/6 sẽ sửa chữa đường băng nên mỗi giờ sẽ giảm 5-7 chuyến bay. Kế hoạch này ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, nhất là dịp 30/4-1/5.
Theo nội dung văn bản thì sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã đạt đến trần cất/hạ cánh từ 30-32 lần/giờ, trong các khung giờ từ 6-18 giờ hàng ngày. Do đó, từ ngày 10/4-25/6, tại Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chỉ còn cất, hạ cánh tối đa được 25 lần/giờ, đồng nghĩa mỗi giờ giảm 5-7 chuyến bay. Các sân bay khác như Nội Bài, Hải Phòng… cũng đang hạn chế bay để sửa chữa.
Nhiều ý kiến cho rằng mùa cao điểm Hè nhưng lại sửa chữa đường băng là không thực sự hợp lý và nên dời sang tháng Tám để người dân được phục vụ và các hãng hàng không không bị mất doanh thu, đồng thời Cảng hàng không cũng thu được nhiều phí hơn do lượng khách tăng.
Lý giải cho đề xuất sửa chữa đường băng vào mùa cao điểm của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đại diện Phòng Quản lý cảng hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho rằng sau tháng Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh vào mùa mưa, việc thi công sửa chữa hạ tầng sân bay sẽ khó triển khai. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo đúng kế hoạch được cảng đề xuất thì ảnh hưởng tới chiến dịch cao điểm vận tải phục vụ bà con dịp 30/4-1/5. Cục Hàng không Việt Nam sẽ tìm giải pháp để xử lý được vấn đề này.
Cục Hàng không Việt Nam sẽ yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có phương án sửa chữa đường băng phù hợp, sau khi gặp gỡ đại diện các hãng hàng không để bàn về cách điều phối giờ hạ, cất cánh./.
Theo Vietnam
Video đang HOT
Hàng triệu lượt khách không được bay, Cục Hàng không: "Tất cả vẫn đang bàn"
Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Hàng không sau khi có thông tin cắt giảm 5 - 7 chuyến bay/giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian sửa chữa đường băng.
Theo tính toán nếu đóng cửa một đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất để sửa chữa nâng cấp vào thời điểm tháng 4 - 6/2015, sân bay có thể mất 120 tỉ đồng, các hãng mất doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng và 1 triệu lượt khách không được bay. Con số tính toán này dựa trên việc điều chỉnh số chuyến bay trong khung giờ từ 6h đến 18h hàng ngày.
Cụ thể sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang khai thác từ 30 - 32 lần cất/hạ cánh/giờ cao điểm. Tuy nhiên vào thời điểm tiến hành sửa chữa 1 đường băng theo quyết định của Cục Hàng không thì sẽ chỉ còn cất hạ tối đa được 25 lần/giờ. Theo cách tính đó, sẽ có khoảng 5 - 7 x 12h = khoảng 80 chuyến bị cắt giảm mỗi ngày, tương đương hơn 10 máy bay phải nằm đất và khoảng hơn 10.000 khách hành không được bay/ngày.
Sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh nguồn ACV).
Tuy những con số tính toán trên chỉ là định tính chưa được thừa nhận, nhưng có thể thấy thiệt hại lớn về kinh tế nếu thực hiện cắt giảm chuyến bay trong quá trình nâng cấp sửa chữa đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Để độc giả cái nhìn rõ hơn về dự án nâng cấp sửa chữa đường băng sân bay Tân Sơn Nhất và những tác động từ dự án này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
- Dự án sửa chữa, cải tạo đường băng CHC25L-07R và mở rộng sân đỗ máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất được cho sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch bay của các hãng hàng không và nhu cầu đi lại của dân, Cục Hàng không nói gì về những lo ngại này?
Ông Lại Xuân Thanh: Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất nhu cầu phải làm, ở đây Dự án sửa chữa, cải tạo đường băng CHC25L-07R và mở rộng sân đỗ máy bay là dự án cấp bách cần phải làm, kế hoạch làm đã được đưa ra từ năm 2014. Thời điểm đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất giao đất cho hàng không để mở rộng đường lăn và sân đỗ. Nhu cầu về sân đỗ và cải tạo đường lăn là rất cấp bách nhất là trong năm nay khi các hãng đón hàng loạt tàu bay mới.
Vấn đề thứ hai là chọn thời điểm, hiện nay Cục Hàng không chưa đưa ra quyết định thời điểm thực hiện dự án. Thời điểm 10/4 mới là báo cáo dự kiến của Tổng Công ty Cảng Hàng không. Trước đó Cục Hàng không cũng đã tiến hành bàn thảo rất kỹ và thấy rằng kể cả vào thời gian thấp điểm hay cao điểm thì chắc chắn việc tiến hành sửa chữa cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của các hãng hàng không.
Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh. Ảnh: Đoàn Loan
Tuy nhiên vấn đề ở đây là chỉ hạn chế khai thác đường lăn nối vào đường băng hạ, cất cánh. Để đảm bảo an toàn không ai cho phép khai thác bình thường mà phải hạn chế. Việc hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các hãng hàng không.
Trong lần họp mới đây phương án bàn được đưa ra giảm khai thác số chuyến trong giờ cao điểm xuống từ 30 chuyến như hiện nay còn còn 25 chuyến cất/hạ cánh. Nguyên tắc việc điều chỉnh chuyến là không điều chỉnh chuyến bay quốc tế, bởi nếu chúng ta điều chỉnh giờ cất, hạ cánh của sân bay mình sẽ ảnh hưởng đến giờ cất cánh và hạ cánh sân bay quốc tế. Vì vậy chỉ điều tiết vào các chuyến bay nội địa.
- Việc cắt giảm 5 - 7 chuyến bay/giờ có thể sẽ khiến hàng triệu hành khách không có cơ hội được bay và gây thiệt hại lớn về kinh tế?
Ông Lại Xuân Thanh: Điều chỉnh 5 chuyến bay ở đây không phải cắt 5 chuyến bay đi mà Cục Hãng không sẽ cùng với các hãng hàng không tính toán để có thể điều tiết các chuyến bay đó sang giờ khác. Các giờ khác vẫn còn, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một số khung giờ cao điểm nhất định trong ngày. Vì vậy ở đây chỉ là việc điều tiết các chuyến bay từ khung giờ cao điểm sang các khung giờ thấp điểm khác. Tất nhiên hãng hàng không kinh doanh theo mạng cho nên việc thay đổi giờ cất/hạ cánh cũng ảnh hưởng đến việc sắp xếp đội tàu bay.
Ở đây khẳng định không phải cắt chuyến, giảm chuyến mà ở đây là để điều tiết các chuyến bay trong giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. Tuy nhiên không phải cứ điều tiết là được vì nó ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức khai thác đội tàu bay của các hãng điều này Cục rất hiểu.
Một vấn đề nữa thời gian sửa chữa theo dự kiến vào đúng thời điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đây đúng là thời gian cao điểm. Tuy nhiên lại khó cho công tác xây dựng, tiến hành xây dựng trong các tỉnh phía Nam khi thời tiết có hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Nếu qua mùa cao điểm, sang giữa tháng năm thì việc thi sẽ kéo dài đến tháng 7, đây là lúc miền Nam bắt đầu bước vào mùa mưa, vì vậy đây chính là vấn đề khó khăn hiện nay. Nếu không nâng cấp sửa chữa thì có thể phải đến đến mùa khô sang năm và lại vào chính thời điểm này năm sau.
Hiện nay khẳng định Cục Hàng không vẫn đang cùng các hãng xây dựng lịch bay như bình thường và chưa chốt ngày, còn khi nào chốt ngày thực hiện thi công dự án thì sẽ ngồi cùng các hãng xem nếu giảm xuống còn 25 chuyến bay trong giờ cao điểm thì sẽ điều tiết như thế nào? Có được hay không? Điều tiết những chuyến bay nào...? Tất cả sẽ được bàn cụ thể.
Cục cùng các đơn vị đang tích cực cùng với hãng bàn tất cả các phương án, khi nào các phương án được thống nhất triển khai thì Tổng công ty Cảng Hàng không dựa trên phương án đó để điều tiết khai thác hạ tầng như thế nào...
- Có hãng hàng không gửi ý kiến lo ngại khi điều phối chuyến bay sẽ dựa vào lịch bay cùng mùa năm trước (mùa hè năm ngoái bay bao nhiêu chuyến thì hè năm nay sẽ được ưu tiên phân bổ bấy nhiêu trước), sau đó mới phân bổ đến các chuyến tăng thêm. Trong khi năm nay hãng hàng không này tăng số chuyến gần gấp đôi năm trước nên về nguyên tắc là sẽ bị phân bổ slot sau cùng và nếu số lần cất hạ cánh tối đa bị cắt giảm và sẽ không được cấp phép bay, trong khi lịch bay đã được mở bán từ trước. Cục trưởng nói gì về nguyên tắc điều phối và những lo ngại này của hãng hàng không?
Ông Lại Xuân Thanh: Đây là nguyên tắc được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đưa ra, nguyên tắc được hướng dẫn là slot theo lịch sử. Tuy nhiên đây là trong điều tiết bình thường, còn ở đây bình thường sẽ có 30 chuyến cất/hạ cánh trong giờ cao điểm nhưng do sửa chữa 1 đường hạ cất cánh nên anh không giữ được con số 30 mà phải giảm xuống, nếu anh vẫn giữ nguyên tắc số slot lịch sử đó thì sẽ dẫn đến mất an toàn.
Do đó vấn đề giữ nguyên tắc số slot lịch sử chỉ trong điều kiện hạ tầng vẫn đang bình thường, còn đây là việc cải tạo xây dựng bắt buộc phải hạn chế số chuyến. Chính vì vậy Cục đưa ra nguyên tắc không căn cứ vào nguyên tắc số slot lịch sử. Nguyên tắc ở đây chỉ là không điều chỉnh các chuyến bay quốc tế mà chỉ điều chỉnh chuyến bay trong nước.
- Dự án sửa chữa, cải tạo đường băng mở rộng bãi đỗ máy bay Cục Hàng không có thông báo trước với các hãng hàng không để họ chủ động điều phối kế hoạch bay hay không?
Ông Lại Xuân Thanh: Các hãng đều đã biết về kế hoạch sửa chữa nâng cấp, tuy nhiên các hãng hiện nay đang kêu vì thời gian sửa chữa theo dự kiến vào đúng mùa cao điểm. Chính các hãng yêu cầu phải nâng cấp cải tạo vì hiện nay đường lăn của sân bay Tân Sơn Nhất hẹp chỉ là đường lăn 1 chiều vì vậy máy bay phải chờ nhau.
Thời gian lăn của tàu bay rất lâu lên đến 18 phút điều này vừa tốn kém lại ảnh hưởng đến thời gian bay. Thời gian bay bắt đầu tính từ lúc rút chèn và đóng chèn của tàu bay nhưng vì thời gian lăn kéo dài nên thời gian bay dài ra. Nhiều lúc vấn đề chậm chuyến xuất phát từ thời gian lăn quá dài quá thời gian tính toán.
- Như vậy đến nay Cục Hàng không vẫn chưa chốt thời gian thi công dự án?
Ông Lại Xuân Thanh: Cục Hàng không đang tập trung để có thể đưa ra phương án khả thi nhất. Có mấy bước: thứ nhất đặt ra vấn đề khi điều tiết chuyến bay từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm các hãng hàng không liệu có bố trí được không? Đội tàu bay liệu có điều hòa được không? Giờ bay đó có thuận lợi cho hành khách hay không...
Thứ hai liệu thời điểm có lùi thời gian sửa chữa sang mùa khô năm sau được hay không nếu được. Tuy nhiên thực ra mà nói vấn đề này cấp bách quá rồi. Nhưng cấp bách quá rồi mà thực hiện ngay trong thời điểm này phải tính toán sao cho không vào thời điểm mùa mưa. Tất cả những phương án đang được bàn thảo, đang nghiên cứu để làm còn hiện tại chưa có quyết định.
Hiện nay lịch bay của các hãng vẫn đang được thực hiện trên cơ sở không có gì thay đổi chỉ khi nào quyết định ngày bắt đầu khởi công, ngày bắt đầu hạn chế khai thác thì mới chuyển sang phương án mới.
Thay đổi giờ bay là điều bắt buộc, vì yêu cầu cải tạo nâng cấp là bắt buộc mà khi cải tạo nâng cấp thì không có cách nào khác phải hạn chế số chuyến bay trong giờ cao điểm. Vấn đề làm sao để rút ngắn thời gian thi công nhanh nhất, theo tính toán việc sửa chữa nâng cấp mất khoảng hai tháng rưỡi.
- Xin cảm ơn Cục trưởng!
Theo Giáo Dục
Máy bay Vietjet Air gặp sự cố nghiêm trọng, khách hoảng loạn suốt 2 giờ "Khi máy bay hạ độ cao và đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đúng ra máy bay sẽ đáp xuống một cách nhẹ nhàng như thường lệ, nhưng lúc đó bỗng nhiên mọi người trên máy bay nghe tiếng rít &'két' rất lớn của thắng rồi máy bay dừng đột ngột khiến nhiều hành khách bị xô ngược về phía trước với...