Không ràng buộc trách nhiệm, “càng giải ngân nhanh, thất thoát và lãng phí càng lớn”
“Nếu chỉ nới lỏng các quy định về quy trình, thủ tục đầu tư nhưng những ràng buộc trách nhiệm đối với những người ra quyết định và tổ chức thực thi không rõ ràng, thì càng giải ngân nhiều, nhanh thì thất thoát, lãng phí, nợ công sẽ ngày càng lớn” – đại biểu Vũ Tiến Lộc e ngại.
Thu ngân sách vẫn phụ thuộc vào bán đất và tài nguyên
Phát biểu tại Nghị trường ngày 29/10, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đã nêu lên 2 vấn đề cơ bản của nền tài chính quốc gia mà ông cho là cần “đặc biệt quan tâm”, đó là cân đối ngân sách nhà nước trong trung – dài hạn và hiệu quả đầu tư công. Về vấn đề cân đối ngân sách, đại biểu Vũ Tiến Lộc ghi nhận, trong mấy năm gần đây chúng ta đã đạt nhiều tiến bộ.
“Tỷ lệ thâm hụt ngân sách không còn vượt dự toán như trước đây, tỷ lệ nợ công so với GDP đang giảm dần, kỳ hạn vay nợ dài hạn hơn và lãi suất cũng thấp hơn. Tỷ trọng vay trong nước cũng cao hơn” – ông Vũ Tiến Lộc liệt kê và nhấn mạnh, những kết quả này đạt được “có công rất lớn của Chính phủ trong những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chống đô la hóa, từ đó ổn định lãi suất và tỷ giá ở mức hợp hợp lý, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư khi nắm giữ các tài sản bằng tiền Việt Nam và đặc biệt là trái phiếu dài hạn của Chính phủ”.
Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, nếu nhìn sâu hơn, có thể thấy những chuyển biến này chưa thực sự bền vững, nguồn thu chính từ các hoạt động kinh tế, điển hình là thu từ thuế đối với khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu ổn định, không đạt được dự toán, thậm chí sụt giảm, trong khi đó tỷ lệ chi thường xuyên so với tổng ngân sách vẫn luôn ở mức cao, trên 60% và chưa có chuyển biến gì theo chiều hướng tích cực trong suốt nhiều năm qua, dẫn tới thu ngân sách nhà nước về cơ bản mới chỉ đủ đáp ứng cho mục đích tiêu dùng và trả nợ.
Đặc biệt, đại biểu Lộc chỉ rõ, cân đối ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào việc bán đất, bán tài nguyên, bán tài sản nhà nước, tức là phụ thuộc vào các khoản thu một lần và thiếu tính bền vững. “Tôi đề nghị nên sử dụng các khoản vượt thu ngân sách nhà nước theo dự toán hàng năm để giảm nợ công, giảm áp lực trả nợ, không chỉ dùng để tiếp tục tăng chi như hiện nay” – đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Theo đại biểu Lộc, về tổng thể, sự lo lắng với vấn đề cân đối ngân sách nhà nước cho đến nay đã không còn lớn như vài năm trước, nhưng ở tầm trung và dài hạn vẫn chưa thể yên tâm.
“Giải pháp căn cơ để đạt được cân đối tài chính quốc gia trong trung và dài hạn, bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng thu vẫn phải kiên quyết cắt giảm bộ máy nhà nước về mức hợp lý để từ đó có thể giảm được chi thường xuyên xuống còn khoảng dưới 50% theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình)
Tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cách đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách hiện nay “đang có vấn đề”, chủ yếu đang đánh giá dựa trên tỷ lệ giải ngân và khi cần tiết kiệm thì thực ra chỉ là cắt giảm hoạt động một cách cơ học. Trong khi lẽ ra hiệu quả đầu tư phải được đánh giá qua sản phẩm thu được từ tiền ngân sách như thế nào.
“Một cuộc hội thảo được tổ chức hiện nay đang được đánh giá hiệu quả thông qua việc quy mô, số lượng đại biểu và thành phần tham dự như thế nào, kinh phí hội trường, kinh phí hỗ trợ cho việc đi lại, ăn nghỉ đang rất lớn. Theo tôi cần phải đánh giá thông qua sản phẩm được nghiệm thu của hội thảo đó. Đó là những bài tham luận có giá trị, là những kiến nghị, đề xuất quan trọng thông qua hội thảo. Tôi nghĩ là cần phải nghiên cứu cách đánh giá hiệu quả đầu tư” – đại biểu Hoa nói.
Video đang HOT
Từ thực tiễn đó, bà Hoa đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong quản lý ngân sách và đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, khoán chi gắn với cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)
Đồng quan điểm này, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định, vấn đề hiệu quả đầu tư công là vấn đề đáng lo lắng bởi đầu tư kém hiệu quả là vấn đề tồn tại dai dẳng trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện.
“Mặc dù báo cáo của Chính phủ có nêu hệ số ICO đã giảm từ 6,36% của giai đoạn 2011 – 2014 xuống còn 6,11% cho giai đoạn 2015 – 2017, nhưng mức giảm như vậy không đáng kể” – ông Lộc nhận xét, đồng thời nhấn mạnh “việc phải tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn vẫn còn rất thấp”.
Theo đại biểu đoàn Thái Bình, trên thực tế vẫn còn nhiều dự án chưa có tính cấp thiết hay có giá trị sử dụng không cao như tượng đài hay quảng trường vẫn đang được xây dựng.
“Chúng ta vẫn phân bổ nguồn vốn đầu tư theo nguyên tắc bình quân chủ nghĩa, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành chứ chưa dựa trên cơ sở hiệu quả tổng thể của nền kinh tế quốc dân. Tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, vẫn còn phổ biến. Số lượng các dự án đầu tư còn đội vốn, bị chậm tiến độ có thể kể ra không biết bao nhiêu” – đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ.
Theo ông Lộc, trong các nguyên nhân có cả việc chính quyền không đủ vốn đối ứng, thậm chí không có tiền để trả nợ đọng cho các doanh nghiệp đã ứng tiền để xây dựng dự án trước đó, đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, khó khăn.
“Tôi đề nghị cần ưu tiên trả nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án đầu tư mới để giải quyết sớm tình trạng này” – ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Nói về việc đầu tư kém hiệu quả và lãng phí còn thể hiện ở vô số các dự án không đảm bảo chất lượng, vừa hoàn thành xong đã phải sửa chữa, mà gần đây nhất là dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với trị giá đến 34.000 tỷ đồng, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Đây là sự lãng phí lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội trong dài hạn nhưng chưa được tổng kết, quy đổi ra những tác động tiêu cực đến GDP.”
Cần ràng buộc trách nhiệm với người ra quyết định và tổ chức đầu tư
Về giải pháp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) trình ra Quốc hội là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng trong dự thảo cũng mới chỉ đề cập, tập trung nhiều vào việc cắt giảm các quy trình, thủ tục đầu tư với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
“Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Các vấn đề liên quan đến việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành để đảm bảo nâng cao được hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí tôi thấy ít được đề cập trong dự thảo. Nếu chúng ta mới chỉ nới lỏng các quy định về quy trình, thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quyết định đầu tư nhưng những ràng buộc trách nhiệm đối với những người ra quyết định và tổ chức thực thi không rõ ràng, tôi e rằng càng giải ngân nhiều, càng giải ngân nhanh thì thất thoát, lãng phí, nợ công sẽ ngày càng lớn” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng đề nghị cần nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng các mô hình đầu tư sử dụng công, đầu tư công quản trị tư, thực hiện phương thức hợp tác công tư trong việc xây dựng, vận hành các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành luật về đối tác công tư bởi theo ông, xây dựng quan hệ về đối tác công tư minh bạch, hài hòa, hiệu quả sẽ là lời giải quan trọng bậc nhất trong việc huy động không chỉ nguồn lực tài chính mà còn cả trí tuệ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước của toàn dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta trong thời gian tới.
Xuân Hưng
Theo vnmedia.vn
TTCK tuần 22 26/8: Nhà đầu tư "bận" định hình lại sự kỳ vọng, "quên" KQKD khả quan
Tuần giao dịch kém sắc của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chịu nhiều tác động bởi biến động từ các thị trường tài chính lớn trên thế giới. Dấu hiệu của đợt sụt giảm bắt đầu từ ngày 10/10, khi chỉ số Dow Jones đã có phiên giảm điểm mạnh, điều này khiến cho kỳ vọng của nhà đầu tư tại Mỹ dần được định hình lại theo xu hướng mới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
TTCK Việt Nam trải qua một tuần giao dịch ảm đạm với giới đầu tư khi sắc đỏ chiếm tông màu chủ đạo. Qua 5 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã để mất tới 57,54 điểm, lùi về mức 900,82 điểm; chỉ số VN30-Index cũng giảm 50,63 điểm, rơi về ngưỡng 881,06 điểm.
Về diễn biến các nhóm ngành tuần qua, theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm 8,33% (chủ yếu do ảnh hưởng bởi các mã cổ phiếu như PVD, PVB, PVS và GAS giảm lần lượt 19,25%, 14,08%, 9,62% và 9,11%.).
Các cổ phiếu ngân hàng cũng giảm điểm trên diện rộng khiến chỉ số của ngành này giảm 7,88%. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất là BID, TCB và CTG với mức giảm lần lượt 11,56%, 10,86% và 8,91%.
Nhóm cổ phiếu tài chính như chứng khoán và bất động sản cũng giảm lần lượt 9,66% và 2,04% do việc giảm điểm mạnh của VND (13,85%), HCM (13,61%), MBS (10,65%) và VHM (13,1%), DXG (12,54%), HDG (11,76%).
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu đồ uống là điểm sáng hiếm hoi khi tăng 0,52% nhờ việc cổ phiếu SAB tăng 0,55%.
Về giao dịch của khối ngoại, trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài có tuần bán ròng trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) với giá trị hơn 413 tỷ đồng.
Nhà đầu tư "bận" định hình lại sự kỳ vọng, bỏ qua KQKD khả quan
Tuần giao dịch kém sắc của TTCK trong nước chịu nhiều tác động bởi biến động từ các thị trường tài chính lớn trên thế giới. Dấu hiệu của đợt sụt giảm bắt đầu từ ngày 10/10, khi chỉ số Dow Jones đã có phiên giảm điểm mạnh, điều này khiến cho kỳ vọng của nhà đầu tư tại Mỹ dần được định hình lại theo xu hướng mới.
Đối với TTCK Việt Nam, ảnh hưởng tâm lý do các yếu tố thị trường chứng khoán thế giới cộng hưởng với việc khối ngoại duy trì bán ròng liên tiếp trong 03 tuần gần đây, đặc biệt ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu thuộc nhóm "blue chips" đã ảnh hưởng lớn tới chỉ số.
Đà giảm điểm của thị trường cũng "xóa nhòa" các tác động tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) 9 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là khả quan của nhiều doanh nghiệp.
Cụ thể, theo thống kê của BVSC, tính đến hết ngày 24/10/2018, đã có 449 doanh nghiệp niêm yết trên HSX, HNX và Upcom công bố KQKD 9 tháng đầu năm, trong đó có 388 doanh nghiệp báo lãi, chiếm 86%.
Lợi nhuận sau thuế của 449 doanh nghiệp này đạt 70.315 tỷ đồng, tăng 31,1% so với mức 56.615 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng đột biến nhất là AMV (8.509%), SRA (4.476%), SMA (4.220%),... Và đã có 69 doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch năm, nổi bật gồm GAS (138,1%), VHC (167,1%), DPM (148,4%), PHR (121,9%)...
Nếu xét theo ngành, các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như dầu khí, bất động sản hay ngân hàng đều có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, lần lượt là 70,1%, 50,5% và 48%.
Tuy nhiên những thông tin KQKD tích cực không có nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Một phần do thông tin này công bố vào đúng giai đoạn thị trường điều chỉnh, mặt khác những thông tin này phần nào được dự báo và phản ánh dần vào giá trong giai đoạn vừa qua.
Ví dụ điển hình ở nhóm các cổ phiếu ngân hàng, mặc dù có thông tin KQKD tốt cũng không thể giúp giá cổ phiếu ngược dòng thị trường, nhưng các ngân hàng có KQKD không đạt kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh.
Do đó, diễn biến của TTCK trong nước vẫn đang bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý tác động từ bên ngoài, bỏ qua các chỉ số vĩ mô tích cực của nội tại nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Được biết, từ nay cho đến ngày 6/11 - ngày bầu cử giữa kỳ của Mỹ - sau thông tin về KQKD quý 3/2018, nhiều khả năng sẽ không có đột biến về chính sách nên các chỉ số chứng khoán của Mỹ sau những phiên biến động mạnh này được dự báo sẽ biến động chậm lại trong biên độ nhỏ hơn.
Điều này sẽ góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư tại TTCK Việt Nam trong những phiên giao dịch sắp tới./.
Phạm Duy
Theo viettimes.vn
IMF 'bật đèn xanh' cho Argentina, nâng gói vay tín dụng dự phòng lên 56,3 tỷ USD Ngày 26/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức thông qua khoản hỗ trợ tài chính cho Argentina trị giá 56,3 tỷ USD có thời hạn trong 3 năm. Gói tín dụng này ít hơn so với con số dự kiến 57,1 tỷ USD mà hai bên đã đưa ra hồi tháng 9 khi bắt đầu đàm phán. Tổng Giám đốc...