Không quy định Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng sẽ gây nghi hoặc
Đừng gây tâm lý nghi hoặc sao đột nhiên Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng lại… biến mất. Không đề cập cơ quan này trong luật khác nào “phú quý giật lùi”!” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng góp ý về phương án tổ chức Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng.
“ Cơ quan chỉ đạo chống tham nhũng bỗng dưng… biến mất!”
Dù cả cơ quan soạn thảo (Thanh tra Chính phủ) và cơ quan thẩm tra (UB Tư pháp của QH) đều nghiêng về phương án 3 – không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, các ý kiến thảo luận trong UB Thường vụ QH vẫn rất khác nhau.
Phương án này nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân…
UB Thường vụ QH lần đầu cho ý kiến về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Ông Phúc nhận xét, lập Ban chỉ đạo mới đi liền với việc khôi phục Ban Nội chính TƯ (phương án 1) không hợp lý. Để Ban chỉ đạo thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư quản lý nhưng lại giao UB Thường vụ thành lập, quy định tổ chức (phương án 2) thì chồng chéo, trái khoáy.
Bà Ngân lập luận thêm, quy định thành lập một hệ thống cơ quan trong luật căn cứ theo một nghị quyết TƯ, về mặt thủ tục là không hợp hiến. Đảng lãnh đạo đất nước nhưng là trên nền pháp luật chứ không thể đứng trên pháp luật.
“Phương án 3 hay nhất vì không ít việc không có Ban Chỉ đạo vẫn thực hiện trôi chảy. Còn quan điểm, quyết tâm “tuyên chiến” với tham nhũng của Đảng, hoàn toàn có thể thể hiện bằng những cách thức khác” – bà Ngân phân tích.
Trái với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng vẫn nên có quy định về Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng. Ông Lý đề nghị chọn phương án 2. “Dù Ban chỉ đạo là cơ quan thuộc Đảng thì phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị nên vẫn phải có quy định về mặt nhà nước” – ông Lý nói.
Việc cơ quan này do QH thành lập, ông Lý nhận định càng “uy”, có hiệu lực pháp lý, càng góp phần bảo đảm sự liên tục trong các quy định của luật mà hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban cũng sẽ tốt hơn.
Ủng hộ quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Ban chỉ đạo là cơ quan hướng dẫn, điều hành, không phải một đơn vị trực tiếp thực hiện việc chống tham nhũng. Theo đó, cần thiết tăng cường các cơ quan nhà nước như kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố xét xử… – những đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ này.
Về các phương án tổ chức, ông Hùng kiến nghị làm sao “không để mất” Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. “Đừng để gây tâm lý nghi hoặc, để người khác đặt vấn đề chúng ta “đánh trống bỏ dùi”, đang nhiên cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng lại… biến mất? Phương án 3 – không đề cập gì đến Ban này trong luật nữa thì khác nào “phú quý giật lùi”? – Chủ tịch QH lật lại vấn đề, nếu để Ban Chỉ đạo bên Đảng thì cũng phải thông qua pháp luật để luật cụ thể hóa.
Video đang HOT
Do chưa thống nhất ý kiến, UB Thường vụ yêu cầu cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu phân tích, lý giải các câu hỏi đặt ra về mô hình Ban chỉ đạo, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để gửi tới các Đoàn đại biểu QH chuẩn bị cho kỳ họp tới trong 10 ngày nữa.
Mở rộng đối tượng, kê khai tài sản càng hình thức
Một nội dung khác còn nhiều ý kiến trái chiều là về đề xuất mở rộng diện đối tượng cán bộ phải kê khai tài sản hàng năm, thực hiện kê khai với cả người thân thích ruột thịt của cán bộ, buộc niêm yết công khai bản kê khai tại nơi công tác và nơi cư trú.
Đồng tình cần có những biện pháp thực chất hơn để kê khai tài sản không còn hình thức, song ông Phan Trung Lý nhấn mạnh điều quan trọng nhất vẫn là phải kiểm soát được thu nhập.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: “Quan trọng nhất vẫn là kiểm soát thu nhập cán bộ”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đặt câu hỏi, “mở rộng đến mức nào”, “có giới hạn nào trong phạm vi quan hệ liên quan đến đối tượng chính phải kê khai tài sản”?. Theo ông Phước, khi chưa đồng bộ được việc quản lý kiểm soát tài sản thu nhập công dân thì mở rộng diện đối tượng kê khai tài sản càng khó kiểm soát, khó khả thi.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định mới. Ông Sơn lập luận, giải quyết tham nhũng cơ bản là làm thay đổi ý thức mỗi người, nâng cao tính tự giác. Còn nếu đã có ý đối phó thì sẽ có đủ cách thức tinh vi để “chống” kê khai tài sản. Nếu đối tượng đổi phương thức tích trữ tài sản từ nhà đất, tiền bạc sang thành… kim cương – món đồ che giấu nhỏ xíu, sao phát hiện ra được.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành quan điểm chưa nên mở rộng đối tượng cán bộ phải kê khai tài sản. “Mới bấy nhiêu người phải kê khai như thời gian qua thôi mà việc này còn hình thức, mở rộng nữa kiểm soát làm sao? Trước hết cần tính cách đảm bảo thực chất của việc kê khai với nhóm đối tượng theo quy định hiện hành đã”.
Bà Ngân cũng đề nghị duy trì quy định chỉ công khai bản kê khai tài sản ở nơi công tác của cán bộ. Việc công khai tại nơi cư trú theo Phó Chủ tịch QH, rất phức tạp mà cũng chưa chắc giúp kiểm soát được tham nhũng tốt hơn.
Chủ tịch QH cũng yêu cầu, nếu thêm quy định công khai bản kê tài sản tại nơi cư trú, luật cũng phải làm rõ khai niện “nơi cư trú”, quy định cụ thể việc dán bản kê ở đâu – trước cửa nhà cán bộ phải kê khai hay tại trụ sở phường? Ai có quyền kiểm tra bản kê hay dân khu phố đều có quyền đến hỏi, đến xem và vào nhà cán bộ để kiểm tra xem việc khai đúng sai, sát thực đến đâu.
“Làm sao để quy định chặt chẽ, không để hở cho đối tượng lách luật, cũng không làmảnh hưởng đến quyền tự do tài sản, quyền nhân thân, cá nhân của con người, tránh việc lợi dụng quy định để gây rối tình hình” – ông Hùng lưu ý.
Về vai trò và trách nhiệm của báo chí, Khoản 4, Điều 101 dự án luật quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, cơ quan thẩm tra kiến nghị, cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu.
Theo Dantri
Giá đất "tù mù" làm người dân, nhà nước cùng thiệt
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sau khi xác định giá để bồi thường cho dân, đất thu hồi phục vụ dự án mới lên mạnh, lúc trả tiền đền bù, giá xây dựng đã lạc hậu. Quy định "giá đất phù hợp với thị trường" vẫn... tù mù như lâu nay.
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại UB Thường vụ QH ngày 17/9.
Chưa gỡ được ách tắc khâu định giá đất
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang trình bày nội dung được đặc biệt quan tâm trong lần sửa luật này là quy định xác định giá đất. Dự thảo quy định nguyên tắc định giá đất "do nhà nước quyết định, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường" thay cho nguyên tắc "sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường".
UBND cấp tỉnh được giao trách nhiệm xây dựng giá các loại đất tại địa phương theo kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ, thay cho quy định ban hành bảng giá đất hàng năm. Tuy nhiên, trong trường hợp giá đất trên thị trường tăng hoặc giảm 30% so với công bố thì phải xem xét điều chỉnh.
Thẩm tra dự án luật, UB Kinh tế cho rằng, nguyên tắc xác định giá đất "sát với giá thị trường" như dự luật rất khó khả thi do thị trường luôn biến động. Mặt khác ở nước ta còn có những vùng, những loại đất chưa có thị trường.
Định giá bồi thường thấp làm người dân thiệt thòi, nhà nước thất thu, chỉ nhà đầu tư hưởng lợi.
Về mục đích xác định giá đất, UB Kinh tế phân tích, giá đất vừa phục vụ mục đích tĩnh (tính thuế) vừa được dùng cho mục đích động (bồi thường) là không phù hợp. Đề nghị giá đất do Nhà nước quy định sử dụng cho mục đích tính thuế và các mục đích mang tính ổn định như xác định tiền giao đất, tiền thuê đất... Còn đối với xác định giá đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nên xác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật giá với sự tham gia của các tổ chức định giá đất tại thời điểm thu hồi.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ ý không thống nhất quan điểm cơ quan soạn thảo đề xuất. Ông Hùng đặt câu hỏi, "thế nào là phù hợp giá thị trường", "thị trường nói đến là thị trường nào - thị trường lúc quy hoạch đất, làm dự án, lúc xây dựng giá bồi thường hay lúc trả tiền đền bù. Thực tế, khi xây dựng giá bồi thường thu hồi đất, thị trường chưa hình thành. Khi giao mặt bằng, triển khai dự án, mức giá đất mua bán ở khu vực mới lập mặt bằng mới. Từ khâu định giá đến giải tỏa đã là 2 thị trường khác nhau.
Chủ tịch QH lấy ví dụ, đất khi mới bắt đầu có quy hoạch chung chỉ ở mức 1 triệu đồng/m2. Nhưng sau khi giải phóng, có mặt bằng, đấu giá theo quy định, giá trúng thầu là 5 triệu đồng/m2. Đó mới là giá thị trường chứ không phải giá bồi thường 1 triệu đồng trả cho người dân trước đó ít bữa, chênh lệch lên tới mấy lần.
Dẫn chứng cụ thể nhất là thời điểm hợp nhất Hà Nội - Hà Tây, công bố quy hoạch chung tổng thể Thủ đô Hà Nội, đất có giá khác. Lúc công bố chi tiết phân khu chức năng và tiến hành thu hồi, giải tỏa lại hình thành giá khác. Câu hỏi đặt ra, việc trả tiền đền bù cho dân sẽ dựa theo thị trường ở thời điểm quy hoạch cũ hay quy hoạch mới.
"Định giá đất phù hợp với giá thị trường là một nguyên tắc rất mơ hồ. Luật mới phải làm sao đưa ra quy tắc định giá đất rõ ràng, minh bạch, không thể cứ tiếp tục tù mù như lâu nay" - Chủ tịch QH nêu quan điểm.
Tán thành lập luận này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, định giá đất như vậy vẫn chỉ thể hiện quyền định đoạt của nhà nước với tư cách chủ sở hữu mà chưa có cơ chế bảo đảm hài hòa nhà nước, nhà đầu tư, người dân trong cơ chế thị trường.
Những điểm nghẽn trong luật hiện hành liên quan đến giá đất cũng chưa được "gỡ". Mục tiêu giải quyết khiếu kiện, tham nhũng, tiêu cực cũng chưa xử lý được vì "tắc" ở khâu định giá đất.
Dự thảo luật chỉ đổi từ cụm từ "sát với giá thị trường" thành "phù hợp với giá thị trường", theo ông Khoa, không giải quyết được mâu thuẫn trong việc nhà nước định giá để thu thuế hay mục đích dùng giá đó để đền bù cho người dân.
"Cấm" thế chấp đất tại ngân hàng nước ngoài?
Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Phan Xuân Dũng tham gia phiên thảo luận.
Về nội dung quy định thu hồi đất, dự thảo luật nhấn mạnh, Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế thu hồi đất do chủ sử dụng vi phạm pháp luật đất đai, hoặc chấm dứt sử dụng đất.
Liên quan đến thời hạn giao đất nông nghiệp cho người dân, dự thảo luật quy định: thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.
Thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với đất bãi bồi ven sông, ven biển, dự thảo luật nêu rõ "Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân đầu tư đưa đất bãi bồi ven sông, ven biển vào sử dụng". Hộ gia đình, cá nhân đã được nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành để sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn giao đất còn lại. Khi hết thời hạn giao đất, nếu người dân có nhu cầu sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai thì nhà nước tiếp tục cho thuê đất.
Dự thảo luật quy định cho phép tổ chức sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài. Việc thế chấp phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể.
Đối với nội dung này, cơ quan thẩm tra nhận định, đây là vấn đề mới chưa có thực tế để tổng kết rút kinh nghiệm nên việc quy định cần cân nhắc kỹ lưỡng. Việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại các ngân hàng nước ngoài cần tính toán đến hậu quả pháp lý của quan hệ này, nhất là trường hợp tổ chức vay không trả được nợ thì ngân hàng nước ngoài xử lý tài sản thế chấp như thế nào.
Ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị không cho phép thế chấp quyền sử dụng đất cùng tài sản trên đất tại các ngân hàng nước người vì đất đai là chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Theo Dantri