Không quân Mỹ lên tiếng về thông tin máy bay AI tiêu diệt người điều khiển
Không quân Mỹ đã chính thức phản hồi về thông tin lực lượng này tiến hành mô phỏng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đó một máy bay không người lái “quyết định thủ tiêu” người điều khiển để ngăn người này can thiệp vào việc hoàn thành nhiệm vụ của nó.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ. Ảnh: AFP
Vào tháng 5, khi dự một hội nghị thượng đỉnh tại London (Anh), Đại tá Không quân Mỹ Tucker “Cinco” Hamilton nói rằng một máy bay không người lái được hỗ trợ trí tuệ nhân tạo đã thay đổi quá trình thực hiện nhiệm vụ và tấn công con người.
Theo vị Đại tá này, trong một cuộc thử nghiệm mô phỏng, máy bay không người lái hoạt động bằng AI được giao nhiệm vụ phá hủy hệ thống phòng không của kẻ địch và tấn công bất kỳ ai cản trở mệnh lệnh đó.
Ông nói thêm rằng hệ thống AI của máy bay không người lái đã tiêu diệt người vận hành bởi nhân vật này cản trở nó hoàn thành mục tiêu. Máy bay không người lái đã được cài đặt trong quá trình huấn luyện rằng việc bắn các mục tiêu là lựa chọn ưu tiên, nên trong quá trình thử nghiệm mô phỏng, AI đã đưa ra kết luận bất kỳ hướng dẫn “cấm thực hiện” nào từ con người đều là cản trở sứ mệnh.
Video đang HOT
Đại tá Hamilton bổ sung: “Chúng tôi đã đào tạo hệ thống: ‘Này, đừng giết người điều hành – điều đó thật tệ. Bạn sẽ bị mất điểm nếu làm vậy’. Nhưng nó làm gì? Nó bắt đầu phá hủy tháp liên lạc mà người điều khiển sử dụng để liên lạc với máy bay không người lái nhằm ngăn nó tiêu diệt mục tiêu”.
Không có nhân vật thật nào bị ảnh hưởng bởi thử nghiệm này. Ông Hamilton đồng thời cảnh báo về việc phụ thuộc quá nhiều vào AI.
Gần đây, người phát ngôn lực lượng không quân Mỹ Ann Stefanek phủ nhận việc tổ chức mô phỏng AI như Đại tá Hamilton nhắc đến. Bà Stefanek cho biết: “Bộ Không quân đã không tiến hành bất kỳ mô phỏng máy bay không người lái AI nào đồng thời vẫn cam kết sử dụng có đạo đức và trách nhiệm công nghệ AI”. Theo bà Ann Stefanek, những bình luận của Đại tá Hamilton “chỉ được trích một phần và là giai thoại”.
Theo tờ Guardian (Anh), quân đội Mỹ đã chấp nhận AI và gần đây đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để điều khiển chiến đấu cơ F-16.
Mỹ hé lộ thêm hình ảnh về máy bay sát thủ tàng hình thế hệ mới trị giá gần 700 triệu USD
Máy bay ném bom tàng hình B-21, vừa được ra mắt tháng 12/2022, có mức giá đắt đỏ lên tới 692 triệu USD mỗi chiếc.
Hình ảnh mới về máy bay B-21 Raider. Ảnh: USAF
Theo Đài Sputnik, Lực lượng Không quân Mỹ (USAF) vừa công bố thêm các hình ảnh về máy bay ném bom tàng hình chiến lược mới nhất của họ: B-21 Raider. Một hình ảnh chụp lại chiếc máy bay ở góc độ cao hơn. Tấm còn lại là hình chụp cận cảnh phần mũi của chiếc B-21, cho thấy hình dạng tự như mỏ diều hâu.
Căn cứ vào đó, các chuyên gia cho rằng B-21 có thiết kế khá tương đồng với "người tiền nhiệm" B-2.
Trước đó, tháng 12/2022, Không quân Mỹ đã tổ chức lễ ra mắt máy bay B-21 tại cơ sở của nhà sản xuất Northrop Grumman ở California. Khách mời tham dự có cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin - người khẳng định chiếc máy bay mới này sẽ mang lại những ưu thế đáng kể so với các máy bay ném bom hiện có trong phi đội của Mỹ.
Theo ông Austin, ngay cả những hệ thống phòng không tinh vi nhất cũng sẽ gặp khó khăn để phát hiện B-21 trên bầu trời.
Cho đến nay, người đứng đầu Lầu Năm Góc vẫn kín tiếng về các tính năng cụ thể của B-21, vốn có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Oanh tạc cơ này có giá dự kiến là 692 triệu USD và Không quân Mỹ có kế hoạch chế tạo ít nhất 100 chiếc như vậy.
B-21 là loại máy bay ném bom công nghệ cao mới, dự kiến được thay thế hoặc bổ sung cho phi đội B-52, B-1 và B-2 đã cũ kỹ của Không quân Mỹ. Đây là thiết kế máy bay ném bom mới đầu tiên của Mỹ sau 30 năm. Cũng như các phiên bản tiền nhiệm, nó được thiết kế để có tầm bắn xa, khả năng sống sót cao và có thể mang cả vũ khí hạt nhân và thông thường.
Theo giới chuyên gia, khả năng tàng hình cùng dàn vũ khí hiện đại khiến B-21 được mệnh danh là sát thủ tàng hình thế hệ mới và được mong đợi là một chiến binh linh hoạt của bộ ba hạt nhân Mỹ. B-21 sẽ trở thành "xương sống" không quân chiến lược Mỹ tương lai. Ngoài ra, loại máy bay này còn là một phần của dự án qui mô lớn hơn đang được phát triển để phục vụ sứ mạng tấn công tầm xa thông thường, giám sát và trinh sát, tấn công điện tử và liên lạc.
Những thách thức lớn đối với Ukraine khi nhận tiêm kích F-16 Đối với một máy bay chiến đấu hiện đại như F-16, việc đào tạo nhân viên bảo trì có thể mất nhiều thời gian hơn so với đào tạo phi công. Sau nhiều tháng tuyên bố Ukraine không cần F-16, Mỹ cuối cùng cũng thay đổi quan điểm, đồng ý để các nước đồng minh gửi tiêm kích thế hệ 4 cho Kiev....