Không “phím trước” câu hỏi chất vấn cho Bộ trưởng!
Nhiều ý kiến trái chiều về cách thức tổ chức chất vấn tại Quốc hội được các đại biểu nêu ra tại phiên thảo luận tại tổ ngày 22/5 về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Tổ tư vấn giúp Bộ trưởng soạn bài trả lời chất vấn
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông ủng hộ quan điểm không gửi trước câu hỏi chất vấn cho Bộ trưởng.
Phó Chủ nhiệm UB pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông (đại biểu tỉnh Thanh Hoá) nói về các cách thức để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình, trong đó có “công cụ” hiệu quả, đắc dụng là chất vấn.
Nhấn mạnh đặc trưng của chất vấn là phải trả lời trực tiếp tại hội trường, ông Thông so sánh với cách tổ chức của nhiều nước, câu hỏi chất vấn được giữ bí mật. Ở Việt Nam, ngược lại, có việc câu hỏi được gửi trước nên các Bộ thường lập cả một tổ “tư vấn trả lời chất vấn” để giúp Bộ trưởng soạn, “học bài” cho phiên đăng đàn.
Ông Thông ủng hộ quan điểm không gửi trước câu hỏi chất vấn để Bộ trưởng phải có ý thức nắm rõ hết các lĩnh vực phụ trách. Ngược lại, khi đăng đàn Bộ trưởng cũng có thể từ chối không trả lời câu hỏi nếu đó không phải là nội dung của ngành.
Đại biểu Nguyễn Văn Danh (Tiền Giang) nhấn mạnh, chất vấn là công cụ giám sát rất mạnh tác động đến hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ có hiệu lực thực sự khi tất cả các vấn đề được trả lời trực tiếp, công khai trước Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội theo lĩnh vực quản lý của bộ, ngành.
Việc tổ chức chất vấn theo nhóm vấn đề như đang thực hiện hiện nay, theo ông Danh, sẽ giới hạn, khoanh vùng nội dung trả lời của người bị chất vấn.
Video đang HOT
“Trong một số trường hợp, người bị chất vấn có thể từ chối những vấn đề bức xúc đang đặt ra hoặc trả lời bằng văn bản các vấn đề này” – ông Danh cho rằng, người bị chất vấn nên trả lời tất cả các nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách mà các đại biểu nêu ra.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) thì nhận định, vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm là việc giám sát và thực hiện trách nhiệm sau chất vấn. Những vấn đề người bị chất vấn không thực hiện được cần giải thích rõ lý do và nguyên nhân…
Giám sát kiểu “tráng men”
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (đại biểu Hà Nội) lập luận, giám sát mà không làm rõ trách nhiệm thì coi như thất bại. Chỉ khi làm rõ trách nhiệm mới là tiêu chí để đánh giá hiệu quả.
Khái quát hiện tượng nhiều đoàn giám sát đến cơ sở chỉ ngồi nghe báo cáo của đơn vị rồi về ra kết luận, không đối chất, không đi thực tế, ông Quyền cảnh báo: “Giám sát đừng làm theo kiểu… tráng men. Nghe báo cáo rồi ra kết luận thì chắc các đối tượng giám sát đều chuẩn cả, vậy mà hôm sau người ta bắt một ai đó thì chết”.
Trách nhiệm được bàn tới, theo ông Quyền, bao gồm cả trách nhiệm của người ra kết luận giám sát phải được đề cao hết sức.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng đề nghị có chế tài trong trường hợp kiến nghị của các đối tượng khi giám sát mà không thực hiện, không giải trình thì các đối tượng đó phải xem xét về trách nhiệm, có thể là cách chức, bãi nhiệm.
Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến (đại biểu Quảng Trị) chia sẻ băn khoăn về chuyện hậu giám sát. Theo ông Tiến, nhiều chuyên đề Quốc hội giám sát xong, đưa ra kiến nghị, kiến nghị rồi có thực hiện hay không cũng không thấy thông tin phản hồi. Luật cũng không quy định đoàn giám sát có hậu giám sát, hoặc có kiến nghị ở cấp nào để có chế tài nếu như đối tượng giám sát không thực hiện kiến nghị của cơ quan giám sát.
“Tình trạng này xảy ra không chỉ ở cấp giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban hay của đoàn đại biểu Quốc hội mà kể cả trong hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội cũng có nhiều kiến nghị không được thực hiện, chậm thực hiện nhưng cũng chưa có chế tài để xử lý” – ông Tiến đề nghị xác định rõ hơn trong luật thời hạn chịu sự giám sát.
So sánh giữa cách đi giám sát kiểu “tráng men” như đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói, ông Tiến cho rằng, như vậy thì tổ chức nhiều phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban còn tốt hơn nhiều. Ông Tiến kiến nghị, các đoàn đại biểu Quốc hội chỉ nên tập trung giám sát những vấn đề nóng, lớn, bức xúc mà cử tri nêu ra tại địa phương mình.
P.Thảo
Theo Dantri
Khai trương Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
Sáng 6/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ấn nút khai trương Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Cổng thông tin này chính thức hoạt động tại địa chỉ www.quochoi.vn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu khai trương Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Theo Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội, từ năm 2013, Văn phòng Quốc hội đã triển khai xây dựng Cổng thông tin điện tử - đơn vị tích hợp thông tin hành chính điện tử và cơ quan thông tin truyền thông đa phương tiện của Quốc hội trên cơ sở dự án "Nâng cấp trang thông tin điện tử Quốc hội thành Cổng thông tin điện tử Quốc hội".
Hoạt động tại địa chỉ www.quochoi.vn, Cổng thông tin điện tử Quốc hội sẽ tạo lập môi trường giao tiếp, cung cấp thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách và quảng bá hình ảnh của Quốc hội đến nhân dân, cử tri trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Anh.
Với giao diện trang trọng và thân thiện, Cổng thông tin điện tử Quốc hội tích hợp, cập nhật thông tin, hình ảnh về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.
Tính tương tác của Cổng thông tin sẽ giúp Quốc hội lấy ý kiến công chúng về các dự thảo luật, trao đổi, hỏi đáp giữa cử tri và đại biểu, tạo lập cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật...
Người dân và cử tri cả nước có thể truy cập vào Cổng thông tin Quốc hội từ tất cả các thiết bị, từ máy tính để bàn tới điện thoại di động smartphone và máy tính bảng...
Giao diện trang chủ Cổng thông tin điện tử Quốc hội (www.quochoi.vn)
Cũng qua Cổng thông tin này, nhân dân và cử tri cả nước có thể xem và xem lại các buổi thảo luận trong các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các phiên làm việc của các cơ quan Quốc hội.
Cổng thông tin điện tử Quốc hội cũng sẽ tạo ra môi trường dịch vụ điện tử trực tuyến hỗ trợ quá trình tác nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị thuộc Quốc hội; đảm bảo sự phối kết hợp của mỗi cơ quan, đơn vị, Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng Quốc hội điện tử.
Bảo Khánh
Theo Dantri
Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử đề xuất lập Bộ Dân tộc Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử gửi tới UB Thường vụ Quốc hội báo cáo với đề xuất cho phép xây dựng đề án đổi tên UB này thành Bộ Dân tộc trước phần đăng đàn trả lời chất vấn tại Thường vụ chiều 13/3. Cụ thể, phần cuối của bản báo cáo trả lời chất vấn của ông...