Không nhìn thấy đường, bác sĩ vượt 500km cứu bé sơ sinh nhỏ như cốc nước
Hành trình hơn 15 tiếng kéo dài vô tận khi quãng đường trước mặt gần như không thể nhìn thấy gì, cả ekip nín lặng, căng thẳng.
10h ngày 18/1, Trung tâm cấp cứu 115, BV đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ nhận được cuộc gọi của một nhân viên y tế tại BV huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang nhờ hỗ trợ vận chuyển 1 bệnh nhi sinh non 28 tuần, nặng 800 g rất nguy kịch. BV Yên Minh chỉ còn cách cột cờ Lũng Cú vài chục km và cách Hà Nội gần 600 km.
10h15, chiếc xe 115 xuất phát từ Phú Thọ cùng ekip cấp cứu dày rạn kinh nghiệm nhất, trong đó có bác sĩ hồi sức sơ sinh Đặng Thị Kim Thu, điều dưỡng hồi sức cấp cứu, kỹ thuật viên vận hành máy thở, monitoring, bơm tiêm điện… Dù đã nhiều lần đối mặt với những ca bệnh rất đặc biệt và nguy kịch nhưng chưa khi nào các bác sĩ lo lắng, căng thẳng như lần này.
Ekip bác sĩ đã xuyên qua màn sương dày đặc, đánh cược mạng sống để đưa cháu bé sinh non từ Hà Giang xuống Hà Nội
Khác với những chuyến cấp cứu khác, lần này ngoài các loại thuốc thiết yếu, ekip mang theo cả sữa, bình làm ấm dinh dưỡng, máy sưởi, nhiệt kế…
Đường từ BV Hùng Vương đến trung tâm TP.Hà Giang không xa, chỉ chưa đến 200 km nhưng xe không thể đi nhanh vì người dân họp chợ 2 bên đường, hàng hoá bày la liệt.
Ra khỏi TP. Hà Giang, bắt đầu là thử thách vô cùng khốc liệt: Trời mưa tầm tã, xương mù dày đặc, có đoạn tầm nhìn không quá 2 m. Con đường gập ghềnh đá với một bên là vực sâu hun hút, một bên là triền đá tai mèo khiến ai nghĩ đến cũng rùng mình.
Sau 7 tiếng di chuyển, đến 17h cùng ngày, xe cấp cứu tiếp cận được với cháu bé. Cả ekip vừa ngỡ ngàng, xúc động và kính nể, khi một bệnh viện ở huyện rất nghèo, số lượng nhân viên y tế bằng bệnh nhân nhưng các bác sĩ đã đón và duy trì sự sống suốt nhiều giờ cho một cháu bé sinh non ở tuần thai thứ 28 và chỉ nặng 800 gr trong điều kiện thiếu thốn đủ mọi thứ và dưới thời tiết 9 – 10 độ C. Đây là điều mà nhiều bệnh viện dưới xuôi với những điều kiện thuận lợi cũng chưa chắc đã làm được.
17h30, xe bắt đầu chuyển bánh đưa bệnh nhi xuống BV Nhi TƯ ở Hà Nội. Cũng bắt đầu từ đây, một cuộc chiến vô cùng cam go, căng thẳng, quyết liệt chính thức bắt đầu, những khó khăn lúc ban ngày giờ tăng lên gấp 2-3 lần.
Chiếc xe đi trong màn đêm dày đặc, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái hàng chục km đều không có một bóng người. Sương quá dày nên cả ekip cũng không nhìn thấy bất kỳ nhà dân nào.
BS Thu nhớ lại, cảm giác lúc đó như kiểu mình đang đi lạc ra bên ngoài vũ trụ, mọi thứ lạnh lẽo, xa lạ đến rợn người, bên trong xe tất cả ánh mắt, các giác quan của những người lớn, trừ lái xe đều đổ dồn vào em bé, một em bé chỉ to bằng chiếc… cốc uống nước.
Video đang HOT
Cháu bé đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Sơ sinh, BV Nhi TƯ
Suốt chặng đường hàng trăm km, cả ekip không ai nói với ai một câu gì ngoài những y lệnh khô khốc, ngắn gọn, mọi người thay nhau bóp bóng cho em bé.
Trong xe ngoài tiếng thở của nhân viên y tế là một thứ tạp âm của các loại máy móc, một thứ tạp âm như tăng thêm sự thách thức đối với con người, và cuộc chiến lạnh lùng ấy kéo dài trên suốt chặng đường hơn 500 km, một chặng đường từ miền địa đầu tổ quốc đến thủ đô Hà Nội.
“Chúng tôi gồm nhân viên y tế, người thân của cháu bé và cả lái xe đã gần như đều kiệt sức nhưng cái điều vô giá mà chúng tôi nhận được chính là sự sống kỳ diệu của em bé, đúng 1h55 ngày 19/1, cháu bé đã đến BV Nhi TƯ, được kết nối với các thiết bị hồi sức đặc biệt của đơn vị sơ sinh”, Giám đốc BV đa khoa Hùng Vương cho biết.
Sau hơn 1 ngày được điều trị tích cực, cháu bé đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất và đang được chăm sóc đặc biệt.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
3 xe cấp cứu viện trợ cứu người đàn ông tím đen, tim ngừng đập suốt 2 giờ
Trong phút chốc, nam bệnh nhân ngừng tuần hoàn, mất ý thức, toàn thân tím đen, mạch và huyết áp 0, tưởng không còn hy vọng.
Tim ngừng đập suốt 2 tiếng
Sau 28 ngày chiến đấu giành giật sự sống với sự chăm sóc y tế đặc biệt từ các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai và khoa Hồi sức cấp cứu, BV đa khoa Hùng Vương, bệnh nhân Hoàng Trọng Trắc, 45 tuổi ở Phú Thọ đã hồi phục kỳ diệu và được xuất viện.
Trước đó, 8h55 phút ngày 10/12, tổng đài cấp cứu 115 BV Hùng Vương nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ trạm y tế xã, cách bệnh viện 10km, thông báo trường hợp bệnh nhân Hoàng Trọng Trắc đang truyền dịch tại trạm y tế thì xuất hiện tím tái và ngừng tuần hoàn...
Để có thể tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất, qua thiết bị định vị GPS, BV Hùng Vương đã cử ngay 1 xe cứu thương và 1 kíp cấu cứu đang hoạt động gần đó tới trạm y tế xã.
Chỉ ít phút sau, các nhân viên thuộc đội cấp cứu ngoại viện đã có mặt, trước mắt các thầy thuốc, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, mất ý thức, toàn thân tím đen, mạch 0, huyết áp 0.
Bắt đầu từ đây cuộc chiến cực kỳ khẩn trương, chính xác, quyết liệt, sự phối kết hợp cực kỳ hoàn hảo chính thức bắt đầu...
Bệnh nhân hồi phục kỳ diệu sau gần 1 tháng điều trị tích cực
Từ 9h, 2 nhân viên y tế Lương Ngọc Tiến và Lò Văn Thực liên tục thực hiện ép tim ngoài lồng ngực nhằm tái tạo tuần hoàn vừa đặt nội khí quản để cung cấp oxy.
Các nhân viên khác của trạm y tế xã cũng được huy động tối đa, thiết lập thêm đường truyền nhằm đưa các thuốc vận mạch mà trong đó chủ lực là Adrenalin theo phác đồ cho bệnh nhân theo sự hỗ trợ từ tổng đài của trung tâm 115 là BS Nguyễn Đức Huỳnh.
Ít phút sau, bệnh nhân bắt đầu có những tín hiệu đáp ứng, trên màn hình monitoring, các chỉ số sinh tồn bắt đầu xuất hiện, Sp02 từ 40 lên 50,70,80...
Tuy nhiên, sau hơn 20 phút ép tim, bóp bóng liên tục, tim của người bệnh vẫn chưa có tín hiệu đập trở lại, trong khi các loại thuốc vận mạch mang theo xe đã sắp hết.
Nhận thấy tình trạng rất nguy kịch, bệnh nhân có thể sẽ tử vong, từ bệnh viện ban giám đốc tiếp tục điều thêm 1 xe cứu thương thứ hai mang theo đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, máy sốc tim, máy hút dịch... và một kíp cấp cứu gồm bác sĩ Nguyễn Đức Huỳnh và 2 kĩ thuật viên nhanh chóng tiếp cận người bệnh.
9h40, lúc này buồng điều trị của trạm y tế xã đã được trang bị như một phòng hồi sức tích cực thực thụ, bệnh nhân được sử dụng 3 loại vận mạch với liều cao nhất, các nhân viên y tế vẫn thay nhau ép tim ngoài lồng ngực, các chỉ số, mạch, huyết áp, Sp02 có đáp ứng và dần được cải thiện, tuy nhiên bệnh nhân vẫn trong trạng thái mất ý thức, tim vẫn chưa có tín hiệu đập trở lại.
Các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy kịch, có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được tăng cường các biện pháp hồi sức cấp cứu tối đa.
10h10, xe cấp cứu thứ 3 mang theo máy thở, bơm tiêm điện, máy xét nghiệm khí máu và một số loại thuốc thiết yếu khác cùng một kíp cấp cứu mới bao gồm những chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất của bệnh viện tiếp tục lên đường.
10h20, trên giường bệnh, bệnh nhân vẫn trong trạng thái nguy kịch. Sau khi hội chẩn và xin ý kiến của các chuyên gia khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, BS Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và kíp cấp cứu tiếp tục kiên trì áp dụng toàn bộ những biện pháp hồi sức tích cực theo phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn tiên tiến nhất mà BV Bạch Mai đang áp dụng, trong đó có sốc điện chuyển nhịp, bổ sung thêm thuốc Nabica, canci...
Và điều kỳ diệu tưởng như chỉ có chuyện cổ tích đã đến... Sau gần 2 giờ ép tim ngoài lồng ngực, đến 10h45, mặc dù còn rất yếu ớt nhưng tim bệnh nhân bắt đầu tự đập trở lại.
Tuyến trung ương hỗ trợ ECMO
Lúc này qua xét nghiệm tại chỗ, bác sĩ xác định bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng, đây là hậu quả của việc ngừng tuần hoàn kéo dài, lactac>15, giảm tưới máu mô cực kỳ nặng, bệnh nhân sau đó lại xuất hiện rung thất, ngừng tuần hoàn, nhưng với những thuốc và thiết bị có sẵn, BS Tuấn và các đồng nghiệp đã xử lý thành công, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân dần ổn định, huyết áp 90/60, mạch 50 - 60 lần/ phút, Sp02 97 %.
Nhận thấy đây là trường hợp rất khó vì rung thất tái phát nhiều lần, mặc dù đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn đúng cách, bệnh nhân đã có mạch, huyết áp, chỉ số Sp02 đã đáp ứng tốt nhưng do thời gian ngừng tim kéo dài, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng suy đa tạng rất nặng, để cứu sống cần áp dụng biện pháp tim phổi nhân tạo (ECMO).
11h15 cùng ngày, một kíp cấp cứu vận chuyển đặc biệt được huy động với những kịch bản được chuẩn bị rất kỹ bắt đầu vận chuyển người bệnh đến BV Bạch Mai.
Sau hơn 3 giờ tiếp tục chiến đấu với tử thần trên xe cứu thương, 14h29 phút cùng ngày, bệnh nhân đã được vận chuyển an toàn đến khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.
Tại BV Bạch Mai, bằng các thiết bị cận lâm sàng hiện đại, các bác sĩ xác định, bệnh nhân ngừng tuần hoàn do bệnh viêm cơ tim cấp, một bệnh lý tim mạch thuộc loại cực kỳ nguy hiểm, diễn biến rất nhanh, khó chẩn đoán và đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.
Ngay trong chiều và đêm 10/12, bệnh nhân vẫn diễn biến rất nặng, tim của bệnh nhân vẫn tiếp tục rời rạc và có lúc ngừng đập dù đã được áp dụng các thiết bị hiện đại nhất.
Gần sáng ngày 11/12, bệnh nhân được kết nối máy ECMO, lọc máu liên tục... 7 ngày sau, trái tim bệnh nhân chính thức đập trở lại, chỉ số huyết động ổn định, bắt đầu hồi phục dần và được xuất viện sau gần 1 tháng.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Chủ quan đi ngoài phân lỏng, người phụ nữ mắc ung thư Bệnh nhân đến viện khám vì đau bụng âm ỉ, đi ngoài phân lỏng thường xuyên, không ngờ được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư, phải phẫu thuật. Bà Phạm Thị Tâm, 64 tuổi ở Phú Thọ đến BV đa khoa Hùng Vương khám bệnh vì thường xuyên thấy đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, đi ngoài phân lỏng nát nhưng...