Nhiễm khuẩn HP liệu có bị ung thư dạ dày?
Nhiều người khi nhận kết quả xét nghiệm nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP) trong dạ dày đã lo sẽ bị ung thư dạ dày. Sự thật có phải như vậy?
Xét nghiệm vi khuẩn HP qua kiểm tra hơi thở (Ảnh minh họa)
Tỷ lệ người Việt nhiễm khuẩn HP dạ dày chiếm tới 70% dân số và nhiều người khi nhận kết quả xét nghiệm nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP) trong dạ dày đã lo sẽ bị ung thư dạ dày.
Trẻ nhỏ cũng nhiễm khuẩn HP dạ dày
Mới đây BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) điều trị cho 1 bé gái 5 tuổi với chẩn đoán viêm dạ dày, dương tính với vi khuẩn HP. Khá bất ngờ với kết luận chẩn đoán này, mẹ bệnh nhi cho hay: “Trước đó con hay đau bụng từng cơn, ợ hơi liên tục nên gia đình mới đưa đi khám. Còn trong gia đình cũng chưa ai đi khám hay xét nghiệm gì liên quan đến khuẩn HP”.
Hiện, các trường hợp bệnh nhi nhập viện vì nhiễm HP dẫn đến viêm dạ dày không còn hiếm gặp. Theo lý giải của PGS. TS. Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật, ở Việt Nam, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP. Đã có trẻ bị nhiễm khuẩn HP khi mới 2 tuổi, nguyên nhân do người mẹ thường có thói quen mớm thức ăn cho con. “Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm, đặc biệt ở trẻ em do hệ miễn dịch còn rất yếu, dễ lây nhiễm, diễn biến bệnh rất nhanh. Các thói quen ăn uống chung đụng ở trường lớp, hay là việc mớm cơm cho con có thể sẽ mang vi khuẩn HP vào cơ thể trẻ. Điều đáng nói, ngoài niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh. Do đó, vi khuẩn HP dễ lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, ăn uống chung…”, ông Thắng cho biết.
Còn BS. Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, Việt Nam có khoảng 60-70% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP. Riêng một nghiên cứu tại Hà Nội, cứ 1.000 người thì có đến 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TP HCM, 90% số người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này.
Nhiễm khuẩn có ung thư dạ dày?
Cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính khuẩn HP, anh Nguyễn Kiều P. (35 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ ra vô cùng lo lắng. “Tôi vẫn nghe mọi người nói có khuẩn HP trong dạ dày thì rất dễ mắc ung thư dạ dày, không biết cần phải làm gì để phòng tránh đây?”, anh P. băn khoăn.
Chia sẻ trước lo lắng của không ít người bệnh về vấn đề này, BS. Thắng cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày rất cao. Vi khuẩn HP được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải ai mắc vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày. Bởi theo nghiên cứu của Bệnh viện K, có 200 loại HP khác nhau, chỉ một số loại mang gen CagA có độc lực cao, tăng nguy cơ ung thư. Khi mắc vi khuẩn HP, bệnh nhân có thể làm xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA hay không. Trên thực tế, có đến 80% người trên 50 tuổi có mang vi khuẩn HP nhưng không phải ai cũng bị ung thư dạ dày”.
Theo khuyến cáo của BS. Khanh, nếu vi khuẩn HP làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói…) thì việc điều trị vô cùng quan trọng nhằm làm giảm nguy hại có thể gặp như biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc lạm dụng thuốc kháng sinh khá phổ biến và việc người bệnh không tuân thủ liều lượng, thời gian uống thuốc đã dẫn đến tình trạng vi khuẩn HP kháng với nhiều loại kháng sinh. Điều đó dẫn đến việc điều trị mất nhiều thời gian hơn và hiệu quả điều trị không cao.
“Chính vì người Việt có thói quen “tự chẩn đoán bệnh, tự mua thuốc uống” khi có dấu hiệu đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi nên tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn HP ở Việt Nam khá cao. Nhiều loại thuốc điều trị HP tại các nước đạt hiệu quả lên đến 80 – 90% thì ở Việt Nam tỷ lệ thành công thấp hơn, thậm chí có những loại thuốc tỷ lệ thành công trong điều trị chỉ còn khoảng 50%”, BS. Khanh cho hay.
BS. Thắng khuyến cáo, những người đã mắc vi khuẩn này nên hạn chế ăn đồ chua, cay, hạn chế uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá… Và để tránh tình trạng kháng kháng sinh, mọi người cần từ bỏ thói quen tự ý mua kháng sinh diệt vi khuẩn HP. Người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ test và diệt vi khuẩn HP theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Theo baogiaothong
Viêm dạ dày có chuyển sang ung thư?
Nhiều bệnh nhân viêm dạ dày đến gặp bác sĩ với tâm trạng lo sợ bệnh sẽ diễn biến thành ung thư dạ dày. Điều này có đúng không và chúng ta nên làm gì?
Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nội soi dạ dày - Ảnh: TRẦN LƯU
Ở người bình thường, mặt trong của dạ dày được bao phủ bởi một lớp áo rất trơn láng, hồng hào và rất đẹp. Khi lớp áo phủ này không còn đẹp đẽ nữa mà trở nên sần sùi như da gà, trầy xước, sưng phù lên, thậm chí xuất huyết lốm đốm như ban đỏ. Lúc đó chúng ta bị mắc bệnh viêm dạ dày.
Còn ung thư dạ dày là khối u ác tính xuất phát từ lớp áo phủ bên trong dạ dày.
Có thể chứ không phải chắc chắn
Quá trình viêm dạ dày diễn tiến chậm qua nhiều năm, qua nhiều giai đoạn trung gian với sự biến đổi tế bào của lớp áo phủ bên trong dạ dày trước khi hình thành ung thư dạ dày.
Các giai đoạn trung gian này (còn được gọi là tiền ung thư) bao gồm teo niêm mạc dạ dày (lớp áo phủ bị mỏng đi), chuyển sản ruột (lớp áo phủ bên trong dạ dày bị biến đổi thành loại khác, hiểu đơn giản là lấy vải kaki may áo sơmi), nghịch sản (lớp áo phủ dạ dày đã có những thay đổi quá nhiều theo hướng thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể, giống như con cái mới lớn không muốn nghe lời cha mẹ mà chỉ muốn nghe lời bạn xấu).
Những yếu tố nào khiến viêm dạ dày "không vâng lời kiểm soát của cơ thể", chuyển biến thành ung thư dạ dày?
Đây là một loạt sự phối hợp của nhiều yếu tố cùng tác động, trong đó vai trò của nhiễm vi trùng Helicobacter Pylori trong dạ dày là chính yếu. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác phối hợp như:
- Chế độ ăn nhiều muối (rau muối, cá muối, các loại thịt hun khói), nhiều chất nitrate (có nhiều trong các loại thịt nguội), nhiều thức ăn khét cháy đen.
- Hút thuốc lá.
- Yếu tố di truyền: trong gia đình, bà con ruột thịt có người đã từng bị ung thư dạ dày.
- Đã phẫu thuật cắt bỏ 1 phần dạ dày trước đó làm thay đổi độ pH bình thường trong dạ dày có thể dẫn đến ung thư về sau.
- Béo phì, nhất là béo bụng làm cho dễ bị ung thư vùng nối dạ dày - thực quản
- Nhiễm phóng xạ.
Phương pháp chẩn đoán
Nội soi dạ dày qua đường miệng là phương pháp duy nhất để chẩn đoán bệnh
Hiện tại, để phát hiện sớm ung thư dạ dày, chúng tôi nội soi và đánh giá theo phương pháp mới (phương pháp kimura) giúp chẩn đoán được những bệnh nhân bị teo niêm mạc dạ dày ngay từ giai đoạn nhẹ, từ đó có chế độ theo dõi thích hợp hơn nhằm phát hiện sớm ung thư dạ dày khi nó vừa mới xuất hiện trên những vùng dạ dày bị teo mỏng này.
Điều trị
Việc điều trị viêm dạ dày cần kiên trì vì bệnh dễ tái phát và thuốc chỉ góp phần có 60-70%, phần còn lại là ăn uống kiêng cữ rượu bia, thuốc lá, sinh hoạt điều độ chừng mực.
Nếu không may chuyển sang ung thư dạ dày giai đoạn sớm thì ở VN hiện đã áp dụng phương pháp "cắt hớt niêm mạc dạ dày qua nội soi", không cần phải phẫu thuật cắt bỏ dạ dày mà cơ hội khỏi bệnh lên đến 99%. Tỉ lệ lành bệnh hoàn toàn sau 5 năm cũng lên đến 90%. Do đó, việc phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Phòng ngừa
Không nên chủ quan mà nên đi khám bệnh và nội soi khi có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thoáng qua như ăn không ngon, đầy bụng đặc biệt là khi đã bước vào lứa tuổi 40 và nhất là trong gia đình có người đã từng bị viêm loét dạ dày hay ung thư dạ dày.
Những người có tiền sử bị viêm loét dạ dày nên kiểm tra và điều trị triệt để nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter Pylori.
Bỏ hút thuốc lá.
Tránh ăn các thức ăn nhiều muối hoặc ăn quá nhiều các loại jambon, giò chả, thịt nguội.
Chú ý ăn nhiều các loại rau xanh, thực phẩm nhiều vitamin C như cà chua, cam, bưởi...
Những bệnh nhân đã được chẩn đoán teo niêm mạc dạ dày dù nhẹ cũng nên tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để có chế độ điều trị và theo dõi thích hợp nhằm tránh diễn tiến nặng hơn. Đặc biệt, những người bệnh teo niêm mạc dạ dày độ nặng cần được nội soi dạ dày kiểm tra định kỳ mỗi 1-2 năm để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư dạ dày.
Theo nghiên cứu, tỉ lệ chuyển biến thành ung thư dạ dày hằng năm ở người có teo niêm mạc dạ dày chỉ khoảng 0,1%, chuyển sản ruột 0,25%, nghịch sản nhẹ 0,6% và nghịch sản nặng 6%.
BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (BV Nguyễn Tri Phương)
Theo tuoitre
Cô gái 26 tuổi nôn ra gần 200ml máu tươi, nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống quen thuộc Đừng bao giờ coi thường sức khỏe của mình, thông qua việc ăn uống, nếu không chú ý thì sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vương Tiêu Vũ (26 tuổi) đang sinh sống tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc). Mới đây, cô vừa phải nhập viện cấp cứu vì nôn ra máu tươi trong bữa cơm. Theo chia...