“Không nhất thiết phải là Ủy viên TƯ Đảng mới làm được Bộ trưởng”
“Chúng ta phải thấy vui khi có người không phải Ủy viên TƯ Đảng vẫn được giới thiệu làm Bộ trưởng. Đặc biệt nữa nếu có người không phải đảng viên vẫn được giới thiệu làm Bộ trưởng thì tôi rất hoan nghênh” – ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức TƯ Đảng bày tỏ.
Sáng nay (28.7) Quốc hội sẽ bỏ phiếu phê chuẩn các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và trưởng ngành. Nhìn vào công tác nhân sự thấy rất nhiều năm trở lại đây, mới có trường hợp một người không phải là Ủy viên TƯ Đảng nhưng vẫn được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 -2021.
Nhìn nhận về việc này, ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Vấn đề nhân sự được giới thiệu ra để Quốc hội bầu và phê chuẩn đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành TƯ Đảng nghiên cứu, lựa chọn kỹ. Trong số thành viên Chính phủ hiện nay tỷ lệ nữ rất là ít, chỉ có bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước muốn tăng tỷ lệ nữ trong diện lãnh đạo các cấp kể cả Quốc hội và HĐND.
“Đối với bà Tiến trong những năm đầu làm Bộ trưởng có những việc chưa được dư luận xã hội đồng tình, báo chí cũng nêu việc này, việc kia còn tồn tại trong ngành y tế. Khi Quốc hội khóa XIII bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bà Tiến không đạt được nhiều phiếu tín nhiệm cao. Tuy nhiên sau đó, bà đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, từng bước khắc phục được những yếu kém của ngành y tế” – ông Cuông bày tỏ.
Cũng theo ông Cuông, trong Chính phủ tất cả thành viên đều là Ủy viên TƯ Đảng trở lên là chuyện bình thường, mang tính truyền thống. Còn người không phải Ủy viên TƯ Đảng vẫn được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng thấy có gì đó khác với truyền thống.
“Chúng ta phải nghĩ vấn đề ở đây là người đó có hoàn thành nhiệm vụ mà Nhân dân, Quốc hội giao cho không. Người đó có đủ tâm, đủ tầm, đủ kinh nghiệm trong điều hành quản lý không. Không nhất thiết cứ phải là Ủy viên TƯ Đảng mới làm được Bộ trưởng. Không phải Ủy viên TƯ Đảng mà làm Bộ trưởng tốt thì rất hay. Nếu anh là Ủy viên TƯ Đảng nhưng làm trái ngành, trái chuyên môn, không am hiểu sâu về lĩnh vực được giao có khi điều hành không hiệu quả, không tập trung được trí tuệ của đội ngũ cán bộ trong ngành. Đối với người lãnh đạo phải quy tụ được sức mạnh tổng hợp từ các cá nhân, tổ chức trong ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – ông Cuông phân tích.
Ông Lê Quang Thưởng nhìn nhận, việc bà Nguyễn Thị Kim Tiến không phải là Ủy viên TƯ Đảng nhưng vẫn được giới thiệu phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Y tế là chuyện bình thường, không có gì đặc biệt.
“Có rất nhiều người không phải là Ủy viên TƯ Đảng nhưng họ cũng là người giỏi, người tốt. Có rất nhiều người trong hơn 90 triệu đồng bào xứng đáng làm việc, việc khác. Cho nên chúng ta phải thấy vui khi có người không phải Ủy viên TƯ Đảng vẫn được giới thiệu làm Bộ trưởng. Đặc biệt nữa nếu có người không phải đảng viên vẫn được giới thiệu làm Bộ trưởng thì tôi rất hoan nghênh. Đó là tinh thần công bằng, dân chủ rất cao” – ông Thưởng cho biết.
Video đang HOT
Từng là ĐBQH nhiều khóa, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, đối với một số bộ, ngành liên quan đến quyết định vận mệnh của quốc gia thì người đứng đầu phải nằm trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư hay Ủy viên TƯ Đảng. Còn đối với những bộ, ngành mang tính chuyên môn thì tiêu chí chọn người đứng đầu nên coi chuyên môn là quan trọng nhất, tiếp đến là tinh thần phục vụ nhân dân, tinh thần cầu thị, học hỏi, đổi mới để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Danviet
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục được giới thiệu làm Bộ trưởng Bộ Y tế
Trong danh sách 21 người được Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm làm Bộ trưởng, trưởng ngành, có một nhân vật mới, một trường hợp là nữ giới.
Chiều 27.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Trong danh sách, duy nhất có ông Nguyễn Xuân Cường là nhân vật mới. Ông Cường được đề nghị phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ông Cường sinh năm 1959, quê Đan Phượng, Hà Nội. Ông có học vị tiến sĩ nông nghiệp. Hiện ông đang là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ông Cường từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (cũ), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Đảng.
Có 18 người từng được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn làm Bộ trưởng, trưởng ngành vào tháng 4.2016. Trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ (tháng 8.2011). Ông Đinh Tiến Dũng được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính vào tháng 5.2013.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là trường hợp duy nhất là nữ giới. Mặc dù tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bà Tiến không trúng Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng nhưng vẫn uy tín để được giới thiệu tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 -2021. Bà Tiến sinh năm 1959, quê Hà Tĩnh, bà có học hàm Phó giáo sư, học vị tiến sĩ Y khoa. Bà từng là Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Bà từng được báo chí phản ánh về chuyện đăng ký hiến tạng.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh: VPQH)
Danh sách những người được Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm làm Bộ trưởng, trưởng ngành gồm:
1. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Quốc phòng.
2. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Công an.
3. Ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Nội vụ.
4. Ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Tư pháp.
5. Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư.
6. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Công thương.
7. Ông Phạm Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Xây dựng.
8. Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường.
9. Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Thông tin Truyền thông.
10. Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội.
11. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
12. Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Khoa học Công nghệ.
13. Ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo.
14. Ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
15. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế.
16. Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
17. Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Bộ trưởng Bộ Tài chính.
18. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
19. Ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Tổng thanh tra Chính phủ.
20. Ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
21. Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Theo Danviet
Không thể tách rời 2 bé song sinh dính liền ở Hà Giang Kết quả hội chẩn với sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành về cặp bé trai song sinh dính nhau ở Hà Giang cho thấy tổn thương tim của hai bé quá phức tạp, không thể mổ tách rời để cứu một hoặc hai cháu. Các chuyên gia nhận định việc phẫu thuật cho cặp song sinh này rất khó thực...