Không làm chuồng vẫn đút túi 20 triệu đồng/năm nhờ 2 con heo
Chỉ với 2 con heo làng (heo nái), gia đình ông Diệp Đăng Dũng (làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh, Bình Định) vẫn thu về khoảng 20 triệu đồng từ việc bán heo con. Trong khi đó, việc nuôi heo làng lại không tốn công làm chuồng và chi phí chăm sóc lại rất ít.
Ông Diệp Đăng Dũng cho biết: “Heo làng có gốc gác từ heo rừng nhưng lai tạp qua nhiều đời khác nhau nên không còn giống heo rừng nữa. Đặc điểm nhận dạng của chúng là nhỏ con, mang màu đen và chạy tứ tung trong làng”.
Theo ông Dũng, heo làng có sức đề kháng cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, dễ nuôi và không tốn nhiều thức ăn hay công chăm sóc.
Heo làng cũng thích nghi với mọi loại địa hình, khí hậu ở miền núi.
Video đang HOT
Thịt heo làng được đánh giá là thơm ngon, săn chắc, nhiều nạc nhưng mềm, da dày, giòn, giá trị dinh dưỡng cao nên ngày càng được thị trường nhiều nơi ưa chuộng.
Ông Dũng cho biết: “Thức ăn cho heo làng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp: chuối cây, cỏ, bắp và một phần cám gạo. Chúng tự kiếm ăn trong rừng nên mỗi ngày, hai bữa tôi chỉ trộn bắp, cám và bổ sung thêm cỏ và chuối cây cho heo ăn. Việc tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn và không phải làm chuồng nên việc nuôi heo làng ít phải tốn chi phí như nuôi heo thông thường”.
Heo làng vẫn giữ lối sống bầy đàn, thích vận động ở không gian rộng, thích ủi đất và đầm nước khi mùa nắng nóng.
Heo nái khi sinh sản tự tìm ổ đẻ, không cần sự can thiệp của người nuôi.
Heo con sau khi ra đời nhanh chóng khỏe mạnh, chạy nhảy và nhanh chóng tách mẹ sau hơn 1 tháng.
“Trước khi bắt tay chăn nuôi heo làng thì người nuôi cần tìm hiểu một vài thông tin về loài heo này. Đây là một trong những giống heo có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, thoáng mát. Khi chọn giống nuôi, cần chú ý lựa chọn những con có đầu nhỏ, lưng thẳng, ngực sâu, hông to, lông mịn, bước di chuyển nhanh nhẹn và đặc biệt là có màu đen đặc trưng….”- ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, mỗi con heo làng (nái) đẻ 2 lứa/ năm với gần 15 con heo con/ lứa và sau khi nuôi 5 tháng là gia đình ông có thể xuất bán đàn heo thịt với giá 100.000 đồng/ kg. Với 2 con heo làng (nái) mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 20 triệu đồng tiền bán heo con. “Đàn heo làng tự lo việc kiếm ăn và tự tìm đối tác để tính chuyện sinh con. Gia đình tôi không làm chuồng như cách nuôi heo thông thường vì môi trường chuồng không phù hợp với heo làng. Khi mang thai, chúng tự làm ổ và sinh sản ngay trong rừng nên gia đình tôi rất ít tốn công chăm sóc, chi phí ăn uống”- ông Dũng cho biết.
Theo Danviet
Người Việt đã ăn 6 tấn chất cấm trong thịt heo?
Chỉ có 3 trong số 9 tấn Sabutamol được cấp phép nhập khẩu sử dụng vào mục đích sản xuất thuốc, số còn lại đã bị các công ty dược tuồn ra thị trường. Chỉ trong năm 2015, người tiêu dùng trên cả nước có thể đã ăn tới 6 tấn chất cấm trong chăn nuôi.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm "Chất cấm trong chăn nuôi heo - thực trạng và giải pháp" diễn ra ngày 23/3 tại TPHCM.
Số liệu được Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) công bố cho biết, đơn vị này đã lấy 1.008 mẫu thịt heo (lợn) tại các cơ sở giết mổ để kiểm tra chất Sabutamol dùng để tạo nạc, tạo độ sáng bóng cho thịt bị cấm trong chăn nuôi thì phát hiện 13 mẫu dương tính; lấy 1.981 mẫu nước tiểu heo tại cơ sở chăn nuôi phát hiện 115 mẫu dương tính; 238 mẫu thịt heo trên thị trường phát hiện 12 mẫu dương tính.
Cần có những chuỗi cung cấp thực phẩm sạch để cung cấp cho người sử dụng
Sau công bố của Cục chăn nuôi, thông tin "giật mình" tiếp tục được ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai tiết lộ. "Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1,6 triệu con heo. Kết quả kiểm tra năm 2015 ghi nhận tới 15% số mẫu dương tính với Sabutamol. Đầu năm 2016, chi cục lấy 50 mẫu thịt heo kiểm định thì phát hiện 8 mẫu dương tính với Sabutamol.
Lý giải nguyên nhân loại chất cấm trên từ đâu mà có, vì sao người chăn nuôi dễ dàng mua được, ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục chăn nuôi cho biết: "Sabutamol là dạng tiền chất được Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép cho các công ty dược nhập khẩu để sử dụng trong chế biến thuốc phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, đây lại là một chất cấm trong chăn nuôi bởi nó gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng nếu ăn phải thực phẩm có chứa Sabutamol.
Ông Chinh thẳng thắn cho biết: Trong năm 2015 Cục quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu hơn 9 tấn Sabutamol. Tuy nhiên thực tế, chỉ có khoảng 3 tấn sản phẩm này được các công ty dược báo cáo đã sử dụng để sản xuất thuốc, số còn lại đã "không cánh mà bay". Sabutamol không có nguồn hàng xách tay về nước, loại chất cấm đang được mua bán tràn lan trên chắc chắn là khối lượng hơn 6 tấn Sabutamol không có báo cáo rõ ràng của ngành y tế, bị các công ty dược tuồn ra thị trường. Đây là hậu quả từ việc quản lý lỏng lẻo của ngành dược khi không giám sát sản phẩm Sabutamol từ lúc nhập khẩu đến khi sử dụng.
Lợi ích kinh tế đang khiến con người đầu độc lẫn nhau
Sabutamol trong chăn nuôi đang âm thầm gây họa cho người sử dụng, hậu quả sẽ khôn lường đối với giống nòi nhưng trên thực tế, chế tài xử lý những đối tượng vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho hay: "Mức phạt đối với các trang trại chăn nuôi heo vi phạm sử dụng chất cấm chỉ có 15 triệu đồng, còn đối với các hộ chăn nuôi chỉ có 7,5 triệu đồng. Nếu so với lợi nhuận từ việc sử dụng chất cấm thì người chăn nuôi sử dụng chất cấm vẫn có lợi hơn nhiều."
Để chặn đứng tình trạng vì lợi nhuận người chăn nuôi sử dụng chất cấm, đầu độc đồng loại. Đại tá Trần Trọng Bình, Cục phó Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 25/2/2016 các sản phẩm chứa chất cấm bị phát hiện sẽ bị tiêu hủy. Từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực hành vi của người sử dụng chất cấm vi phạm an toàn thực phẩm, ngoài bị xử phạt hành chính còn bị phạt tù lên đến 20 năm tù giam.
Vân Sơn
Theo Dantri
Dịch tai xanh gây thiệt hại nặng nề Dịch tai xanh đang tấn công đàn lợn tại xã Hưng Mỹ (H.Hưng Nguyên, Nghệ An) khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề. Tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tai xanh- Ảnh: Phạm Đức Ổ dịch đầu tiên được phát hiện trên đàn lợn của gia đình chị Trần Thị Hà (trú xóm 8, xã Hưng Mỹ) với các triệu chứng:...