‘Không kiểm soát được độ nhạy cảm là chết’
Hội nghị phổ biến nghị định 79 về nghệ thuật biểu diễn (NTBD) và lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư về NTBD khu vực phía Bắc vừa diễn ra sáng 27-11 tại Hà Nội.
Mức phạt 5 triệu đồng cho hành vi hôn sư thầy của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là một ví dụ được nhắc đến trong hội nghị. Trong ảnh: hình ảnh “vũ công nhí” với những động tác không phù hợp với lứa tuổi trong chương trình biểu diễn cùng Đàm Vĩnh Hưng tối 20-11 khiến cư dân mạng tiếp tục bất bình – Ảnh tư liệu
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh: Mức xử phạt sẽ phải quy định rất cụ thể, mức nào thì phạt tiền, mức nào thì cấm diễn. Văn bản chặt chẽ nhưng phải đi kèm đó là cơ quan quản lý phải hết sức quyết liệt. Nếu chỉ ra quân, làm rầm rộ một vài ngày thì đâu lại vào đấy.
Nhiều điểm chưa được đồng tình
Dự thảo thông tư về NTBD nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan thuộc bộ lẫn các sở VH-TT&DL. Các đơn vị quản lý văn hóa địa phương tỏ ra không đồng tình với thời hạn hai ngày cho việc cấp phép một chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Ông Nguyễn Văn Trực (trưởng phòng quản lý nghệ thuật – Sở VH-TT&DL Hà Nội) cho rằng: “Hai ngày là bất khả thi. Một bộ hồ sơ xin cấp phép được gửi đến bộ phận một cửa và phải qua tất cả các khâu chuyên viên, trưởng phòng, cán bộ chuyên môn, trưởng phòng chuyên môn, phó giám đốc sở phụ trách ký duyệt rồi chuyển lại bộ phận trả thủ tục hành chính, không thể hoàn thành trong hai ngày được. Trong khi đó, một ngày sở nhận được hàng chục bộ hồ sơ”. Các sở VH-TT&DL cũng đề nghị thông tư về NTBD mới sẽ tăng thời hạn từ hai lên năm ngày để tạo điều kiện cho các sở có thời gian thẩm định kỹ hơn.
Bà Bùi Thị Phấn (Sở VH-TT&DL Hưng Yên) góp ý: thông tư nên nói rõ thời hạn có hiệu lực của giấy phép. Trước đây quy định có giá trị vĩnh viễn, công ty xin cấp mang giấy đi khắp nơi. Bản thân sở không biết họ diễn ở đâu, có vi phạm gì nên rất khó quản lý.
Cho đến khi nghị định 79 ban hành, vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình với việc bãi bỏ giấy tiếp nhận biểu diễn của các sở. “Dù đúng xu thế cải cách hành chính nhưng cũng phải đảm bảo quản lý nhà nước về văn hóa. Đề nghị bổ sung phần ý kiến của sở VH-TT&DL đồng ý hay không đồng ý trong giấy thông báo của đơn vị biểu diễn” – đại diện một sở VH-TT&DL bày tỏ.
Video đang HOT
Phạt như vi phạm giao thông
Xung quanh các ý kiến đề nghị tăng mức phạt vi phạm NTBD, NSƯT Lê Chức cho biết: “Phạt không có nghĩa là thêm một lần quảng cáo cho người vi phạm, để rồi sau đó catsê lại tăng lên. Như trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng, phạt thế nào cũng không đủ vì hành động đó làm hoen ố hình ảnh người nghệ sĩ (Chuyện hôn môi và 5 triệu đồng, Tuổi Trẻ ngày 16-11). Có những lĩnh vực không kiểm soát được độ nhạy cảm là chết”.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên khẳng định: Có hai điểm quan trọng nhất của thông tư mà chúng ta sẽ phải làm rõ. Thứ nhất là ý thức của các nhà quản lý và của nghệ sĩ. Làm sao bắt cơ quan làm luật phải quy định hộ phải mặc gì, cụ thể ngắn dài thế nào là trái thuần phong mỹ tục được. Điều đó rất khó. Thứ hai là mức phạt sẽ tăng lên và có mức phạt kèm theo. Ví dụ, nếu mức phạt tiền (theo dự kiến) là 50 triệu đồng thì sẽ cấm biểu diễn trong bao lâu, cấm xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như thế nào. Chúng ta cứ hiểu phạt vi phạm NTBD cũng giống như phạt vi phạm giao thông. Kèm theo phạt hành chính là thu bằng có thời hạn thì trong NTBD sẽ là cấm diễn có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Trên thực tế, khi chưa có nghị định 79 hay thông tư hướng dẫn thì nghị định 75 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa cũng đã có quy định về các hình phạt bổ sung và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, rất ít khi cơ quan quản lý mạnh tay và áp dụng mức phạt bổ sung này. Lý do được đưa ra hầu hết là “vi phạm chưa trầm trọng” hoặc “muốn đình chỉ phải xin ý kiến lãnh đạo Bộ VH-TT&DL”.
Ông Phạm Đình Thắng (phó cục trưởng Cục NTBD) cho biết các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được tổng hợp để bổ sung vào dự thảo thông tư sao cho cụ thể nhất và sát nhất với thực tế NTBD. Hội nghị sáng 27-11 tại Hà Nội chỉ mới lấy ý kiến của các sở VH-TT&DL khu vực phía Bắc (tính từ Thừa Thiên – Huế trở ra). Hội nghị góp ý dự thảo thông tư về NTBD khu vực phía Nam sẽ diễn ra tại TP.HCM ngày 6-12.
Duyệt trước khi biểu diễn hay trước khi cấp phép?
Dự thảo thông tư về NTBD cũng có một số điểm “cãi” lại chính nghị định NTBD vừa ban hành hồi tháng 10-2012. “Nghị định nói duyệt chương trình trước khi biểu diễn là đúng rồi nhưng dự thảo thông tư lại ghi phải duyệt trước khi cấp phép. Chẳng lẽ như chương trình của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, phải mời anh ấy về nước duyệt rồi mới cấp phép cho chương trình biểu diễn à? Công ty tổ chức đâu chỉ có mỗi việc xin phép, họ phải làm đủ thứ thủ tục, quảng cáo, mời nghệ sĩ, bán vé… Quy định này quá vô lý” – đại diện Sở VH-TT&DL Hà Nội bức xúc.
Theo Tuổi Trẻ
Showbiz Việt "ép" trẻ con phải lớn
Không ít khán giả giật mình khi xem những đứa trẻ nhảy nhót cuồng nhiệt, bốc lửa trong bộ trang phục thiếu vải hay phải gồng mình lên để biến thành một rocker thực thụ trong các show diễn trên truyền hình.
Vũ công nhí sexy bên Mr Đàm
Trong liveshow Mr Đàm - The Voice: Tình ca muôn thuở, với mục đích chủ yếu là lăng xê các học trò nên Mr Đàm không quá chú trọng đầu tư cho phần trình diễn của bản thân. Anh chỉ tập trung thể hiện lại hàng loạt các ca khúc hit của mình trong những năm vừa qua. Lẽ dĩ nhiên, với một phong cách trình diễn hết mình, bốc lửa, Mr Đàm luôn nhận được những tràng pháo tay giòn giã từ phía khán giả.
Mr Đàm trình diễn với dàn vũ công nhí
Tuy nhiên, cũng có không ít người phải giật mình khi "ông hoàng nhạc Việt" sử dụng các vũ công nhí ăn mặc rất hở hang, thực hiện những động tác vô cùng sexy và có phần khiêu khích chẳng kém gì vũ công trưởng thành.
Những hình ảnh "bốc lửa" của các vũ công nhí trong liveshow của Mr Đàm
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Mr Đàm sử dụng các vũ công này. Trước đó, trong chương trình "Âm nhạc và bước nhảy" diễn ra hồi tháng 10, anh cũng đã dùng các vũ công nhí để minh họa cho ca khúc Trái tim sỏi đá.
Không phụ lòng mong đợi của Mr Đàm, các em nhỏ đã thực hiện các động tác vũ đạo điêu luyện, "máu lửa", thậm chí còn táo bạo "quyến rũ" ông hoàng nhạc Việt.
Vũ công nhí ăn khoe lưng trần khiêu vũ với Mr Đàm trong chương trình Âm nhạc và Bước nhảy
Những hình ảnh này đã tạo ra sự phản cảm đối với khán giả. Họ rất yêu quý giọng hát của Mr Đàm và cảm nhận được phần trình diễn hết mình. Thế nhưng, hình ảnh các vũ công nhí uốn éo, rực lửa khiến nhiều người cảm thấy không thực sự thoải mái.
Với kinh nghiệm nhiều năm đứng trên sân khấu, có lẽ "ông hoàng nhạc Việt" không thiếu cách để tạo ra cái "độc", "lạ" cho các phần trình diễn của mình. Thiết nghĩ, đâu nhất thiết phải sử dụng tới các em nhỏ như vậy...
Thật khó có thể coi những hình ảnh như thế này là bình thường?
Đồ rê mí ép trẻ con phải diễn
Đồ rê mí là một trong những chương trình hiếm hoi dành cho trẻ nhỏ mà thu hút được sự quan tâm chú ý rộng rãi của khán giả xem truyền hình.
Phải thừa nhận rằng, với nỗ lực của những người làm chương trình, Đồ rê mí đã tạo ra một sân chơi thú vị cho thiếu nhi và qua đó cũng phát hiện ra những tài năng nghệ thuật nhí.
Bé Bảo Trân nhí nhảnh khi mới tham gia chương trình Đồ rê mí 2012
Tuy nhiên, cũng có đã rất nhiều ý kiến cho rằng, Đồ rê mí khiến các em nhỏ mất đi sự trong sáng bằng việc bắt các em phải hát những bài hát quá khó, ăn mặc lòe loẹt, trang điểm cầu kì. Không những thế, các em còn phải diễn một cách rất chuyên nghiệp.
Ca sĩ Thái Thùy Linh - một trong những giám khảo của chương trình đã phải giật mình khi chứng kiến màn "diễn" của thí sinh nhí. Cô kể: "Những ánh mắt mệt mỏi, những khuôn mặt phụng phịu, có lúc là mếu máo nhưng thoắt cái đã long lanh và tươi tắn khi ống kính quay phim chĩa vào. Bé nào cũng cố gắng để xinh nhất, ngoan nhất, đáng yêu nhất khi lên hình, theo lời dỗ dành (và cả dọa nạt) của người lớn".
Bảo Trân bị "ép" trở thành một rocker khi còn quá nhỏ
Không những thế, để có được tiết mục thành công, các bé phải tập trung cả tháng trời tập hát luyện múa, quay phóng sự, làm việc trong phòng thu... Nhưng "căng" nhất là bốn ngày trước mỗi show diễn, chúng sẽ phải tập luyện từ 8h30 sáng cho đến 2h đêm môi ngày. Trưa và tối chỉ được nghỉ khoảng 2 tiếng
Thái Thùy Linh tiết lộ rằng từ bữa trưa cho đến khi ghi hình xong (sau 21h) các bé mới được ăn tối:"Hầu hết các thí sinh nhí đã lên thi hát với cái bụng lép chỉ có sữa và cùng lắm là thêm mẩu bánh mì".
Chính vì những điều này mà trong năm vừa qua, Đồ rê mí đã không ít lần vấp phải chỉ trích của giới truyền thông và các bậc phụ huynh. Ý nghĩa tích cực ban đầu đang dần mất đi khi chương trình đẩy các em nhỏ vào một cuộc cạnh tranh quá căng thẳng và làm mọi thứ theo sự áp đặt của người lớn.
Theo Khám Phá
Anh Thơ - Trọng Tấn bị cảnh cáo Học viện Âm nhạc Quốc gia ngày 30/7 đã họp Hội đồng kỷ luật về việc hai nghệ sĩ Việt Nam bỏ diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào tổ chức tại Lào. Ngay sau cuộc họp cùng Hội đồng kỷ luật, ca sĩ Anh Thơ cho biết, cô đã đọc các hình...