Không khó ngừa ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng nằm trong top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất thế giới. Tại Việt Nam, bệnh đang gia tăng bởi chế độ ăn uống không cân bằng và lối sống thiếu vận động
Nhiều kỹ thuật cao, hiện đại hàng đầu thế giới đã được ứng dụng trong điều trị ung thư trực tràng ở Việt Nam nhưng theo các bác sĩ, ung thư tiêu hóa cần ngừa bệnh ngay lúc còn trẻ và tầm soát bệnh khi có nguy cơ.
Không chừa người trẻ
Các bác sĩ Bệnh viện K trung ương vừa phẫu thuật nội soi cắt khối u trực tràng cho bệnh nhân Lê Bá T. (60 tuổi, trú Hà Nội). Trước đó, bệnh nhân mệt mỏi, sụt cân kèm theo triệu chứng đại tiện ra máu nên đến Bệnh viện K trung ương thăm khám. Tại đây, ông T. được chẩn đoán ung thư trực tràng và có chỉ định phẫu thuật cắt khối u.
Bác sĩ Bùi Ánh Tuyết, Trưởng Khoa thăm dò chức năng Bệnh viện K trung ương, cho biết ung thư đại trực tràng đang trở thành căn bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất và có xu hướng tăng nhanh qua từng năm ở Việt Nam.
Theo thống kê của tổ chức ung thư thế giới, năm 2018, ung thư đại trực tràng nằm trong tốp 10 bệnh ung thư phổ biến trên thế giới với hàng triệu người mắc mỗi năm. Tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ 5 trong tổng số các ca ung thư ở cả hai giới với số ca mắc mới là gần 15.000 và gần 8.000 trường hợp tử vong.
Đáng nói, hầu hết bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu không được chú ý. Ở Bệnh viện K trung ương, hơn 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn. Nếu phát hiện bệnh giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm đạt 90% nhưng giai đoạn muộn chỉ khoảng 10%.
Bác sĩ Phạm Văn Bình – Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi robot, Trưởng Khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K trung ương – cho biết trước đây, những người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì nay căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Tại Bệnh viện K trung ương, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng, có những bệnh nhân mắc bệnh khi chỉ dưới 15 tuổi.
Cụ thể, cuối tháng 4-2019, Bệnh viện K trung ương đã tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi (ngụ tỉnh Thái Bình) nhập viện trong tình trạng đau tức bụng. Sau khi thăm khám và chỉ định chụp chiếu, thực hiện các xét nghiệm, kết quả cho thấy bé bị tổn thương u đại tràng trái, kích thước 4×5 cm, phá vỡ thanh mạc trên đại thể, u chít hẹp gần hoàn toàn lòng đại tràng, buộc phải phẫu thuật.
Trước đó, Bệnh viện K trung ương cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi hơn 10 tuổi bị ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn.
Nhiều kỹ thuật hiện đại được ứng dụng điều trị ung thư đại trực tràng nhưng giới chuyên môn vẫn khuyên nên tầm soát sớm
Ăn gì để ngừa bệnh?
Theo bác sĩ Phạm Văn Bình, ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm triệu chứng rất im lìm, thậm chí dễ nhầm với các bệnh lý tiêu hóa khác. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ vẫn có thể phát hiện được những bất thường để đi kiểm tra ngay. Đơn cử như hiện tượng đau bụng ngấm ngầm, đầy bụng, thay đổi thói quen đi tiêu như tiêu chảy, táo bón, tiêu chảy xen lẫn táo bón; phân nhỏ lại, phân dính máu; cơ thể mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu không lý do.
Video đang HOT
Ngoài yếu tố gia đình thì chế độ ăn uống, hút thuốc lá, uống rượu và lười vận động là các nguy cơ làm tăng ung thư đại trực tràng. “Ai cũng sợ mắc ung thư nhưng chính thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày không hợp lý là nguyên nhân gia tăng căn bệnh này. Việc thường xuyên ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ nướng, thịt đỏ… nhưng lại lười ăn rau quả, trái cây… có thể tạo điều kiện cho ung thư đại trực tràng nảy sinh và phát triển” – bác sĩ Bình cảnh báo.
Một nghiên cứu cho thấy trung bình, một người tiêu thụ 76 g thịt đỏ hoặc thịt chế biến mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn 20% so với người chỉ tiêu thụ khoảng 21 g mỗi ngày.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo để ngừa ung thư đại trực tràng nên tăng cường ăn các chất xơ và hoa quả tươi hằng ngày; hạn chế thức ăn muối, lên men, cá khô, nước tương, thịt xông khói; thường xuyên ăn các loại (đậu nành, ngũ cốc). Đây là nhóm thực phẩm giàu chất xơ nhất, có tác dụng kích thích nhu động ruột phòng ngừa ung thư đại tràng. Bên cạnh đó, thường xuyên ăn các loại rau xanh như bắp cải, súp lơ xanh, cải xoong và trái cây. Ngoài ra, phải duy trì vận động, tập thể dục hằng ngày, tránh béo phì. Và quan trọng hơn là cần khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh, phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
“Những người trong gia đình có thành viên bị ung thư đại trực tràng cần chú ý theo dõi sức khỏe của mình nhiều hơn vì bệnh có yếu tố gia đình. Với các trường hợp này nên nội soi đại trực tràng hằng năm. Người trên 40 tuổi nên nội soi đại trực tràng 2 năm 1 lần” – bác sĩ Bình khuyên.
Mổ ung thư đại trực tràng với robot hiện đại
GS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, cho biết mới đây, Bệnh viện K trung ương đã ứng dụng robot Da Vinci Xi hiện đại nhất thế giới để mổ u ung thư trực tràng. Đây là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam triển khai phẫu thuật nội soi với robot này.
Robot Da Vinci Xi cũng phù hợp để phẫu thuật cho các bệnh nhân ung thư đầu cổ, hạ họng thanh quản, phổi, thực quản, dạ dày, gan mật tụy, phụ khoa, tiền liệt tuyến, bàng quang…
Trước đó, Bệnh viện K trung ương cũng ứng dụng kỹ thuật nội soi nhuộm màu và phóng đại nhằm phát hiện sớm và điều trị một số ung thư đường tiêu hóa thường gặp như ung thư dạ dày, thực quản, đại tràng.
Bài và ảnh: Ngọc Dung
Theo nguoilaodong
Tai sao mọi người nên xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng?
Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện càng sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao, tỉ lệ chữa khỏi lên đến 90%.
Shutterstock
Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó tiêu, viêm đại tràng, trĩ....
Việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là điều hết sức quan trọng để bảo vệ sức khỏe và cần có sự chủ động từ mọi người, đặc biệt là người có nguy cơ cao.
Vì vậy, tất cả mọi người hãy nên thực hiện kiểm tra tầm soát ung thư đại trực tràng, nó có thể cứu sống bạn, theo Health Day.
Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng gồm có:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu là phương pháp cũ nhất.
Các loại xét nghiệm máu có thể báo hiệu sự phát triển của ung thư. Tuy nhiên, các xét nghiệm này khó phát hiện polyp tiền ung thư hơn, vì chúng có xu hướng không ra máu.
Xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân có độ nhạy phát hiện ung thư khoảng 70 - 80%.
Những xét nghiệm này liên quan đến việc gửi mẫu phân đến phòng thí nghiệm. Xét nghiệm phân cần thực hiện 1 - 3 năm một lần,
Các loại xét nghiệm phân mới hơn, tìm kiếm những thay đổi trong AND - có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Các xét nghiệm này cũng tốt hơn trong việc tìm kiếm các polyp đang tiến triển.
Nếu kết quả dương tính, người bệnh sẽ được chỉ định để nội soi đại trực tràng.
Bởi vì xét nghiệm không thể phát hiện ra vấn đề sớm như phương pháp nội soi, xét nghiệm phân thường thích hợp cho những người chỉ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở mức trung bình và không có tiền sử có polyp hoặc bệnh đại tràng, theo Health Day.
Nội soi đại trực tràng
Là phương pháp tầm soát chính xác nhất. Nếu phát hiện có polyp, bác sĩ sẽ có xử trí phù hợp như cắt bỏ khối polyp trong lúc nội soi, đồng thời sinh thiết polyp để chẩn đoán xác định ung thư.
Nội soi cần được thực hiện 5 - 10 năm một lần, tùy thuộc vào loại nội soi và liệu có phát hiện thấy polyp hay không.
Có sự khác biệt giữa các xét nghiệm nội soi, nhưng tất cả đều liên quan đến việc chuẩn bị ruột.
Để chuẩn bị nội soi đại trực tràng, người bệnh cần nhịn ăn và được dùng thuốc xổ để làm sạch ruột.
Không ai muốn nội soi, nhưng nó có thể cứu sống bạn, theo Health Day.
Với phương pháp nội soi truyền thống, một ống linh hoạt có gắn camera bên trong sẽ kiểm tra toàn bộ đại tràng.
Nội soi đại tràng sigma linh hoạt cũng tương tự, nhưng chỉ đạt đến một phần của đại tràng.
Một phương pháp khác là nội soi "ảo", không xâm lấn.
Nội soi đại tràng "ảo"
Phương pháp này được thực hiện bằng cách chụp CT cắt lớp vùng đại trực tràng - đã được làm sạch.
Máy tính sẽ dựng lại hình ảnh của lòng đại trực tràng.
Phương pháp này có thể phát hiện phần lớn các polyp và khối u trong lòng đại tràng và trực tràng.
Sau khi nội soi đại tràng "ảo", nếu phát hiện ra polyp thì phải nội soi đại tràng thật để cắt polyp, sinh thiết khối u để chẩn đoán xác định ung thư.
Mặc dù có nhiều phương pháp tầm soát khác nhau, thực tế vẫn tồn tai một vấn đề rất lớn, các chuyên gia cảnh báo: Đó là, nhiều người vẫn chưa hề đi kiểm tra tầm soát ung thư đại trực tràng!
Nếu bạn chưa làm điều này, hãy thực hiện bước đầu tiên rất đơn giản, là gửi mẫu phân đi xét nghiệm.
Chỉ chừng đó đã có thể cứu bạn thoát khỏi án tử do ung thư đại trực tràng, theo Health Day.
Theo Thanh niên
1.000 người được tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí Theo tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) 2018, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 về tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong trên thế giới. Bác sĩ đang tư vấn cho người bệnh về ung thư đại trực tràng Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là 1 trong 5 loại ung thư phổ biến nhất...