Không kém Hải Phòng hay Huế, miền Tây sông nước cũng có thật nhiều những món ăn được người Hà Nội ưa chuộng
Các món ăn miền Tây tuy giản dị chân chất nhưng vẫn đậm đà ngon ngọt, thậm chí còn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng thực khách thủ đô.
Miền Tây là mảnh đất của những con người hồn hậu, hào sảng và hiếu khách. Chẳng những thế, nơi đây còn được thiên nhiên ưu ái với những vùng đất trù phú chứa đầy các sản vật độc đáo. Người ta yêu mến miền Tây một phần vì nếp sống chân thật nơi đây, một phần cũng bởi văn hóa ẩm thực đa dạng mang đậm những nét riêng khó lẫn. Không chỉ được yêu mến ở quê hương, nhiều món ăn miền Tây khi ra đến thủ đô cũng rất được ưa chuộng.
Nói Miền Tây là “vương quốc mắm” cũng không ngoa. Khi đến nơi đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hàng trăm loại mắm cá với đủ hương vị được bày bán ở khắp các khu chợ. Mắm cá có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, và lẩu mắm là một trong số đó.
Cái tên lẩu mắm thoạt đầu dễ gây ái ngại, bởi nghe thôi đã hình dung ra mùi nồng và vị mặn đặc trưng. Nhưng chỉ cần một lần làm quen với món ăn ấy, bạn sẽ ngạc nhiên và thích thú bởi vị ngọt đậm đà riêng có. Nồi lẩu mắm thơm phức cùng với tôm, mực tươi, ăn kèm là các loại rau tươi như bông bí, rau muống, bắp chuối… sẽ làm bạn nhung nhớ mãi không thôi. Chẳng thế mà lẩu mắm được xem là đỉnh cao của việc thưởng thức mắm.
Ở Hà Nội, bạn có thể thưởng thức lẩu mắm ở quán Lẩu Mắm Ninh Kiều 66 Ô Chợ Dừa, Lẩu Mắm Bà Sáu 41 Văn Cao hoặc Cô Hai – Lẩu mắm Cần Thơ số 65 Nguyễn Khang.
Bún mắm thường được nấu bằng mắm cá Linh hoặc mắm cá Sặc, kết hợp cùng các nguyên liệu khác mang đặc trưng riêng vùng sông nước. Bún mắm ngày trước được chế biến rất đơn giản, chỉ dùng con mắm giã ra, lọc lấy nước cốt đun sôi, thêm gia vị và nêm nếm vừa miệng là được. Sau này, để phục vụ nhu cầu đa dạng và phong phú của thực khách, người ta mới cho thêm tôm, cá, mực hoặc thịt heo quay. Những tô bún mắm lúc này, ngoài hương thơm và vị ngọt còn có thêm nhiều màu sắc hơn, đầy đặn và hấp dẫn.
Chuỗi nhà hàng O Xuân hoặc Mr Bảy Miền Tây 79 Hàng Điếu là những địa chỉ bạn có thể ghé qua khi trót thèm bún mắm tại Hà Nội.
Video đang HOT
Dù cá kèo chỉ sinh sống ở vùng sông nước Nam Bộ, nhưng vị ngon khó lẫn của món lẩu cá kèo thì đã lan xa khắp các vùng miền. Lá giang chua thanh quyện với thịt cá ngọt mềm, lòng cá nhân nhẩn đắng đưa đến nhiều trải nghiệm thú vị khác nhau. Ăn kèm cùng lẩu là hoa chuối, rau muống, bông súng, giá đỗ và đặc biệt không thể thiếu rau đắng – loại rau mà theo nhiều người thì nếu thiếu nó, món lẩu cá kèo bớt hấp dẫn đi rất nhiều.
Nếu không có cơ hội để ghé thăm Miền Tây mà cảm nhận hương vị của món ăn này, bạn có thể ghé qua quán lẩu cá kèo ở số 142 Tân Mai, hệ thống nhà hàng Phương Nam hoặc số 69 Văn Cao để thưởng thức.
Bánh xèo vốn đã trở nên quá quen thuộc và nổi tiếng ở Hà Nội. Bánh được tráng trong chảo gang lớn với nhân giá, tôm, thịt băm… khi ăn cuốn cùng rau sống và nước chấm chua ngọt. Món bánh này quyến rũ bởi vị giòn tan, thơm nhẹ và đậm đà khi cắn ngập phần nhân. Theo nhiều người, chiếc bánh xèo ở Miền Tây có kích thước to hơn hẳn bánh xèo các vùng khác, thể hiện phần nào tính cách hào sảng của con người nơi đây.
Để ăn bánh xèo ở Hà Nội, bạn có thể tìm đến “phố bánh xèo” Đội Cấn, bánh xèo nem lụi ở số 89 Nguyễn Khuyến hoặc bánh xèo Sáu Phước 74 Cầu Đất.
Chuối nếp nướng
Trong số các thức quà quê dân dã của người miền Tây, chuối nếp nướng là món ăn thật đặc biệt. Tận dụng những trái chuối có sẵn sau nhà, các bà, các mẹ khéo léo bọc thêm lớp nếp nấu dẻo, thấm cùng nước cốt dừa, gói lá chuối và nướng đến khi xém giòn. Bọc chuối thơm lừng, ngọt ngậy beo béo, ăn vào ngọt tận đến trong lòng.
Khi trời trở lanh, chịu khó dạo quanh Hà Nội, bạn sẽ tìm được một vài hàng chuối nếp nướng ở Chợ Đêm, hoặc quanh khu vực Trần Đại Nghĩa – Lê Thanh Nghị.
Kho quẹt là món ăn thân thuộc, dễ làm nhưng lại mang hương vị hấp dẫn khó cưỡng. Thịt ba chỉ cùng tôm khô được kho sệt với mắm đường đến khi sệt lại, thêm chút ớt tiêu cho hài hòa đủ vị mặn ngọt, cay cay tê tê nơi đầu lưỡi. Kho quẹt dùng để chấm rau củ hay ăn cùng cơm trắng đều ngon, nhưng kèm với cơm cháy thì mới thực thú vị. Miếng cháy giòn giòn dai dai quẹt qua thứ nước sánh quyện beo béo, ai nấy đều chỉ muốn ăn mãi đến khi no mới thôi.
Bạn có thể tìm thấy kho quẹt ở nhiều quán ăn gia đình hay quán ăn vặt khắp Hà Nội, một vài gợi ý là Ngõ Xưởng Phim Thụy Khuê hay Quán Chén 115 Giảng Võ.
Theo Tri Thức Trẻ
Nghe tên đã lạ, ai mà nghĩ món ăn có tên là "chuối đập" lại khiến bao người mê mẩn
Về Bến Tre mà không thưởng thức qua đặc sản "chuối đập" thì phí cả chuyến đi bạn nhé!
Chuối là thực phẩm rất phổ biến ở Việt Nam cho nên các món ngon được làm từ chuối cũng đa dạng không kém. Trong đó, món chuối nếp nướng của Việt Nam từ lâu đã rất nổi tiếng, thậm chí còn vang danh ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngoài món chuối nếp nướng thì ở Việt Nam, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, cụ thể là ở Bến Tre còn có một món chuối nổi tiếng tuy nhìn ban đầu hơi đơn sơ nhưng cũng ngon không kém cạnh mà những ai từng nếm thử qua đều ấn tượng khó quên.
Món chuối đặc biệt này của miền Tây Nam Bộ có cái tên cũng rất độc đáo là "chuối đập" bạn nhé. Khi nghe đến tên chuối, chắc chắn nhiều bạn sẽ thắc mắc không biết vì sao lại có tên kỳ lạ đến thế. Tuy nhiên, nếu bạn ghé bất kỳ hàng chuối đập nào vô tình bắt gặp trên đường và ngồi quan sát một lúc là sẽ hiểu ra nguồn gốc cái tên ngay lập tức mà chẳng cần ai phải giải thích cho.
Món chuối này có tên là "chuối đập" là bởi phải dùng vật dụng đập cho quả chuối dẹt ra thì mới thành món ăn. Bạn đừng nghĩ việc đập chuối dễ dàng nhé, bởi chỉ cần thử đập khoảng 5 - 6 quả thì bạn sẽ thấy mỏi nhừ tay ngay. Lý do chuối này khó đập là bởi nguyên liệu làm món chuối đập được chế biến từ những quả chuối còn xanh chứ chưa chín mềm hẳn. Do chuối còn xanh, cứng nên khi đập phải tốn khá nhiều sức.
Điều quan trọng làm nên món chuối đập ngon chuẩn vị là khâu chọn chuối. Bởi nếu chọn chuối không khéo thì món chuối đập sẽ quá cứng hoặc quá mềm, thậm chí ăn không còn ngon. Những quả chuối chuẩn nhất để làm món chuối đập là chuối đã già nhưng còn xanh chứ không quá chín. Tức là chuối đã ở giai đoạn còn khoảng 3 - 4 ngày nữa mới chín để ăn được. Những quả chuối này mặc dù ngoài vỏ còn rất xanh nhưng bên trong ruột có độ dẻo nhất định và đã bắt đầu có màu vàng ửng đẹp mắt.
Sau đó, chuối sẽ được lột sạch vỏ, vì vỏ chuối còn xanh nên khâu lột vỏ cũng hơi khó khăn. Chuối sau khi được lột vỏ thì sẽ được cho lên vỉ than nướng cháy xém các mặt. Và thường để khâu nướng chuối nhanh hơn và khâu đập chuối dễ hơn thì người ta sẽ cắt đôi quả chuối theo chiều dọc rồi mới cho lên vỉ nướng. Như vậy, cứ một quả chuối thì bạn sẽ có 2 miếng chuối đập ngon lành.
Sau khi nướng chuối được khoảng 5 phút thì người bán sẽ cho từng miếng chuối vào túi ni lông và dùng chày đập mạnh. Để đập dẹt miếng chuối này đối với người thành thạo thì cũng phải đập vài lần, còn đối với người chưa từng đập thì cũng phải đập 5 - 6 lần hoặc hơn thì miếng chuối mới dẹp như ý được nhé. Đó là lý do vì sao nhìn tuy đơn giản, thế nhưng khi bắt tay vào đập, bạn sẽ thấy đây là công việc không dễ chút nào.
Sau đó, người bán sẽ tiếp tục cho từng miếng chuối đã đập dẹt lên vỉ than nướng tiếp cho đến khi chín vàng đều cả 2 mặt chuối. Công đoạn nướng chuối cuối cùng này rất quan trọng và đòi hỏi phải thật khéo để chuối không bị cháy xém mất ngon bạn nhé. Lúc này, không nhất thiết phải ngồi bên cạnh mà chỉ cần bạn chạy xe ra ngay một quầy bán món chuối đập cũng sẽ thấy thơm lừng mùi chuối nướng rất hấp dẫn và cực khó chối từ đấy.
Đặc biệt, một thành phần không thể thiếu để làm nên món chuối đập ngon đó chính là phần nước cốt dừa rưới lên bạn nhé. Nước cốt dừa ở đây được làm từ loại ngon chuẩn không thể diễn tả bằng lời. Dừa nạo đủ độ béo rồi cho lên bếp đun sôi, bỏ thêm một ít bột năng để tạo độ sánh đặc, ngoài ra người bán còn cho thêm đường, muối vừa ăn cùng một ít hành lá xanh để tạo mùi thơm.
Miếng chuối đập nướng vẫn còn nóng hổi dẻo dẻo, dai dai lại có thêm độ bùi ngọt đặc biệt được chấm với nước cốt dừa béo ngon, ngọt ngọt, mặn mặn thì đúng là ngon không thể tả. Đặc biệt, khi ăn món chuối đập này thì chẳng cần bàn cao, ghế rộng, chẳng cần không gian sang trọng đẹp mắt mà chỉ cần bạn ghé vào một quầy hàng ven đường, núp bóng dưới một tán cây râm mát là đã có thể thưởng thức món chuối đập đúng cảnh đúng người và vị ngon thì khỏi phải bàn.
Nếu có dịp về miền Tây, có ghé qua Bến Tre thì bạn nhớ đừng quên bỏ qua món chuối đập lạ miệng nhưng ngon chuẩn vị và quá hấp dẫn kể trên!
Theo Tri Thức Trẻ.vn
Trẻ con vùng quê còn nhớ hay đã quên thức quả bình dị mà vô cùng hấp dẫn này? Về những vùng quê bình dị, bạn sẽ được thưởng thức loại quả tuy dân dã nhưng vô cùng lôi cuốn vị giác này đấy. Ẩm thực miền quê Việt Nam chẳng cần cao quý, sang trọng mà chính những thức quả bình dị, mộc mạc từ thiên nhiên lại tạo nên sức hấp dẫn đối với thực khách. Đa phần người dân...