Không giảm thuế ô tô trong năm 2013
Bộ Tài chính khẳng định trong năm nay Quốc hội không có chương trình sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng ô tô.
Sau hàng loạt kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Bộ Tài chính vừa có Công văn 928/BTC-CST phúc đáp.
Theo đó, đối với kiến nghị giảm phí cho xe dưới 9 chỗ ngồi, Chính phủ đã đồng ý giảm phí trước bạ xe đăng ký lần đầu xuống 10%, đăng ký lần 2 là 2% trên toàn quốc.
Quốc hội không có chương trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2013
Tương tự, đề xuất không thu hoặc thu có lộ trình với phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ có nội dung trả lời trong Nghị quyết 02 ban hành ngày 7/1/2013.
Trước kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết loại thuế này với ô tô thuộc thẩm quyền của Quốc hội, năm 2013 Quốc hội không có chương trình sửa đổi.
Video đang HOT
Về các loại phí, lệ phí, Bộ này nhấn mạnh, việc bổ sung thêm phí, lệ phí mới phải sửa đổi bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí.
Vì vậy, trước mắt không có khoản thu phí, lệ phí mới, ngoài các khoản thu đã quy định tại Pháp lệnh phí, lệ phí.
Bộ này cho biết sẽ sớm công bố các thông tin liên quan, tuy nhiên chính sách thuế với ô tô cần được cân nhắc thận trọng trong bối cảnh thị trường ô tô đang suy giảm.
Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu do vậy cần đảm bảo mục tiêu không ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước, đồng thời vẫn tạo sức ép giảm giá bán ô tô.
Bộ Tài chính khẳng định, nguyên tắc xây dựng lộ trình giảm thuế ô tô phải phù hợp với cam kết WTO và khu vực theo hướng giảm dần và không cắt giảm đột ngột.
Theo Đất việt
Kết quả phòng, chống tham nhũng cũng là tiêu chí xét tín nhiệm cán bộ
Đối tượng đưa ra lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo, giải trình trước khi tiến hành lấy phiếu là kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri.
Sáng nay, 16.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã thảo luận trước khi thông qua dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết (NQ) số 35 của Quốc hội (QH) về việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN), bỏ phiếu tín nhiệm (BPTN) đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.
Trong Điều 5 quy định về nội dung báo cáo và trách nhiệm giải trình của người được LPTN quy định rõ: Báo cáo của người được LPTN được gửi đến ĐBQH, ĐB HĐND trước kỳ họp LPTN theo quy định của NQ 35 của QH.
Nội dung báo cáo ngoài họ tên còn phải có kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật đối với chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, như đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực phụ trách; khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, điều hành công việc phụ trách theo thẩm quyền.
Đáng chú ý, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri cũng là một trong những nội dung người LTPN phải báo cáo.
Ngoài kết quả công việc, người được LPTN cũng phải tự đánh giá về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thể hiện ở việc thực hiện các quy định của luật Cán bộ, công chức về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, những điều cán bộ, công chức không được làm và các quy định khác về chuẩn mực đạo đức có liên quan.
Đồng thời, giải trình về ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ chuyển đến (nếu có).
Nghị quyết này cũng đưa ra hai phương án về mẫu phiếu tín nhiệm và qua thảo luận, Ủy ban TVQH chọn mẫu phiếu thứ hai, gồm các phiếu riêng cho từng chức vụ hay nhóm chức vụ tương ứng với thứ tự QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất quy định tại Nội quy kỳ họp QH, Quy chế hoạt động của HĐND.
Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn của người hoặc những người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Phiếu tín nhiệm sử dụng trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này, gồm phiếu riêng đối với từng người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ "tín nhiệm" và "không tín nhiệm".
Qua thảo luận, TVQH thống nhất với quy định hướng dẫn trong Nghị quyết về nội dung: Trường hợp người được LPTN có trên 2/3 tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐB đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban TVQH, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình QH, HĐND BPTN tại kỳ họp đó hoặc chậm nhất tại kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó đã có đơn xin từ chức và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.
Trường hợp người được đưa ra BPTN có quá nửa tổng số ĐB bỏ phiếu "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức tại kỳ họp đó hoặc chậm nhất tại kỳ họp tiếp theo.
Tại phiên họp, Ủy ban TVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với sự tán thành tuyệt đối của các thành viên có mặt. Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, việc chỉnh lý lại một số nội dung của dự thảo nghị quyết sẽ được tiến hành ngay sau phiên họp này để ban hành Nghị quyết chính thức, trên cơ sở những ý kiến góp ý của các Ủy viên TVQH tại phiên họp.
Theo TNO
Vụ "nghi vấn đường dây chạy việc": Đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc Liên quan đến nghi vấn "đường dây chạy việc" tại BHXH Quảng Bình mà Báo Thanh Niên số ra ngày 27.12.2012 đã phản ánh, tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Quảng Bình cho biết đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo kiến nghị, chỉ đạo các cơ quan xem xét, xử lý các hành vi sai phạm....