Không giảm án cho tài xế BMW đánh chết người ở Sài Gòn
Chỉ vì anh Kiệt bấm còi xin rẽ phải, Trực đã lớn tiếng gây gổ rồi lái ôtô tông vào anh này và đánh nạn nhân tử vong. Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sáng 19/9, TAND TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Lê Long Trực (29 tuổi, ngụ TP.HCM) về tội Giết người.
Phiên tòa được mở theo đơn kháng án của bị cáo, đại diện gia đình bị hại và kháng cáo không chấp nhận bồi thường của Công ty cổ phần thương mại nước giải khát Khánh An ( Công ty Khánh An).
Trước đó, ngày 20/12/2017, Trực bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân, Công ty Khánh An liên đới với bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại số tiền hơn 158 triệu đồng.
Tại phiên xử hôm nay, Trực không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào mới. VKS đánh giá bị hại Kiệt cũng có hành động hung hãn khiến cho bị cáo không kìm chế được cơn giận. Việc Công ty Khánh An giao xe cho Trực điều khiển dẫn đến vụ án này nên công ty cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về phần dân sự.
Do đó, HĐXX bác toàn bộ kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Bị cáo Trực bị dẫn giải sau phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hoài Thanh.
Theo cáo trạng, khoảng 11h30 ngày 13/1/2016, Trực điều khiển ôtô hiệu BMW lưu thông trên đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM).
Khi đến giao lộ Lê Lợi – Pasteur (quận 1), anh này dừng xe khi có tín hiệu đèn đỏ. Theo biển chỉ dẫn tại ngã tư này, xe máy được phép rẽ phải kể cả khi có đèn đỏ nên anh Nguyễn Minh Triết lưu thông phía sau bấm còi xin rẽ phải.
Thanh niên 28 tuổi nghe tiếng còi liền mở cửa xe, bước xuống và lớn tiếng gây gổ, đánh anh Triết. Anh Triết định chống trả nhưng được bạn ngăn cản. Lợi dụng cơ hội này, Trực lao đến đấm liên tục vào người anh Triết.
Sau khi được mọi người can ngăn, anh Triết cho xe rẽ phải vào đường Pasteur. Chạy được một đoạn, anh này nhìn thấy ôtô của Trực nên dùng chân đá vào hông xe rồi tăng ga vượt lên bỏ chạy.
Tức giận, Trực đuổi theo anh Triết rồi tông vào xe máy của nạn nhân, khiến anh Triết ngã xuống đường. Chưa dừng lại ở đó, Trực xuống xe dùng chân đạp vào bụng khiến anh Triết bất tỉnh. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong vào ngày 26/1/2016.
Video đang HOT
Hoài Thanh
Theo Zing
Đình chỉ để né bồi thường oan!
Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì chưa đủ căn cứ xác định bị cáo phạm tội gì. Điều tra lại, CQĐT không chứng minh được nghi can phạm tội gì và... đình chỉ "do chuyển biến tình hình...".
Theo hồ sơ buộc tội, từ năm 2006 đến 2014, ông Nguyễn Hồng Nhật đã nhiều lần môi giới cho bà Nguyễn Thị Huấn mua đất ở huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Từ chuyện làm ăn chung đến bị kết án
Cũng trong tám năm này, bà Huấn nhiền lần đưa tổng cộng 459 triệu đồng cho ông Nhật để nhờ ông thực hiện thủ tục nhà đất (xin chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa nhà đất...). Tuy nhiên, ông Nhật không thực hiện, không làm đúng thủ tục theo thỏa thuận với bà Huấn, làm không hết tiền cũng không trả lại tiền cho bà Huấn mà trả nợ, tiêu xài.
Vì vậy, năm 2006 ông Nhật bị khởi tố, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 140 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tháng 1-2017, TAND huyện Nhà Bè xử sơ thẩm đã phạt ông Nhật bảy năm tù về tội này. Sau đó, ông Nhật kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Chưa đủ căn cứ để buộc tội gì
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 29-5-2017 của TAND TP.HCM, đại diện VKS đề nghị hủy án sơ thẩm để làm rõ bị cáo có bỏ trốn hay sử dụng tiền nhận của bà Huấn vào mục đích bất hợp pháp hay không...
Theo tòa phúc thẩm, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ không thể hiện ông Nhật dùng thủ đoạn gian dối nào để chiếm đoạt tài sản của bà Huấn. Cũng chưa rõ có hay không việc trước khi đến CQĐT, hai bên có làm giấy xác nhận công nợ. Ông Nhật có sử dụng tiền bà Huấn đưa vào mục đích bất hợp pháp? Có bỏ trốn khi đến hạn trả nợ?
Tòa phúc thẩm nhận định quá trình điều tra của cấp sơ thẩm không đầy đủ, chưa chứng minh được ý thức, thủ đoạn chiếm đoạt; hành vi gian dối nên chưa đủ căn cứ xác định ông Nhật phạm tội gì. Từ đó tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ông Nguyễn Hồng Nhật, người đang khiếu nại kêu oan. Ảnh: YC
Đình chỉ điều tra "do chuyển biến tình hình..."
Sau khi điều tra lại, ngày 21-6-2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè ban hành kết luận điều tra có nội dung sau:
Ngày 23-12-2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè đã có công văn đề nghị trại tạm giam Chí Hòa trích xuất ông Nhật ra gặp nhân viên Phòng Công chứng số 1 để ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Huấn hai thửa đất tại xã Hiệp Phước do ông Nhật đứng tên với giá 100 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả về dân sự của vụ án.
Trước khi tố cáo ông Nhật chiếm đoạt tài sản, ngày 2-8-2014, ngày 8-8-2014, ngày 29-1-2015 và đầu tháng 8-2015 bà Huấn có gặp ông Nhật, hai bên có làm giấy xác nhận và thỏa thuận miệng là có nợ bà Huấn và hứa sẽ trả lại tiền. Nhưng do ông Nhật chưa trả nên ngày 15-7-2015, bà Huấn đã làm đơn tố cáo ông Nhật chiếm đoạt tài sản. Ngày 5-10-2017, bà Huấn đã cung cấp cho CQĐT một số bản sao giấy xác nhận nợ giữa ông Nhật và bà Huấn.
Từ đó cơ quan CSĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can với lý do "do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa" theo điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS hiện hành.
Chưa rõ hình sự hay dân sự
Ông Nhật (bị tạm giam gần hai năm) khiếu nại rằng CQĐT đình chỉ điều tra với lý do trên là không đúng. Ông khẳng định mình bị oan, CQĐT phải đình chỉ với lý do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
"Tôi không dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của bà Huấn. Tôi đã ký giấy xác nhận nợ, hứa trả tiền trước khi bà Huấn tố cáo, tôi không bỏ trốn nhưng Công an, VKS huyện Nhà Bè không xác minh kỹ, nóng vội khởi tố, bắt tạm giam tôi theo lời tố cáo một chiều của bà Huấn. Giờ họ lại đình chỉ điều tra với lý do này là nhằm né trách nhiệm làm oan" - ông Nhật bức xúc.
theo ông Nhật, Công an huyện Nhà Bè đã bác khiếu nại của ông. Ông đã làm đơn khiếu nại gửi VKSND huyện Nhà Bè nhưng chưa được trả lời.
Để làm rõ hơn vụ việc, PV đã liên hệ Công an huyện Nhà Bè. Theo đại diện cơ quan này, CQĐT đã thực hiện các yêu cầu của tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi: Sau khi điều tra lại có làm rõ được ông Nhật sử dụng tiền bà Huấn đưa vào mục đích gì? Có sử dụng bất hợp pháp hay không? Ông Nhật có bỏ trốn hay không? (Các dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - PV) thì vị này không trả lời.
Cũng theo đại diện Công an huyện Nhà Bè, việc ông Nhật khắc phục một phần hậu quả và việc xác nhận nợ giữa hai bên là những lý do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Cạnh đó, bà Huấn đã cung cấp giấy xác nhận nợ bản chính để đối chiếu và trong tổng số tiền bà Huấn tố cáo ông Nhật chiếm đoạt có 24 triệu đồng bà Huấn cung cấp thông tin không đúng sự thật nên bà rút một phần yêu cầu, chỉ tố cáo ông Nhật chiếm đoạt 435 triệu đồng. Từ đó, CQĐT căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS hiện hành để đình chỉ điều tra.
PV tiếp tục đặt vấn đề: Theo kết luận điều tra lại, ông Nhật và bà Huấn đã thỏa thuận với nhau về việc trả nợ. Bà Huấn tố cáo vì ông Nhật chưa trả nợ, vậy đây có phải là quan hệ dân sự? Đại diện Công an huyện Nhà Bè nói do trước đó bà Huấn không cung cấp giấy xác nhận nợ bản chính nên không có cơ sở xem xét đây có phải quan hệ dân sự hay không. Sau khi điều tra lại, ngày 5-10-2017, bà Huấn mới cung cấp nên đây là một trong những lý do của "chuyển biến tình hình". Cạnh đó còn có lý do số tiền bà Huấn yêu cầu giảm 24 triệu đồng so với số tiền ban đầu...
PV tiếp tục liên hệ VKSND huyện Nhà Bè. Đại diện cơ quan này cho biết sau khi điều tra lại thì phát sinh một số tình tiết mới nên liên ngành nội chính Nhà Bè đã họp và đưa ra kết luận đình chỉ vụ án.
Về mục đích sử dụng tiền, bà Huấn khai ông Nhật dùng tiền đánh bạc, còn ông Nhật khai sử dụng vào mục đích khác theo yêu cầu của bà Huấn. Sau khi điều tra lại, CQĐT chưa có tài liệu, chứng cứ gì để xác định ông Nhật sử dụng tiền vào mục đích trái pháp luật.
Theo đại diện VKS, quá trình điều tra lại, bà Huấn rút một phần yêu cầu bồi thường. Cạnh đó, bà cung cấp việc xác nhận nợ giữa hai bên nhưng chỉ đối với số tiền 246 triệu đồng (làm thủ tục nhà đất đối với hai thửa đất 732, 736) thì đây là quan hệ dân sự; còn 189 triệu đồng (làm thủ tục nhà đất đối với hai thửa đất 808, 212) hai bên chỉ có xác nhận miệng, lời khai hai bên còn mâu thuẫn nên không có cơ sở xác định có phải là quan hệ dân sự hay không...
Hình sự hóa quan hệ dân sự
Như vậy, có thể thấy cho đến nay công an, VKS huyện Nhà Bè vẫn không chứng minh được ông Nhật phạm tội gì cũng như các dấu hiệu cấu thành tội đó; chưa làm rõ được tranh chấp giữa ông Nhật với bà Huấn là dân sự hay hình sự.
Đáng chú ý, đại diện Công an huyện Nhà Bè còn "đổ lỗi" cho người tố giác là trước đó không cung cấp giấy xác nhận nợ bản chính nên không có cơ sở xem xét có phải quan hệ dân sự hay không. Trách nhiệm xác minh sự việc tố giác và chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tố tụng, tại sao phải nóng vội khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, kết án người bị tố giác khi "không có cơ sở xem xét có phải quan hệ dân sự hay không"?
Theo chúng tôi, muốn đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra thì trước hết CQĐT và VKS phải kết luận được ông Nhật có hành vi phạm tội gì và những căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội đó. Còn chứng minh không được thì phải thẳng thắn thừa nhận hành vi của ông Nhật không cấu thành tội phạm.
Rõ ràng đây là một vụ việc hình sự hóa quan hệ dân sự. Thiết nghĩ Công an TP.HCM, VKSND TP.HCM cần xem lại quyết định đình chỉ của cấp dưới để tránh làm oan người vô tội.
Công an, VKS: Không có chuyện ép nghi can bán đất
Ngoài khiếu nại kêu oan, ông Nhật còn tố cáo rằng phía CQĐT có sự thông đồng, giúp sức cho bà Huấn, lợi dụng ông trong hoàn cảnh bế tắc, cùng quẫn để buộc ông ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà Huấn.
Đại diện Công an huyện Nhà Bè nói việc trích xuất ông Nhật từ trại giam ra gặp công chứng viên để ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà Huấn là căn cứ vào đơn yêu cầu của bà Huấn và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Việc ông Nhật cho rằng CQĐT có sự thông đồng, giúp sức cho bà Huấn, lợi dụng ông trong hoàn cảnh bế tắc, cùng quẫn để buộc ông ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng đất là hoàn toàn không hợp lý. Sau khi trích xuất, ông Nhật và công chứng viên trao đổi hoàn toàn độc lập. Trong hợp đồng chuyển nhượng, ông Nhật ghi rõ đã đọc lại, hiểu rõ nội dung đồng ý chuyển nhượng đất cho bà Huấn. Công chứng viên cũng xác nhận việc ông Nhật chuyển nhượng đất cho bà Huấn là các bên tự nguyện giao kết hợp đồng.
Theo đại diện VKS huyện, CQĐT trích xuất ông Nhật căn cứ vào đơn yêu cầu của bà Huấn, lý do trích xuất và thủ tục trích xuất được thực hiện đúng theo Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Đại diện VKS huyện cũng cho rằng nội dung tố cáo của ông Nhật không có căn cứ vì khi gặp công chứng viên, ông Nhật xác nhận đã đọc rõ và tự nguyện chuyển nhượng... Nếu ông Nhật cho rằng mình bị CQĐT ép buộc chuyển nhượng đất không đúng giá trị, quyền lợi của ông bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện ra TAND huyện Nhà Bè để giải quyết.
YẾN CHÂU
Theo PLO
Không xử lý hình sự vụ chém đứt gân hàng xóm tại Thanh Hoá Công an huyện Đông Sơn xác định bà Minh có hành vi vô ý gây thương tích cho ông Quân nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Mới đây, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xử phúc thẩm và quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm vụ án tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa hai người hàng...