Không được lơ là với lạm phát
“Các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt kiềm chế lạm phát ngay từ tháng 1-2013″. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2013 giữa Chính phủ với các địa phương, ngày 26-12.
Nhìn lại năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dù gặp nhiều khó khăn hơn so với dự báo nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP 5,03%, lạm phát ở mức 6,81% là một thành tích đáng kể. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế yếu kém. Cụ thể, tuy lạm phát kiềm chế ở mức thấp nhưng chủ yếu nhờ vào giảm giá lương thực, thực phẩm nên sức ép lạm phát cao quay trở lại là rất lớn. Kinh tế vĩ mô cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững.
Hướng tới năm 2013, Thủ tướng chỉ đạo, phải ưu tiên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát thấp hơn năm 2012, đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012. Do giá cả thường tăng cao chủ yếu trong những tháng đầu năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt kiềm chế lạm phát ngay từ tháng 1-2013, giao Thống đốc Ngân hàng nhà nước có chính sách tiền tệ phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 6-6,5%. Bên cạnh đó, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế bình ổn giá.
Để thực hiện mục tiêu năm 2013 tăng trưởng kinh tế cao hơn, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải xác định đúng lợi thế của từng sản phẩm, từng ngành. Từ đó, có cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, vốn… để đẩy mạnh thành sản phẩm vượt trội mang tính chất quốc gia như sản phẩm cá tra của đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng nhắc nhở, cần đẩy mạnh cải cách để tranh thủ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc về chất lượng, coi đó là nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, cần lưu ý thực hiện các biện pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh; ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp; tăng hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn…
Theo ANTD
Mục tiêu không dễ dàng
Trong cuộc đối thoại giữa các nhà tài trợ quốc tế và Chính phủ, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho rằng, đổi mới là công việc thường xuyên trong quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế. Vì thế, nếu Việt Nam vượt qua những vấn đề hiện tại, thì một vấn đề mới lại phát sinh. Câu hỏi không phải là khi nào Việt Nam sẽ ra khỏi tình hình khó khăn hiện nay, mà là bằng cách nào. Điều này hoàn toàn phụ thuộc khi Việt Nam xây dựng một thể chế kinh tế được quản trị bởi các nhà kỹ trị, các chuyên gia có năng lực và kỹ năng cần thiết.
Vị chuyên gia Kinh tế trưởng đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam: GDP đầu người tăng trung bình hơn 6% mỗi năm, tỷ lệ đói nghèo đã giảm trung bình 2,5% trong vòng hai thập kỷ qua. Dẫu vậy, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại, Việt Nam đang đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao. Ngưỡng nghèo ở mức "nhu cầu tối thiểu" thấp hơn so với chuẩn quốc tế, có nghĩa là hàng triệu người dân có thu nhập gần chạm ngưỡng đói nghèo và rất dễ tái nghèo do mất việc, bệnh tật hay các cú sốc do thiên tai, dịch bệnh hoặc suy thoái kinh tế.
Có ý kiến đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến Việt Nam bị mắc kẹt trong bất ổn kinh tế suốt mấy năm qua. Song, theo vị chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, nguyên nhân bên ngoài đều tác động tới các nước, trong đó có nước ta, nhưng hầu hết các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines... đã hồi phục, riêng Việt Nam thì chưa. Điều đó chứng tỏ những vấn đề kinh tế bất ổn chủ yếu là nguyên nhân trong nước. Bởi vậy, Chính phủ đang thúc đẩy các giải pháp mạnh mẽ để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Phải chăng Việt Nam hiện đang trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan"? Nếu tiếp tục các biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp thất nghiệp. Còn nếu nới lỏng chính sách thì lạm phát hai con số sẽ quay trở lại. Nhà chuyên gia kinh tế đưa ra hình ảnh ví von nền kinh tế giống như một cỗ xe mà Chính phủ là người cầm lái, còn doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân là hành khách.
Để chạy tốt và an toàn, cỗ xe cần được điều khiển nhuần nhuyễn hệ thống phanh, cần số, tay ga. Một lái xe giỏi sẽ tiên liệu được chướng ngại vật, giảm tốc cỗ xe từ từ hoặc tăng ga nhẹ nhàng khi đường rộng, thông thoáng. Như vậy, tình thế sẽ không rơi vào tiến thoái lưỡng nan nếu các nhà hoạch định chính sách khéo léo, uyển chuyển trong việc sử dụng những công cụ đúng thời điểm và đúng liều lượng. Đồng tình với cách nhìn nhận này, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh rằng, thời kỳ một chính sách "mềm", nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ để cứu thị trường đã qua rồi. Giờ đây đồng tiền sẽ được sử dụng rất chặt. Chẳng hạn chính sách tiền tệ đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến năm 2015 chỉ quay quanh 15%/năm, chứ không thể còn 30%/năm như trước đây. Thâm hụt ngân sách giảm từ mức trên 5% GDP trước kia xuống còn 4,8% hiện nay và 4-4,5% GDP vào năm 2015. Ông Viện phó khẳng định rằng, tư tưởng ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chính sách tiền tệ chặt chẽ đã được xác định rõ ràng. Đó là bài học đắt giá được rút ra do "hứng khởi" quá đà, tạo ra tăng trưởng "nóng".
Gần đây các tổ chức quốc tế có cái nhìn không mấy lạc quan về sự phục hồi kinh tế thế giới, các dự báo đều hạ so với cách đây vài tháng. Kinh tế nước ta cũng ở trong dòng chảy của kinh tế thế giới. Bắt tay vào tái cơ cấu kinh tế đòi hỏi nguồn lực lớn trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Bởi thế, mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và có mức tăng trưởng cao hơn là không hề dễ dàng.
Theo ANTD
Giá tiêu dùng TP HCM tăng thấp nhất 4 năm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của thành phố chỉ tăng 0,17% so với tháng trước và 4,07% so với cuối năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 2009. Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM công bố ngày 20/12, trong số 11 nhóm hàng tính CPI, hầu hết đều tăng nhẹ so tháng trước, riêng nhóm giao thông...