Không dùng Ibuprofen hạ sốt cho trẻ sốt xuất huyết
Ibuprofen hạ sốt mạnh và thời gian tác dụng dài hơn so với Paracetamol, song không được dùng cho trẻ mắc sốt xuất huyết vì có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hiện nay nhiều phụ huynh tự cho con hạ sốt tại nhà. Ông đặc biệt lưu ý, khi con sốt xuất huyết, không được cho hạ sốt bằng thuốc Ibuprofen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.
“Phụ huynh sau khi dùng paracetamol để hạ sốt cho con nhưng không thấy tác dụng nên đã chuyển sang Ibuprofen. Mỗi năm chúng tôi ghi nhận vài ca trẻ bị xuất huyết tiêu hóa do cha mẹ dùng hạ sốt Ibuprofen”, bác sĩ Lâm nói.
Trẻ sốt xuất huyết chỉ cần hạ sốt bằng thuốc Paracetamol thông thường. Đây là loại thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả dành cho trẻ em được hầu hết các bác sĩ nhi khoa khuyên dùng. Khoảng cách giữa 2 liều dùng thông thường là mỗi 4 đến 6 giờ, tuy nhiên trường hợp trẻ bị suy thận, hay có bệnh nền đặc biệt cần tham khảo bác sĩ về khoảng cách giữa các lần dùng.
Thuốc Ibuprofen tác dụng hạ sốt mạnh và kéo dài thời gian hạ sốt hơn so với Paracetamol, tuy nhiên việc dùng Ibuprofen phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ vì thuốc hạ sốt dạng này có rất nhiều tác dụng phụ.
Chống chỉ định dùng thuốc Ibuprofen để hạ sốt trong các trường hợp trẻ nghi ngờ hay bị sốt xuất huyết; trẻ loét dạ dày, xuất huyết tiêu hoá; trẻ có tiền sử dị ứng với thuốc…
Video đang HOT
Trẻ sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Nga.
Theo bác sĩ Lâm, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, phát ban, nguyên tắc đầu tiên các gia đình cần phải xem nguyên nhân sốt của trẻ để tìm cách hạ sốt cho tốt. Do đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi và chẩn đoán bệnh. Các bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể, trẻ có thể nhập viện điều trị hoặc theo dõi tại nhà.
Sốt xuất huyết do virus gây nên bệnh khởi phát cũng giống như các bệnh nhân nhiễm trùng khác: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, sang ngày 2-3 sốt cao, ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch. Do đó, việc bù dịch cho con cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách.
“Ngày thứ 3, thứ 4 mắc sốt xuất huyết là thời gian cơ thể mất nước, cần bù dịch. Tuy nhiên, từ ngày thứ 5 – 6 là giai đoạn tái hấp thu và hồi phục. Nếu bù dịch nhiều quá sẽ gây ra tràn dịch đa màng, nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân”, bác sĩ Lâm lưu ý.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 8/9, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em đang điều trị cho khoảng 6-7 ca sốt xuất huyết. Cơ bản các bệnh nhân đến khám và điều trị không đến mức nặng và chưa ghi nhận ca tử vong.
Bác sĩ cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh nhân sốt xuất huyết không tăng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm ghi nhận hơn 60 ca sốt xuất huyết, tập trung nhiều chủ yếu vào tháng 8, 9.
[Thuốc&Dinh dưỡng] Sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách cho trẻ
Bất kỳ loại thuốc điều trị nào, kể cả thuốc hạ sốt thông thường cho trẻ em cũng phải có chỉ định từ bác sĩ điều trị mới thật sự an toàn cho trẻ.
Ảnh minh họa
Trong những trường hợp chưa kịp đưa trẻ đến khám bác sĩ, phụ huynh có thể đến nhà thuốc mua thuốc hạ sốt cho trẻ uống "đỡ" qua lời tư vấn của dược sĩ phụ trách nhà thuốc, hoặc tối thiểu phụ huynh cần đọc thật kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc cho trẻ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Thuốc hạ sốt dùng cho trẻ phải còn hạn sử dụng rõ ràng.
Liều lượng thuốc hạ sốt cơ bản cần dựa trên cân nặng thực tế của trẻ để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả hạ sốt nhanh cho trẻ. Cụ thể, trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10mg - 15 mg/kg/lần khi sốt trên 38,5 độ C.
Phụ huynh cần tuân thủ khoảng cách an toàn giữa 2 lần sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ để phòng ngừa tình trạng quá liều lâu dần có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, chỉ lặp lại liều tiếp theo sau 4 giờ nếu trẻ còn sốt, thường dùng 3 - 4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg/24 giờ.
Các dạng thuốc hạ sốt hiện có trên thị trường gồm 3 loại:
Paracetamol (còn gọi là acetaminophen): Đây là loại thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả dành cho trẻ em. Khoảng cách giữa 2 liều dùng thông thường là mỗi 4 giờ, tuy nhiên trường hợp trẻ bị suy thận, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu phải là 8 giờ.
Ibuprofen: Tác dụng hạ sốt mạnh hơn paracetamol, tuy nhiên việc dùng Ibuprofen phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ vì thuốc hạ sốt dạng này có rất nhiều tác dụng phụ. Liều dùng 20 - 30mg/kg/ngày hoặc 7 - 10mg/kg mỗi 6 - 8 giờ đường uống.
Những trường hợp sau này tuyệt đối không được sử dụng Ibuprofen để hạ sốt: Không sử dụng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; không được dùng khi trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết; trẻ bị dị ứng với Ibuprofen, với Aspirin và với các thuốc chống viêm không steroid khác; trẻ bị hen/suyễn hay bị co thắt phế quản, rối loạn xuất huyết, bệnh tim mạch, suy gan hoặc suy thận.
Aspirin: Được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em vì những tác dụng bất lợi cho sức khỏe, nhất là những trường hợp trẻ đang bị nhiễm vi rút như bị nhiễm cúm hoặc đang mắc thủy đậu sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye - một biến chứng rất nguy hiểm đối với trẻ, có thể dẫn đến tử vong.
Trên thị trường hiện có 3 dạng thuốc hạ sốt thông dụng được các bậc phụ huynh chọn sử dụng:
Dạng gói bột: Thường có mùi hương thơm của các loại trái cây như cam, chanh, dâu, tắc... nhất là có vị ngọt hợp với sở thích của trẻ, được sử dụng rất tiện lợi chỉ cần pha với nước sôi nguội là có thể cho trẻ uống ngay, hiệu quả hạ sốt nhanh vì dược chất paracetamol dễ dàng được hấp thụ từ dạ dày và ruột vào máu chỉ sau khi uống khoảng 15 - 30 phút.
Dạng gói bột được bào chế dưới những hàm lượng thông thường là 80mg, 150mg và 250mg. Tùy theo cân nặng của trẻ chúng ta sẽ tính được khá chính xác liều lượng cần dùng cho trẻ, ví dụ trẻ cân nặng 10kg phụ huynh sẽ cho trẻ uống một gói thuốc bột hạ sốt hàm lượng paracetamol 150mg.
Dạng sirô: Rất dễ sử dụng cho trẻ vì liều lượng thuốc rất dễ lường với hàm lượng thông dụng là paracetamol 80mg/5ml, 150mg/5ml hoặc 250mg/5ml với nhiều mùi vị khác nhau.
Dạng viên đạn (tọa dược nhét hậu môn): Được bào chế với 3 hàm lượng thông thường là 80mg, 150mg và 300mg. Dạng 80mg dùng cho trẻ từ 4 - 6kg, dạng 150mg dùng cho trẻ có cân nặng từ 7 - 12kg và dạng viên đạn 300mg dùng cho trẻ từ 13 - 24kg. Cần lưu ý dạng tọa dược thường có tác dụng hạ sốt chậm hơn dạng uống (gói bột thơm hoặc sirô) khoảng 15 - 20 phút vì khả năng hấp thụ dược chất paracetamol từ trực tràng vào máu sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Khi trẻ có thể uống được thì phụ huynh sử dụng dạng gói bột hoặc si rô hạ sốt pha với nước cho trẻ uống. Ở dạng này thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn, hiệu quả hạ sốt nhanh hơn và đạt được độ an toàn cao nhất khi sử dụng.
Bị sốt xuất huyết: Nên và không nên uống thuốc gì? Hiện chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, nếu bị sốt xuất huyết, bạn phải sử dụng thuốc và điều trị theo chỉ định của bác sỹ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc. Trẻ em bị sốt xuất huyết. Ảnh minh họa ST Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây...