Không đưa 6.800 MW nhiệt điện than vào cân đối trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII
Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ số 6328/TTr-BCT về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, Bộ này tiếp tục không đưa 6.800 MW nhiệt điện than vào cân đối.
6.800 MW khó triển khai tiếp
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiếp tục rà soát các dự án nhiệt điện than. Kết quả cho thấy đến hết tháng 9/2022, nước ta đã có 39 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 24.674 MW hiện đang vận hành.
Hiện nay, còn 12 dự án nhiệt điện than 13.792 MW đã được giao chủ đầu tư và đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư đang triển khai xây dựng. Các dự án gồm: 7 dự án/6.992 MW đang xây dựng là Thái Bình II, Long Phú I, Quảng Trạch I, Vân Phong I, Vũng Áng II, An Khánh Bắc Giang, Na Dương II; trong đó, một số dự án đã thu xếp được vốn, đang xây dựng và chắc chắn sẽ vào vận hành là Thái Bình II, Quảng Trạch I, Vân Phong 1, Vũng Áng II. Dự án Long Phú I đang đàm phán với Tổng thầu để triển khai tiếp; 2 dự án An Khánh Bắc Giang và Na Dương II đã có phương án vay vốn trong nước.
Còn lại 5 dự án có tổng công suất 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn gồm: Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).
Trong các ngày từ 4 – 6/10/2022, Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với 5 chủ đầu tư các dự án trên. Bộ này đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án nếu không dừng dự án thì phải cung cấp được cam kết cụ thể bằng văn bản của chủ thể cho vay vốn, chậm nhất 30/10/2022.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, xét trên bối cảnh thực tế các dự án đang phải tìm cổ đông mới tham gia và tìm nguồn vốn, việc triển khai tiếp các dự án này là rất khó khăn. Do đó, trong tính toán quy hoạch lần này, Bộ Công Thương không đưa 6.800 MW các dự án này vào cân đối và bù bằng các nguồn khác, chủ yếu là điện gió, sinh khối. Nhưng để tuyệt đối tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước, các dự án này vẫn để trong danh mục cho đến khi hoàn tất chính thức các thủ tục dừng, chấm dứt dự án.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát các qui định của pháp luật, các cam kết, thoả thuận giữa các bên, xử lý cương quyết, chặt chẽ.
Về những khó khăn của 5 dự án, Bộ Công Thương này cho biết, Dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh công suất 600 MW, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh, được giao từ 2011. Dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS); đã triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, cảng than; xây hàng rào nhà máy, nhà làm việc công trường; đã có quyết định cấp đất, hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, đã ký hợp đồng mua bán điện, đã lựa chọn tổng thầu EPC. Tuy nhiên, dự án không thu xếp được vốn, chủ đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chuyển đổi sang LNG và tăng công suất lên 1.500 MW.
Video đang HOT
Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị công suất 1.200 MW, chủ đầu tư là Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi), được giao từ tháng 8/2013. Dự án đã được phê duyệt FS, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án đang tạm dừng đàm phán bộ hợp đồng, không thu xếp được vốn. Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Năng lượng Thái Lan và EGATi, EGAT ở Bangkok ngày 6/10/2022, Bộ Năng lượng Thái Lan thông báo EGATi dùng dự án và sẽ phúc đáp Chính phủ Việt Nam sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu II công suất 2.000 MW, Toyo Ink Group Berhad (Malaysia) được giao làm chủ đầu tư từ tháng 3/2013. Các hợp đồng của dự án (hợp đồng BOT, mua bán điện, thuê đất) đã ký kết tháng 12/2020, đã có hiệu lực pháp lý. Chủ đầu tư đã chuyển cho UBND tỉnh Hậu Giang 343,25 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhưng còn nợ 365,5 tỷ đồng. Chủ đầu tư không thu xếp được vốn đúng thời hạn cam kết trong hợp đồng BOT (trước ngày 24/6/2022).
Dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định I công suất 1.200 MW, chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất, thành lập tại Singapore do Taekwang Power Holdings Co., Ltd. – Hong Kong (Trung Quốc) và ACWA Power (Saudi Arabia) sở hữu, được Chính phủ chấp thuận từ tháng 4/2017. Dự án đã được phê duyệt FS, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hợp đồng thuê đất ký tắt tháng 11/2020. Chủ đầu tư báo cáo có thoả thuận vay vốn ký kết tháng 12/2019, hợp đồng bảo hiểm khoản vay với Sinosure ký tháng 8/2020; tạm ứng cho tỉnh Nam Định 3 triệu USD để xây dựng khu tái định cư, 3 triệu USD tiền bồi thường hoa màu. Tuy nhiên, hợp đồng BOT, bảo lãnh Chính phủ (GGU), hợp đồng mua bán điện (PPA) chưa đàm phán xong. Đồng thời, do ACWA Power đã rút khỏi dự án, chưa tìm được nhà đầu tư mới thay thế.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân III công suất 1.800 MW, chủ đầu tư của Dự án là OneEnergy Ventures Limited (Hong Kong – Trung Quốc), sở hữu bởi CLP Việt Nam (chi nhánh của CLP Holdings Ltd. (Hong Kong -Trung Quốc) và DGA Vĩnh Tấn 3 B.V (sở hữu bởi Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) chiếm 49%, EVN là 29%, Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific) – 22%.
Dự án đã được phê duyệt FS, các tài liệu dự án đã ký tắt vào tháng 12/2020, nhưng Mitsubishi và CLP thông báo không tiếp tục thực hiện các dự án nhiệt điện than theo chính sách của công ty, Pacific đã xin rút khỏi dự án. Vì vậy, dự án đang phải tìm cổ đông thay thế, chưa vay được vốn.
Như vậy, trong 5 dự án nêu trên thì 2 dự án Công Thanh và Quảng Trị chủ đầu tư đã thông báo không thể thực hiện tiếp nhiệt điện than, 3 dự án còn lại thì Sông Hậu II chưa vay được vốn đã vi phạm hợp đồng BOT. Còn Nam Định I, Vĩnh Tân III chưa tìm được cổ đông thay thế và chưa vay được vốn.
Trước đó, trong quá trình rà soát trước đây, Bộ Công Thương đã đề xuất không đưa vào Quy hoạch điện VIII 13.220 MW nhiệt điện than (Văn bản số 412/BCT-ĐL ngày 22/7/2022); trong đó, có 8.420 MW do các Tập đòan nhà nước được giao làm chủ đầu tư, gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao 3.600 MW (Quảng Trạch II, Tần Phước I và Tân Phước II), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao 1.980 MW (Long Phú III), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam được giao 2.840 MW (Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I); dự án đầu tư theo hình thức BOT là 3.600 MW (Quỳnh Lập II, Vũng Áng III, Long Phú II) và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW (Quảng Ninh III).
Tiến tới chuyển đổi đốt 100% sinh khối
Tại tờ trình, Bộ Công Thương cho biết, về chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than và khí, thế giới hiện đang thử nghiệm công nghệ đốt kèm sinh khối/amoniac với than, đốt kèm hydro với khí thiên nhiên nhằm giảm phát thải của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí, tiến tới sản xuất điện hoàn toàn bằng nhiên liệu không phát thải, Vì vậy, Quy hoạch điện VIII đã định hướng quá trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí tại Việt Nam đến năm 2050.
Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện than dự kiến đốt kèm nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac sau 20 năm vận hành với tỷ lệ đất kèm bắt đầu từ 20%, tăng dần dần lên 100%. Định hướng tới năm 2050 sẽ không còn nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong hệ thống điện.
Các nhà máy điện khí dự kiến đốt kèm hydro từ sau năm 2030, bắt đầu từ tỷ lệ 20%, tăng dần lên 100%. Trong tương lai, nếu công nghệ chín muồi, giá thành hydro giảm thì sẽ xây dựng các nhà máy điện thế hệ mới sử dụng hoàn toàn hydro. Định hướng đến năm 2050, phần lớn các nhà máy nhiệt điện khí sẽ chuyển sang sử dụng hydro.
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ước tính nhu cầu hydro để thay thế khi và sản xuất amoniac thay thế than khoảng 40 triệu tấn vào năm 2050; trong đó, dự kiến 33 triệu tấn hydro xanh được sản xuất từ các nguồn điện gió và điện mặt trời.
Quy hoạch điện VIII đã xác định các dự án điện gió, điện mặt trời phục vụ sản xuất hydro, không bán điện lên lưới điện quốc gia thuộc nhóm ưu tiên phát triển.
Doanh nghiệp đón 'cầu' năng lượng tái tạo
Trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực chuyển đổi năng lượng hướng tới các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhu cầu sử dụng năng lượng điện tái tạo được dự báo tăng trong dài hạn.
Những tấm pin mặt trời của nhà máy điện mặt trời nổi được lắp đặt trên mặt hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận). Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Dự thảo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ định hướng phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; trong đó, ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ trọng nhiệt điện than xuống còn khoảng 9,5%; phát triển năng lượng điện tái tạo đạt tỷ lệ 32% vào năm 2045, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra tại Hội nghị COP26.
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Hoàng Tiến Dũng đánh giá, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao.
Thống kê giai đoạn 2011 - 2020, điện thương phẩm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52 % ở kịch bản cơ sở và 9,36 % ở kịch bản cao.
Trong khi đó, theo quan sát của Công ty Chứng khoán Ngân hàng VCB (VCBS), sản lượng năng lượng tái tạo của Việt Nam đã tăng gấp hơn 6 lần từ năm 2019 đến năm 2021. Xét về tỷ trọng cũng tăng lên 13,8% tổng sản lượng toàn hệ thống trong 5 tháng đầu năm nay, từ con số chỉ 2,5% vào năm 2019.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ mảng năng lượng tái tạo. Theo kết quả sản xuất kinh doanh nửa đầu năm nay, lũy kế sản lượng điện của Công ty Tập đoàn Hà Đô ước đạt hơn 600 triệu KWh với tổng doanh thu bán điện đạt hơn 920 tỷ đồng, cao hơn 82% cùng kỳ năm trước và vượt 47% so với kế hoạch. Trong số đó, việc vận hành ổn định các dự án điện mặt trời, điện gió cũng đã bổ sung thêm hơn 130 triệu KWh và hơn 290 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn này.
Về phía Công ty Điện Gia Lai, chuyên gia của VCBS đánh giá, với 125,2 MW điện gió hoạt động cuối năm 2021, lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng trưởng tốt. Theo đó, 3 dự án gồm: 1 dự án trên bờ hưởng mức giá 8.5 cent/kWh, còn lại 2 dự án gần bờ hưởng mức giá bán 9.8 cent/kWh đang vận hành khá ổn định và hầu như không bị cắt giảm công suất. Dự kiến, các dự án này sẽ đem lại lợi nhuận sau thuế khoảng 140 tỷ đồng trong năm 2022.
Doanh nghiệp này đang tiếp tục đầu tư dự án điện gió Tân Phú Đông 1, với công suất 100 MW và dự kiến còn có các dự án điện gió VPL Bến Tre giai đoạn 2, với công suất 30 MW, điện mặt trời Đức Huệ 2, với công suất 49 MWp.
Nhìn chung, các dự án năng lượng tái tạo gần đây phát triển mạnh chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam với đặc điểm phù hợp về điều kiện tự nhiên. Sơ bộ đến năm 2021, khu vực miền Trung phát triển khoảng gần 9 GW năng lượng tái tạo và khu vực miền Nam có công suất đặt lên tới gần 12 GW.
Theo giới phân tích nhận định, chi phí đầu tư năng lượng tái tạo tăng trở lại trong giai đoạn năm 2021 - 2022, nhưng dự kiến tiếp tục xu hướng giảm trong dài hạn, giúp gia tăng biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Chi phí các nguyên vật liệu sản xuất ra panel mặt trời và turbine gió tăng mạnh từ 2021 đến nay. Theo đó, silicon sản xuất panel đã tăng gấp 4 lần, giá thép tăng 50%, đồng tăng 70%, nhôm tăng gấp đôi. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng tăng gần 5 lần.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) ước tính, chi phí đầu tư điện mặt trời và điện gió đã tăng khoảng 15% - 25% so với năm 2020. Trong số đó, chi phí vận chuyển ảnh hưởng lớn nhất đến điện gió. Đối với điện mặt trời, các yếu tố như polysilicon, kim loại hay vận chuyển tác động khá đồng đều.
Tuy nhiên, với giá dầu/khí duy trì ở mức cao, đặc biệt cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine khiến cho các nước châu Âu đẩy nhanh hơn quá trình đầu tư năng lượng tái tạo trước đó. Lợi thế kinh tế nhờ quy mô cùng kỳ vọng các nguyên vật liệu giảm nhiệt giúp chi phí đầu tư năng lượng tái tạo tiếp tục giảm theo xu hướng dài hạn.
Mới đây, Tờ The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) dẫn báo cáo của Công ty Nghiên cứu BloombergNEF cho biết, đầu tư toàn cầu vào các dự án năng lượng mặt trời có quy mô nhỏ và lớn tăng 33% trong nửa đầu năm nay, đạt mức kỷ lục 120 tỷ USD, trong khi đầu tư vào các dự án điện gió tăng 16%, lên 84 tỷ USD.
Trước đó, báo cáo công bố hồi tháng 6/2022 của IEA cho hay, đầu tư vào ngành năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 8% trong năm nay, lên 2.400 tỷ USD nhờ mức đầu tư kỷ lục cho năng lượng sạch.
Trên thị trường giao dịch, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, dòng tiền thể hiện xu hướng quan tâm tới mảng năng lượng sạch. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chứng khoán đưa cổ phiếu của doanh nghiệp tái tạo vào danh mục đầu tư trong dài hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 12/8, cổ phiếu của các doanh nghiệp tái tạo đều ghi nhận mức tăng tích cực đến 4%. Đơn cử như cổ phiếu GEG của Công ty Điện Gia Lai niêm yết ở mức 22.100 đồng, HDG của Công ty Tập đoàn Hà Đô ở mức 51.800 đồng, REE của Công ty Điện cơ lạnh ở mức 80.600 đồng, BCG của Công ty Tập đoàn Bamboo ở mức 17.150 đồng...
Quy hoạch Điện VIII dự kiến bỏ nhiều dự án nhiệt điện than Bộ Công Thương vừa có văn bản số 4329/BCT-ĐL báo cáo Chính phủ về các nội dung của Quy hoạch Điện VIII; trong đó, bộ này xin ý kiến Chính phủ không đưa vào Quy hoạch 14.120 MW nhiệt điện than để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero đến năm 2050. Các nhà máy trong trung tâm Nhiệt...