Không đòi được nợ, người đàn ông phóng hỏa đốt nhà hàng xóm
Đưa hết số tiền dành dụm nhiều năm mới có được cho xóm giềng mượn để làm ăn nhưng người này chây ì trả nợ, nhiều lần đi đòi tiền bị chửi bới và thách thức, Nông tức giận nảy ra ý định đốt nhà con nợ.
Ngày 15/4, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa lưu động xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Nông (SN 1976, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) về tội “ Giết người” và “ Hủy hoại tài sản”.
Được biết năm 2020, ông Trần Vân Nam (cư trú gần nhà của bị cáo Nông) cần tiền để làm ăn nên tỉ tê với ông Nông để mượn tiền. Vốn tốt bụng, nên ông Nông sẵn lòng đưa hết số tiền 60 triệu đồng (dành dụm nhiều năm mới có được, dự kiến dùng để sửa lại mái nhà) cho Nam mượn mà không tính thiệt hơn. Sau đó, ông Nam đã trả lại 10 triệu đồng; số tiền còn lại, ông Nông đã nhiều lần đòi nhưng ông Nam không trả và cố tình lẩn tránh.
Nhiều lần đi đòi nợ, ông Nông còn bị người nhà của Nam chửi bới, xua đuổi. Tức giận, Nông sử dụng điện thoại của mình nhắn tin với nội dung đe dọa, đòi giết anh Nam. Nông còn nói với người quen là sẽ đánh, sẽ giết nếu gặp mặt con nợ. Sau đó, Nông nảy sinh ý định đốt nhà của ông Nam.
Bị cáo Nguyễn Văn Nông tại phiên xét xử ngày 15/4.
Tháng 7/2022, Nông đã mua 1 bộ hàn đá gió mini và 1 can xăng 7 lít về để trên gác, chờ thời cơ thực hiện hành vi phạm tội. Lợi dụng đêm tối, Nông đem bộ hàn gió đi đến nhà của con nợ rồi cắt thủng một lỗ nhỏ trên cửa sắt thoát hiểm phía sau nhà, sau đó Nông nhét một miếng vải và châm lửa đốt. Do lửa cháy nhỏ nên Nông bỏ về, gia đình ông Nam không phát hiện vụ việc.
Video đang HOT
Đến khoảng 2h sáng ngày 10/8/2022, Nông tiếp tục chạy xe máy đến nhà ông Nam, dùng bộ hàn gió đá cắt rộng lỗ thủng trên cửa sắt thoát hiểm và đổ xăng vào bên trong rồi phóng hỏa. Lúc này, vợ ông Nam phát hiện nhà bị cháy nên hô hoán, cùng ông Nam và hai con mở cửa trước để thoát ra ngoài và dập lửa ngọn lửa. Ngọn lửa đã khiến một số tài sản trong nhà đã bị hư hỏng với thiệt hại được xác định hơn 7 triệu đồng.
Qua điều tra, Công an quận Liên Chiểu đã làm rõ hành vi phạm tội của Nông và tiến hành bắt giữ, khởi tố. Theo HĐXX, trong vụ án này, Nông phạm tội với các tình tiết tăng nặng, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.
Tại phiên tòa, Nông khai không có chủ đích giết gia đình ông Nam mà vì quá tức giận trước việc ông này chây ì trả nợ nên muốn hù dọa. Trước đó, mỗi lần bị cáo đến đòi nợ đều bị vợ ông Nam chửi bới, xúc phạm nên mới giận quá mất khôn, suy nghĩ không đến nơi đến chốn mà phạm tội. Quá trình điều tra cũng như tại phiên xét xử, bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và tác động gia đình bồi thường số tiền hơn 7 triệu đồng cho gia đình ông Nam…
Sau khi xem xét, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Nông mức án nghiêm khắc với 18 năm tù về tội “Giết người” và tội 2 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”, tổng hợp hình phạt 20 năm tù.
Nhiều bị hại sập bẫy lừa bằng hình ảnh, giọng nói trên không gian mạng
Nhiều bị hại ở Thừa Thiên-Huế đến Cơ quan Công an trình báo về việc bị các đối tượng giả hình ảnh, giọng nói của người quen, người thân để mượn tiền rồi chiếm đoạt.
Với thủ đoạn tinh vi này, mới đây, có bị hại đã bị lừa với số tiền lên đến 380 triệu đồng.
Đầu tháng 4/2023, một bị hại (xin giấu tên) trú tại TP Huế (Thừa Thiên-Huế) đến Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Huế trình báo bị lừa 380 triệu đồng chỉ trong chưa đầy 3 giờ. Theo bị hại này, khi đang giờ ngủ trưa thì nhận được cuộc gọi hình ảnh của cháu gái đang sinh sống tại Mỹ gọi về trong trạng thái hốt hoảng.
Người cháu nói với bị hại rằng: "Cho cháu mượn gấp 20 triệu đồng vì có đứa cháu bên chồng vừa nhập viện, bác sĩ yêu cầu phải mổ tim cấp cứu. Dì gửi cho cháu mượn rồi cháu sẽ gửi về trả sau". "Người cháu" gửi số tài khoản qua cho dì chuyển tiền vào tài khoản.
Nguyễn Nhật Tân (phải) đã giả giọng nói, hình ảnh để gọi điện lừa tiền của 8 bị hại.
Sau khi "người cháu" tắt máy, dì đã chuyển 20 triệu theo số tài khoản mà người cháu cung cấp. Tiếp đó, chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ, "người cháu" nhiều lần gọi điện về cho dì và nói là bệnh viện yêu cầu phải đóng thêm viện phí mới thực hiện được ca mổ, tính mạng cháu bé đang nguy kịch. Vì vậy, "người cháu" mượn thêm số tiền 360 triệu đồng và nhờ dì chuyển vào số tài khoản đã cung cấp trước đó. Như vậy, tổng cộng số tiền mà dì chuyển cho "người cháu" mượn là 380 triệu đồng.
Lúc mượn tiền, người gọi điện hiện lên hình ảnh của người cháu nói là, do hôm nay chủ nhật nên ngày mai cháu sẽ chuyển tiền trả lại. Điều đáng nói, để có đủ số tiền 380 triệu đồng chuyển cho cháu, người dì cũng phải mượn thêm từ nhiều người bạn thân. Khi mượn tiền, người dì hứa ngày mai sẽ chuyển trả lại cho họ... Thế nhưng, mấy ngày trôi qua, dì thấy cháu mình vẫn chưa chuyển tiền về để trả nên nhắn tin hỏi thăm. Lúc này, người cháu thật tỏ ra bất ngờ và nghĩ dì mình nhầm lẫn. Người cháu nói với dì, không hề có đứa cháu nào ở Việt Nam nhập viện cấp cứu cả. Lúc này, bị hại mới biết là mình đã bị kẻ xấu lừa đảo qua mạng. Ngay sau đó, bị hại đã đến Công an TP Huế trình báo kèm với các chứng cứ chuyển tiền. Hiện, Đội Cảnh sát hình sự đang vào cuộc, tích cực điều tra làm rõ vụ án.
Theo cơ quan Công an, đây không phải là trường hợp duy nhất trên địa bàn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng giọng nói, hình ảnh. Thời gian gần đây, liên tục các bị hại trú tại TP Huế cũng như ở một số huyện, thị tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến Công an trình báo về việc bị lừa chuyển tiền sau khi gọi điện bằng hình ảnh.
Cụ thể, mới đây, chị H.T.V cũng bị lừa 29 triệu đồng sau khi nhận cuộc gọi hình ảnh từ một cô bạn thân với lý do cần tiền gấp để nộp cho con nhập viện cấp cứu. Sau khi chuyển tiền, chị H.T.V gọi điện cho bạn để hỏi bệnh viện cháu bé đang điều trị để đến thăm thì mới tá hỏa khi biết mình đã bị lừa qua mạng. Tương tự, chị N.T.H.A cũng bị chiếm đoạt 16 triệu đồng sau khi nhận được cuộc gọi từ một đồng nghiệp mượn tiền và hứa ngày mai sẽ chuyển lại...
Ngay sau khi tiếp nhận đơn thư của nhiều bị hại, hiện, cơ quan Công an Thừa Thiên-Huế đang tiến hành điều tra, làm rõ. Mới đây, cuối tháng 3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Nhật Tân (SN 2001, trú tại thị Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị); tạm trú tại quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối tượng Tân đã hack facebook, sau đó dùng công nghệ Deepfake gọi video call đến 8 người thân của bị hại N.T.D.H (SN 1992, trú TP Huế) mượn số tiền 73 triệu đồng để chiếm đoạt tiêu xài.
Theo các trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nắm bắt được tâm lý người dùng mạng xã hội hiện nay đang cảnh giác với chiêu trò lừa đảo bằng tin nhắn nhờ chuyển tiền, các đối tượng đã sử dụng chiêu lừa đảo tinh vi hơn để vay tiền thông qua hình thức giả cuộc gọi video. Lợi dụng công nghệ này, các đối tượng lừa đảo sử dụng thực hiện cuộc gọi video để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay có thể giả tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu...
Để thực hiện được hình thức lừa đảo này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội... rồi sử dụng công nghệ Deepfake để tạo sẵn những video rất khó phân biệt thật - giả; có hình ảnh, giọng nói của cá nhân đó để phục vụ cho kịch bản lừa đảo.
Theo lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, thuật ngữ "Deepfake" là sự kết hợp giữa "deep learning" và "fake". Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc.
Theo cơ quan Công an, đặc điểm chung của những cuộc gọi video như vậy thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như cuộc gọi video trong khu vực phủ sóng di động hoặc wifi yếu để nạn nhân khó phân biệt thật, giả. Nếu nạn nhân cẩn thận gọi video để kiểm tra thì chúng sẽ không nhận cuộc gọi hoặc sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh, video để đánh lừa. Khi nhận được cuộc gọi video nghi ngờ là sử dụng Deepfake, người dùng cần bình tĩnh kiểm tra thông tin. Tốt nhất là tìm cách liên lạc trực tiếp với chủ tài khoản vừa gọi video để xác nhận thông tin.
Cơ quan Công an khuyến cáo, trước thủ đoạn trên, người dùng mạng xã hội nên hạn chế đăng tải hình ảnh, video có tiếng nói và khuôn mặt của mình lên mạng xã hội để tránh bị lợi dụng trong các vụ lừa đảo của kẻ xấu. Cùng với đó, tránh bấm vào các đường link không rõ nguồn gốc, đáng nghi ngờ để giảm thiểu khả năng bị hack tài khoản. Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác cao hơn nữa khi những người quen tương tác với mình qua mạng xã hội mà có yêu cầu giao dịch về mặt tài chính. Khi được yêu cầu chuyển tiền, người dân nên kiểm tra qua các kênh liên lạc chính thống để liên hệ trực tiếp với người đó trước khi thực hiện giao dịch tài chính, tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Cựu Tổng Giám đốc DAB Trần Phương Bình "cõng" thêm 20 năm tù trong bản án thứ 4 Là người có vị trí, vai trò cao nhất trong vụ án, bị cáo Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục giải ngân, nhận tài sản thế chấp không đủ đảm bảo cho khoản vay; bảo lãnh cho công ty không đủ điều kiện phát hành trái phiếu vay tiền dẫn đến gây thiệt hại cho DAB tổng...