Không dọa nạt trong vấn đề biển Đông
Bà Hillary Clinton quan tâm đến cơ chế phòng tránh rủi ro do tính toán sai lầm của một bên tranh chấp ở biển đông.
Trong khuôn khổ chuyến công du sáu nước châu Á, tối 3-9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến Jakarta (Indonesia) và đã hội đàm với người đồng cấp Marty Natalegawa.
Hãng tin Reuters cho biết tại cuộc họp báo sau đó, bà Hillary Clinton đã lên tiếng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc phải quyết tâm soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Bà hy vọng hai bên sẽ đạt được tiến triển về COC trước hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Campuchia vào tháng 11 tới.
Bà khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở biển Đông, Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở biển Đông nhưng Mỹ tin rằng các bên tranh chấp sẽ phải hợp tác để giải quyết tranh chấp, không bên nào được ức hiếp, dọa nạt bên nào và không được sử dụng bạo lực.
Bà nhấn mạnh điều quan trọng trong thời điểm này là cần phải có một cơ chế giải quyết các rủi ro xung đột hoặc phòng tránh bất kỳ tính toán sai lầm của bên tranh chấp nào.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hội đàm với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa tại Jakarta ngày 3-9. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Marty Natalegawa tin rằng các nước ASEAN đã bắt đầu đồng thuận về vấn đề biển Đông.
Ông cho biết gần đây đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề biển Đông với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhằm đưa các bên trở lại bàn đàm phán. Ông nhấn mạnh nếu thiếu quy trình ngoại giao, chắc chắn sẽ có thêm nhiều biến cố và căng thẳng xảy ra.
Hãng tin AP ngày 3-9 dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên tháp tùng Ngoại trưởng Hillary Clinton trên chuyến bay đến Indonesia cho biết ngày 4-9 tại Jakarta, bà Hillary Clinton sẽ gặp các đại sứ của các nước ASEAN.
Bà sẽ kêu gọi các nước ASEAN lập một mặt trận thống nhất trước khi đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Bà cũng sẽ hối thúc ASEAN kiên trì yêu cầu Trung Quốc chấp thuận một cơ chế chính thức nhằm giảm rủi ro xung đột ở biển Đông trong thời gian ngắn hạn, sau đó tiến đến thỏa thuận về chủ quyền.
Quan chức trên nhắc lại Mỹ ủng hộ nguyên tắc sáu điểm của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về biển Đông công bố cách đây hai tháng với nội dung kêu gọi hoàn tất sớm COC.
Trong ngày 4-9, Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đến chào xã giao Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono trước khi bay sang Bắc Kinh thăm Trung Quốc trong hai ngày.
Báo Jakarta Post (Indonesia) ngày 3-9 dẫn lời GS Andi Widjajanto ở ĐH Indonesia nhận định Mỹ xem Indonesia là nước quan trọng trong vấn đề giải quyết tranh chấp biển Đông. Lý do bởi Indonesia không phải là một bên tranh chấp nhưng đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong ASEAN.
Ông cho rằng Mỹ mong muốn thấy một ASEAN đoàn kết khi đối mặt với cường quốc gây hấn như Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn Mỹ hướng trọng tâm chiến lược về châu Á-Thái Bình Dương.
Trên báo Philippine Star (Philippines) ngày 3-9, Giám đốc Viện Nghiên cứu khủng bố, bạo lực và hòa bình Philippines Rommel Banlaoi đã tố cáo Trung Quốc xây dựng các kết cấu mới trên đảo Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm củng cố hoạt động chiếm đóng trái phép của Trung Quốc. Các kết cấu mới gồm một trạm phong điện, hệ thống các tấm thu năng lượng mặt trời, nền bê tông (có thể làm bãi đáp trực thăng). Trung Quốc, Philippines và lãnh thổ Đài Loan tuyên bố chủ quyền trái phép ở đảo Đá Vành Khăn của Việt Nam.Theo VNN
Trung Quốc tranh chấp Biển Đông với nước nào?
Trung Quốc có lẽ là một trong số ít quốc gia có nhiều cuộc tranh chấp lãnh hải nhất với các nước láng giềng xung quanh. Khi sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng, Trung Quốc đã áp dụng một cách tiếp cận "hiếu chiến" trong những cuộc tranh chấp này. Nếu không thay đổi, Trung Quốc có thể sẽ tự làm mình bị cô lập trong khu vực.
Biển Đông
Tranh chấp ở Biển Đông
Biển Đông là nơi chứng kiến nhiều cuộc đối đầu nóng bỏng nhất giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Hiện tại, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Điều đó đã được thể hiện rõ qua lập trường, chính sách và những hành động của Trung Quốc trong thời gian vài năm trở lại đây.
Liên tiếp trong hai năm qua, Trung Quốc đã có hai cuộc đối đầu căng thẳng và kéo dài với Việt Nam và Philippine vì tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.
Người dân thế giới chắc vẫn chưa thể quên được vụ các tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược tiến sâu vào vùng biển Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò, khảo sát của tàu thuyền Việt Nam. Vụ vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam này của phía Trung Quốc đã gây ra một trận sóng to gió lớn ở Biển Đông vào những tháng giữa năm 2011.
"Cơn bão" Biển Đông hồi năm ngoái được châm ngòi từ sự kiện hôm 26/5 khi ba tàu hải giám Trung Quốc xông vào cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Vào thời điểm đó, tàu Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Khi vụ việc trên còn chưa được giải quyết thì chỉ chưa đầy 2 tuần sau, vào sáng ngày 9/6/2011, tàu cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của 2 tàu ngư chính đã cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thuê khảo sát địa chấn trên vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam.
Những hành động táo tợn liên tiếp của phía Trung Quốc đã đẩy mối quan hệ giữa nước này với Việt Nam rơi vào căng thẳng cao độ trong một thời gian khá dài.
Không chỉ quấy nhiễu tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền Trung Quốc còn bị tố cáo xâm phạm vùng lãnh hải của Philippine. Những hành động này của phía Trung Quốc đã "đun sôi" nước Biển Đông.
Sau một thời gian sóng yên gió lặng, Trung Quốc lại khuấy động khu vực Biển Đông bằng một cuộc đối đầu quyết liệt với Philippine ở bãi cạn Scarborough ngay trong những tháng đầu của năm 2012.
"Cơn bão" mới ở Biển Đông bắt nguồn từ hôm 8/4, khi một máy bay do thám của Hải quân Philippine phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough. Ngay lập tức, tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton đã đến khu vực để kiểm tra tàu thuyền Trung Quốc. Lực lượng Hải quân Philippine đã phát hiện nhiều san hô, sinh vật biển, trong đó có cá mập vẫn còn sống, trên một trong những con tàu của Trung Quốc. Khi tàu Philippine chưa kịp hành động thì hai tàu hải giám của Trung Quốc đã nhanh chóng xuất hiện. Hai con tàu này ngang nhiên đi vào chắn giữa tàu của Hải quân Philippine và những con tàu đánh cá của Trung Quốc để ngăn không cho Philippine bắt giữ các ngư dân của họ.
Vụ việc lùm xùm trên chưa được giải quyết thì chỉ hơn một tuần sau đó, vào ngày 17/4, tàu nghiên cứu khảo cổ của Philippine lại "tố" bị tàu hải giám và máy bay tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu và ngăn cản không cho là nhiệm vụ ở bãi cạn Scarborough.
Hai vụ va chạm tàu thuyền mới nhất và cũng là đầu tiên xảy ra trong năm nay giữa Trung Quốc và Philippine ở khu vực tranh chấp đã kéo theo một loạt những động thái căng thẳng và đáng lo ngại sau đó.
Trong suốt thời gian kéo dài hơn một tháng qua, Bắc Kinh đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất và gay gắt nhất để chỉ trích Manila. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn có nhiều động thái uy hiếp, đe dọa nhằm làm nhụt chí Manila trong cuộc tranh chấp lãnh hải với họ ở Biển Đông. Mặc dù đã triển khai một số lượng lớn tàu thuyền ra vùng tranh chấp để áp đảo đối phương đồng thời tung ra những lời cảnh báo sắc lạnh về một cuộc xung đột vũ trang, Trung Quốc cũng không thể khiến Philippine lùi bước. Chính vì thế, cuộc đối đầu mới nhất ở Biển Đông hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi.
Những động thái của Trung Quốc trong thời gian qua đã phơi bày tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này. Bản thân Trung Quốc trước đó đã đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) vô căn cứ của nước này. Theo đó, họ đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông. Tham vọng của nước này là biến khu vực Biển Đông chiến lược giàu tài nguyên thành "ao nhà" của họ.
Tranh chấp ở biển Hoa Đông
Ngoài tranh chấp lãnh hải với một loạt nước ở Biển Đông, Trung Quốc còn có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Senkaku là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Hồi tháng 9 năm 2010, Nhật Bản từng bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ở khu vực gần đảo Senkaku. Vụ việc này đã đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Sau khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, Bắc Kinh đã nổi giận tung ra một loạt các biện pháp đáp trả như thắt chặt các hạn chế thương mại, huỷ các cuộc tiếp xúc, trao đổi về văn hoá, chính trị... giữa hai nước. Đặc biệt, Trung Quốc còn tuyên bố ngừng việc xuất khẩu đất hiếm sang nước láng giềng. Đất hiếm rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất công nghệ cao ở Nhật Bản.
Cuộc khủng hoảng trên sau đó đã được giải quyết khi Nhật Bản thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước này vẫn thỉnh thoảng lại lục đục với nhau vì cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục có những hành động hung hăng, hiếu chiến như trong thời gian qua, nước này sẽ đẩy các nước láng giềng ngày càng xa họ. Đây là điều hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của cường quốc Châu Á này.
Theo VNMedia
Trung Quốc đặt báo động cao ở Biển Đông Một phát nguôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (18/5) tuyên bố, nước này đang được đặt trong tình trạng báo động cao ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có tin một nhóm người dân Philippine có kế hoạch đến khu vực tranh chấp để cắm cờ khẳng định chủ quyền....