“Không để lao động vật vờ ở nước ngoài”
“Thực tế, có nhiều công ty xuất khẩu lao động lừa tiền hoặc đưa người lao động ra nước ngoài rồi bỏ mặc”…, đại biểu QH Bùi Thị An (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận ngày 19/6 về dự thảo Luật Việc làm.
“Đem con bỏ chợ”
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, có hiện tượng các công ty xuất khẩu lao động thu tiền của nông dân hay những người nghèo, nhưng sau đó hoặc lừa tiền, hoặc “đem con bỏ chợ”…
“Việc này khiến không biết bao nhiêu nông dân và dân nghèo Việt Nam khuynh gia bại sản. Họ thế chấp đồng ruộng, nhà cửa để được ra nước ngoài lao động, nhưng rồi lại trắng tay. Thậm chí không có tiền để về, về đến nhà có khi lại không lấy lại được tài sản thế chấp”, bà An nói.
Đại biểu Bùi Thị An
Đại biểu Bùi Thị An cho biết thêm: “Giai đoạn vừa rồi, tôi nghe cử tri nói rằng, nộp hồ sơ vào những cơ quan, công ty hay đơn vị được cấp phép cho người đi lao động ở nước ngoài, nhưng để đi được cũng rất khó. Thậm chí, đủ điều kiện rồi, nhưng họ cứ đồn rằng phải ‘có gì đấy(!?)“.
Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, không biết có thực hay không nhưng những đơn vị có quyền xuất khẩu lao động lại “đem con bỏ chợ”, có khi ôm tiền của người nghèo rồi bỏ trốn.
Ai ký phải chịu trách nhiệm
Trước hiện tượng người lao động nước ta bị lừa hay bị bỏ mặc ở nước ngoài, đại biểu Bùi Thị An đề nghị: Người nào ký cho phép các đơn vị xuất khẩu lao động phải chịu trách nhiệm đến cùng.
“Không thể chỉ đổ dồn cho các công ty, bởi trước khi cơ quan nhà nước ký phép, đã phải có một giai đoạn thẩm định về điều kiện và coi như phải đảm bảo”, Bà An nói.
Video đang HOT
Vị nữ đại biểu này cũng mong Quốc hội quan tâm để lao động Việt Nam sẽ không phải vật vờ ở nước ngoài, không phải khổ sở hay mất hết tài sản vì tin tưởng các công ty này.
Phiên thảo luận về dự thảo Luật Việc làm của Quốc hội
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất giao thêm trách nhiệm cho tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp phối hợp với các cơ quan, tổ chức… tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động ở trong nước và nước ngoài.
Theo đại biểu Khánh, thực tế, hàng nghìn người Việt Nam đi học tập, lao động ở nước ngoài đã ở lại nước đó và ổn định cuộc sống.
Nếu pháp luật Việt Nam cho phép các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp phối hợp tạo việc làm, giới thiệu việc làm, sẽ bớt gây sức ép cho các cơ quan nhà nước. Tầng lớp thanh niên, người lao động có nhiều cơ hội được làm việc trong các thành phần kinh tế và ở nước ngoài, khắc phục tình trạng “ lao động chui” đang bức xúc hiện nay.
Mỗi năm cả nước có khoảng 80 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên chúng ta không nắm được có bao nhiêu lao động trở về nước, không trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng lao động.
Đây là những người lao động có kinh nghiệm, có trình độ, nếu được sử dụng hiệu quả sẽ đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung những quy định về quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi kết thúc hợp đồng lao động. Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An)
Theo 24h
"Lao động chui làm mất hình ảnh đất nước"
"Sang bên kia gây mất đoàn kết, để rồi mất hình ảnh không chỉ riêng lao động, mà còn mất hình ảnh đất nước Việt Nam".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như vậy tại phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) Phạm Thị Hải Chuyền sáng 14/6.
Quản chặt công ty xuất khẩu lao động
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, xuất khẩu lao động là chủ trương ngắn hạn, mang tính thời vụ. Nhưng trong điều kiện hiện nay, không phải là thời gian một, hai năm, mà còn dài dài...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò của xuất khẩu lao động, để giải quyết đời sống, giảm nghèo ở trong nước, tăng thu nhập. Ngoài ra, xuất khẩu để rèn luyện, tăng kỹ năng lao động, trở về làm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta tốt hơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, cần bảo đảm xuất khẩu lao động có chất lượng, có thu nhập, thực hiện được pháp luật nước ta và nước bạn thật tốt.
Gần đây, nhiều công ty xuất khẩu lao động mở ra, cần quản lý chặt loại hình công ty này. Đi theo đó, quản lý cho được xuất khẩu lao động chui, tìm cách móc ngoặc visa, đưa lao động đi sang nước ngoài.
"Sang bên kia gây mất đoàn kết, để rồi mất hình ảnh không chỉ riêng lao động, mà còn mất hình ảnh đất nước Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tổ chức liên kết đơn vị xuất khẩu lao động - đào tạo lao động và nước ngoài để tổ chức đào tạo ngay trong nước, bảo đảm chất lượng trước khi xuất khẩu.
Đào tạo cho người lao động biết, nghề, tiếng, văn hóa, và pháp luật của nước bạn. Nếu bốn việc này không làm tốt, xuất khẩu sẽ thất bại.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, phải quản lý lao động ở nước ngoài tốt, để có bất cứ chuyện gì, nước ta chịu trách nhiệm trước nhà nước của họ.
Phải biết... mới đi
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền, Đại biểu Ly Kiều Vân ở Quảng Trị đặt vấn đề người Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài.
Hiện nay, Bộ LĐTBXH mới đang giải quyết số lao động làm việc ở Ả rập Xê út. Còn đối với các nước khác, bộ cho rằng đều thực hiện các biện pháp để người lao động được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp. Trong khi đó việc xử lý và giải quyết vấn đề này ở các nước là hoàn toàn khác nhau. Xin Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhắc lại câu hỏi: Chắc đại biểu muốn hỏi trách nhiệm của Bộ LĐTBXH trong quản lý lao động ở nước ngoài và quan điểm của Bộ về xử lý vấn đề đối với người lao động ở nước ngoài thế nào?
Bà Chuyền cho biết, hiện nay nước ta có khoảng 500 nghìn lao động đang làm ở các nước. Thời điểm này, chỉ có 8 ban quản lý lao động ở các nước, phần đông là các cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước có trách nhiệm quản lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Trong quy định về đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền
Doanh nghiệp phải đưa người ta đến, thực hiện theo đúng hợp đồng, khi người lao động có vấn đề bản thân doanh nghiệp đó phải tự tháo gỡ đối với doanh nghiệp anh đã ký hợp đồng. Nếu không thực hiện được phải báo cáo đại sứ quán hoặc tổ chức đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để cùng phối hợp, xem xét, giải quyết.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây tình trạng lao động không được thực hiện đầy đủ các hợp đồng cũng như lao động do bị một số chủ có việc làm không đúng chúng ta đều có can thiệp và cơ bản đều được giải quyết và xử lý.
Nhưng thực trạng một số người lao động không đi theo đường quy định. Chính vì vậy không cấp phép nên không được theo dõi, không biết doanh nghiệp nào.
Bộ trưởng khuyên người lao động khi quyết định mang sức lao động của mình đi làm cho tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, phải biết họ là ai và quyền lợi của mình đến đâu hãy đi. Nếu khi đến nước bạn làm việc mà không thực hiện được hợp đồng, lúc đó rất khó khăn và Chính phủ không muốn điều đó.
Theo 24h
XKLĐ "chui" và nỗi ám ảnh kinh hoàng An ninh bất ổn, công việc không ổn định, nỗi ám ảnh về bệnh sốt rét, xuất huyết,... những vấn đề nóng hổi đã được các lao động Việt tại Angola trao đổi trực tiếp với PV. "Chưa sốt rét chưa biết Angola!" Cộng đồng người Việt ở Angola trên facebook quy tụ gần 4.000 thành viên, chủ yếu là các công dân...