Không để doanh nghiệp FDI “lấy mỡ nó rán nó”
Trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam kể từ khi “Đổi mới”, phải thừa nhận rằng sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) là rất đáng kể. Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy còn nhiều hạn chế và bất cập trong việc thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn đầu tư khu vực kinh tế này.
Trong đó, nổi cộm là thực lực tài chính của nhiều doanh nghiệp FDI không đủ đáp ứng yêu cầu hoạt động, dùng thủ thuật đòn bẩy tài chính để trục lợi từ những quy định lỏng lẻo của các cơ quan quản lý nhà nước.
Việc thu hút dòng vốn FDI là cần thiết, nhưng không vì thế mà không có sự lựa chọn cẩn trọng nguồn vốn. Ảnh minh họa Thành Hoa
Lạm dụng đòn bẩy tài chính
Việc các doanh nghiệp FDI sử dụng đòn bẩy tài chính để tối ưu hóa lợi nhuận là điều dễ hiểu, phổ biến nhất là thủ thuật dùng chi phí vay tài chính để chuyển giá, giảm thuế phải đóng cho nước sở tại. Chính vì vậy, các nước hay vùng lãnh thổ đón nhận vốn FDI rất cảnh giác với câu chuyện này và đưa ra các quy định cụ thể về chi phí vay tài chính hay tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu.
Dù chậm rút kinh nghiệm, Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP nhằm kiểm soát mức trần chi phí lãi vay được hạch toán vào chi phí hợp lý nhằm chống chuyển giá làm xói mòn cơ sở thuế nhắm vào các doanh nghiệp FDI.
Không những vậy, đòn bẩy tài chính còn được một số doanh nghiệp FDI sử dụng khi vay các tổ chức tín dụng trong nước, và điều này không bình thường chút nào khi nhìn vào hai khía cạnh sau đây.
Thứ nhất, cả lý thuyết và rất nhiều nghiên cứu thực chứng cho thấy doanh nghiệp FDI đầu tư sang nước khác khi họ có lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm, và tiềm lực tài chính. Việc đầu tư ra nước ngoài là rủi ro hơn đầu tư trong nước nên yêu cầu nguồn vốn đầu tư phải lớn (so với dự án cùng quy mô trong nước), trong đó quan trọng là vốn chủ sở hữu.
Thứ hai, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp luôn có sự đi kèm của các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm. Do đó, vì sao các doanh nghiệp FDI lẽ ra nếu cần vay vốn, cứ cho là nhằm hạn chế rủi ro tỷ giá, phải vay của các ngân hàng cùng quốc tịch thì lại đi vay của các ngân hàng bản địa? Các ngân hàng bản địa có quá mạo hiểm khi cung cấp tín dụng cho cho các doanh nghiệp FDI khi nhiều khả năng các doanh nghiệp FDI này đã bị các ngân hàng nước ngoài từ chối?
Video đang HOT
Kiểm soát chặt chẽ tình trạng “tay không bắt giặc”
Thời gian qua, một số ngân hàng trong nước chú ý nhiều hơn đến việc cung cấp vốn vay cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp FDI. Nhưng theo người viết, các ngân hàng không nên xem đây là thị trường mục tiêu của mình.
Trước hết, việc cung cấp vốn vay cho các doanh nghiệp FDI sẽ làm giảm khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong nước. Tiếp đến, thay vì thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, thì nguồn lực trong nước lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI về vốn. Cuối cùng, rủi ro của các doanh nghiệp FDI vay ngân hàng trong nước khó kiểm soát, vì lẽ ra các doanh nghiệp này sẽ vay ở các ngân hàng cùng quốc tịch trước, cũng như vì sự tinh vi trong hồ sơ vay vốn.
Để hạn chế và giám sát tình trạng doanh nghiệp FDI lạm dụng đòn bẩy với các định chế tài chính trong nước, các cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý đến các quy định như sau. Một là, bên cạnh quy định vốn tối thiểu trong từng lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp FDI, giấy phép đầu tư chỉ được cấp dựa trên vốn đầu tư thực tế, trong lúc chờ đợi giấy phép chính thức thì ký quỹ đảm bảo như mua trái phiếu chính phủ chẳng hạn. Khi đủ các điều kiện để được giấy phép thì khoản vốn này sẽ được giải ngân nhanh chóng.
Hai là, áp dụng quy định vốn mỏng đối với các doanh nghiệp FDI, tùy theo lĩnh vực mà dựa trên thông lệ quốc tế, quy định tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, nhằm hạn chế doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay, tạo rủi ro không chỉ cho doanh nghiệp, bên cho vay, mà cho cả nền kinh tế. Cuối cùng, cần giám sát chặt chẽ hoạt động cho các doanh nghiệp FDI vay của các ngân hàng trong nước, không khuyến khích phát triển phân khúc thị trường này.
Việc thu hút dòng vốn FDI là cần thiết, nhưng không vì thế mà không có sự lựa chọn cẩn trọng nguồn vốn. Bên cạnh các tiêu chí về chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng bền vững thì cần sàng lọc các doanh nghiệp lợi dụng chính sách thu hút FDI để lạm dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt là nguồn vốn từ trong nước.
Theo thesaigontimes.vn
Việt Nam - nơi "đàn sếu lớn" đến sinh sôi
Dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đổi hướng nhiều dòng tiền đầu tư nước ngoài, nhưng câu chuyện thành công của các tập đoàn đã và đang kinh doanh ở Việt Nam sẽ khiến giới đầu tư toàn cầu phải quan tâm.
Mối quan tâm Việt Nam
Walmart, Amazon, HSBC, Metlife, Medtronic, Gilead Sciences... là những tên tuổi nằm trong Top 500 Fortune của Mỹ đã đến tham dự tọa đàm do Hội đồng Kinh doanh và Hiểu biết quốc tế (BCIU) tổ chức - nơi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về cơ hội đầu tư ở Việt Nam trong khuôn khổ chuyến đi New York (Mỹ) tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần trước. Trong số này, nhiều tên tuổi đã đặt chân đến Việt Nam, tham gia vào quá trình phát triển kinh tế nơi đây.
10 năm trước, Tập đoàn AES - một trong 200 doanh nghiệp năng lượng có doanh thu lớn nhất toàn cầu đã đầu tư ở Việt Nam, với tổng vốn 2 tỷ USD. "30 năm qua, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nhất là những nỗ lực cải cách kinh tế giúp Việt Nam phát triển nhanh", ông Bernerd De Santos, Phó chủ tịch, Giám đốc điều hành AES nhận định.
Đối với ông Alex Dimitrief, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn GE Global, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất của GE trên toàn cầu. Hay Tập đoàn Medlife cũng có kết quả khả quan khi bắt tay liên doanh với BIDV của Việt Nam từ năm 2014...
Hiện tại, các tên tuổi này tiếp tục nhìn thấy cơ hội kinh doanh ở nền kinh tế được dự báo đạt mức tăng trưởng GDP năm 2018 gần 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng cao...
Cụ thể, Medlife kỳ vọng vào kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đại diện Hãng Motorola quan tâm tới lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh...
M&A vẫn là "đặc sản"
Cuộc gặp gỡ giữa người đứng đầu Chính phủ với các nhà đầu tư lớn của Mỹ diễn ra khi Việt Nam kỷ niệm 30 năm thu hút FDI. Nhưng, đây cũng là thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chuyển biến phức tạp, buộc giới đầu tư phải tính toán chiến lược phù hợp.
Tính từ thời điểm chiến tranh thương mại nổ ra (15/6/2018) đến giữa tháng 9, đã có hơn 14 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư thuộc thị trường mới nổi (Global Emerging Market Funds - GEM), trong khi các quỹ đầu tư ở Mỹ có thêm 1,6 tỷ USD. Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), các thị trường chính khoán như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc đều bị bán ròng và cùng giảm điểm.
Với dự báo chiến tranh thương mại sẽ khó sớm chấm dứt, giới đầu tư tài chính nói chung vẫn e dè với các tài sản ở nhóm thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, do đặc thù đầu tư chiến lược, dòng vốn M&A được dự báo sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, dù xu hướng nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng khiến nhà đầu tư tính toán cẩn trọng hơn. Chi phí vốn tăng, nhà đầu tư sẽ cân đối thận trọng hơn khi mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài.
Có thể nhìn thấy điều này ở những động thái gần đây, khi các công ty quỹ tư nhân vốn ưa mạo hiểm và luôn thích thú với thương vụ mua lại nợ ở Việt Nam, như Warburg Pincus, KKR và TPG. Warburg Pincus dẫn đầu nhóm này, cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào các công ty Việt Nam. Tháng 3/2018, công ty này đã thực hiện khoản đầu tư tư nhân lớn nhất Việt Nam qua việc rót 370 triệu USD vào Techcombank ngay trước thềm ngân hàng này niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Trước đó, Warburg đã đầu tư 200 triệu USD, sau đó tăng lên 300 triệu USD vào Vincom Retail - chuỗi trung tâm mua sắm được định giá tới 3,5 tỷ USD.
KKR cũng hướng sự chú ý tới Việt Nam. Công ty quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu của Mỹ đã đầu tư vào Masan Group từ năm ngoái. Trong khi đó, Charlyle Group đã thành lập quỹ châu Á lớn chưa từng có, ở mức 6,65 tỷ USD. Còn Blackstone Group tuyên bố vào giữa tháng 6/2018 về việc hình thành quỹ đầu tư tư nhân tập trung riêng vào châu Á trị giá 2,3 tỷ USD...
Không chỉ là vốn
Trở lại với cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với khoảng 40 doanh nghiệp đầu đàn của Mỹ về các cơ hội đầu tư ở Việt Nam, điều mà Việt Nam mong đợi không chỉ nằm ở vốn, mà quan trọng là ý tưởng và sáng kiến. Bởi Việt Nam không muốn đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, khi nền kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD năm 2025, tương đương 6% tổng GDP khu vực (dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek). Đây là nền tảng thuận lợi, là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư, phát triển các mô hình kinh doanh mới ở Đông Nam Á, cũng như Việt Nam.
Trong đó, môi trường start-up ở Việt Nam đang thay đổi mạnh. Làn sóng khởi nghiệp trong vài năm gần đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư hơn và việc gọi vốn của các start-up đã có phần dễ dàng hơn. Nhiều trung tâm, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đã xuất hiện. Các start-up có thể nhận tiền đầu tư từ quỹ đầu tư nhà nước, các công ty lớn hoặc quỹ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, Việt Nam mới nổi lên 1 start-up kỳ lân (unicorn - công ty được định giá 1 tỷ USD trở lên) là VNG, trong khi các nước trong khu vực có khá nhiều, như Grab (Malaysia), Gojek, Traveloka, Tokopedia (Indonesia); Lazada (Singapore)...
Trong chiến lược thu hút FDI tới, Việt Nam đang cần những ý tưởng, sáng kiến, công ty tiềm năng và đồng hành phát triển để... VNG không đơn độc trong danh mục start-up kỳ lân đến từ Việt Nam...
Anh Hoa
Theo baodautu.vn
Không để doanh nghiệp ngần ngại trước quyết định đầu tư Cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng nhìn rõ nét giá trị của mình trong tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế, không chỉ ở các con số, mà quan trọng là trong các quyết sách của Chính phủ. Sự lu mờ của con dấu ... Kể từ ngày 10/10, số phận của con dấu doanh nghiệp thêm một bước...