Không để dịch lây lan mãi
Quân đội, công an vào cuộc, cùng các biện pháp khác được triển khai như đi chợ hộ, túi an sinh, trạm y tế lưu động, xét nghiệm diện rộng, chăm sóc F0 tại nhà… là những việc đã triển khai tại TP.HCM từ hôm 23-8.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với một gia đình có F0 điều trị tại nhà – Ảnh: ĐAN THUẦN
Lúc này chúng ta phải đề cao tính kỷ luật, ai không hoàn thành nhiệm vụ thì thay thế. Tuyệt đối không thể để dịch cứ tiếp tục lây lan mãi trong cộng đồng như thế này.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Tất cả các biện pháp này khơi lên hy vọng và củng cố niềm tin sẽ kiểm soát được COVID-19.
Vận động giúp đỡ F0 điều trị tại nhà
Ngày 23-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng thượng tướng Võ Minh Lương (thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (thứ trưởng Bộ Công an) đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch tại quận 4, TP.HCM.
Tại trạm y tế lưu động trên địa bàn phường 4 vừa hoạt động vào ngày 22-8 và được tăng cường 2 chiến sĩ quân y để phục vụ nhu cầu cấp cứu, chăm sóc y tế cho các F0 trên địa bàn phường, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tinh thần tương thân tương ái của người dân trên địa bàn phường 4 và đề nghị kêu gọi phát động trên toàn TP.HCM.
Đến thăm một số hộ gia đình có F0 đang điều trị tại nhà bên trong một số hẻm trên đường Tôn Thất Thuyết, Phó thủ tướng động viên bà con giữ tinh thần lạc quan, tăng cường dinh dưỡng, thường xuyên tập thể dục để mau khỏi bệnh.
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận 4, ông Đam đánh giá trong buổi sáng đầu tiên của đợt giãn cách, quận 4 đã làm nghiêm và đề nghị việc giãn cách nghiêm này phải duy trì trong suốt chiến dịch. Phó thủ tướng cũng vận động bà con chăm sóc, động viên tinh thần cho nhau.
“Nếu gia đình nào có F0 khó khăn quá thì hàng xóm có thể hỗ trợ nấu cháo, mang thức ăn đến để trước cửa cho họ ra lấy, giữ khoảng cách 2-3m là được. Nếu nhiễm virus mà tinh thần tốt, lạc quan và được mọi người chia sẻ đùm bọc cộng với thuốc men thì khả năng chuyển biến nặng sẽ giảm đi rất nhiều” – Phó thủ tướng nói.
Tập trung người lang thang về các cơ sở bảo trợ
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết trên đường đến quận 4 làm việc, vẫn còn thấy một số người lang thang trên đường, do đó đề nghị địa phương kiểm soát chặt nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao này. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP tập trung toàn bộ nhóm người lang thang này lại, test COVID-19 và dứt khoát phải đưa vào một nơi tạm thời. Nếu còn xảy ra tình trạng này ở địa bàn nào thì địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.
Ngay trong buổi chiều, UBND TP.HCM đã giao TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm tra lập hồ sơ, tập trung người xin ăn, lang thang nơi công cộng trên địa bàn. Sau đó test nhanh và tùy theo kết quả sẽ chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc vào khu cách ly, điều trị của các quận, huyện.
Với người lang thang sử dụng ma túy có kết quả xét nghiệm dương tính: nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì chuyển vào Trung tâm cách ly tập trung F0 Bình Triệu. Đối tượng nặng thì chuyển vào Bệnh viện dã chiến Củ Chi để được chăm sóc, điều trị.
UBND TP.HCM yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc xin ăn để trục lợi.
Video đang HOT
Tổ công tác sẽ mua thuốc giùm người dân
Trong buổi họp báo chiều 23-8 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, ông Phạm Đức Hải – phó trưởng ban – cho biết hiện nay dù các nhà thuốc vẫn mở cửa nhưng người dân không được tự đi mua. Tổ công tác đặc biệt tại mỗi phường, xã, thị trấn sẽ giúp người dân đi mua thuốc.
Trường hợp bệnh thường mà cần đến bệnh viện, người dân có thể gọi cho 2 hãng xe là Vinasun và Mai Linh. Hiện nay TP có khoảng 500 xe của 2 hãng để phục vụ hoạt động này. Bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng thì liên hệ tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động và tổng đài 115. TP cũng phân bổ khoảng 260 xe Phương Trang về 22 quận, huyện và TP Thủ Đức để đưa bệnh nhân F0 chuyển nặng đến bệnh viện.
Ngoài ra, trong hôm qua, ngoài việc tăng thêm một số đối tượng có thể ra đường, TP cũng quyết định sẽ không cần kiểm tra giấy đi đường với cán bộ, nhân viên ngành y tế có thẻ ngành – giấy đi đường do Sở Y tế hoặc thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo quy định cấp; người dân đi tiêm vắc xin có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời (kèm chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân), nhân viên hệ thống phân phối có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị, áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an TP cấp.
* NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy (phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM):
Cùng chiến đấu để “trận chiến” này sớm kết thúc
Thời gian qua đâu đó vẫn có những trường hợp chưa thực sự nghiêm túc tuân thủ các quy định, cộng với tính chất dịch bệnh phức tạp nên cuộc chiến chống dịch còn gian nan. Vì vậy, các biện pháp phòng chống dịch bệnh được tăng cường và nâng cao hơn nữa là đòi hỏi hết sức cần thiết. Mong rằng “trận chiến” này sớm kết thúc.
Dịch bệnh kéo dài gây ra những khó khăn, vất vả nhưng từ đó cũng toát lên những tấm gương, hình ảnh đẹp. Văn nghệ sĩ không ít anh chị em xông pha hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, tham gia lực lượng tình nguyện viên. Nhiều nghệ sĩ trong giai đoạn này thể hiện mình là chiến sĩ lao vào các hoạt động vì cộng đồng như biểu diễn xung kích tại các khu thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ để đem đến cho bệnh nhân những giây phút thư giãn, vận động hiện vật, hiện kim từ nhiều nguồn để chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội…
Ở vai trò người quản lý, tôi nhắn nhủ rằng các cơ quan quản lý nhà nước luôn bên cạnh hỗ trợ và tạo điều kiện để nghệ sĩ có thể thực hiện tấm lòng của mình nhằm đóng góp cho xã hội, để đi đến chiến thắng.
* NSƯT Hạnh Thúy (ủy viên BCH Hội Điện ảnh TP.HCM):
Lúc này càng cần thêm sự đồng lòng
Ngay từ những ngày đầu phòng chống dịch, tất cả những quy định của Nhà nước tôi đều tuân thủ triệt để. Mặc dù chúng ta cũng đã có những lúng túng nhưng bản thân tôi ý thức được rằng mọi quy định đều nhằm khống chế dịch bệnh nhanh nhất có thể. Trong mọi việc, vai trò của người dân đều có ý nghĩa quyết định, và với cuộc chiến lần này Nhà nước càng cần sự đồng lòng của người dân. Trên Facebook cá nhân, tôi không bao giờ đăng những thông tin tiêu cực, bởi tôi nghĩ là một nghệ sĩ trong giai đoạn này tôi không đóng góp gì được nhiều thì ít nhất không gieo năng lượng tiêu cực đã là cùng mọi người giữ tinh thần chống dịch.
Kịp lo lương thực cho dân
Lương thực, thực phẩm tới tay người dân khó khăn tại TP.HCM ngay trong ngày 23-8, ngày đầu toàn thành nghiêm ngặt Ai ở đâu, ở yên đó.
Các trung tâm an sinh ở phường, xã hoạt động hết công suất để kịp chuyển hàng tận tay người dân.
Cán bộ, chiến sĩ thuộc sư đoàn 9 cũng tham gia hỗ trợ phường Bình Trị Đông A trong việc phòng dịch, phát túi an sinh đến người dân chiều 23-8 - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Điểm tiếp nhận hàng hóa để hỗ trợ người dân khó khăn của phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân, TP.HCM) ngày 23-8 có thêm các anh chiến sĩ áo màu xanh lá.
Đưa túi an sinh tới từng xóm trọ
19 chiến sĩ thuộc sư đoàn 9 cùng nhiều anh chị tình nguyện viên và cán bộ của phường tất bật làm nhiệm vụ tại đây từ sáng. Các anh chiến sĩ trẻ bận rộn gọt rửa, phân chia hơn 10 tấn rau củ quả, hàng hóa để kịp chuyển những túi an sinh đến từng hộ dân khó khăn trong buổi chiều. Trong ngày 23-8, phường Bình Trị Đông phát hơn 2.000 túi an sinh, suất quà cho các hộ dân khó khăn của phường. Mỗi phần gồm 10kg gạo, rau củ quả, sữa, dầu ăn và mì gói...
Ông Hà Anh Tuấn, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Bình Trị Đông A, cho biết toàn phường hiện có hơn 12.300 hộ khó khăn cần chăm lo. "Những hộ diện này đều được phường chăm sóc hỗ trợ từ trước đó. Đợt này sẽ hỗ trợ trước 6.000 hộ, làm bằng cách cuốn chiếu theo danh sách, cố gắng không sót trường hợp khó khăn nào" - ông Tuấn nói thêm.
Bộ đội Quân khu 7 đóng quân tại phường Trường Thọ, TP Thủ Đức trao rau củ đến người khó khăn tại hẻm 59 đường số 8 - Ảnh: N.PHƯỢNG
Ở một khu trọ khu phố 10, phường Bình Trị Đông A, nhận túi quà (10kg gạo, rau củ quả, sữa, dầu ăn và mì gói), anh Lý Thanh Hùng (quê Bạc Liêu) xúc động nói: "Mừng quá, vừa lúc phòng đang hết gạo. Cả tháng nay chỉ dám ăn chút chút cầm cự, tại cũng đâu làm gì mà ăn cho nhiều".
Anh làm nghề thợ hồ, đang thuê trọ chung cùng bốn người khác. Cả phòng đều thất nghiệp hơn một tháng nay. Anh Hùng kể vì không có thu nhập, lại phải lo thêm tiền ăn uống của vợ và hai con ở quê nên cả tháng nay không dám đi chợ.
Cả phòng ai cũng khó khăn nên những túi an sinh, phần quà hỗ trợ nhu yếu phẩm từ chính quyền, nhà hảo tâm trao tặng giúp họ qua được những ngày giãn cách.
Khi chiếc xe hỗ trợ chở cán bộ phường và một chiến sĩ đi vào khu trọ nằm sâu trong một con hẻm của hương lộ 2, trông thấy màu áo lính trên xe, rất nhiều người dân đã cùng vỗ tay, reo mừng.
Ra nhận túi quà, chị Phan Hồng Như (25 tuổi, quê Vĩnh Long), công nhân một công ty giày dép tại quận Bình Tân, chia sẻ: "Nhiêu đây tôi ăn được 15 ngày, mừng quá vì có đồ ăn để qua đợt này rồi tính tiếp".
Cũng giống như hàng trăm ngàn công nhân từ quê lên thành phố, Như lâm cảnh thất nghiệp hơn một tháng nay, nhưng tiền trọ, tiền cơm gạo vẫn phải chi khiến cuộc sống của cô đang khó khăn hơn bao giờ hết.
19 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 9 cũng tham gia hỗ trợ phường Bình Trị Đông A trong việc phòng dịch, phát túi an sinh đến người dân - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Những "biệt đội rau củ"
Hàng loạt trung tâm an sinh xã hội đã được lập ra ở các quận, huyện, phường, xã để tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19. Trung tâm an sinh xã hội phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) được đặt ở một địa điểm rất đặc biệt: một quán cà phê nằm cách ủy ban phường không xa.
Khi trung tâm thành lập, chị Trần Thị Ngọc Sơn, phó bí thư Đảng ủy phường, kiêm thêm chức vụ giám đốc của trung tâm. Bên ngoài vẫn là biển hiệu quán cà phê, nay có thêm một tấm bảng mới ghi số điện thoại người phụ trách trung tâm.
Ngày 23-8, "biệt đội rau củ" tám người của hội phụ nữ đang tỉ mẩn ngồi bên một "núi" rau muống vừa được chuyển đến. Nhưng đây không phải là công việc mới của các chị. Suốt hai tháng qua, ngày nào biệt đội này cũng làm sạch rồi phân chia 1.200-1.500 phần rau để chuyển vào các khu phong tỏa, các hộ có F0 tại nhà.
Túi an sinh đã trao tay người lao động ở trọ tại khu phố 10, phường Bình Trị Đông A - Ảnh: CÔNG TRIỆU
"Ngày nào cũng đi phát rau, củ, gạo, mắm muối. Phường có bốn khu phố, chia ra phát cuốn chiếu, nay tổ này, mai tổ khác. Đây là một trong những phường rộng nhất quận với hơn 40.000 người dân nên có nhiều trường hợp khó khăn phường không tự phát hiện được, người dân gọi đến thì phường mới biết để hỗ trợ" - chị Lê Thị Cẩm Thu (27 tuổi), phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Sơn Kỳ, chia sẻ.
Từ đầu tháng 6 đến nay, chị Thu cùng với rất nhiều anh chị khác ăn, ngủ tại phường, không về nhà. "Ban đầu thì hỗ trợ xét nghiệm, sau đó hỗ trợ phường tiếp nhận, phân phát nhu yếu phẩm. Hơn hai tháng nay, 15 người của trung tâm an sinh hầu như làm không có ngày nghỉ. Ngày nào rau, gạo nhiều là phải làm tới 8h tối. Rau chuyển từ các tỉnh về phải lặt lại, vô bịch rồi mới đem đến cho hộ dân", chị Thu chia sẻ.
Chuẩn bị cho đợt giãn cách mới, trong hai ngày trước đó, trung tâm đã làm việc cật lực để phân phát 700 túi an sinh đến các hộ dân lao động bên cạnh việc phát rau và các suất ăn hằng ngày.
"Ngày mai, ngày mốt, gạo của Chính phủ chuyển về phường sẽ tiếp tục đi phát ngay để người dân có thêm lương thực", chị Thu nói thêm.
Các chuyến xe chở túi an sinh đến với người dân khó khăn phường Bình Trị Đông A trong chiều 23-8 - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Trung tâm an sinh xã hội của UBND phường 15, quận 4 thì được đặt ngay tại trụ sở phường. Suốt từ đầu dịch đến nay, từ cổng vào đến bên trong của trụ sở, ngoài khu vực tiếp dân là đủ các loại rau củ, gạo, mắm muối được chất la liệt. 28 cán bộ, công nhân viên của phường đã ăn, ở tại trụ sở phường 2 tháng qua. Các phòng lầu trên vừa là nơi họp hành, vừa là nơi ngủ lại.
"Đợt này các quy định giãn cách siết chặt hơn, người dân phải ở trong nhà nên hàng hóa hỗ trợ đưa về là chuyển đến ngay để họ có lương thực duy trì" - bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, phó chủ tịch phường 15, quận 4, cho biết.
Ngay trong ngày đầu, 600 phần gạo, nước mắm, dầu ăn, sữa đặc đã được chia thành bịch và cả phường chia thành bốn đội để phân phát đến các hộ dân. "Ngày hôm qua phường vừa nhận túi quà của Thủ tướng Chính phủ gửi đến hộ dân. Hôm nay (23-8) là phát liền đến tay hộ dân, ưu tiên các hộ chưa nhận tiền từ gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trước", bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nói thêm.
Cùng với 600 túi quà, 1 tấn rau cũng được chuyển đến và "cả phường" thức đêm phân thành các phần để phát cùng với gạo trong ngày.
Những tình nguyện viên đặc biệt
Ở Trung tâm an sinh xã hội của phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân) có những tình nguyện viên rất đặc biệt. Theo nghề lái xe ba gác đã gần 15 năm nay, COVID-19 đưa anh Hiệu đến công việc tình nguyện, anh đăng ký vào đội hỗ trợ phòng dịch của phường Bình Trị Đông A. Ba tháng qua, cứ 6h sáng anh đã ra khỏi nhà, đến tối khuya mới về, nhiều ngày anh không kịp nhìn mặt con. "Vợ tôi làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo đã thất nghiệp hơn một tháng. Nhiều hôm vì công việc phải đi nhiều, gia đình cũng lo nhưng giờ ở phường thiếu người mà mình còn sức khỏe thì đâu thể không giúp" - anh Hiệu nói.
Cũng thất nghiệp gần ba tháng nay, anh Lê Minh Thân (32 tuổi, trọ tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đăng ký tham gia đội phòng chống dịch của phường. Lý do của anh rất đơn giản: "Đi làm miết, giờ ở nhà buồn tay buồn chân". Một tuần qua, bắt đầu công việc từ sáng sớm đến tối khuya mới về tới nhà. Nhiều hôm rau củ nhiều, mọi người ngủ luôn tại trụ sở ủy ban phường. "Những ngày này đâu biết giờ giấc, việc kêu đâu chạy đó, làm đôi khi quên cả ăn luôn", anh Thân cười.
UBND TP.HCM chỉ thị khẩn: Yêu cầu giãn cách triệt để tại 312 xã phường Tối 22-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký chỉ thị khẩn số 11 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. UBND TP.HCM yêu cầu giãn cách triệt để tại 312 xã phường - Ảnh: QUANG ĐỊNH Theo đó, thực hiện Công điện số 1099 của Thủ tướng Chính...