“Không để ai bị nhiễm bệnh mà không được biết tới”
“Chúng ta cần sớm phấn đấu không để ai bị nhiễm bệnh mà không được biết tới và nhanh chóng chữa khỏi cho mọi bệnh nhân nhiễm corona, kể cả người nước ngoài ở Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HG
Chiều ngày 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra.
Mở đầu phiên họp, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, thời gian qua, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. “Chúng ta đã thực hiện tinh thần chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, dịch Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị, có biện pháp cụ thể hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để thực hiện tốt việc bảo vệ tính mạng sức khoẻ của người dân. “Không để tình trạng lây lan sang Việt Nam, tiếp tục bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân”, Thủ tướng nêu rõ.
“ Cách ly tập trung những người đến từ vùng dịch”
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tại Việt Nam, không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 13/2/2020. Song, ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác có sự gia tăng và đã phát hiện trường hợp mắc thứ phát tại cộng đồng.
Đáng lưu ý, tại Hàn Quốc, số trường hợp mắc bệnh tăng nhanh và hiện cao nhất ngoài Trung Quốc, tập trung chủ yếu tại TP Daegu (457 trường hợp, 1 tử vong) và khu Bắc Gyeongsang (180 trường hợp mắc, 3 tử vong).
“Nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ các vùng dịch của Hàn Quốc vào Việt Nam, thông qua các chuyến bay là rất lớn”, ông Tuyên nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Việt Nam là nơi chịu tác động rất mạnh do giao thương nhiều với Hàn Quốc.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 4 hãng hàng không của Việt Nam và 8 hãng hàng không Hàn Quốc khai thác các đường bay đi và đến 8 TP của Việt Nam và 6 TP của Hàn Quốc, với tần suất khoảng 563 chuyến bay/1 tuần.
“Nếu lơ là, chủ quan, không tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch ở Việt Nam, gây hậu quả khôn lường đối với tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, thiệt hại lớn đối với nền kinh tế”, ông Dũng nói.
Trước diễn biến trên, Việt Nam đã khuyến cáo công dân không đến TP Daegu và tỉnh Gyeongsangbuk; không khuyến khích người nước khác quá cảnh ở 2 địa phương này và nhập cảnh vào Việt Nam.
Ông Tuyên cũng cho hay, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid- 19 đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân tổ chức thực hiện phân tuyến cách ly tập trung cho những người đã đi qua hoặc đến từ 1 trong 31 tỉnh của Trung Quốc, hoặc 2 TP Daegu, Gyeongbuk của Hàn Quốc, trong vòng 14 ngày trước ngày nhập cảnh vào Việt Nam.
Bổ sung thêm, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “2 địa phương có dịch ở Hàn Quốc được coi như 31 tỉnh Trung Quốc, tức là khuyến cáo mọi người không đến Việt Nam, cách ly những người đến hoặc đi qua đây nếu nhập cảnh nước ta”. Ngoài ra, các địa phương khác ở Hàn Quốc nếu có dịch sẽ áp dụng biện pháp tương tự.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nêu, du lịch sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới vì dịch Covid – 19. Tuy nhiên, ông đồng tình với việc cách ly những người đến hoặc đi qua vùng dịch ở Hàn Quốc để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Video đang HOT
Đề xuất cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ thêm
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, hướng dẫn cho các thầy cô, nhà trường vệ sinh, khử khuẩn, tiêu độc, quy trình phòng, chống bệnh.
Theo ông Nhạ, tất cả địa phương căn cứ tình hình kiểm soát dịch, không phát sinh diễn biến phức tạp, thì từ ngày 2/3, học sinh trên toàn quốc đi học trở lại. Kỳ thi THPT quốc gia là từ 23 đến 26/7, tức là lùi 1 tháng so với bình thường.
Riêng 3 địa phương có bệnh nhân nhiễm Covid-19 là Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc có thể cho học sinh đi học muộn hơn 1-2 tuần và sẽ học bù vào thời điểm thích hợp. “Dịch diễn biến rất phức tạp nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch thì học sinh mới đi học lại”, ông Nhạ khẳng định.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với tình hình kiểm soát như hiện nay, vào ngày 2/3 đi học trở lại không vấn đề gì. Hiện các trường đã khử trùng 5 lần.
Cũng theo ông Chung, TP đã hướng dẫn các trường không chào cờ, bố trí giải lao chênh giờ để tránh tập trung đông học sinh. Đồng thời, vệ sinh bếp ăn để đảm bảo an toàn thực phẩm ở các trường bán trú; tổ chức tập huấn cho các thầy, cô giáo ở các trường phòng, chống dịch.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm cho biết, hiện nay, số học sinh và thầy, cô từ bậc THPT trở xuống khoảng 1,9 triệu người, trong đó học sinh mầm non có số lượng nhiều nhất.
Qua theo dõi, TP Hồ Chí Minh báo cáo và có kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành xem xét nghỉ đến hết tháng 3. Tuy nhiên, theo khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa điều chỉnh, TP đang họp bàn triển khai kế hoạch cho học sinh đi học trở lại cho phù hợp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, theo kinh nghiệm nước ngoài, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học bình thường. Nếu cho học sinh tiếp tục nghỉ học sẽ “gây nghi ngờ về việc Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, gây ra những hệ luỵ đến sự phát triển kinh tế – xã hội”.
Từ đó, Bộ trưởng Dũng kiến nghị, cho học sinh trung học phổ thông, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm đi học trở lại trong toàn quốc trong ngày 2/3. Đối với học sinh mầm non và tiểu học, trung học cơ sở, có thể xem xét quyết định cho nghỉ học thêm 2 tuần. Sau đó quyết định cụ thể thời điểm đi học tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cần theo dõi tiếp diễn biến dịch bệnh để quyết định. “Tâm trạng chung của người dân là lo lắng, nhưng cần bình tĩnh để xem xét”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Không có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong chống dịch
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng nêu rõ, hôm nay chưa “chốt” học sinh, sinh viên có đi học trở lại vào ngày 2/3; phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là phương án chuẩn bị sẵn sàng.
“Chính phủ không phản đối khung năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng phải xem xét tình hình dịch trên thế giới để có quyết định thời điểm học sinh đi học trở lại”, Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, công tác phòng, chống Covid-19 của Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu quan trọng. Toàn xã hội đã phản ứng rất trách nhiệm, nhanh chóng trước những chỉ đạo của Chính phủ. Việc xử lý các vấn đề rất quyết đoán; nhân dân đoàn kết, tin tưởng, chia sẻ khó khăn với chính quyền trong chống dịch.
“Chúng ta thấy, không có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, hành chính quan liêu trong phòng, chống dịch”, Thủ tướng nói, sự nỗ lực, thái độ của Việt Nam bước đầu được quốc tế ghi nhận. “Phần thưởng rất lớn của chúng ta là niềm tin của nhân dân và quốc tế vào tinh thần Việt Nam, vào quyết tâm hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, còn những bất cập, tồn tại như khả năng giám sát dịch bệnh theo khu vực địa lý chưa kịp thời; còn một số ít ngành, địa phương chủ quan; khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh cần phải củng cố tốt thêm
Vì vậy, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần phải khống chế căn bản dịch Covid-19 với tinh thần “không được chủ quan”.
“Chúng ta cần sớm phấn đấu không để ai bị nhiễm bệnh mà không được biết tới và nhanh chóng chữa khỏi cho mọi bệnh nhân nhiễm Corona, kể cả người nước ngoài ở Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến giải pháp phải cách ly 14 ngày với người đến và đi qua vùng dịch ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Đồng thời, cần tiếp tục hạn chế tụ tập đông người để phòng dịch bệnh lây lan.
“Cách ly kịp thời mọi đối tượng từ vùng có dịch đến Việt Nam đủ 14 ngày. Đặc biệt, cần khoanh vùng, dập dịch như ở Vĩnh Phúc thời gian qua. Không để lây chéo trong cộng đồng”, Thủ tướng yêu cầu và cho biết, ông đồng ý ban hành chỉ thị tiếp theo về chống dịch Covid – 19.
Theo Thủ tướng, chúng ta kiên quyết nhưng bình tĩnh chống dịch và cố gắng thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch tốt và thực hiện phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo bình thường. Từ đó, yêu cầu các đơn vị khởi động chiến dịch Du lịch Việt Nam an toàn, hàng không Việt Nam an toàn… Đồng thời các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hoá không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cảm ơn nhân dân, các lực lượng chức năng đã đóng góp vào việc chống dịch Covid-19. Thủ tướng kỳ vọng, trong hoàn cảnh nào, người dân cũng được bình an.
Hương Giang
Theo thanhtra
Ngang qua những cổng trường quạnh hiu mùa Covid-19: Dịch ơi chóng tan, chúng mình thèm tới lớp!
Dù dịch Covid-19 đã phần nào được khống chế nhưng các trường học vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn về ngày mở cửa đón học sinh trở lại.
Sự bùng phát, diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19 đã gây ảnh hưởng mạnh tới mọi hoạt động học tập, vui chơi, giải trí suốt cả tháng nay. Kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2020 hẳn là 'một mùa Tết huyền thoại chưa từng có trong lịch sử' khi học sinh, sinh viên các cấp phải tạm quên đi ghế đá, giảng đường đã 3 tuần nay.
Trong một thông báo gửi tới toàn thể sinh viên Đại học Bách Khoa Tp.HCM về việc kéo dài thời gian nghỉ học vì bệnh dịch, ban lãnh đạo đã đính kèm một tấm hình chiếc cổng vắng vẻ, buồn bã cùng lời nhắn nhằm xoa dịu nỗi nhớ nhung ngôi trường của sinh viên.
Ở Hà Nội, ngang qua những ngôi trường cấp ba vốn ngày ngày nhộn nhịp các hoạt động giảng dạy, vui chơi, vẫn một khoảng không hiu quạnh, im lìm bao trùm ấy.
Lũ học trò nhỏ thường ngày đi học vẫn mong được ngày nghỉ ở nhà đi chơi, được né kiểm tra bài cũ. Vậy mà trông lối đi quen thuộc đã lâu thưa vắng tiếng cười đùa, lá rơi phủ đầy ghế đá lại bỗng thấy nhớ thương trường da diết. Cứ nghĩ nghỉ học thích thú lắm, nhưng những điều mà ta ham, cũng chỉ kéo dài được vài bận.
Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đìu hiu, ôm vào mình một khuôn viên rộng lớn vắng tiếng học trò. Ngôi trường của những hoạt động ngoại khóa 'chất ngất', của những cao thủ 'con nhà người ta' nay im ắng, thiếu tiếng nói cười rộn ràng ngày nào.
Trường Phan xinh xắn với những bức họa 3D đáng yêu cũng đang nhớ trò lắm rồi.
Hoạt động học tập, vui chơi tạm ngừng trước dịch đã biến ngôi trường nhiều hot boy, hot girl nhất Hà Nội cũng chìm trong yên lặng
Một ngày trôi qua thiếu lời cô, tiếng thầy, thiếu cả đám bè bạn đùa nghịch, ngày ấy dường như chẳng trọn vẹn. Tới trường để lấy kiến thức, để tự tin vào tương lai, để bản thân không trì trệ, biếng nhác, ai cũng biết. Nhưng đến trường, còn là để xây đắp, để trải nghiệm và trân trọng kỷ niệm thời thanh xuân. Đám trò nhỏ thèm tới lớp lắm rồi.
Các trò ơi có nhờ trường không?
Chỉ khi việc tới trường bị đình trệ trong thời gian dài, đám trò mới nhận ra mình cũng... ham học lắm. Đời học sinh, làm tốt thời gian biểu 'học - ăn - chơi - học - học' dường như là nhiệm vụ lớn nhất. Mùa dịch Covid-19, cái nhịp độ tới trường, nghe giảng, ghi chép, rồi tối về cặm cụi làm bài đến khuya bị sao nhãng.
Đám trò ngồi một mình trước máy tính, trong đầu chỉ nghĩ về khoảng thời gian vui vẻ trước Tết. Thì ra cũng có lúc, nghỉ Tết trở nên đáng sợ thế này. 'Cứ nghỉ lâu thế này, rồi có ngày sẽ lười biếng, ì ạch và quên mọi kiến thức cần nhớ mất thôi'.
Vẫn tấm băng rôn từ ngày Tết, nhưng 'Trường Bưởi' Chu Văn An trông buồn đến kì lạ khi thiếu bóng học sinh
Hiện, UBND TP. Hà Nội vẫn đang xem xét và cân nhắc tình hình dịch Covid-19 để đưa ra quyết định có nên cho học sinh, sinh viên nghỉ học tới hết tháng 2 hay không. Trên mạng xã hội, học sinh, sinh viên không khỏi năn nỉ 'Cho em đi học đi, em nhớ trường lớp lắm rồi'. Và khi đi qua những chiếc cổng trường trống trải, ta sẽ hiểu rằng lời mong mỏi ấy thật lòng từ tâm can. Dịch ơi chóng tan, chúng mình thèm tới lớp.
Ảnh: Kiên Nas
Minh Minh
Theo baodatviet
Chủ động đề phòng dịch bệnh Các nghiên cứu, thống kê cho thấy, phần lớn số trường hợp chết do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) là những người già, có các bệnh lý khác đi kèm nên hệ miễn dịch suy yếu. iều này cho thấy vai trò của khả năng miễn dịch góp phần giảm nguy cơ mắc và...