“Không đặt mục tiêu giảm 100.000 công chức”
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, tinh giản biên chế lần này không đặt ra con số duy ý chí để rồi lại không làm được. Ông cũng tin sẽ khó có trù dập, bè phái.
Trước những xôn xao của dư luận về dự thảo nghị định tinh giản biên chế đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn trao đổi với VietNamNet:
Khác với những lần tinh giản biên chế trước đây chỉ đơn thuần là giảm cơ học, lần này, theo chỉ đạo của Thủ tướng, mục tiêu là nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ.
Không duy ý chí nữa
Ngay từ những cuộc hội thảo đầu tiên nghe ý kiến các chuyên gia, trong đó có cả nguyên Bộ trưởng, Vụ trưởng…, một ý kiến nổi bật là chính sách tinh giản trước đây chưa thực sự giảm được người cần giảm, đưa bao nhiêu người ra lại bổ sung từng ấy người vào… Vậy làm thế nào để không lặp lại “vết xe đổ” này?
Tinh giản biên chế lần này được thực hiện đồng bộ với các nội dung khác của cải cách chế độ công vụ, công chức như xác định vị trí việc làm, nâng cao chất lượng tuyển dụng, bảo đảm tối đa nguyên tắc khách quan, công khai, công bằng, đặc biệt là đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Thông qua đó sẽ xác định được ai làm việc, ai chưa làm tốt… để phân loại, đưa vào diện tinh giản.
Mặt khác, các cơ quan, tổ chức chỉ được sử dụng 50% số biên chế đã được tinh giản để tuyển dụng mới, 50% còn lại làm nguồn để giao cho các cơ quan, tổ chức mới thành lập hoặc được giao thêm chức năng, nhiệm vụ mới. Đây là các giải pháp để khắc phục tồn tại của lần tinh giản biên chế trước đây.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Bảo đảm tối đa nguyên tắc công khai, công bằng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Việc trong quá trình tinh giản biên chế vẫn có một số lượng biên chế tăng là do nhu cầu của quản lý. Chúng ta đều biết, trong quá trình phát triển của đất nước, khi phát sinh các lĩnh vực, các nội dung mà Nhà nước phải tăng cường quản lý như môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm… thì vẫn phải bổ sung biên chế mới có người làm. Đó là điều dễ hiểu vì sao vẫn có số biên chế tăng thêm trong quá trình tinh giản.
Lâu nay tinh giản biên chế đặt ra những mục tiêu con số cụ thể nhưng rồi không đi đến đâu, vậy mà lần này dự thảo lại đưa ra con số giảm khoảng 100.000 người, vì sao lại tiếp tục duy ý chí như vậy, hơn nữa con số 100.000 có thấm tháp gì so với tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức hiện nay?
Video đang HOT
Con số 100.000 chỉ là tính toán ban đầu của dự thảo lần 1, không phải là mục tiêu. Vì thế chúng ta chẳng nên quan tâm nhiều. Lần này, không nên quan trọng hóa sẽ giảm được bao nhiêu. Càng không nên đặt ra mục tiêu con số cụ thể một cách duy ý chí, rồi không thực hiện được.
Điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện thật tốt để đưa được những người không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của luật Cán bộ, công chức, người không có khả năng đáp ứng yêu cầu công vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm… ra khỏi công vụ. Đồng thời phải có giải pháp thu hút, tuyển dụng được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài các cơ quan hành chính, dự thảo nghị định có đề cập đến các cơ quan Đảng, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ, công chức, viên chức cấp xã không, thưa ông?
Việc tinh giản biên chế được thực hiện đồng thời trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội từ TƯ đến địa phương, cấp xã và trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Một nguyên Vụ trưởng Tổ chức – Biên chế của Bộ Nội vụ cho rằng để tinh giản biên chế, không cần dài dòng các nhóm giải pháp mà chỉ cần tập trung vào việc Nhà nước không ôm đồm nữa, tức là giảm bớt việc của Nhà nước, cơ quan hành chính, giao các tổ chức bên ngoài; giảm bớt việc của TƯ, phân cấp xuống địa phương. Ý kiến của ông?
Đây chỉ là một ý kiến để tham khảo. Công việc nhà nước nhiều hay ít không liên quan gì đến tinh giản biên chế. Nói ở đây có vẻ lạc đề. Việc chuyển giao việc của cơ quan hành chính cho các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện còn phụ thuộc nhiều vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Và giả sử việc chuyển giao việc của các cơ quan hành chính công quyền sang khu vực ngoài nhà nước được thực hiện chỉ nhằm tinh giản biên chế thì tư duy tinh giản lại vẫn đơn giản như trước đây đã làm. Đó chỉ là đơn thuần giảm về số lượng, mà không chú ý đến chất lượng.
Bây giờ, tư duy đã đổi mới theo hướng, bên cạnh xác định số lượng biên chế phù hợp, còn phải đưa những người không làm việc được, không đúng ngành nghề đào tạo, hoặc không đủ điều kiện làm việc ra khỏi công vụ. Đồng thời, tìm cách thu hút, tuyển dụng những người làm việc tốt, có tinh thần trách nhiệm cao.
Còn giảm bớt việc của TƯ, phân cấp xuống địa phương thì chúng ta đã làm rồi, đã đẩy mạnh phân cấp giao nhiều thẩm quyền để phát huy tính chủ động, năng động của địa phương. Nhưng phân cấp cũng không phải là giải pháp tinh giản biên chế. Vì nhiệm vụ được giao thêm, thì địa phương cũng lại đề nghị bổ sung biên chế.
“Rất khó trù dập, bè phái”
Ngay sau khi đăng tải thông tin về dự thảo nghị định, dù là ngày nghỉ cuối tuần, VietNamNet đã nhận được hàng nghìn phản hồi của độc giả. Là người được giao chỉ đạo xây dựng dự thảo, cảm giác của ông như thế nào trước sự quan tâm của đông đảo người dân?
Tôi rất phấn khởi khi thấy đông đảo người dân quan tâm. Nhờ có nhiều ý kiến phản biện thuận có, nghịch có, chúng tôi sẽ hoàn thiện dự thảo nghị định để bảo đảm tính khả thi cao. Bộ Nội vụ rất cám ơn các cơ quan, tổ chức, nhân dân đóng góp ý kiến và sẽ nghiêm túc nghiên cứu để tiếp thu.
Độc giả đều ủng hộ chính sách tinh giản biên chế, song họ cũng rất băn khoăn, sẽ giảm được ai, liệu có đụng được con ông cháu cha không, hoặc những người không luồn cúi chạy chọt liệu có bị tinh giản, rồi thì phát sinh tiêu cực, phe cánh…… Theo Thứ trưởng, những nghi ngại này có cơ sở hay không? Giải pháp là gì để tránh tiêu cực?
Tôi nghĩ những lo ngại đó là dễ hiểu thôi, nhưng đại đa số rất ủng hộ và tin tưởng vào chủ trương tinh giản biên chế. Lần này, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc. Để xác định các trường hợp đưa vào diện tinh giản, phải rà soát, đánh giá, phân loại. Mặc dù thẩm quyền giao cho người đứng đầu, nhưng với cơ chế và pháp luật hiện nay, tôi tin rất khó có thể lồng cá nhân, trù dập, bè phái hoặc nể nang, e ngại không dám làm.
Nếu tiêu chuẩn, điều kiện đã rõ ràng rồi, người đứng đầu không dám làm hoặc làm sai thì bản thân người đó sẽ mất uy tín, bị đánh giá lại và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo đều nhận thức rõ, đội ngũ thuộc quyền quản lý của mình phải là những người làm việc tốt, trung thành, tận tụy, kể cả khu vực công và khu vực tư.
Theo Hiền Anh
Vietnamnet
Trung ương, địa phương đều có công chức "cắp ô"!
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, dù là khu vực công hay tư luôn có người làm việc tốt, người làm việc không tốt, tuy nhiên mức độ bao nhiêu tùy thuộc từng cơ quan, còn con số 30% chỉ là võ đoán.
Ngày 9/12, trong buổi họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc có bao nhiêu phần trăm công chức "cắp ô" trong bộ máy hành chính công hiện nay. Ông Tuấn không phủ nhận thực tế từ Trung ương đến địa phương vẫn có công chức, viên chức năng lực yếu, chưa đáp ứng nhiệm vụ.
Năng lực không đáp ứng công việc lãnh đạo có thể xin từ chức
Vấn đề thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng đang thực hiện thí điểm ở nhiều Bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, việc này thực hiện đúng tinh thần của Đảng về đổi mới công tác cán bộ. "Hiện nay, ở địa phương có Quảng Ninh, Hà Nội, Vĩnh Long, Quảng Nam, Đà Nẵng... đang thực hiện. Khối Trung ương có Bộ Tư pháp, Bộ GTVT làm hẳn một đề án thi tuyển Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam", ông Tuấn thông tin.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết nhiều địa phương thi tuyển lãnh đạo
Theo ông Tuấn quá trình thí điểm trên đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Đối với cơ quan Trung ương thì Ban tổ chức Trung ương phối hợp cùng Bộ Nội vụ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Cụ thể, hiện nay Bộ Nội vụ đang chuẩn bị trình Ban cán sự Đảng Chính phủ, sau đó tiếp tục trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đề án thí điểm, đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng. Ông Tuấn cho biết hiện nay, đề án đã hoàn thiện và đang xin ý kiến cấp trên. Sau đó Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện và trình Bộ Chính trị.
"Đây là vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức làm nhiệm vụ lãnh đạo quản lý. Vì thế chúng tôi xây dựng một cách thận trọng!", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho hay, dự thảo xây dựng quy chế những trường hợp công chức, viên chức quản lý có thể từ chức quy định rõ như không đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ đang giữ; Năng lực không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý (dù không phải là người gây ra) thì cũng có thể từ chức.
Trung ương, địa phương đều có công chức "cắp ô"
Bộ Nội vụ ủng hộ kéo dài tuổi làm việc Liên quan đến vấn đề câu hỏi Chính phủ đang xem xét kéo dài tuổi làm việc với cán bộ công chức, viên chức nữ giữ cương vị lãnh đạo là vụ trưởng hoặc tương đương (giám đốc sở) trở lên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ ủng hộ việc này.
Trước câu hỏi thực tế có tới 30% công chức hay chỉ 1% công chức không làm được việc? Ông Tuấn cho biết, con số 30% cán bộ, công chức không làm được việc chỉ là võ đoán vì thực tế chưa có thống kê chính thức nào.
Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2012. Theo ông Tuấn tỉ lệ 1%, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ mới là số liệu ban đầu theo báo cáo của các đơn vị được yêu cầu và Bộ Nội vụ vẫn đang tổng hợp.
Ông Tuấn cho rằng, thực tế dù ở khu vực công hay tư, luôn có người làm việc tốt và người làm việc không tốt. "Chúng tôi cũng không phủ nhận từ Trung ương đến địa phương vẫn còn bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu", ông Tuấn nói.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội cách đây hơn một tuần, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải thích con số 30% công chức không làm được việc được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại dư luận. Còn quan điểm của Bộ Nội vụ đây là những phản ánh, kiến nghị đòi hỏi phải đổi mới cải cách công vụ nhiều hơn nữa.
Quang Phong
Theo Dantri
Nhân viên sai, sếp Nhà nước phải từ chức? Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, người lãnh đạo có thể làm đơn xin từ chức nếu "có vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý dù không do bản thân họ gây ra". Tại họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 9/12, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, theo dự thảo quy chế bổ...