Không còn cảnh “quan xã” trẻ… mượn tiền bố mẹ
Năm đầu tiên “nhậm chức”, không lương, phó chủ tịch xã tại những huyện nghèo phải mượn tiền từ gia đình để lo công tác.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) kiêm Trưởng ban chỉ đạo Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã cho biết năm nay, tất cả “quan xã” trẻ đã được chi trả thu nhập theo đúng chế độ.
Ông Vũ Đăng Minh Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ)
Một năm kể từ ngày nhậm chức, trí thức trẻ đã vào vai phó chủ tịch xã ra sao thưa ông?
Hàng ngày chúng tôi vẫn có kênh thông tin trực tiếp phản ánh từ các đội viên. Tới thời điểm này có thể khẳng định 580 em đã vào cuộc tốt, thực sự chủ động trong công việc.
Video đang HOT
Về phần mình, chúng tôi luôn sẵn sàng trao đổi, giúp đỡ để các em phát huy tinh thần xung kích, không ngại khó ngại khổ. Dù vậy, các em cũng cần phải có phương pháp để cấp ủy chính quyền đồng thuận, tạo điều kiện làm việc. Thêm vào đó chúng tôi cũng yêu cầu đội viên tích cực lắng nghe ý kiến người dân.
Tới nay thu nhập của các phó chủ tịch xã này đã ổn định chưa, thưa ông?
Do cơ chế tài chính, đến cuối năm 2012, Chính phủ mới xây dựng xong chế độ tiền lương cho đội viên thuộc dự án. Bởi vậy 1 năm qua, các phó chủ tịch xã vẫn phải nhận tạm ứng do địa phương tự cân đối chi trả. Xã nghèo nên chỉ có thể tạm ứng một số tiền đủ ăn cho các em.
Tuy nhiên, tới nay, tất cả đội viên đã được trả tiền lương theo đúng chính sách. Vì thế cũng không còn cảnh “quan xã” phải về xin “trợ cấp” từ gia đình nữa. Thậm chí, nhiều bạn còn tiết kiệm được, để dành chút vốn liếng để xây dựng gia đình.
Ngày lên đường của các phó chủ tịch xã
Khi Dự án kết thúc (năm 2017), các phó chủ tịch xã này sẽ đi đâu, thưa ông?
Khi kết thúc dự án, đội viên có thể lựa chọn giữa hai phương án. Nếu không muốn tiếp tục làm công chức, đội viên có thể chuyển ra ngoài. Chúng tôi ghi nhận đóng góp của họ.
Nếu địa phương có nhu cầu và đội viên muốn ở lại, các em có thể sẽ tiếp tục được bổ nhiệm vị trí tương đương Phó chủ tịch hoặc cao hơn. Trong trường hợp xã không có nhu cầu, đội viên sẽ được chuyển lên làm công chức cấp huyện.
Vậy có vẻ như đội viên sẽ thiệt thòi hơn nếu chuyển về làm công chức “bình bình” ở cấp huyện?
Tôi đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các huyện nghèo có đội viên về công tác. Họ đều đánh giá các em rất cao và cho rằng đây là cán bộ nguồn của huyện, của tỉnh sau này. Bởi lẽ, với kinh nghiệm 5 năm làm phó chủ tịch xã, nếu rút lên huyện, các đội viên cũng có thể đảm đương công việc của trưởng phòng cấp huyện.
Trong thời gian tới, Dự án có được mở rộng ra không?
Tháng 6 tới, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết dựa trên đánh giá chung của 20 tỉnh để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng kết luận, đưa ra định hướng, các bộ, ngành liên quan mới nghiên cứu xem có tiếp tục mở rộng mô hình của Dự án hay không.
Xin cảm ơn ông!
Từ ngày 1/3/2012 tới nay, Dự án đã đưa 580 đội viên về làm phó chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh.
Để trở thành đội viên dự án, các ứng viên phải tốt nghiệp đại học, có độ tuổi dưới 30, là đoàn viên hoặc đảng viên, có đơn tình nguyện làm việc tại huyện nghèo ít nhất 5 năm.
Được biết, thu nhập của trí thức trẻ tham gia Dự án được đảm bảo luôn gấp đôi so với người tốt nghiệp đại học công tác tại cơ quan nhà nước ở thành phố (hơn 4 triệu đồng).
Theo 24h