Không có cơ chế mua nợ xấu ở VDB
Ngân hàng phát triển ( VDB) – một đầu mối cho vay nợ lớn – lại chưa có cơ chế để Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) mua lại nợ xấu, dẫn đến những vướng mắc trong quá trình xử lý.
Báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2012 và kế hoạch năm 2013 hôm 21/1, DATC kiến nghị với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế mua nợ xấu của VDB, một ngân hàng chính sách hiện cũng do Bộ Tài chính quản lý.
Ở nhiều hội thảo trước đó trong năm 2012 về cơ chế xử lý nợ xấu tại các doanh nghiệp, DATC đã “kêu” rằng nhiều phương án đàm phán mua bán nợ của họ không thành do một doanh nghiệp khách nợ có thể nợ nhiều ngân hàng thương mại và VDB. DATC có thể đàm phán mua nợ với các ngân hàng nhưng không thể đàm phán mua nợ với VDB do nơi này chưa có cơ chế bán nợ xấu trong khi cơ chế phân loại nợ xấu cũng rất phức tạp.
Chính Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, sau khi hoàn tất quá trình thanh tra ở VDB cũng thừa nhận rằng nợ ở ngân hàng này là rất phức tạp vì công nợ do thực hiện cho vay theo chỉ định, nợ xấu thực hiện chính sách với nợ xấu từ hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh chồng chéo.
Tuy nhiên, thanh tra cũng chỉ ra rằng nợ xấu ở VDB là 12,57% tổng dư nợ tín dụng ở đây, cỡ khoảng 22.600 tỷ đồng. Rất nhiều khoản nợ xấu ở VDB thuộc về các doanh nghiệp Nhà nước – đối tượng mà DATC phải mua nợ và tái cơ cấu. Do vậy nếu không có phương án đàm phán mua nợ với VDB, một đầu mối cấp tín dụng lớn cho nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, phá sản thì việc đàm phán mua nợ, xử lý tài chính cũng đi vào ngõ cụt.
Video đang HOT
Đến thời điểm này, khi Công ty quản lý tài sản quốc gia chưa ra đời, DATC vẫn là đầu mối xử lý nợ xấu lớn nhất tại Việt Nam. Báo cáo năm 2012 của nơi này cho biết, tổng doanh thu của DATC xấp xỉ gần 500 tỷ đồng nhưng doanh thu từ hoạt động mua bán nợ chỉ xấp xỉ 38,8% (68% kế hoạch), 55,6% doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác. Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 183,5 tỉ đồng.
Tính riêng hoạt động mua bán nợ, năm 2012, DATC ký được 17 hợp đồng mua bán nợ với giá trị các khoản nợ khoảng 704 tỷ đồng, giá vốn mua nợ khoảng 160 tỷ đồng, tỉ lệ mua nợ bình quân 22,6%. Ngoài ra, 25 doanh nghiệp khác là các doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần… đang được DATC tái cơ cấu với giá trị các khoản nợ và tài sản trên sổ sách là 2.226 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn mua nợ khoảng 454 tỷ đồng (giá mua nợ bình quân khoảng 20,4%).
Còn hiện tại, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ xấu của toàn nền kinh tế thống kê được cỡ 252.000 tỷ đồng và đang thành lập Công ty quản lý tài sản để xử lý.
Theo VNE
Hàng loạt vi phạm tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Phần lớn những vi phạm, khuyết điểm tại Ngân hàng Phát triển VN liên quan đến các hoạt động cho vay sai thẩm quyền, không đúng quy định. Nợ xấu tại VDB đến cuối 2010 lên tới hơn 38.000 tỷ đồng, gần gấp đôi mức báo cáo.
Kết quả thanh tra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong năm 2011 được Thanh tra Chính phủ công bố 10/1/2013. Cơ quan thanh tra nhìn nhận với vai trò được xác định là công cụ tài chính của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách về kinh tế - xã hội, VDB đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, đặc biệt là những năm gần đây, ngân hàng này cũng mắc phải khá nhiều vi phạm, khuyết điểm.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh (bên phải). Ảnh: Hoàng Việt.
Năm 2008 - 2010, ngân hàng chưa thực hiện đúng nguyên tắc chỉ huy động các nguồn vốn với lãi suất thị trường để cho vay khi đã sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp; chưa có giải pháp chủ động trong việc cân đối giữa huy động vốn, dẫn đến tình trạng vốn đã huy động nhưng chưa sử dụng, còn tồn lớn, khiến việc sử dụng kém hiệu quả, tăng chi phí nghiệp vụ ngân hàng.
VDB cũng mắc vi phạm trong lĩnh vực cho vay khi ban hành quy định và cho vay thí điểm không đúng thẩm quyền, chưa phù hợp với quy định của Chính phủ. Nợ xấu từ việc cho vay thí điểm hiện còn 238 tỷ đồng và rất khó thu hồi. Một loạt vi phạm trong cho vay tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu đã khiến nguy cơ mất vốn cao. Trong đó, tháng 6/2011, việc cho vay 35 dự án đóng mới tàu sông, tàu biển đã có tổng dư nợ hơn 2.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, VDB còn cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) vay tiền khi chưa đủ thủ tục quy định chỉ định thầu đối với gói thầu vay vốn; không kiểm tra việc sử dụng vốn vay dẫn tới sai mục đích. Trong 1.000 tỷ đồng tạm ứng từ Kho bạc Nhà nước để giải phóng mặt bằng, Vidifi đã sử dụng hơn 334 tỷ đồng trả nợ vay tại ngân hàng khác để kinh doanh thép...
Theo tính toán của Thanh tra Chính phủ, các khuyết điểm của VDB trong thẩm định dự án, vi phạm trong thủ tục đầu tư, điều kiện vốn, kiểm tra sau cho vay... đã dẫn đến dư nợ từ vài nghìn đến hơn một chục nghìn tỷ đồng cho mỗi hạng mục. Tính đến 31/12/2010, nợ xấu tại VDB đã lên tới 38.106 tỷ đồng, tương đương hơn 21% tổng dư nợ. Trong khi đó, theo báo cáo của VDB, con số này chỉ là 22.664 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan thanh tra, những khuyết điểm, vi phạm và tình trạng nợ xấu tăng cao là do Hội đồng quản lý của VDB chưa thực hiện tốt trách nhiệm chỉ đạo, ban hành cơ chế cho vay thí điểm chưa phù hợp với quy định. Tổng giám đốc VDB phải chịu trách nhiệm chung về những yếu kém, khuyết điểm trên. Các Phó tổng giám đốc cũng phải chịu trách nhiệm theo từng lĩnh vực được phân công. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm liên quan theo từng chức năng, nhiệm vụ cụ thể.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng về việc chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm điểm trách nhiệm và đề xuất những giải pháp xử lý nợ xấu và rủi ro thanh khoản nhằm giúp VDB khắc phục khó khăn, yếu kém. Bộ Giao thông Vận tải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến Dự án mua tàu để kinh doanh của ĐH Hàng hải có giá cao hơn 2 triệu USD.
"Nếu trong quá trình kiểm điểm, phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, thất thoát hoặc các tội phạm khác Bộ Giao thông Vận tải chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật", Phó tổng thanh tra - Ngô Văn Khánh nói.
Phó tổng thanh tra Chính phủ cũng cho biết, một số dự án vay tiền của ngân hàng có dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tiếp tục điều tra. Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất cao su Power (do Công ty TNHH Lê Hiệp làm chủ đầu tư) có dấu hiệu lừa đảo khi sử dụng một bộ hồ sơ để vay vốn tại 2 ngân hàng VDB và Techcombank. Số tiền cho công ty này vay là 15 tỷ đồng và có nguy cơ mất vốn...
Theo VNE
Lợi nhuận ngân hàng TP HCM giảm gần 96% Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho biết tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng trên địa bàn năm qua đạt 667 tỷ đồng, chỉ bằng 4,4% năm trước. Tại hội nghị tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP HCM diễn ra sáng nay, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh...