Không có căn cứ quy kết luật sư Đôn xúc phạm Giám đốc CA Phú Yên
Tổ công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định, chưa có căn cứ để cho rằng luật sư Võ An Đôn đã có hành vi và lời nói xúc phạm cá nhân và cơ quan tiến hành tố tụng TP Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên như nêu trong văn bản số 560/LN-KN.
Tổ công tác về tỉnh Phú Yên xác minh sự việc của luật sư Võ An Đôn do luật sư Phan Trung Hoài – Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư – dẫn đầu vừa có báo cáo kết quả gửi lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Theo đó, tổ công tác khẳng định văn bản kiến nghị số 560/KN-LN ngày 20/11/2014 của liên ngành tố tụng TP Tuy Hòa là không phù hợp về cách thức ban hành văn bản của liên ngành, gửi sai cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật bằng hình thức rút Chứng chỉ hành nghề luật sư nên cần xem xét thu hồi lại.
Luật sư Võ An Đôn tham gia công việc đồng áng giúp vợ. Ảnh: Pháp luật TPHCM
Theo tổ công tác, trong quá trình tranh tụng, luật sư Võ An Đôn đã phát biểu rằng ông Hóa (ông Phạm Văn Hóa, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên lúc đó- PV) “nên từ chức đi” xuất phát từ nhận định cho rằng ông Hóa đã không quản lý được cấp dưới để xảy ra vụ dùng nhục hình gây ra cái chết cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Tổ công tác cho rằng, ý kiến của luật sư Đôn có hạt nhân hợp lý, bởi để xảy ra vụ án hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín ngành công an, trở thành điểm nóng của dư luận như vụ án này thì có căn cứ để xem xét trách nhiệm của người đứng đầu Công an tỉnh Phú Yên. Hơn nữa đây chỉ là khuyến nghị, không có giá trị bắt buộc nên không có căn cứ để quy kết luật sư Đôn có ý xúc phạm, coi thường người đứng đầu ngành công an tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ.
Video đang HOT
“ Chưa có căn cứ để cho rằng luật sư Võ An Đôn đã có hành vi và lời nói xúc phạm cá nhân và cơ quan tiến hành tố tụng TP Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên như nêu trong văn bản số 560/LN-KN“- tổ công tác kết luận.
Hơn nữa khi tiếp xúc, trao đổi với tổ công tác, Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên – Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên đương nhiệm, cho rằng vụ án dùng nhục hình, xảy ra cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều, Ban giám đốc Công an tỉnh Phú Yên nhận thức đây là bài học đau xót, đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm một cách sâu sắc, nghiêm túc trong toàn lực lượng công an.
Tổ công tác còn cho biết trong buổi làm việc ngày 15/1, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên khẳng định ban giám đốc công an tỉnh không có bất cứ chỉ đạo nào cho Công an TP Tuy Hòa tham gia ký vào biên bản kiến nghị tại Công văn số 560/LN-KN, bởi vì đã là kiến nghị thì phải có căn cứ, không thể kiến nghị chung chung. Ban giám đốc Công an tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Công an TP Tuy Hòa báo cáo sự việc, nhưng nội dung báo cáo ban đầu chưa rõ, và đến nay vẫn chưa báo cáo rõ căn cứ, lý do vì sao lại ký vào công văn kiến nghị đó.
Đặc biệt, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên đồng ý với kiến nghị của tổ công tác là trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng TP Tuy Hòa nên rút lại Công văn số 560 nói trên. Công an tỉnh Phú Yên sẽ chỉ đạo Công an TP Tuy Hòa rút lại nội dung tham gia vào Công văn 560 không phù hợp này.
Tổ công tác kiến nghị lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam thống nhất với ý kiến của Giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên về việc xem xét lùi thời gian tiến hành thanh tra năm 2015 đối với Văn phòng luật sư Võ An Đôn cùng các tổ chức hành nghề luật sư khác ở Phú Yên đến cuối năm 2015 hoặc dừng việc thanh tra này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của địa phương. Đồng thời kiến nghị Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên xem xét và có hình thức ghi nhận, biểu dương luật sư Võ An Đôn như một điểm sáng trong hoạt động nghề nghiệp luật sư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ghi nhận sự dấn thân và nhận thức nghề nghiệp của luật sư trong việc bênh vực cho người nghèo, yếu thế, cũng như hiệu quả của hoạt động tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều trong vụ án “dùng nhục hình” xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa.
Theo tổ công tác, do sống và hành nghề trên địa bàn thuộc huyện nghèo, Văn phòng luật sư Võ An Đôn (thôn Phước Thịnh, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) chỉ có một thành viên duy nhất. Luật sư Võ An Đôn chủ yếu tham gia bào chữa, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, các đối tượng chính sách theo yêu cầu của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Phú Yên hoặc bà con nhờ trự tiếp. Trong mấy năm qua, luật sư Võ An Đôn đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho khoảng 200 vụ việc, phần lớn là các vụ án hình sự và tranh chấp đất đai.
Trong vụ án “dùng nhục hình” gây ra cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa, luật sư Võ An Đôn nhận trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp miễn phí theo yêu cầu của gia đình nạn nhân từ khi vụ án được khởi tố cho đến các giai đoạn tố tụng xét xử phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Hiện luật sư Đôn vẫn đang tiếp tục tham gia bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Phú Yên xét xử lại sắp tới.
Thế Kha
Theo Dantri
Bị động, lúng túng trong việc xử lý người nghiện ma tuý
Việc áp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong những vấn đề nóng của xã hội trong thời gian qua, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được giải quyết triệt để do văn bản hướng dẫn xác định tình trạng nghiện ma túy vẫn chưa được ban hành.
Tại hội nghị tổng kết ngành tư pháp ngày 15/1, đại diện Bộ Tư pháp cho biết hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, do trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều quy định mới, phức tạp; một số nội dung quan trọng chưa được quy định đầy đủ, cụ thể trong luật nên việc triển khai áp dụng luật và các văn bản quy định chi tiết trên thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các quy định về các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định áp dụng, điển hình là biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Công khai chích ma túy ở TPHCM (Ảnh minh họa: Người Lao Động).
Theo Bộ Tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều quy định mới, phức tạp dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tiễn làm cho việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền xử phạt chưa bảo đảm tính thống nhất đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, luật còn thiếu một số quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa rõ ràng, cụ thể nên người có thẩm quyền xử phạt cũng không đủ cơ sở pháp lý để áp dụng, xử lý các vụ việc vi phạm hành chính đa dạng, phức tạp phát sinh trên thực tế. Điều này gây ra khó khăn, vướng mắc rất lớn trong quá trình triển khai áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính.
"Việc áp dụng quy định về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong nhưng vấn nóng của xã hội trong thời gian vừa qua, đòi hỏi cả Quốc hội, Chính phủ phải quan tâm, chỉ đạo trực tiếp. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là vấn đề chưa được giải quyết triệt để do văn bản hướng dẫn xác định tình trạng nghiện ma túy vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, địa phương chưa có đủ cơ sở pháp lý để triển khai, áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính trên thực tế"- đại diện Bộ Tư pháp cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho rằng có sự tồn tại song song của nhiều văn bản đều có nội dung liên quan đến công tác cai nghiện và xử lý người nghiện ma tuý nhưng lại chưa thống nhất với nhau. Cụ thể quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn chưa phù hợp, thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Một số quy định lần đầu được đưa vào luật, nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: Điều 131 của Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Chính điều này đã làm cho các cơ quan có thẩm quyền bị động, lúng túng trong áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là đối với các địa phương có số lượng lớn người nghiện ma tuý.
Nhận thức đây là vấn đề tương đối phức tạp, trong tháng 8 và 9/2014, Bộ Tư pháp đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay các công việc cụ thể để triển khai thi hành các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và nghị định quy định chi tiết luật về vấn đề này. Bộ Tư pháp cho biết trong 6 tháng cuối năm 2014, dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để xử lý khó khăn, vướng mắc nhưng đây là vấn đề xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ chính sách, pháp luật đến công tác tổ chức thực hiện, cũng như thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, ban, ngành khác nhau nên kết quả đạt được chưa cao và vẫn là khó khăn, thách thức lớn đặt ra trong năm 2015.
Thế Kha
Theo Dantri
Gã trai hư mang bệnh HIV, gắn mác thư sinh lừa tình bé gái Sa vào nghiện hút, rồi nhiễm HIV. Không hối hận về những việc mình làm, Cành tiếp tục đi lừa tình "gái nhà lành" để rồi phải trả giá về tội "Giao cấu với trẻ em"... Theo tin tức trên báo Pháp Luật Việt Nam, ăn chơi, đua đòi theo chúng bạn nên bị cáo Lý Văn Cành (SN 1988, ngụ phường Duyên...