Không có bằng chứng rõ ràng buộc tội phi công MH370
Một quan chức Mỹ hôm nay 27/3 đã hé lộ với kênh truyền hình CNN rằng các cuộc điều tra đối với cơ trưởng và cơ phó trên chiếc máy bay mất tích của Malaysia không đưa ra bằng chứng buộc tội rõ ràng nào.
Chưa một mảnh vỡ máy bay nào được tìm thấy mặc dù Malaysia cho rằng máy bay đã rơi ở nam Ấn Độ Dương.
Cuộc điều tra bao gồm cả cuộc điều tra của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đối với các ổ cứng máy tính cùng mô hình chuyến bay tại nhà của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và các ổ cứng máy tính tại nhà cơ phó Fariq Abdul Hamid.
“Họ đã tiếp cận dữ liệu”, quan chức này cho hay. “Nhưng hiện không có gì được phát hiện và khiến chúng tôi lưu ý”.
Trong khi đó một quan chức chính phủ Malaysia cho biết giới chức trách đã không tìm được gì đáng ngờ trong 19 ngày điều tra 2 phi công trên máy bay, như động cơ chính trị, tự sát hay có liên quan đến chủ nghĩa cực đoan.
Được biết giới chức trách cho đến nay cũng không phát hiện được điều gì đáng ngờ trong cuộc điều tra 10 thành viên phi hành đoàn và 227 hành khách.
Sự biến mất của máy bay từ 20 ngày trước có vẻ như cũng đã làm khó cả các nhà điều tra Mỹ.
Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã biến mất khỏi màn hình radar vào sớm ngày 8/3 vừa qua ngay sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur để tới Bắc Kinh.
Sau đó, giới chức trách Malaysia tiết lộ máy bay đã quay đầu trở lại hướng bán đảo Malaysia và hệ thống liên lạc của máy bay, trong đó có bộ truyền tín hiệu, đã bị tắt có chủ ý.
Tập trung điều tra sau đó hướng vào 2 phi công, đặc biệt là cơ trưởng Zaharie, do ông có kinh nghiệm và kiến thức sâu về máy bay. Cảnh sát dự kiến cũng sẽ thẩm vấn người vợ Faizah Khanum Mustafa Khan của ông, nhằm biết rõ hơn về cuộc sống của viên phi công này.
Video đang HOT
Thủ tướng Malaysia hôm thứ hai vừa qua thông báo, dựa vào thông tin vệ tinh, MH370 đã được kết luận kết thúc ở nam Ấn Độ Dương, nơi rất nhiều mảnh vỡ khả nghi được phát hiện trong vài ngày qua.
Vào hôm nay, Cơ quan phát triển công nghệ Địa-Tin học và Vũ trụ, đã công bố ảnh vệ tinh cho thấy khoảng 300 vật thể nổi ở nam Ấn Độ Dương.
Theo giới chức trách Thái Lan, các vật thể này, dài từ 2-15m, quá nhỏ để vệ tinh có thể thu giữ với hình ảnh sắc nét. Khi được chụp, các vật thể nằm cách vị trí các vật thể được vệ tinh Pháp chục được trước đó khoảng 200km.
Tuy nhiên, cho đến nay các nhà tìm kiếm vẫn chưa tìm được vật thể nào được thấy trên vệ tinh.
Theo dantri
MH370 mất tích và nỗi đau những gia đình mất con độc nhất
Khi thủ tướng Malaysia công bố chuyến bay MH370 đã "kết thúc" tại Nam Ấn Độ Dương và không còn ai sống sót, cả thế giới chết lặng. Nhưng với nhiều gia đình Trung Quốc nỗi đau còn lớn gấp bội khi người con duy nhất của họ đã ra đi cùng chuyến bay.
Giống như nhiều gia đình khác tại Trung Quốc, cha mẹ của Wang Yonggang, 27 tuổi, một chàng trai đam mê tin học đến từ phía Đông Trung Quốc, chỉ được phép có một con theo quy định của chính phủ.
Wang Yonggang, 27 tuổi
Nhưng giờ, cùng với chiếc Boeing 777 mất tích, con trai họ đã vĩnh viễn ra đi.
"Cả bố và mẹ Wang đều đã ngoài 50 tuổi còn cậu ấy là đứa con duy nhất của họ", Cao Kaifu, hiệu trưởng cũ tại trường trung học Funing, tỉnh Giang Tô, nơi Wang từng học cho biết. "Thật quá buồn. Wang đã luôn là niềm tự hào của cha mẹ cậu ấy. Họ thực sự đau khổ".
Đã có nhiều câu chuyện về chính sách một con tại Trung Quốc, từ những vụ bê bối ép phá thai hay triệt sản, hoặc sát hại trẻ sơ sinh khi một số gia đình nông thôn muốn bỏ con gái để kiếm con trai.
Nhưng vụ chuyến bay MH370 mất tích đã phơi bày một thực tế khác ít người biết đến hơn, nhưng cũng đau lòng không kém: những cha mẹ "mồ côi", khi đứa con duy nhất của họ chết vì bệnh tật hay tai nạn.
Ước tính tại Trung Quốc có khoảng 1 triệu gia đình rơi vào cảnh này, trong đó, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, mỗi năm có thêm tới 76.000 gia đình "mồ côi" mới.
Ding Ying, 28 tuổi, đến từ Trùng Khánh
"Khi bạn mất đi đứa con duy nhất, có cảm giác như bầu trời đã sụp xuống", một bà mẹ tại Thượng Hải, người đã mất đứa con gái duy nhất và chồng mình trong một tai nạn ô tô năm 2012 chia sẻ.
"Do chính sách một con, một triệu gia đình đã mất đi người nối dõi mãi mãi", bà nói tiếp. "Đó là một bi kịch về đạo đức. Không ai có thể làm vơi đi nỗi đau này".
Những tháng gần đây, một vài thành phố lớn tại Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, bắt đầu thay đổi chính sách kiểm soát sinh đẻ theo hướng nới lỏng, cho phép các gia đình có vợ hoặc chồng là con độc nhất được phép có 2 con.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nước này khẳng định, thay đổi này nhằm "tăng tỉ lệ sinh và giảm gánh nặng tài chính đối với dân số ngày càng già đi của Trung Quốc".
Tuy nhiên, quy định mới sẽ chẳng thể giúp làm nguôi ngoai nỗi đau của các gia đình như của Wang.
Trên chiếc Boeing 777 mất tích, có 153 hành khách Trung Quốc, và khoảng một phần ba trong số này sinh trong những năm 1980, sau thời điểm chính sách một con có hiệu lực năm 1979, tờ Tin tức Bắc Kinh cho biết. Điều đó có nghĩa là khoảng 50 gia đình đã mất đi người con duy nhất.
Nỗi đau mất người thân với nhiều gia đình là không thể vượt qua
Trong số những nạn nhân là con một này còn có Ding Ying, một nhân viên 28 tuổi của hãng hàng không Qatar Airways, đến từ Trùng Khánh, Zhang Meng, 28 tuổi, đến từ Trịnh Châu, và Yan Peng, chồng của chị Zhang, cũng 28 tuổi.
Wang Yonggang, người có số thứ tự 156 trong danh sách chính thức của Malaysia Airlines cũng là con duy nhất.
Là con trai của một gia đình có bố mẹ là giáo viên và bác sỹ sản khoa, anh Wang từng là một ngôi sao khi còn đi học, khi giành số điểm siêu cao 695 điểm, trong kỳ thi đại học nổi tiếng áp lực tại Trung Quốc.
Cao Kaifu, hiệu trưởng cũ của Cao đến tận năm 2004, cho biết thành tích của Wang đã khiến nhiều đại học hàng đầu Trung Quốc đều muốn nhận cậu.
"Các nhà tư vấn tuyển sinh tại cả đại học Peking và Thanh Hoa đều đã tới trường chúng tôi mời cậu ấy về", ông Cao nói. Cuối cùng Wang đã chọn đại học Peking, học tại trường kỹ thuật điện tử và khoa học máy tính. Anh ra trường với bằng thạc sỹ và năm ngoái đã nhận bằng tiến sỹ.
Shen Dongmei, một phụ nữ 58 tuổi đã mất đứa con gái duy nhất năm 2004 do bác sỹ chẩn đoán sai chia sẻ: "Kể từ khi con gái ra đi, chúng tôi cũng mất đi lí do để sống trên đời. Chúng tôi đã mất quyền sinh con. Chúng tôi bị nguyền rủa. Tôi thực sự quá chán ghét chính phủ".
"Tại sao lại là tôi? Khi tôi chôn con gái mình, tôi cũng đã chôn cả bản thân mình", bà Shen vừa nói vừa khóc. "Giờ tôi không còn khao khát gì, không mơ ước, không suy nghĩ. Bên ngoài tôi cười nhưng trong lòng tôi vẫn khóc. Tôi đã mất đi nguồn hạnh phúc duy nhất của đời mình".
>> MH370: Trung Quốc đòi Malaysia đưa bằng chứng không ai sống sót
Theo Dân Trí
MH370: Trung Quốc đòi Malaysia đưa bằng chứng không ai sống sót Theo hãng tin AFP, Trung Quốc vừa yêu cầu Malaysia cung cấp dữ liệu vệ tinh đã dẫn đến kết luận rằng chuyến bay MH370 bị rơi ở phía Nam Ấn Độ Dương và rằng không ai trên chiếc máy bay này còn sống sót. Ngay sau thông báo của Thủ tướng Malaysia về việc MH370 đã bị rơi ở phía Nam Ấn...