Không chỉ năm Kỷ Hợi thì mới “lên giá”, bình thường thịt lợn cũng là một món có ý nghĩa và không thể thiếu trong Tết mọi miền
Năm Kỷ Hợi, mọi người đua nhau theo trend mặc quần áo, mua vật dụng trang trí hình lợn, sơn móng tay cũng để hình lợn… hết sức sôi nổi nhưng lại không có gì thay đổi ở khâu ẩm thực, bởi lẽ thịt lợn vẫn luôn là món ăn đặc trưng trong dịp Tết.
Tết Kỷ Hợi đến, chưa gì ta đã thấy mọi người đua nhau mặc quần áo hình những chú heo ngộ nghĩnh, phong bao lì xì cũng có hình heo, có người còn mua tượng heo vàng trưng nhà, các chị em còn làm móng tay hình lợn cho có không khí… Bên cạnh đó thì đương nhiên cũng không thể thiếu các món ăn làm từ thịt lợn rồi. Cơ mà có một sự thật là các món ăn Tết năm Kỷ Hợi cũng không có gì khác biệt lớn so với những năm khác, bởi vì thịt lợn vẫn luôn là một món luôn luôn phải có trong Tết mọi miền.
Nếu cẩn thận để ý, sẽ thấy thịt lợn bằng cách nào hay cách đó, đều “len lỏi” vào làm nguyên liệu chính nhất định không thể thiếu trong món ăn ngày Tết mọi miền. Đối với nhiều người Việt Nam thì thịt lợn tượng trưng cho cuộc sống ấm no, đủ đầy, bởi từ thuở xa xưa lúc chưa có điều kiện, chỉ nhà nào thật sung túc mới có thịt mà ăn thôi. Mặt khác, thịt lợn cũng là món thịt gần gũi nhất trong mâm cơm người Việt Nam bởi những gia súc như bò, trâu… đều là những con vật to, ngoài ăn ra thì còn công dụng khác. Gà có thể đẻ trứng nên vào cái thời khó khăn ấy, làm chết gà cũng thật tiếc, chỉ những dịp nào cần lắm mới thịt gà mà thôi. Chính vì thế mà thịt lợn là loại thịt phổ biến nhất, cũng đồng thời là biểu tượng của sự sung túc, ấm no trong mâm cơm ngày Tết. Đến mức mỗi miền dù văn hoá cách biệt, cách chế biến có đa dạng thế nào, thì cũng gần như luôn có thịt lợn trong ngày Tết.
Hầu hết những đứa trẻ miền Nam đều trải qua những cái Tết với một nồi thịt kho. Đó là nồi thịt kho to hơn những nồi bình thường mọi ngày, và hầu hết đều kho cùng nước dừa nên ngon ngọt đậm đà. Nồi thịt kho này sẽ đồng hành qua ba ngày Tết hoặc có thể lâu hơn. Có nhà có thể mất đến gần một tuần mới ăn hết thịt kho. Nguyên liệu dùng phần có thịt mỡ đan xen như bánh da lợn (thực ra bánh da lợn làm phỏng theo loại thịt này), khi cắn xuống thì cùng với phần thịt, mỡ sẽ hơi ứa ra có vị béo ngọt, ăn với cơm trắng và ít củ kiệu hoặc cải muối thì ngon không kể xiết.
Vào khoảng 28, 29 Tết, các dì các mẹ đã bắt đầu lục tục ra chợ tìm thịt ngon. Thậm chí, để “chắc ăn”, có người từ 27 Tết đã mua rồi bắt đầu chế biến. Cái hay của thịt kho Tàu ở đây là để được lâu, nên dù có nấu sớm vài ngày thì đến Tết thịt vẫn ăn ngon. Ai thích ăn trứng kho thì luộc thêm vài quả, bóc vỏ rửa sạch rồi bắt nồi thịt, bỏ trứng vào là xong.
Ngoài ra, thịt lợn cũng “góp mặt” trong một số phiên bản bánh tét với ít mỡ hoặc nạc, hoặc món canh khổ qua nhồi thịt heo phổ biến ngày Tết miền Nam.
Video đang HOT
Thay vì làm thịt kho, người miền Trung cũng có cách để bảo quản thịt heo lâu ngày không sợ hỏng cho Tết, ấy là ngâm nước mắm. Tết năm nào mà được tặng lọ heo ngâm nước mắm này thì quý phải biết. Thịt heo được luộc chín trước rồi được buộc lại bằng lạt, sau đó ngâm với đường, mắm và ít giấm, được khoảng vài ngày là gia vị đã bắt đầu ngấm vào thịt, khi cắt ra sẽ có màu nâu bóng bẩy hấp dẫn, thêm cả mùi hương hơi hăng hắc đặc trưng, chỉ cần nghe mùi cũng ứa nước bọt.
Ngoài ra thì món tré trứ danh miền Trung cũng là một thành phần chứa thịt heo phổ biến trong những ngày Tết. Đặc biệt, tré là món được làm từ những phần được cho là “ít ngon” nhất của thịt heo như tai, da… trộn cùng với thính gạo là món ăn hết sức giản dị nhưng vẫn hấp dẫn vô cùng.
Miền Bắc
Thịt lợn có nhiều trong mâm cỗ Tết miền Bắc, từ nhân thịt ba chỉ trong bánh chưng đến giò, canh bóng thả, canh măng… Trong đó thì phần giò heo trong canh măng vừa cung cấp độ béo, cộng với ngọt thanh từ măng là món ăn truyền thống trên mâm cỗ Tết miền Bắc.
Ngoài ra thì món thịt đông trứ danh của người dân nơi đây cũng đặc sắc không kém. Phản ánh khí hậu lạnh giá ở miền Bắc ngày Tết, có độ kết dính tự nhiên nhờ phần chân giò và da lợn, được nhiều người đánh giá là càng lạnh ăn càng ngon. Thậm chí, có thông tin truyền miệng rằng ban đầu đây không phải là thịt đông, mà là món canh chân giò, thế nhưng do khí hậu quá lạnh mà đông lại hết cả. Tuy nhiên ăn vào vẫn thấy ngon lành nên từ đó người ta cố tình làm thịt đông.
Thịt đông – một món ăn đặc sắc, phản ánh chân thực khí hậu lạnh giá ở miền Bắc ngày Tết. Người ta truyền miệng rằng do trời quá lạnh, canh chân giò để ở ngoài cũng đông cứng và tạo thành món thịt đông. Chính nhờ phần chân giò và da mà thịt có độ kết dính tự nhiên, càng lạnh ăn càng ngon.
Theo Trí Thức Trẻ
Ẩm thực Việt cầu kì và tinh tế đến mức nào, phải xem những món ăn ngày Tết sắp thất truyền này mới hiểu được
Đối với thế hệ chúng ta, chỉ nấu một nồi chè, một nồi bánh hay một nồi thịt kho cúng giao thừa đã thấy "khó nhằn", song đấy chẳng là gì so với những món cầu kì của ông bà ngày xưa sắp thất truyền
Đã có không biết bao nhiều bài viết ca ngợi độ cầu kì tinh tế của mâm cỗ Tết Việt Nam, đi kèm đó là sự kì công chuẩn bị. Từ cơ bản như bóc bánh chưng sao cho đẹp, luộc gà sao cho da vàng óng và không bị nứt, đến cao cấp hơn là tỉa rau củ, nấu canh bóng thả, hầm canh măng... Những tưởng cỗ Tết ngày nay đã là đỉnh cao của ẩm thực Việt, thế nhưng nó chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số điều kì diệu ngày Tết mà các bà, các mẹ thời xưa đã tạo ra, biến Tết trở thành sự kiện mang ý nghĩa sâu sắc không gì có thể thay thế với người Việt.
Ngày xưa, Tết là dịp quan trọng tới mức bao nhiêu thứ quý giá, ngon lành bậc nhất đều được mang ra, trong số đó có nhiều món ăn tinh tế, phức tạp và cầu kì, đòi hỏi tay nghề hết sức khéo léo mới làm ra được. Có những món ngày xưa trân quý biết bao nhưng người trẻ thời nay có khi chưa bao giờ nhìn thấy qua. Ấy là do yêu cầu để làm nên những món này quá cao, chỉ còn một số ít nghệ nhân ẩm thực thế hệ trước nắm được nên đã dần dần thất truyền hoặc có nguy cơ thất truyền. Sau đây là một số món ăn ngày tết xưa xứng danh mỹ thực mà có thể bạn chưa bao giờ nghe qua.
Mọc Vân Ám
Cái tên "lạ hoắc" này từng là nhân vật không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Bắc vài chục năm trước, bên cạnh canh bóng và thịt đông. Lí do ngày nay nó không còn xuất hiện thì rất đơn giản: Quá khó làm.
Thoạt nhìn, Mọc Vân Ám như một tác phẩm nghệ thuật thực sự với các viên mọc ngũ sắc được sử dụng hoàn toàn màu thực phẩm, phủ bằng một lớp màng trong suốt từ nước ninh xương và bì lợn, nên mới có tên là Vân Ám - tức mây phủ.
Năm viên mọc sau khi được "nhuộm màu", sẽ thả vào bát nước ninh, chờ đến khi đông thì úp ra đĩa, tạo nên khối nước trong vắt bắt mắt.
Người xưa thường bảo "con gái Hàng Bạc miếng giá cắn đôi", đủ thấy người Hà Nội xưa ăn uống tao nhã, thanh lịch tới mức nào. Như món Mọc Vân Ám, nguyên liệu cũng chỉ là thịt, mộc nhĩ, rau củ, nước hầm xương, không có gì đắt đỏ, nhưng cách ăn luôn hơn của ăn.
Không chỉ đẹp, Mọc Vân Ám còn ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc khiến nó "chễm chệ" trên mâm cỗ 30 Tết ngày xưa: 5 màu sắc ứng với kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, gói trong lớp màng trong suốt tượng trưng cho đất trời, ý chỉ sự tụ hội của tất thảy tinh hoa, cầu chúc một năm mới vạn sự thuận lợi.
Bánh bó mứt
Nếu món Tết ngày xưa ở miền Bắc gắn liền với nếp sống thanh cảnh của người Hà thành, thì miền Trung cũng từng có bánh bó mứt gắn chặt với ẩm thực cung đình, thể hiện tất thảy cái duyên dáng, đài các của một vùng cố đô.
Tương truyền ngày xưa ở Huế, nhà nào cũng trồng vài ba cây ăn trái. Đến mùa thu hoạch, họ đem phơi khô, trữ một ít trong kho. Chờ tới ngày Tết, trộn với gạo nếp và các loại mứt hoa quả, mè đen, đậu phộng, gừng, sau đó gói vào mo cau, khi ăn cắt thành từng lát. Món tráng miệng nửa mứt nửa bánh này được gọi là bánh bó, hoặc bánh bó mứt.
Nguyên liệu dân dã thế thôi, nhưng khi cắt ra, từng lát bánh đẹp như một bức xà cừ, những lát mứt đủ màu xen kẽ trên nền nếp nõn nà. Món bánh theo chân các tú nữ vào cung, được biến đổi một chút cho hợp với sự sang trọng của ẩm thực cung đình, nhưng nhìn chung vẫn giữ nguyên hương vị tao nhã và dáng vẻ xinh đẹp, phong lưu. Dù ngày nay chẳng còn mấy ai biết tới, nhưng bánh bó mứt lại được các nghệ nhân ẩm thực Huế dần phục dựng và lựa chọn làm quà tặng cho 50 vị đại sứ nước ngoài trong một sự kiện ngoại giao.
Thang cuốn tôm thịt và bún thang
Đỉnh cao của sự tinh tế trong ẩm thực Tết xưa là đây: Đến món góp nhặt từ đồ thừa cũng ngon, cũng đẹp và cũng khó tới mức... thất truyền. Hai món ăn này thường xuất hiện vào mùng 3, mùng 4, nhằm tận dụng những nguyên liệu còn thừa (điển hình là thịt gà luộc) của cỗ 30. Cũng vì là món ăn vào cuối Tết, nên hương vị của cuốn tôm thịt và bún thang rất thanh đạm nhằm giải ngán. Công bằng mà nói, ngày nay người ta vẫn nấu thang cuốn tôm thịt và bún thang, nhưng so với chuẩn truyền thống, nó đã bị giản lược đến mức... biến tướng.
Theo nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Phương Hải: "Món bún thang nổi tiếng của Hà Nội có lẽ phải đổi tên thành bún gà thì mới đúng". Bởi lẽ, bún thang ngày Tết trước đây cầu kì, phức tạp hơn nhiều. Ngày nay nhiều nhà chỉ tận dụng nước luộc gà cho bún thang, nhưng theo chuẩn truyền thống, nước bún phải nấu từ xương gà và tôm he khô, hoặc xương bánh chè của con lợn, để đảm bảo vị ngọt thanh mà vẫn trong vắt. Nhân bún phải có đủ thịt ức gà, chả lụa, trứng, ruốc tôm, tất cả xé nhỏ như sợi chỉ, khi ăn vào hương vị hòa quyện, nhẹ nhàng không ngán ngấy. Sơ sơ một bát bún thang đã có hơn chục loại gia vị.
Thang cuốn tôm - thịt tuy đơn giản hơn một chút, nhưng ngày nay cũng khó giữ được hương vị xưa. Tinh hoa của món ăn tập trung chủ yếu ở nước chấm, một tổ hợp dậy vị và thơm lừng từ bỗng rượu nếp, thịt băm, lạc rang và mật mía. Tuy nhiên, vì quá cầu kì trong khâu chuẩn bị nước chấm cũng như khó tìm được bỗng rượu và mật mía tự nhiên, chất lượng, hương vị của thang cuốn tôm thịt truyền thống dần mai một và thất truyền.
Kết
Kì công, phức tạp, tinh tế, ý nghĩa. Những từ khóa này đã dùng đủ nhiều để miêu tả món Tết xưa, song thế vẫn chưa đủ.
Cái hồn cốt của món ăn ngày Tết, lẫn ẩm thực Việt Nam, có lẽ thể hiện sâu sắc nhất qua chuyện kể của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết - một người Hà Nội gốc luôn cố phục chế ẩm thực Hà Thành xưa: Thời bao cấp, vật chất chả có gì, cô vẫn xếp hàng mua lá dong gói bánh từ 4h sáng. Tới nơi mới phát hiện, có người đứng đợi sẵn từ 2h sáng, giữa cái lạnh gió rít, chỉ mong mua được miếng lá gói bánh, đem lại đúng hương vị ngày Tết cho cả nhà.
Mâm cỗ Tết ngày xưa quý thật, nhưng không ở chỗ nấu nướng cầu kì mất thời gian, hay nguyên liệu sang trọng và gốc gác cung đình. Sự quý giá ấy nằm trong tấm lòng con người, những bà, những mẹ thân thuộc của chúng ta, luôn gói gém những gì tốt đẹp nhất, trân quý nhất cho dịp tề tựu mỗi năm mới có một lần của gia đình.
Theo Trí Thức Trẻ
Đủ kiểu ăn bánh tét của người miền Nam, thậm chí có cả bánh tét chấm... sữa Nếu bánh tét dưa hành đã quá quen thuộc, bạn đã bao giờ ăn thử bánh tét chấm... sữa chưa? Chắc chắn bạn sẽ phải bất ngờ về mùi vị của nó đó. Tết miền Nam tuyệt nhiên không thể thiếu bánh tét. Chính vì vậy mà mỗi nhà đều mua về ít nhất 1 cặp (hoặc 2 "đòn" - cách gọi của...