Không chỉ có lẩu cay, Tứ Xuyên có món ăn còn hấp dẫn hơn
Cá nướng Tứ Xuyên dù mới xuất hiện ở Sài Gòn gần đây nhưng đã thu hút rất nhiều người yêu ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực Trung Hoa.
Đặc sản cá nướng Tứ Xuyên
Tứ Xuyên là vùng đất có nền văn hoá ẩm thực đặc sắc và đa dạng. Những món ăn như lẩu cay Tứ Xuyên, gà nguội sốt cay, đậu hũ Tứ Xuyên… đã phổ biến trên khắp thế giới và được ghi vào danh sách những món ăn đặc sắc của Trung Quốc.
Trong đó, cá nướng Tứ Xuyên không phổ biến nhưng nó xuất phát và mang đặc trưng riêng của phố Trùng Khánh cũ, được xem là đặc sản của vùng đất này bởi sự dân dã và hương vị đặc biệt khó quên của món ăn.
Cá nướng Tứ Xuyên độc đáo từ mùi vị đến cách thức
Nhắc đến Tứ Xuyên người ta hay nhớ đến món lẩu cay bởi nó đã quá phổ biến và được biết đến trên khắp thế giới. Cũng chính vì vậy, món cá nướng Tứ Xuyên dường như thổi một làn gió mới vào giới mê ẩm thực tại Việt Nam ngay lần đầu xuất hiện. Vậy, cá nướng Tứ Xuyên có gì đặc sắc?
Không chỉ đơn thuần là cá nướng, nó được dùng kèm với các loại nước sốt khác nhau. Chính mùi vị của nước sốt làm nên sức hấp dẫn của món ăn này. Đập vào mắt là các loại ớt xanh đỏ làm bật lên vị cay nồng đặc trưng Tứ Xuyên. Tuy nhiên, vị cay ngầm đến cay tê của hoa tiêu mới là điều làm nên sự khác biệt. Việc kết hợp thêm đại hồi, tiểu hồi, quế, thảo quả… trong khi nung nước sốt tạo nên vị thơm cay hấp dẫn.
Cách thức chế biến cũng là yếu tố làm nên sự độc đáo. Cá được nướng chín đều cả hai mặt bằng lò nướng kim loại với than không khói. Nước sốt được rưới đều lên sau đó và tiếp tục nung trên lửa nhỏ để sốt thấm dần vào thịt cá trong khi thưởng thức.
Thưởng thức cá nướng Tứ Xuyên ở đâu tại Sài Gòn?
Xuất hiện gần đây tại nhà hàng Hao Yu Grilled Fish (quận 3), món ăn này đã thu hút rất nhiều thực khách đến trải nghiệm và thưởng thức. Đây cũng là nhà hàng đầu tiên mang món cá nướng Tứ Xuyên đến Việt Nam.
Video đang HOT
“Thịt cá ngọt dai, thấm vị; nước sốt đậm đà, thơm cay khó cưỡng”, là cảm nhận của những thực khách khi thưởng thức món ăn đang khá “hot” này. Với 3 loại cá nướng và 8 loại sốt, thực khách sẽ thoải mái lựa chọn vị mình yêu thích: Vị sốt cay nồng như huyết Trùng Khánh, vị hoa tiêu làm bạn cay tê nơi đầu lưỡi, vị tàu xì chuẩn Trung Hoa, vị cải chua kích thích vị giác…
Nhà hàng còn có những loại sốt như bí đỏ, củ cải trắng không cay nhưng vẫn giữ được hương vị rất riêng của Tứ Xuyên. Bên cạnh cá nướng là món ăn đặc sắc, tại đây còn có các món Tứ Xuyên khác do các đầu bếp bản xứ chế biến theo công thức riêng chỉ có tại Hao Yu.
Đến Hao Yu không chỉ để thưởng thức ẩm thực,khách đến đây còn được chiêm ngưỡng không gian nhà hàng tựa như bức tranh nghệ thuật tái hiện đường phố Tứ Xuyên, với những đường nét độc đáo và nhấn nhá sáng tạo.
Nét truyền thống – hiện đại kết hợp, từng góc của nhà hàng đều là điểm thực khách có thể “check-in sống ảo”. Đồng thời, đây cũng là không gian khá thoáng đãng và yên tĩnh, thích hợp cho các cuộc gặp mặt, hội họp khách hàng vào buổi trưa, hoặc tụ tập bạn bè, gia đình dùng bữa tối thân mật.
Không gian rộng rãi cho các buổi hội họp.
Các thực khách rất hứng thú với trải nghiệm món ăn mới lạ này.
Ngoài cá nướng, ếch Tứ Xuyên cũng là món ăn rất được ưa chuộng tại đây.
Nước uống tại đây cũng là một điểm nhấn được đánh giá cao.
Kim Ngân
Theo VNE
Cơm bò làng Chăm - món ngon nhớ lâu, muốn ăn phải đến trước 8 giờ sáng ở Châu Đốc
Muốn ăn cơm bò làng Chăm, trước tiên bạn phải đi phà qua làng Chăm Châu Giang, sau đó phải dậy thật sớm để chắc chắn còn cơm. Tuy nhiên phần cơm rất xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.
Người ta bảo những người giống nhau thường tìm thấy nhau. Có lẽ là thế thật khi một sáng lang thang trong chợ Châu Đốc ăn quà, tôi lại được run rủi cho gặp một chàng trai trẻ Châu Đốc có tình yêu với ẩm thực chẳng kém mình. Và trong câu chuyện của những người mê ăn, món cơm bò người Chăm đã được nhắc đến với đủ lời khen tặng.
Muốn ăn cơm bò làng Chăm phải đi qua phà để sang làng Chăm Châu Giang.
Có điều món ngon không dễ nếm, muốn ăn cơm bò, rất định phải đến làng người Chăm và hơn cả, cơm chỉ bán từ khoảng 5 giờ đến 8 giờ... nên đừng có hòng mà ngủ nướng. Nhưng thôi, vất vả tí để thử đặc sản cũng đáng mà. Vậy là 5 giờ 30 hôm sau, chúng tôi lục tục kéo dậy, đi tới phà để đến làng Châu Giang, nhằm thưởng món cơm bò trứ danh.
Làng Châu Giang có đến mấy quán cơm bò, theo hai kiểu khác nhau là cơm bò người Chăm và cơm bò người Việt. Từ bến phà quẹo tay phải đi chút xíu xuống là có tới 2 tiệm cơm bò nằm khá gần nhau, một quán của người Chăm, một quán người Việt. Theo chân chàng trai thổ địa, chúng tôi ghé quán cơm người Việt.
Cái quán tận dụng chút mặt tiền để buôn bán nên bé xíu, nhưng thau thịt bò tươi đỏ hồng và cả vỉ thịt đang bốc khỏi ì xèo trên bếp đủ để chúng tôi biết rằng, mình hoàn toàn có quyền kì vọng. Ngôi sao sáng của món này tất nhiên là thịt bò. Bò của người Chăm vốn nổi tiếng là ngon và sạch. Hưng, chàng trai Châu Đốc dẫn chúng tôi đến quán bảo là, nếu muốn ăn bò ngon, người Châu Đốc phải chịu khó dậy sớm sang Châu Giang về lấy nguyên liệu để nấu.
Vốn liếng của quán có nồi cơm, nồi cháo, ít mỡ hành, đồ chua, nước mắm và tất nhiên không thể thiếu ngôi sao là thịt bò tươi.
Thịt bò tươi ngon bản thân đã quá ngon nên chẳng cần tẩm ướp gì nhiều. Chủ yếu là cần đến tay nghề người nướng thịt để lật trở cho khéo, sao cho miếng thịt trở nâu nhưng khi cắt ra bên trong vẫn còn hơi hồng là được. Có thế thịt mới mềm ngọt.
Thịt bò nướng mới liên tục nên ngọt, mềm, mọng.
Nhìn đĩa cơm được dọn ra với những miếng thịt hồng e ấp, tôi không khỏi liên tưởng đến miếng beefsteak chọn độ chín medium, ngoài đã xém nhưng cắt miếng thịt bên trong lại phải bất ngờ về độ mềm, mọng theo đúng chuẩn "juicy". Có điều thường bò beefsteak ăn kèm bánh mì, nước sốt, còn bò nướng ở Châu Giang dọn kèm cơm, ít đồ chua và một bát nước mắm ớt pha ngon lành.
Một đĩa cơm ngoài thịt bò nướng còn có lòng bò, đồ chua.
Bò tươi nướng vừa tới ngọt, mềm.
Cơm dọn ra, cứ việc chan nước mắm vào cơm, vào thịt, rồi xúc ăn, nghe cái thơm của gạo mới, cái ngọt mềm của bò tươi, cái mặn cay của mắm lan ra từ đầu lưỡi đến chân răng. Ăn phần cơm như thế, lâu lâu đế thêm miếng cà rốt hay ngó sen chua ngọt mới thật ngon quên lối về. Chưa kể phần cơm của chúng tôi còn có thêm vài ba miếng lòng nướng, ăn giòn giòn, bùi bùi rất đã miệng.
Ngoài ra, các tiệm cơm đều bán thêm cả cháo bò để đổi món hoặc ăn thêm. Tô cháo ngọt đậm vị xương ninh, thịt bò, hạt gạo nở bung, thịt thà không quá nhiều nhưng đủ chất lượng để phải gật gù. Buổi sáng bắt đầu bằng một phần cơm bò, đế thêm một tô cháo có đến 3, 4 miếng lớn huyết, có vẻ hơi quá tải nhưng thật kì lạ, chúng tôi đã gần như xử lý gọn ghẽ hết sạch phần của mình. Và bất ngờ hơn, giá một phần cơm như thế chỉ 30 ngàn, cháo chỉ 20 ngàn/tô.
Phần cháo ăn kèm chất lượng.
Trên đường về, dù rất no nhưng chúng tôi vẫn ghé lại quán cơm của người Chăm để ăn thử cho đủ lệ bộ, nhưng rất tiếc khi đó đã chừng 8 giờ và quán đã hết hàng. Anh chủ quán khi biết chúng tôi đã ăn ở tiệm khác bảo cả nhóm rằng "Thế là ăn nhầm chỗ rồi". Vì bò của quán anh là bò tẩm ướp nên không nên chỉ có đủ số lượng nhất định.
Thịt bò nướng do người Chăm làm sẽ được tẩm ướp với màu đỏ đặc trưng.
Có tiếc không khi không được ăn thêm món cơm bò người Chăm? Có! Nhưng nếu bảo phải tiếc nuối vì ăn nhầm quán chúng tôi vừa ăn thì không. Vì bữa cơm của chúng tôi không hề tệ, thậm chí có thể nói rằng chất lượng hoàn toàn ổn và xứng đáng để cả nhóm dậy từ 5 giờ 30 sáng đi ăn. Nhưng vẫn hi vọng lắm, một lần trở lại Châu Đốc sớm nhất và khám phá thêm cơm bò ở tiệm này và những món ngon của làng Chăm Châu Giang.
Theo Helino
Tìm đâu những hàng xôi sáng nổi tiếng ở Sài Gòn để "khởi động" ngày mới Nếu tiện đường, hãy ghé thử những hàng xôi có tiếng này để nạp năng lượng cho ngày mới nhé! Xôi là một trong những món ăn sáng quen thuộc của người Sài Gòn. Không chỉ hấp dẫn với nhiều sự lựa chọn từ mặn đến ngọt mà phần xôi còn gói ghém đầy đủ các chất dinh dưỡng để "khởi động" ngày...