Khống chế những “ma men” lái xe trên đường phố
Ghi dấu ấn tích cực trong nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, các tổ công tác đặc biệt 141 của CATP Hà Nội được xem như “khắc tinh” trên đường phố của những tên tội phạm.
Bởi thế, các đối tượng lưu manh, ngổ ngáo khi vào tới chốt 141 đều tỏ thái độ rất ngoan ngoãn, chấp hành. Tuy nhiên, hiện vẫn có một bộ phận các đối tượng vi phạm thể hiện sự manh động khi bị cảnh sát 141 ra hiệu lệnh dừng xe. Những kẻ này là ai?
Những thái độ… xấu xí
Uống rượu say, đối tượng xin bỏ qua nhưng không được, nên quay ra tranh cãi từng chữ trên biên bản, dù tất cả đều rõ ràng và đúng luật
Cách đây nhiều năm, trong giai đoạn đầu triển khai mô hình 141, một số đối tượng ngổ ngáo đã tỏ thái độ không chấp hành, đôi khi là thách thức lực lượng làm nhiệm vụ. Sau khi giải thích rõ về chức năng, nhiệm vụ, nếu các đối tượng vẫn tiếp tục có thái độ bất tuân hiệu lệnh, các cán bộ 141 sẽ tiến hành khống chế, trấn áp nghiêm để xử lý. Vì thế, theo thời gian, tình trạng các đối tượng có thái độ chống đối cảnh sát 141 đã giảm hoàn toàn.
Tuy nhiên, sau một thời gian sát cánh với các tổ công tác đặc biệt 141, phóng viên Báo ANTĐ nhận thấy vẫn đang tồn tại một bộ phận người vi phạm thể hiện thái độ “rất xấu xí” khi cảnh sát 141 yêu cầu phối hợp làm việc. Đó thường là những thời điểm sau các… cuộc nhậu “tới bến”.
Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện loạng choạng và rất khó khăn trong việc đưa xe vào vị trí theo yêu cầu của cảnh sát, những lái xe kiểu này bước xuống khiến người đối diện cảm thấy ngột ngạt vì hơi men nồng nặc.
Khác với những người bình thường, các lái xe say rượu luôn tỏ ra “bất cần”, thậm chí thách thức lực lượng làm nhiệm vụ. Họ có thể lập tức rút điện thoại ra gọi để khoe quan hệ, chất vấn cảnh sát “ai cho phép các anh dừng xe của tôi”, la lối đòi kiểm tra thẻ ngành, kiểm tra chuyên đề công tác, tên tuổi của cán bộ… Do không có khả năng kiểm soát hành vi nên những người này ngay cả khi đã được cảnh sát 141 giải thích cặn kẽ thì họ vẫn tiếp tục… sinh sự.
Không ít lái xe tìm cách “né” thổi nồng độ cồn, với suy nghĩ rằng “làm như vậy thì công an không có cơ sở xử phạt”. Nhưng họ hoàn toàn sai!
Không ít trường hợp còn tỏ thái độ theo kiểu “ Chí Phèo” như lăn ra đất ăn vạ, lu loa vu khống hay giả vờ bất tỉnh khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Có người thì lẳng lặng bỏ đi, để xe lại và quyết không thổi vào máy kiểm tra. Những người này tự lý luận rằng, khi họ không chịu cho cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn thì sẽ không có căn cứ để xử phạt. Song, họ không biết rằng, mọi hành vi bất tuân yêu cầu của lực lượng làm nhiệm vụ như vậy đều sẽ bị ghi nhận lại và xử lý nghiêm.
Video đang HOT
Theo quy định hiện hành, chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở thì lái xe ô tô sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng, đồng thời bị tước Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng. Hình phạt tăng dần tương ứng với nồng độ cồn đo được, trong đó, mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 4-6 tháng khi lái xe có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.
Đối với lái xe máy, mức phạt từ 1-2 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng được áp dụng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4 mg/1 lít khí thở. Mức phạt này tăng lên 3-4 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3-5 tháng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.
Những mức phạt trên đều rất nghiêm khắc, song với không ít đối tượng, họ vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục hành vi xấu xí: Uống rượu – lái xe – cãi cùn với cảnh sát khi bị xử lý.
Những vụ xử lý “ma men” khó quên
Một lái xe say rượu có thái độ, lời nói ‘xấu xí’ tại chốt 141
Sau hàng loạt vụ tai nạn có nguyên nhân từ việc lái xe ô tô uống rượu/bia, dư luận đã lên án mạnh mẽ hành vi “uống vô trách nhiệm” của những người cầm lái. Với đặc thù làm nhiệm vụ tại các khu vực ngã tư, đường lớn có đông phương tiện qua lại, các tổ công tác 141 đã phát hiện và xử lý không ít trường hợp lái xe say rượu.
Gần đây nhất, vào chiều 13-11-2019, lái xe ô tô mang BKS: 30E-834.86 đã va chạm với một số phương tiện lưu thông trên phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi gây tai nạn, lái xe này không dừng lại mà tiếp tục điều khiển ô tô bỏ chạy. Trung tâm thông tin chỉ huy của CATP Hà Nội đã đề nghị các lực lượng theo sát chiếc xe ô tô nói trên, tìm thời cơ chặn dừng hợp lý.
Lái xe ô tô tỏ ra rất manh động, khi lao thẳng qua các chốt CSGT trên đường di chuyển, dù cảnh sát đã ra hiệu lệnh buộc dừng xe. Tới 16h45, chiếc xe đi tới đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng). Lúc này, tổ công tác Y4/141 do Trung tá Nguyễn Tuấn Anh – Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT) làm tổ trưởng đã bố trí đội hình chặn giữ thành công chiếc xe ô tô gây tai nạn.
Dù đã phải dừng lại, đối tượng cầm lái vẫn tỏ ra không hợp tác, không chịu mở cửa xe, buộc lực lượng làm nhiệm vụ phải dùng biện pháp nghiệp vụ để khống chế. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy, lái xe có nồng độ cồn lên tới 1,165 mg/lít khí thở, tức là cao gấp gần 4 lần so với mức “kịch khung” 0,4 mg/lít trong luật. Nếu không có sự ngăn chặn, can thiệp kịp thời của cảnh sát 141, sự việc trên có thể trở nên nghiêm trọng hơn nữa khi lái xe gần như mất kiểm soát trong việc điều khiển phương tiện trên những con phố đông người.
Phải dùng biện pháp nghiệp vụ với sự kiên quyết, dũng cảm, tổ công tác Y4/141 mới có thể chặn dừng lái xe ô tô uống rượu say, gây tai nạn hàng loạt rồi bỏ chạy
Trước đó, tổ công tác Y2/141 cũng xử lý một trường hợp liên quan tới người lái xe máy có nồng độ cồn ở mức cao. Khi bị dừng xe, người đàn ông trung niên đã lớn tiếng cự cãi, bất chấp việc cảnh sát giải thích chi tiết. Lúc được nhắc nhở, người này liên tục đòi tổ công tác phải… phạt đầy đủ, nếu không sẽ kiện. Tuy nhiên, sau khi bị lập biên bản về hành vi điều khiển xe máy khi nồng độ cồn trong máu ở mức cao (phạt gần 4 triệu đồng), thì người này lại quay ra tìm mọi cách… xin bỏ qua, nhưng không được chấp nhận.
Để chặn dừng những lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể là điều không hề dễ dàng. Trong trạng thái mất kiểm soát, các đối tượng này hoàn toàn có thể bất tuân hiệu lệnh và lao thẳng xe vào lực lượng làm nhiệm vụ. Do vậy, cảnh sát 141 luôn phải nêu cao tinh thần chủ động, dũng cảm và bố trí đội hình hợp lý, để tránh rủi ro. Nhờ có sự nhập cuộc quyết liệt của các tổ 141, nhiều cung đường tại Thủ đô đã thực sự bình yên.
Để chặn dừng những lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể là điều không hề dễ dàng. Trong trạng thái mất kiểm soát, các đối tượng này hoàn toàn có thể bất tuân hiệu lệnh và lao thẳng xe vào lực lượng làm nhiệm vụ. Do vậy, cảnh sát 141 luôn phải nêu cao tinh thần chủ động, dũng cảm và bố trí đội hình hợp lý, để tránh rủi ro. Nhờ có sự nhập cuộc quyết liệt của các tổ 141, nhiều cung đường tại Thủ đô đã thực sự bình yên.
Theo anninhthudo.vn
Cần nghiêm trị những hành vi côn đồ xuất phát từ... lỗi vi phạm giao thông
Từ ý thức kém khi tham gia giao thông cho đến hành vi lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng của không ít người dân chỉ là ranh giới hết sức mong manh.
Có thể thấy, những vụ CSGT bị người vi phạm hành hung, chống đối đều xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật của đối tượng.
Nhiều chiêu trò cản trở
Với 391 nút giao thông trọng điểm, hàng nghìn tuyến đường lớn nhỏ, cả triệu lượt người và phương tiện tham gia giao thông trong một ngày, áp lực đối với CSGT không hề nhỏ. Trong dòng người tham gia giao thông ấy, có muôn hình vạn trạng tính cách, con người, suy nghĩ, trình độ, nhận thức khác nhau. Bên cạnh số đông ý thức tham gia, chấp hành Luật Giao thông ngày càng được nâng cao, thì số người vi phạm vẫn còn không ít.
Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, CATP Hà Nội nhìn nhận, thay vì quan tâm, nghiên cứu các quy định đảm bảo ATGT, học thật tốt những kỹ năng điều khiển phương tiện thì hiện nay, không ít lái xe lại "mách" nhau những biện pháp đối phó với CSGT, lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Nhẹ nhất là không chịu xuống xe xuất trình giấy tờ; còn cố chấp hơn là hành vi khóa cửa, cổ xe rồi... bỏ đi.
Nhiều đối tượng vi phạm khi bị CSGT kiểm tra đã chống đối quyết liệt
Đồng quan điểm với Đại úy Trần Quang Chinh, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết TNGT, Phòng CSGT bức xúc: Quá trình chỉ huy các tổ công tác kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn, rất nhiều lái xe vi phạm tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian, gây cản trở cho quá trình kiểm tra của CSGT. Phổ biến nhất là không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn, hoặc thổi chiếu lệ, không đạt yêu cầu. Với những cá nhân vi phạm có chút vị trí trong cơ quan, xã hội, họ ngang nhiên không chấp hành yêu cầu của CSGT; và hành động đầu tiên thường là rút điện thoại ra gọi cho "người thân" để "trợ giúp".
Cũng theo Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, đa phần lái xe chuyên nghiệp ý thức được hành vi, hành động của mình khi ngồi trên vô lăng. Đối với họ, việc uống bia, rượu trước khi cầm lái là rất hãn hữu. Số vi phạm bia, rượu chủ yếu lại thuộc về những đối tượng như... công nhân viên chức, cơ quan doanh nghiệp. Đây là bộ phận được xem như có trình độ học vấn, hiểu biết cao hơn so với người lao động làm việc chân tay. Thống kê cho thấy, qua các đợt kiểm tra nồng độ cồn, vi phạm của những thành phần này thường chiếm tỷ lệ khá cao.
Quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, hoặc vi phạm những lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc và TNGT. Nhiều trường hợp vi phạm ban đầu tỏ ra rất ngoan ngoãn, chấp hành quy định với mong muốn được CSGT bỏ qua. Tuy nhiên, khi bị CSGT kiên quyết lập biên bản, họ lập tức quay ngoắt, thậm chí sử dụng hung khí để hành hung CSGT.
Xin không được quay sang... chống đối
Nói về tình trạng đối tượng vi phạm Luật Giao thông, chống đối CSGT, Đại úy Nguyễn Ngọc Thuật, Đội phó Đội CSGT số 12, Phòng CSGT, CATP Hà Nội không thể quên được sự việc tổ công tác của đơn vị trong khi thi hành nhiệm vụ đã bị một nhóm đối tượng lăng mạ, hành hung.
Tối 20-8, thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đảm bảo ATGT trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, tổ công tác của Đội CSGT số 12 phát hiện một chiếc xe ô tô phóng trên đường với tốc độ rất cao, lạng lách. Nhận định rất có khả năng lái xe và những người ngồi trên xe có sử dụng rượu, bia, CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Vừa bước xuống xe, lái xe khuôn mặt phừng phừng, hơi thở nồng nặc mùi bia, rượu đã lăng mạ, chửi bới tổ công tác. Chưa dừng lại, những đối tượng ngồi trên xe cũng nhảy xuống, lao vào hành hung CSGT khiến một cán bộ bị thương. Các đối tượng còn manh động hơn khi điện thoại cho đồng bọn mang dao, kiếm đến vị trí làm nhiệm vụ của CSGT để cản trở, gây áp lực với tổ công tác. Ngay trong đêm, Đội CSGT số 12 và CAH Chương Mỹ đã phối hợp truy bắt 3 đối tượng Đỗ Xuân Nguyên, Nguyễn Duy Ninh và Nguyễn Bá Vương, đồng thời xác minh xử lý các đối tượng có liên quan.
Làm nhiệm vụ và bị chống đối dẫn đến thương tích nặng phải kể tới trường hợp Đại úy Mai Hồng Sơn, cán bộ Đội CSGT số 7. Gặp Đại úy Mai Hồng Sơn khi anh đang tất bật cùng đồng đội phân luồng giao thông tại nút giao thông trọng điểm Nguyễn Trãi -Khuất Duy Tiến, không ai nghĩ cách đây vài tháng anh phải nằm điều trị trong bệnh viện với chấn thương phần đầu rất nặng.
Không chỉ xử lý nghiêm các vi phạm, CSGT còn phát hiện, bắt giữ những đối tượng cướp tài sản
Quá trình kiểm tra lỗi vi phạm mũ bảo hiểm, Đại úy Mai Hồng Sơn đã bị đối tượng Nguyễn Quang Hùng (SN 1965, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội - có 2 tiền án về tội cướp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy), dùng gạch đá tấn công vào đầu. "Do chấn thương nặng nên mỗi khi trái gió trở trời thì cũng ê ẩm lắm. Ban chỉ huy Đội bố trí những phần việc phù hợp với sức khỏe nhưng mình không thể ngồi yên khi thấy áp lực giao thông dồn lên vai đồng đội trên các tuyến đường nên bản thân tôi tiếp tục vượt lên cùng anh em đảm bảo an toàn giao thông cho người dân"- Đại úy Mai Hồng Sơn tâm sự.
Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, trong năm 2018, xảy ra 20 vụ chống người thi hành công vụ, CSGT đã bắt giữ 22 đối tượng. Còn trong 10 tháng đầu của năm 2019, trên toàn địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ, 7 đối tượng chống người thi hành công vụ. So với cùng kỳ năm 2018 giảm 7 vụ. Mặc dù số vụ giảm nhưng tính chất, mức độ của những vụ chống người thi hành công vụ này vẫn luôn nhức nhối đối với lực lượng CSGT. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, CSGT đã phát hiện 217 và bắt giữ 232 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trên lĩnh vực giao thông đường thủy, có 16 vụ với 73 đối tượng bị bắt giữ về những hành vi tổ chức đánh bạc, tàng trữ trái phép chất ma túy, truy nã, tranh chấp tài sản, lừa đảo... Đó còn chưa kể tới gần 1.000 đối tượng có dấu hiệu tội phạm hoạt động trên đường đã bị các tổ công tác 141 phát hiện, bắt giữ, bàn giao cho Công an các quận, huyện, đơn vị xử lý.
Chỉ chừng đó con số thống kê cũng đủ thấy ngoài áp lực về giao thông, những nguy hiểm cận kề từ các đối tượng vi phạm mà lực lượng CSGT Thủ đô nói riêng đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt là rất lớn.
Theo anninhthudo.vn
Hà Nội: Gần 100 lái xe dương tính với ma túy, bị các bệnh về mắt Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vận tải khám sức khỏe đối phó, để lái xe tự đi khám khiến kết quả không thực chất. Liên ngành kiểm tra sức khỏe lái xe tại bến xe Mỹ Đình Sở GTVT Hà Nội đang chủ trì phối hợp với Công an Thành phố, Sở Y tế, Cục Đăng kiểm VN và các cơ quan,...