Khống chế chi phí lãi vay gây khó cho doanh nghiệp nội
Bộ Tài chính đang gấp rút sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Vietnam, việc khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc áp dụng.
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Vietnam.
Quy định khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ thu nhập chịu thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Song các doanh nghiệp, chuyên gia tài chính cho rằng, quy định này còn bất cập và gia tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Theo bà, nguyên nhân của việc này là gì?
Quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (EBITDA) tại Nghị định 20 được xem là một trong các giải pháp hạn chế việc lạm dụng vốn mỏng (vốn vay vượt quá nhiều lần so với vốn chủ sở hữu) và tài trợ vốn/tài trợ tài chính nội bộ giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia với mục đích tránh thuế.
Quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20 được đưa ra theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) thông qua các khoản khấu trừ lãi tiền vay quá hạn mức và các khoản thanh toán tài chính khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nội địa gặp không ít khó khăn khi áp dụng quy định trần chi phí lãi vay.
Cụ thể, với Việt Nam, theo Luật Thuế TNDN, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi phí thực tế phát sinh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, hóa đơn. Việc khống chế chi phí lãi vay không được quy định trong Luật Thuế TNDN khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi áp dụng, bởi đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị định 20 và các văn bản hướng dẫn dưới luật khác.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thắc mắc, dù có phát sinh giao dịch liên kết không liên quan đến giao dịch vay, vậy liệu chi phí lãi vay trả cho ngân hàng thương mại, tức là bên độc lập, có chịu mức khống chế chi phí lãi vay không.
Theo bà, việc khống chế chi phí lãi vay đã dẫn đến những bất cập gì?
Việc khống chế chi phí lãi vay tác động đến một số mô hình hoạt động đặc thù, như tập đoàn trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản. Tuy nhiên, để thực hiện dự án đầu tư cần tiếp cận nguồn vốn lớn, các công ty thành viên của tập đoàn trong nước thường không đủ năng lực để được vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Video đang HOT
Do đó, các tập đoàn, tổng công ty phải huy động vốn tập trung tại công ty mẹ để chuyển vốn cho các công ty con, công ty thành viên với mức lãi suất ưu đãi hơn. Vì vậy, việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo rào cản trong việc cho vay nội bộ trong tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do phải nộp thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh.
Tôi cho rằng, việc áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay không những không đạt được mục đích BEPS (không doanh nghiệp nội địa nào lại chuyển lợi nhuận ra nước ngoài), mà còn tạo ra nhiều khó khăn như tăng chi phí vốn, chi phí thuế, hạn chế khả năng cạnh tranh… của doanh nghiệp nội địa.
Vậy theo BEPS, việc khống chế chi phí lãi vay nên thực hiện thế nào để chống chuyển giá và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn?
BEPS khuyến nghị các nước có lịch trình áp dụng linh hoạt, đặt trong mối tương quan với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật ở từng quốc gia.
Cụ thể, các nước cân nhắc sử dụng chỉ tiêu chi phí lãi vay thuần, được tính bằng chi phí lãi vay trừ thu nhập lãi vay. Cách tính này sẽ hạn chế một khoản chi phí lãi vay bị loại trừ 2 lần khi tính thuế TNDN ở cả công ty mẹ và công ty con, nên giảm rủi ro trùng thuế.
Ngoài ra, mức khống chế có thể được tính theo tỷ lệ cố định, trong đó chi phí lãi vay thuần được trừ dao động trong khoảng 10 – 30% của EBITDA; hoặc tính theo tỷ lệ tập đoàn (công ty thành viên trong tập đoàn sẽ được khấu trừ chi phí lãi vay theo tỷ lệ EBITDA của công ty so với tổng EBITDA của tập đoàn).
BEPS cũng khuyến nghị các công ty trong tập đoàn nên xem xét cách tính theo tỷ lệ cố định hay tỷ lệ tập đoàn sẽ mang lại lợi ích cao hơn để áp dụng. Ở Anh, người nộp thuế được lựa chọn cách tính mức khống chế lãi vay có lợi hơn theo một trong hai cách: tỷ lệ cố định tính theo 30% EBITDA hoặc tính theo tỷ lệ tập đoàn.
BEPS khuyến nghị áp dụng cơ chế chuyển tiếp chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang khấu trừ vào kỳ sau. Điều này giúp giảm tác động đến các doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu tư, mới hoạt động hoặc mở rộng sản xuất – kinh doanh.
Nhiều nước đã và đang làm gì để chống chuyển giá, vừa không gây khó cho doanh nghiệp bản địa, thưa bà?
Malaysia quy định, chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết trong các giao dịch xuyên biên giới bị khống chế ở mức 20% EBITDA tính thuế. Còn Indonesia quy định, tỷ lệ vốn vay trên vốn góp chủ sở hữu cho tất cả các doanh nghiệp là 4:1 (chi phí lãi vay của phần vốn vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu không được trừ khi tính thuế TNDN). Trong khi đó, Nhật Bản quy định, chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết không được vượt quá 50% thu nhập chịu thuế…
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm các quy định và thông lệ quốc tế, khảo sát đánh giá mô hình hoạt động, thực trạng cơ cấu vốn, chu kỳ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 để vừa chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận theo khuyến nghị của OECD, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Mạnh Bôn
Theo baodautu.vn
Phạt nặng doanh nghiệp cổ phần hóa không đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán
Trong thời gian qua, để đảm bảo thực thi có hiệu quả quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã tiến hành nhiều biện pháp để thúc đẩy các DN này thực hiện, đồng thời xử lý nghiêm các DNNN vi phạm các quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tại sao doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán?
Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở kết quả kiểm tra, làm việc trực tiếp với các DN, việc chậm đăng ký giao dịch theo giải trình của các DNNN cổ phần hóa có khá nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, một số DN hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, nợ ngân hàng lớn, đang trên bờ vực phá sản hoặc đang trong quá trình giải quyết hậu quả sai phạm phát hiện trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn và kiểm toán báo cáo tài chính nên không thực hiện được thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch.
Trong khi đó, một số DN gặp vướng mắc trong xác định giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, còn nhiều vướng mắc về tài chính và công nợ, chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa theo quy định để kiểm toán xác nhận số vốn điều lệ thực góp, chưa có phương án xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, liên quan đến việc điều chỉnh phần vốn Nhà nước hoặc đang triển khai thực hiện việc mở thủ tục phá sản đối với công ty.
Thực tế cũng cho thấy, một số DNNN cổ phần hóa có cổ đông chủ yếu là cán bộ công nhân viên, nhiều người đã nghỉ hưu, thay đổi địa chỉ liên hệ nên việc tập hợp danh sách cổ đông với đầy đủ thông tin theo quy định của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, một số DN có quy mô nhỏ, ở vùng xâu, vùng xa, việc nhận thức các quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch còn hạn chế.
Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm
Thời gian qua, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã có nhiều văn bản gửi đến các công ty đại chúng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán để phổ biến, đôn đốc, nhắc nhở tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã công khai danh sách 218 công ty đại chúng tiền thân là DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch đến ngày 31/12/2018 trên website của Ủy ban (nêu rõ đây là các DNNN cổ phần hóa) để các cổ đông tại DN biết và yêu cầu DN phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN với vai trò là đại diện chủ sở hữu phần vốn góp tại các DNNN cổ phần hóa chỉ đạo người đại diện phần vốn đôn đốc các DN này thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có văn bản gửi 180 DN thông báo về hành vi vi phạm để xử phạt theo quy định tại Nghị định số 145/2016/NĐ-CP và đang tiếp tục tiến hành phân loại, làm rõ, xử lý các DN còn lại.
Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN này hiện gặp rất nhiều khó khăn do nhiều DN vi phạm không chấp hành. Đến nay, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt đối với 28 DN, trong đó có một số DN bị xử phạt với mức phạt rất cao, số tiền phạt là 350 triệu đồng do không thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định.
Đối với các DN không chấp hành, không khắc phục vi phạm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản mời các DN đến làm việc hoặc thành lập tổ công tác, cùng phối hợp với đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính thành lập Đoàn kiểm tra trực tiếp tại DN để yêu cầu DN chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính. Qua đó, nắm thêm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch; nguyên nhân chậm trễ và đề nghị DN có biện pháp xử lý vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan về phía DN để sớm đưa cổ phiếu vào giao dịch.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có văn bản gửi một số Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty/Công ty đại diện vốn nhà nước để thông báo về vi phạm của DN thuộc quản lý, giám sát và đề nghị các cơ quan, đơn vị này phối hợp yêu cầu DN thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định và chấp hành các biện pháp xử lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo Tapchitaichinh.vn
Hình thành thị trường mua bán nợ, cần thêm những đối tác bán - mua Lâu nay, việc mua bán nợ chủ yếu diễn ra giữa các tổ chức tín dụng với VAMC, DATC, mà thiếu vắng giao dịch giữa các tổ chức tín dụng với nhau, đặc biệt là chưa có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, dẫn đến chưa thể hình thành thị trường mua bán nợ chính...