“Không ai bị bỏ lại” và những câu chuyện tình người tại khu cách ly
Lời nhắn nhủ của cô con gái 14 tuổi khiến anh Nguyễn Hồng Hải – Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự phường Thành Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội cảm thấy ấm áp và là động lực cho anh gắng sức hơn nữa để phục vụ tại khu cách ly Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội).
Lời nhắn nhủ của cô con gái 14 tuổi khiến anh Nguyễn Hồng Hải – Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự phường Thành Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội cảm thấy ấm áp và là động lực cho anh gắng sức hơn nữa để phục vụ tại khu cách ly Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội). Anh Hải và những người đồng đội tới đây phục vụ đã được 11 ngày kể từ ngày 18.3. Làm việc tại khu cách ly đồng nghĩa với việc phải sống và sinh hoạt như một người đang phải cách ly và đương nhiên bao gồm cả việc không được về thăm vợ con.
Mặc dù vậy, anh vẫn thoải mái và tình nguyện bởi anh biết, vợ con hiểu và tự hào về công việc của mình đang làm. Vợ anh cũng là một chiến sĩ ở mặt trận văn hoá tuyên truyền, hai vợ chồng cùng phục vụ chiến dịch đẩy lùi COVID-19 nên 2 con ở nhà phải tự chăm sóc nhau. Anh kể, hàng ngày phải sắp xếp khung giờ để nói chuyện với vợ 1-2 lần vì có những lúc quá bận, anh không thể cầm vào cái điện thoại, dần cũng quen và đặt lợi ích mọi người lên trên hết.
11 ngày ở đây, anh Hải và đồng đội phải bao quát tất cả từ những công việc đưa cơm, phát cơm, vận chuyển đồ đạc đến hàng trăm công việc khác trong những bộ đồ bảo hộ nóng nực.
Ấy thế mà đôi khi vẫn có những ý kiến này nọ, những người không hợp tác, nhưng điều đó cũng không khiến anh Hải và những người dân quân nản chí. Bởi, họ xác định, đây là nhiệm vụ, là nghĩa vụ và hơn hết là trách nhiệm của bản thân với đất nước.
Chỉ huy trưởng của anh Hải là đồng chí Lê Thanh Hà – Trung tá Phó Chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy quân sự Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tiếp quản đơn vị ngay từ những ngày đầu, đồng chí Lê Thanh Hà cho biết, hiện nay tại khu cách ly Tứ Hiệp đã có 1.876 công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly tại đây. Ngay sau khi tiếp quản đơn vị này, Ban chỉ huy quân sự Quận Hoàng Mai đã ổn định mọi vị trí và sắp xếp 150 đồng chí bao gồm lực lượng quân sự, dân quân, y tế và bệnh viện đa khoa. Hàng ngày, các lực lượng sẽ túc trực liên tục từ 5h sáng đến tận hôm sau. Với khối lượng công việc “khổng lồ”, đồng chí Lê Thanh Hà và các đồng đội luôn phải đảm bảo thực hiện đầy đủ và hơn nữa là thực hiện đúng theo quy định.
Trong cuộc chiến toàn dân chống dịch, “chống dịch như chống giặc”, những người chủ khách sạn đã không ngồi yên, nhiều người “hô biến” khách sạn của mình thành khu cách ly để đồng bào có thêm chỗ nghỉ ngơi.
Từ ngày 7.3, 122 phòng của khách sạn Bảo Minh (Quảng Ninh) gần như không còn phòng trống khi đón 157 du khách nước ngoài đến cách ly tập trung. Điều đáng nói là chủ khách sạn này đã quyết định miễn phí toàn bộ tiền phòng và tiền ăn (3 bữa/ngày) cho 157 khách. Một ngày mức chi phí cũng ngót nghét 120 triệu đồng, một con số không hề nhỏ, và đó là cách chị Bùi Thị Thuý Hạnh – chủ khách sạn Bảo Minh chia sẻ áp lực với cơ quan quản lý.
“Tôi biết tỉnh Quảng Ninh phải lo toàn bộ chi phí ăn, ở… cho người cách ly, nên chúng tôi quyết định miễn phí ăn, ở để chia sẻ chút gánh nặng tài chính với địa phương. 48 nhân viên của khách sạn cũng tình nguyện ở lại cùng chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng chăm sóc khách chu đáo”, Chị Bùi Thị Thúy Hạnh nói.
Tại Hà Nội, chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel cũng quyết định biến khách sạn 4 sao trở thành nơi cách ly tự nguyện. Nằm trên phố Lý Thái Tổ (cách hồ Hoàn Kiếm 100 mét) – nơi được đánh giá khu đất kim cương thành phố Hà Nội, bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel cho biết, việc tự nguyện làm khu lưu trú cách ly với mong muốn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng.
Video đang HOT
“Hà Nội đang thiếu trầm trọng những nơi để cách ly, đặc biệt là Việt kiều từ nước ngoài về nước tránh dịch. Họ có tiêu chuẩn rất cao, sẵn sàng chi trả cho cơ sở cách ly với điều kiện tốt nhất có thể. Chính vì vậy, tôi đồng ý cho chính quyền địa phương sử dụng 3 khách sạn của mình làm nơi thực hiện cách ly tự nguyện. Ba khách sạn này có 100 phòng và có thể phục vụ nhu cầu cho 250 người”, bà Hằng nói.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã tình nguyện cho chính quyền địa phương sử dụng làm nơi cách ly tập trung. Ai cũng có thể góp sức, và đó là cách thiết thực nhất họ lựa chọn chia sẻ gánh nặng với nhà nước trong cuộc chiến chống COVID-19.
Đặt chân xuống sân bay sau khi trở về từ Milan (Italia) – vùng có dịch, Châu Bùi lập tức phải cách ly 14 ngày theo quy định. Và Châu Bùi là người nổi tiếng đầu tiên phải thực hiện điều này. Trái ngược với sự tò mò của công chúng, rằng cô – một biểu tượng thời trang, một người gắn liền với hình ảnh xinh đẹp, xa hoa, sẽ phải khóc lóc khi đi cách ly tập trung. Nhưng không, Châu Bùi đã dùng 14 ngày tại khu cách ly Củ Chi, TPHCM để biến thành cuốn nhật kí cách ly đầy sống động.
Cô thường xuyên đăng tải, cập nhật liên tục những điều “lý thú” khi ở trong khu cách ly tập trung một cách hài hước, dễ chịu nhưng lại chân thực nhất. Từ việc ăn ngày 3 bữa, tập thể dục, giao lưu với tất cả mọi người, cùng tặng nhau những món quà nhỏ xinh, cho tới việc được các y bác sĩ thân thiện và hỏi thăm sức khoẻ đều đặn.
Khó có thể phủ nhận, những chia sẻ trên trang cá nhân hàng triệu người theo dõi của Châu Bùi đã lan toả vô vàn hiệu ứng tích cực, nhất là trong thời điểm có nhiều ý kiến chê bai về khu cách ly. Qua những chia sẻ của Châu Bùi, hình ảnh các chiến sĩ, y bác sĩ tận tình từ việc mang cơm hàng ngày cho tới hỏi thăm sức khoẻ, đo thân nhiệt đã trở nên gần gũi, và họ – những con người hi sinh bản thân để phục vụ nơi cách ly trở nên đáng trân trọng biết bao.
“Ở ngoài phải tự kiếm đồ ăn thì vào đây được ăn cơm hộp ngày 3 bữa, có các anh bộ đội mang tới tận nơi. Tôi thấy ấm áp và thương các anh vô cùng. Mình được phục vụ tận nơi, cớ chi còn phàn nàn? Nếu so sánh nơi cách ly với ở nhà, so sánh với những điều kiện sống cao bên ngoài để rồi nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, chắc chắn mọi thứ sẽ rất khó khăn. Nếu ai cũng vậy, nhà nước sẽ gặp rất nhiều áp lực trong phòng chống dịch bệnh. Mọi người nên nghĩ theo chiều hướng tốt, mọi chuyện sẽ tốt dần lên”, Châu Bùi.
Những bức vẽ, những vlog, những dòng thư tay cảm ơn đầy xúc động là những món quà dành cho các cán bộ trong khu cách ly, đồng thời cũng là những trải nghiệm thực tế của những bạn trẻ trong 14 ngày đầu tiên về với đất nước.
Có thể nói, với nhiều bạn trẻ, tại những khu cách ly cơ sở vật chất và điều kiện sống sẽ rất khác so với cuộc sống bên ngoài. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự vất vả của các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, các bạn trẻ đã hiểu được những giá trị cốt lõi trong việc cách ly tập trung.
Bạn Phạm Hà Vũ, một Vlogger trẻ tuổi, hiện là du học sinh tại Anh nhớ lại chuyến hành trình trở về nước: “Trên chuyến bay mình trở về, khi check-in ở sân bay có một vài bạn người nước ngoài đã vào check-in trước rồi và bị mời ra sau khi kiểm tra hộ chiếu. Nhân viên sân bay nói với họ rằng chuyến bay này chỉ dành cho người Việt Nam thôi! Mình đứng ngay cạnh đó thấy các bạn ấy phải đi ra trong trạng thái thất vọng và bàng hoàng, bởi có thể các bạn ấy phải đi rất xa để đến London với hi vọng trở về nước. Trong khi đó thì bọn mình lập tức được qua cửa an ninh và tiếp tục hành trình. Quả thật rất may mắn và cũng tự hào khi biết đây là chuyến bay chỉ dành cho người Việt Nam.”
Với những khó khăn chung, các cán bộ y tế, chiến sĩ có thể làm điều duy nhất lúc này chính là đảm bảo điều kiện sống tối cần thiết cho người dân trong khu cách ly. Có thể họ chấp nhận thiếu thốn, song những người đang trong quá trình cách ly cần phải được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu.
“Trong này mọi thứ đều đầy đủ và không thiếu thốn gì ngoại trừ internet, tuy nhiên vẫn có 3G cho nên mình cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở đây! Dù mình không thể thấy quá trình sinh hoạt của cán bộ bởi đang cách ly trên tầng 15, nhưng suất ăn của bọn mình ở trong này với mức là 100 nghìn đồng, còn các cán bộ chỉ có 55 nghìn đồng thôi. Đó đã là sự khác biệt rồi, và những hình ảnh các cán bộ màn trời chiếu đất mình cho rằng sẽ không công bằng khi nhiều bạn chia sẻ tiêu cực về khu cách ly, bởi mình biết được là các cán bộ chỉ có một ngày để hoàn thành tất cả mọi thứ cho mình! Cảm thấy thật sự khâm phục!” – Hà Vũ chia sẻ thêm.
Với nhiều bạn trẻ 14 ngày cách ly, đó có thể là những ngày tận hưởng nhưng cũng có thể là những ngày chật vật, khó khăn khi chỉ biết nghĩ cho bản thân. Tất cả đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ của mỗi người. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, những suy nghĩ hay phát ngôn tiêu cực đó chỉ là số ít. Bởi người Việt trẻ trước giờ vẫn vậy, họ là những con người dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh. Và có một điều chắc chắn rằng, dù là ai, ở đâu hay làm gì, thì chỉ cần là người Việt Nam, bất cứ khi nào tổ quốc cần, họ sẵn sàng đáp lời.
Trong nhật kí 14 ngày cách ly, Gavin Wheeldon – một công dân người Anh cách ly tại Sơn Tây, Hà Nội đã dành nhiều lời khen cho công tác phòng chống dịch cũng như những chiến sĩ ngày đêm phục vụ tại đây. Đó là những người phiên dịch dễ thương hay những đồng chí quân nhân luôn cẩn thận, chu đáo. Cuối những dòng chia sẻ, Gavin Wheeldon tin tưởng rằng: “Có một điều rõ ràng là Việt Nam đang cố gắng hết sức để giữ an toàn cho tất cả mọi người”. “Những người lính làm việc không mệt mỏi để khử trùng phòng ốc hàng ngày, ghi nhận thân nhiệt của chúng tôi và dọn sạch các thùng rác. Họ ở đây để giúp đỡ đất nước và họ rất thân thiện, chu đáo. Cho đến nay, tôi cảm thấy giống đi nghỉ hơn là đi cách ly”, Gavin Wheeldon.
“Trong suốt quá trình kiểm dịch, chúng tôi cảm thấy mình đã được chăm sóc tốt và chúng tôi muốn cảm ơn các bạn vì điều đó. Cảm ơn các nhân viên y tế đã chăm sóc sức khỏe cho chúng tôi mỗi ngày, bằng cả sự mạo hiểm cuộc sống của chính các bạn. Cảm ơn những con người đã làm công việc bảo vệ, đã đáp ứng rất nhanh những yêu cầu của chúng tôi”, Joanna Zythowska và Denisz Zythowski, du khách Ba Lan cách lý tại Hội An.
Tháng Thanh niên: Người trẻ viết lên những câu chuyện đẹp
Trong những ngày tháng 3 - Tháng Thanh niên, dù không có những cuộc ra quân rầm rộ của đoàn viên, thanh niên do dịch bệnh Covid-19, nhưng họ đã viết lên những câu chuyện đẹp trong mùa dịch.
Thanh niên TP.HCM tiếp nước ngọt cho bà con tỉnh Tiền Giang - Nữ Vương
Sáng tạo vì cộng đồng
Trong Tháng Thanh niên, nhiều tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng. Cũng trong bối cảnh này, tinh thần sáng tạo của người trẻ được phát huy cao độ. Họ sử dụng thế mạnh của người trẻ để chống dịch bằng mọi hình thức, trong đó nổi bật là việc sử dụng công nghệ để kết nối và tuyên truyền cho cộng đồng về dịch bệnh.
Tại Hà Nội, lần đầu tiên, một buổi tọa đàm với sự tham gia của chuyên gia y tế với chủ đề "Hiểu đúng, hành động đúng" được Thành đoàn thành phố tổ chức dưới hình thức trực tuyến ngay trong thời gian đầu khi dịch bệnh xuất hiện, thu hút hàng trăm nghìn lượt người trẻ tiếp cận, tương tác.
Cũng trong mùa dịch đã có 563 "lá thư tay", 834 bức vẽ và sơ đồ tư duy hiểu biết về Covid-19 được đội viên thủ đô thiết kế, gửi tới các bạn đội viên trong cả nước; các cuộc thi thiết kế ấn phẩm tuyên truyền, "thông điệp chiến thắng" được các cấp bộ Đoàn trong toàn thành phố sáng tạo tổ chức, triển khai.
Đặc biệt, họ đã tận dụng mạng xã hội và kịp thời bắt nhịp xu hướng của người trẻ để phát động các trào lưu hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch như: "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần"; "Ở nhà là yêu nước"; "Thử thách 15 ngày chia sẻ" khi thực hiện cách ly xã hội... Các trào lưu này được đông đảo người trẻ hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Qua đó đã tuyên truyền hiệu quả các chủ trương và chính sách của đất nước trong phòng chống dịch.
Trên khắp mọi miền Tổ quốc, hình ảnh các bạn trẻ với màu áo xanh tích cực tham gia hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã để lại dấu ấn trong cộng đồng. Ở rất nhiều nơi, tổ chức Đoàn, Hội và các bạn trẻ đã xây dựng các điểm rửa tay sáng tạo từ vật dụng tái chế phục vụ người dân tại các điểm công cộng.
Ở hầu hết các tỉnh, thành Đoàn đã triển khai các đội hình thanh niên tình nguyện ứng phó với dịch bệnh; vận động nguồn lực mua khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng diệt khuẩn phát miễn phí cho người dân; tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong khai báo y tế.
Ở một số nơi đã triển khai mô hình "Tiếng kẻng học bài" (Nghệ An), "shipper" mang bài tập đến tận tay các em học sinh (Yên Bái)... Nhiều bạn trẻ đã sáng tạo, chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động, bồn rửa tay dã chiến, pha chế thành công cồn rửa tay diệt khuẩn, làm mặt nạ kính chắn giọt bắn, triển khai dự án Phát triển hệ thống cảnh báo sớm Covid-19 toàn cầu. Tại TP.HCM, bạn trẻ khởi nghiệp đã sản xuất thành công buồng khử khuẩn toàn thân... Cùng với đó, các bạn trẻ đã rất tích cực lan tỏa những thông điệp, hình ảnh, câu chuyện đẹp trong trận tuyến phòng, chống dịch trên mạng xã hội.
Thanh niên đến từng nhà dân để tuyên truyền và hỗ trợ khai báo y tế - Ảnh: CTV
Tình nguyện tham gia chống dịch
Trong Tháng Thanh niên, hàng vạn sinh viên năm cuối của các trường ĐH y dược trên toàn quốc đã tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch; đoàn viên, thanh niên các địa phương đến từng nhà, gặp từng người dân để hỗ trợ khai báo y tế nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Nhiều địa phương còn tổ chức vận động các thanh niên hoãn đám cưới hoặc giảm khách mời, tăng báo hỷ, tình nguyện hỗ trợ cấp giấy Đăng ký kết hôn tại nhà; hỗ trợ chuyển đồ dùng cá nhân, nấu cơm, đưa cơm đến các phòng cách ly; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, hiến máu tình nguyện, trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nhà nhân ái, điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
Không chỉ tình nguyện vì cộng đồng, đoàn viên, thanh niên còn tiên phong trong các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được các cơ sở Đoàn triển khai... Đặc biệt, các hoạt động ứng phó, khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn được các cấp bộ Đoàn triển khai kịp thời với cách làm sáng tạo như: huy động đoàn viên, thanh niên hỗ trợ vận chuyển nước ngọt, đào giếng khơi cho bà con nhân dân, hỗ trợ máy lọc nước mặn thành nước ngọt; trao tặng người dân thùng nước, bồn chứa nước và các bình nước ngọt; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước...
Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế được các cấp bộ Đoàn chú trọng triển khai thực hiện. Theo báo cáo của T.Ư Đoàn, các cơ sở Đoàn tiếp tục triển khai thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Kết quả: đã hỗ trợ 91 tỉ đồng cho thanh niên vay vốn làm kinh tế, khởi nghiệp...
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết: "Ở tất các các tỉnh, thành Đoàn đã chủ động, tiên phong trong tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, chung tay góp sức cùng cả nước đầy lùi dịch bệnh, làm nên một Tháng Thanh niên ý nghĩa. Các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động phát huy và thúc đẩy tinh thần sáng tạo vì cộng đồng của thanh niên. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các bạn trẻ, ở các cơ sở Đoàn, Hội trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phòng chống xâm nhập mặn ở miền Tây được triển khai, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực. Nhiều câu chuyện đẹp, xúc động, truyền cảm hứng cho cộng đồng đã được người trẻ viết lên trong Tháng Thanh niên", anh Tuấn nói.
Những công trình ý nghĩa
Trong Tháng Thanh niên, tuổi trẻ cả nước đã làm được nhiều công trình ý nghĩa, đặc biệt là các hoạt động an sinh xã hội, phục vụ nhân dân. Cụ thể như:
TP.HCM khởi công công trình bê tông hóa tuyến hẻm 818 Lê Trọng Tấn, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, có chiều dài 130 x 5 m với tổng kinh phí 220 triệu đồng.
Đồng Nai thành lập và ra mắt 2 câu lạc bộ hỗ trợ nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông.
Bình Định tổ chức đồng loạt ra quân "Ngày thứ bảy tình nguyện" giải quyết thủ tục hành chính cho gần 200 lượt người dân có nhu cầu.
Hà Nội xây dựng, sửa chữa 68 điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi, 20 nhà vệ sinh thân thiện, 37 công trình bích họa, 50 tuyến đường hoa, 50 bốt điện nở hoa...
Hà Tĩnh tổ chức 15 đội tình nguyện là cán bộ công chức đến các cơ sở để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, đảm nhận 300 cột điện nở hoa, 3,5 km con đường bích họa.
Nghệ An bóc xóa 2.500 biển quảng cáo, xây dựng mới 47 km đường hoa thanh niên, 155,5 km đường cờ Tổ quốc...
Và còn rất nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa của thanh niên ở các tỉnh, thành khác trên cả nước đã làm nên Tháng Thanh niên luôn sôi động với nhiều hoạt động thể hiện sự chăm lo của toàn xã hội với thanh niên và tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp sức mình vì cộng đồng, đất nước.
Vũ Thơ
'Shipper áo xanh'... về làng! Ở làng quê Quảng Trị không mấy khi có... shipper, ấy vậy mà ngay trong những ngày này, nhiều thôn xóm shipper lại xuất hiện nhan nhãn. Tất cả họ lại đều khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện... Dù chỉ là 1 bó chè tươi, bạn trẻ cũng hoàn thành việc giao hàng cho cụ bà - ẢNH: THANH LỘC "Đi...