Khốn khổ vì tin đồn đào móng nhà được 3kg vàng
Người thì bảo nhà ông này phúc to mười mấy đời, người lại nói: “Bắt được bạc thì sang, bắt được vàng thì lụi”. Đối với những người dân ở vùng quê không thật nghèo nhưng 3 kg vàng là cả một tài sản kếch sù mà người ta không dám nhẩm tính ra giá trị tiền mặt của nó.
Dư luận xôn xao
Mấy tháng nay, dư luận xôn xao về chuyện một gia đình ở xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đào móng làm nhà bắt được 3 thỏi vàng như 3 răng bừa. Người ta còn khẳng định chắc nịch rằng nhà đó đã mang 3 thỏi vàng lên tận hiệu vàng trên tỉnh thẩm định, vàng thật 100% nhưng hiện họ chưa muốn bán vì giá vàng dạo này lên xuống thất thường…
Ngôi nhà bị đồn đào được vàng thỏi
Tôi tìm đến thôn Bồng Lai, xã Bồng Lai, nơi phát tích lời đồn bắt được vàng thỏi quý hiếm. Mới đi tới đầu thôn, hỏi thăm chuyện đào móng nhà bắt được vàng, mọi người từ già đến trẻ đều rất nhiệt tình chỉ lối cho tôi tới nhà ông Nguyễn Văn Bào. Tôi ngỏ ý muốn mua ít tiền cổ thì được họ cho hay: “Cô vào đó hỏi khéo thì mới mong mua được. Bao nhiêu người vào mua, trả giá rồi lại về không. Nhà nó đòi giá cao lắm. Có khi chẳng muốn cho xem lại bảo bán hết rồi ấy”.
Video đang HOT
Mỗi người một câu, họ nói với tôi đủ chuyện. Người thì bảo: “Nhà này nó kín chuyện lắm cô ạ, bắt được cả mấy thỏi vàng thế mà có ai biết”. Người thì bảo: “Nhà này có phúc mà không biết hưởng, bắt được cả đống vàng vậy mà không thấy sửa sang lại cái nhà cái cửa cho đàng hoàng mà ở có phải sướng. Đằng này lại giữ khư khư trong nhà, bán sợ không tới giá”.
Có người còn nói: “Giữ vàng như thế chỉ để cho cướp nó rình rập, khéo lại xuất hiện thêm mấy thằng Luyện nữa thì khổ cả xã hội”. Người ta còn kháo nhau rằng: “Gia đình này bắt được vàng nhiều như thế mà không thấy chia cho anh em gia đình, cứ im ỉm giấu giếm như không có chuyện gì xảy ra”. Người khác lại bảo: “Nhà này không biết sống, lộc đến phải phát đi chứ giữ của kiểu này coi chừng mang họa vào thân”.
Sự thật đằng sau 3 kg vàng
Tôi tới nhà ông Bào vào lúc xế trưa, đúng lúc cả gia đình vừa đi làm đồng về. Ông Bào hỏi đùa: “Chắc cô lại muốn tới ngắm vàng?”, tôi cười, kịp nhìn nhanh cả ngôi nhà ông đang ở. Không có chút dấu hiệu nào của vàng cả. Một căn nhà mái bằng đã cũ, nền gạch men cũng thuộc loại cổ xưa. Cạnh nhà có một cái ao nhỏ thả đàn vịt xiêm đang độ lớn. Phía sau ao có khu phụ nhốt lợn và hai con bò.
Ông Nguyễn Văn Bào
Ông kể: “Hồi tháng 3 đầu năm, nhà tôi có đào cái hầm bioga để tận dụng phân lợn nuôi chuồng. Khi đào vào khu đất phía sau nhà thì vô tình chạm phải một cái chum cổ nằm cách mặt đất chừng hơn một mét. Mọi người đều ngạc nhiên và cẩn thận đưa cái chum đó lên thì bắt đầu thấy những đồng xu nhỏ nhỏ đã gỉ màu lăn ra. Có người trong nhóm thợ đào hôm ấy hô to: “Nhà ông Bào giàu to rồi nhé”. Tất cả mọi người ở nhà tôi hôm đó đều thấy bất ngờ. Đây là mảnh đất từ thời ông cha để lại, chưa từng đổi chủ thay tên. Nghĩ ngày xưa các cụ nhà mình làm ăn giỏi giang còn của để lại cho con cho cháu cũng thấy vui. Nhưng cô xem, tiền đồng cả hũ mà qua tai nọ tai kia, khắp cả thôn xã người ta bảo nhà tôi bắt được vàng thỏi”.
Rắc rối vì “vàng hơi”
Từ khi phát tán cái tin nhà ông Bào bắt được vàng, gia đình ông gặp khá nhiều chuyện dở khóc dở cười. Cậu cháu trai lớn nhà ông vừa tốt nghiệp Học viện Cảnh sát vào tháng 6 vừa qua. Lẽ thường, học ngành này sẽ được nhà nước bố trí công việc, vậy mà ở làng, người ta ác ý đồn rằng: “Nhà ông Bào phải mất nửa tỉ để lo cho con làm ở phòng cảnh sát điều tra trên tỉnh”. Cô cháu gái út đang học lớp 5 thì bị bạn bè trêu đùa rằng: “Nhà mày đào được vàng nhiều thế thì học làm gì cho mệt, ở nhà mà lo tiêu tiền”.
Huyện Quế Võ từ khi có khu công nghiệp thì nhiều nông dân bỏ ruộng đi làm công nhân trong các công ty, nhà máy. Ruộng đất bỏ không hoặc sẽ cho người khác làm. Hai vợ chồng cậu con trai ông Bào vốn khỏe mạnh, nhà lại ít ruộng nên vụ mùa vừa rồi có nhận làm thêm ruộng bỏ của người làng. Nông sản dư thừa đem đầu tư cho chăn nuôi để tăng thu nhập. Vậy mà người dân họ xì xào từ đầu thôn tới cuối thôn rằng: “Nhà ông này muốn giàu hết của thiên hạ. Vàng nhiều thế không mang ra mà dùng lại còn nhận thêm ruộng”. Có người nói vào tận mặt ông rằng: “Nhà ông khổ mãi quen rồi, sướng không chịu được”.
Ông Nguyễn Văn Thạo, trưởng ban kỹ thuật Hội Cổ vật Bắc Ninh, một chuyên gia tiền cổ đất Kinh Bắc đã từng có 20 năm nghiên cứu về lĩnh vực này cho biết: “Trên mặt đồng tiền cổ nhà ông Bào đào được có bốn chữ: Cảnh Hưng Thông Bảo. Theo kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm của tôi thì số tiền đó có niên đại khoảng hơn 300 năm, từ thời vua Lê Hiển Tông”. Ông cũng chia sẻ thêm: “Khi đào được tiền cổ, hầu như người dân đều nghĩ là có vàng nên họ hay đập vỡ cái hũ đựng để…tìm vàng. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hũ tiền nguyên dạng sẽ có giá trị cổ vật hơn rất nhiều”.
Ác ý hơn, có người lại nghĩ: “Nhà ông muốn làm nhiều ruộng để lấy cái sự vất vả mà che mắt thiên hạ. Giả nghèo giả khổ để tránh mấy thằng đệ tử của Lê Văn Luyện nó đến cướp vàng”. Gia đình ông không biết giải thích ra sao cả. Nghèo khó thì chịu vậy chứ có cục tức trong người thì không sao khỏe được. Đó là chưa kể đến việc thỉnh thoảng nhà ông lại phải tiếp những vị khách không mời có ý muốn chiêm ngưỡng vàng cổ, tiền cổ. Cái thỏi vàng bằng răng bừa khiến thiên hạ hết sức lý thú.
Suốt mấy tháng, dường như đi đâu, gia đình ông cũng bị mọi người tránh mặt. Người ta nghĩ có của, giấu giếm, sau này mang vạ vào thân. Đến cả người cháu họ trong gia đình, chính là vợ của người đã chạm xẻng vào cái hũ sành cổ kia cũng không khỏi nghi kỵ. Khi tôi tìm tới nhà cô cháu họ kia, chồng cô là chú Nguyễn Văn Tráng, có lẽ vì là cháu rể không muốn bị phiền trong phát ngôn của mình nên ý tứ nói với tôi rằng: “Theo chú nghĩ thì chắc không có vàng thật. Nếu có vàng thì nhà ông ấy đã xây biệt thự rồi. Con cháu cũng không phải vất vả nhận thêm ruộng để làm như hiện nay”.
Chị vợ ngắt lời chồng: “Nhà người ta bắt được vàng thật lại đi nói với anh, nói với hàng xóm láng giềng chắc? Nếu là anh, anh có nói không?”. Những sự hoài nghi như thế, đã đẩy vấn đề ngày một xa hơn. Câu chuyện đào được tiền cổ nhà ông Bào đã bốc hơi chuyển dạng thành vàng thỏi lan truyền sang cả xã khác, gây dư luận xôn xao.
Vậy là, từ một gia đình nông dân bình thường với cuộc sống yên bình, ông Bào và con cháu trở thành “tỉ phú bất đắc dĩ” với 3 kg “vàng hơi”. Nghĩ rằng giữ lại cũng không có tác dụng gì nên khi có người ở Hội Cổ vật Bắc Ninh về hỏi mua và một người chơi tiền cổ ở công ty môi trường có ý muốn sở hữu số tiền đó, ông Bào đã bảo con cháu bán đi để đỡ phải chịu lời ra tiếng vào. Tổng số tiền cổ gia đình ông bán được là 38 kg với giá trị 350 ngàn đồng/1kg. Ông thật thà chia sẻ: “Đang lúc khó khăn, số tiền cổ đó cũng giúp gia đình tôi hoàn thành cái hầm bioga mà không phải vay đồng nào”.
Theo Người Đưa Tin