Khốn đốn vì… xuất ngoại!
Ngày 9 thanh niên bản Hồng Thắng về đến nhà, gia đình nào cũng làm vài chum rượu ăn mừng. Không phải vì họ xuất ngoại mang tiền vàng về đổi đời ở bản khó, mà mừng vì mang được cái mạng về – điều nhiều người không dám tin.
Đường vào Đon Phục gặp khá nhiều khó khăn.
Từ huyện lỵ Con Cuông – một thị trấn miền núi cao của xứ Nghệ – chúng tôi tìm về bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục. Quãng đường chỉ có 20km nhưng người lạ đi phải trầy trật hơn một giờ đồng hồ mới chạm đến đất bản. Hồng Thắng, không rực rỡ như tên gọi, bản nằm lọt giữa tứ bề núi non, hoang hoải mây mù. Giữa tháng mùa thu, những cơn mưa rừng lúc ào ạt khi nhấm nhẳng khiến quãng đường dài giữa rừng càng thêm hiu hắt.
Chúng tôi đánh lái qua những khúc đường quanh co, dựng đứng dốc cao, đi để tìm những lao động khổ ải làm việc chui vừa bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam và trục xuất về nước vào cuối tháng 7 vừa rồi.
Ở mé chân đồi, căn nhà sàn nhỏ của Vi Văn Du im lìm, tuyềnh toàng. Vi Văn Du năm nay tròn 20 tuổi, nhìn già dặn người lớn nhưng khá rụt rè. Mới đầu Du chỉ thầm thì lõm bõm đôi câu khi chúng tôi hỏi chuyện.
Anh Vi Văn Du và Vi Văn Thiết, bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục đang kể về những ngày tháng làm việc chui cực khổ tại Trung Quốc.
“Hồi nớ ở nhà em không có việc làm”- Du mở đầu – “Đến tháng 2 năm rồi, mấy người trong bản rủ bọn em sang Trung Quốc làm việc. Nghe nói chi phí thấp, lương lại cao nên em đi”. Du chỉ biết mọi sự đơn giản như vậy. “Nhà em tích góp từ bấy lâu nay rồi cũng nộp đủ tiền phí môi giới”, Du nói tiếp. Nộp tiền và được dẫn ra xe đi. Vi Văn Du cùng 8 người trong bản được đưa ra xe khách ở thị trấn Con Cuông rồi xe chạy thẳng ra Móng Cái.
Video đang HOT
Chín người được đưa lên thuyền vượt sông sang bên đất Trung Quốc. Đặt chân lên đất người, cả nhóm phải cuốc bộ qua rừng rồi mới có ô tô đón đi Quảng Đông. Nơi họ đến và ở lại làm việc là một cơ sở sản xuất đủ loại loa đài. Du kể ngoài Du còn có Vi Văn Màng, Vi Văn Điệp, Vi Văn Thuận, La Văn Tâm, Vi Văn Chung, Vi Văn Chuyền, Vi Văn Đạo và Vi Văn Thiết cùng đi. Cả 9 người đều làm việc cùng một nơi, với mức lương mà ông chủ người Tàu “hứa” sẽ trả là 7 triệu đồng/tháng. Nghe xong ai cũng mừng. 7 triệu, có khi gần nửa năm người miền núi mới cầm được trên tay.
Vi Văn Thiết, gương mặt non như mới qua tuổi dậy thì, ở cạnh nhà Du, đi cùng một chuyến đó, nhớ lại: “Bọn em làm việc quần quật, làm cả ngày, đến tối thì họ nhốt kín trong xưởng đó luôn, không biết bên ngoài là nó hình thù thế nào”. Còn Vi Văn Thiết não nề: “3 tháng ở đó, họ nuôi mình ăn ở để làm việc, chứ chưa có một đồng mô gọi là lương”. Mấy anh em bắt đầu thấy lo, nóng ruột. Không được ra ngoài, không được gọi điện thoại về nhà. Cơ sở loa đài mà như cái lô cốt, không trốn ra được.
Một đêm cuối tháng năm, cả xưởng đang ngủ say sau cả ngày làm việc mệt nhọc thì cảnh sát Trung Quốc ập vào. Bất ngờ, hoảng hốt, nhiều người không kịp vơ lấy đồ dùng cá nhân thì bị áp ra xe, chở về đồn. Cảnh sát Trung Quốc giam đám công nhân ngờ nghệch người Việt, không biết tiếng Trung, không giấy tờ. Không hiểu người ta nói, không biết pháp luật, 9 anh em lo sợ. Trong rủi có may, cũng đùng một cái như khi bị bắt, sau khi ăn cơm trại giam được 2 tháng thì cuối tháng 7, cả 9 người được cho về nước.
“Ngày về nhà, vợ con cùng gia đình em ai cũng mừng. Mọi người ai cũng nghĩ chắc là đã có chuyện gì xấu xảy ra với em, cứ nghĩ em đã chết vì suốt mấy tháng gia đình không có tin tức gì về em hết” – Vi Văn Thiết nói.
Ngày về đến bản làng thân quen, 9 anh em ngồi đúc kết: lúc đi mỗi người phải mất 6-7 triệu, đó là chưa tính chi phí trên đường. Gần nửa năm mang tiếng lưu lạc ở Trung Quốc, họ chẳng biết gì ngoài các linh kiện loa đài, các song sắt nhà giam. Rồi khi về đến nhà, ai cũng trắng tay, đã nghèo lại càng thêm đói.
“Ai ngờ, sang đó đi làm khổ cực không được đồng mô, rồi còn bị bắt giam như tội phạm. Nếu biết trước rơi vào hoàn cảnh như thế này thì anh em tôi không dại gì đi sang Trung Quốc làm việc cả” – Vi Văn Du nói chua chát.
Anh Vi Văn Thiết, bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục buồn rầu kể chuyện cùng 9 anh em bị bắt.
Ngoài bản Hồng Thắng, ở các bản Hồng Điện, bản Phục cùng ở xã Đôn Phục cũng có rất nhiều người dân bản nghèo khó, đói khổ lỡ tin lời kẻ xấu vay tiền sang Trung Quốc làm việc chui. Như là trường hợp của Lương Văn Thức, Lô Văn Vọng (bản Hồng Điện), Vi Thị Thê, Lương Ngọc Công, Lữ Văn Thiết (bản Phục)..
Ông Vi Xuân Hoàng, trưởng bản Hồng Điện, mới nghe chúng tôi trình bày được nửa chuyện mà đã thở dài ngán ngẩm: “Người dân bản nghèo khổ lắm, có biết chi mô, thấy người khác bảo đi Trung Quốc làm ăn có tiền nên rủ nhau, rồi vay mượn để nạp tiền đi. Tôi biết, nhiều người phải bán cả lợn, bán cả bò để trả tiền phí”.
Vượt biên sang Trung Quốc làm việc người dân phải đối diện với nhiều rủi ro, trường hợp bị chủ quỵt lương là phổ biến nhất. Không may bị cảnh sát bắt giam, hoặc bị đầu gấu trấn lột thì coi như làm không công mà về. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là về được, nhiều người cực khổ quá muốn về nước thì phải phải nộp một khoản tiền, tương tự như là “chuộc thân”.
Ông Lang Vi Đức – Chủ tịch xã Đôn Phục – cho biết: “Vì nghe lời kẻ xấu rủ rê, năm 2013 mấy người Vi Thị Thê, Lương Ngọc Công, Lữ Văn Thiết, đều trú tại bản Phục sang Trung Quốc làm việc trái phép. Làm việc cực khổ, họ muốn về nước nhưng không có tiền nên chủ không cho về. Người thân của 3 lao động này đã phải đi vay mượn nạp mỗi người 3,5 triệu đồng thì họ mới thả cho về với gia đình”.
Nguyễn Duy – Danh Thắng
Theo DANTRI
Hai xe máy đâm trực diện, 3 người thương vong
Hai chiếc xe máy đối đầu nhau trực diện trong đêm 7/9 trên đường đê Tả Lam thuộc địa phận xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) khiến 1 người chết tại chỗ, 2 người bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu.
Thông tin ban đầu, khoảng 7h30 tối ngày 7/9, ông Nguyễn Văn Tông (Sn 1962, trú xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) - lái xe ôm sau khi trả khách ở huyện Nam Đàn, điều khiển xe máy trên đường về TP Vinh.
Hiện trường vụ tai nạn
Khi đi đến đoạn đường đê Tả Lam thuộc địa phận xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên), xe cua ông Tông bị chiếc xe máy chạy ngược chiều mang BKS 37B1-975.53 đâm trực diện.
Cú va chạm mạnh khiến ông Tông tử vong ngay tại chỗ. Hai người điều khiển xe máy BKS 37B1-975.53 là Nguyễn Văn Lâm (SN 1988) và Nguyễn Văn Cảnh (SN 1988) cùng trú tại xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên) bị thương nặng, nằm bất tỉnh trên đường.
Ngay sau đó, người dân đã đưa Lâm và Cảnh đi bệnh viện đa khoa huyện Hưng Nguyên cấp cứu. Tại hiện trường, hai chiếc xe máy bị hư hỏng nặng. Nhận được tin báo, lực lượng CSGT và công an huyện Hưng Nguyên nhanh chóng có mặt để nghiệm hiện trường điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Vị trí xảy ra tai nạn là đoạn đường khá rộng nhưng bị người dân lấn chiếm làm chỗ phơi rơm, thóc sau khi thu hoạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Được biết, ông Tông làm nghề lái xe ôm tại khu vực bến xe Vinh, là lao động chính nuôi 5 người con.
Hiện nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra, làm rõ.
Nguyễn Duy
Theo Dantri
Ô tô lao xuống mương nước, 4 người may mắn thoát chết Đang chạy nhanh trên quốc lộ, chiếc xe 7 chỗ hiệu Inova bất ngờ mất lái, lao lên mép cầu và bay thẳng xuống kênh nước. May mắn, cả 4 người trên xe chỉ bị thương, được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Vụ tai nạn nói trên xảy ra vào khoảng 13h trưa nay, 6/9, trên quốc lộ 15...