Khối u 5 kg trong ổ bụng bệnh nhân
QUẢNG NINH – Nữ bệnh nhân 58 tuổi nhập viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng đau tức bụng, ăn uống khó tiêu.
Bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên, ngày 1/10. Kết quả thăm khám và chụp cắt lớp vi tính kiểm tra cho thấy, hình ảnh khối u lớn sau phúc mạc chiếm trọn nửa ổ bụng. Bệnh nhân được chẩn đoán có u sau phúc mạc trái.
Các bác sĩ khi phẫu thuật phát hiện khối u ở thành sau bên trái ổ bụng đẩy các tạng khác sang bên phải. Phẫu thuật viên phải bóc tách khối u ra khỏi các động mạch nuôi ruột, niệu quản, động mạch chủ bụng, thần kinh vùng thắt lưng cùng và lấy trọn vẹn khối u kích thước 25×15 cm nặng gần 5 kg. Do không mất máu và các tạng được giữ nguyên vẹn, sức khỏe bệnh nhân phục hồi ngay sau phẫu thuật, một ngày sau đã ngồi dậy và ăn uống được.
Bệnh nhân phát hiện khối cứng vùng bụng cách đây khoảng một năm, không đi thăm khám thường xuyên cho đến khi u lớn nhanh làm đau tức bụng.
Khối u 5 kg được bóc tách khỏi bụng bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh
Bác sĩ Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết cắt trọn vẹn một khối u sau phúc mạc kích thước lớn, nằm sát động mạch chủ, các thần kinh chi phối chân phải, nhiều mạch máu nuôi dưỡng, chèn ép toàn bộ nội tạng ổ bụng là phẫu thuật khó và phức tạp.
Video đang HOT
U sau phúc mạc là những khối u khám thấy ở vùng bụng nhưng lại nằm ngoài ổ bụng gọi là khoang sau phúc mạc. Loại u này rất đa dạng. Khối u thường không có nguồn gốc thực sự từ các tạng sau phúc mạc (như thận, tuyến thượng thận, niệu quản…) mà chủ yếu từ các tổ chức liên kết ở xung quanh tạng như mỡ, thần kinh. Khoảng 60% u sau phúc mạc là ác tính, thường gặp ở người lớn trên 40 tuổi. U có xu hướng phát triển về phía ổ bụng nên dễ nhầm với các u trong ổ bụng. Phẫu thuật cắt triệt để u là phương pháp điều trị duy nhất để đảm bảo khỏi bệnh lâu dài.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và khám ngay khi có các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, tự sờ thấy khối bất thường vùng bụng… Không nên để muộn sẽ gây nhiều khó khăn trong việc điều trị bệnh triệt để.
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Thiếu phụ ung thư vú sống 'như con voi trên rừng'
ĐIỆN BIÊN - Mắc ung thư vú, trải qua 6 đợt truyền hóa chất và 30 mũi xạ, chị Lò Thị Trang sống khỏe như người lành, 6 tháng đi kiểm tra một lần.
Năm 20 tuổi, chị Trang kết hôn với một chàng trai cùng bản và sinh hai con, một trai một gái. Đầu năm 2014, chị khó chịu trong người, đau ở ngực chủ yếu là ở vú. Chị khám tại Bệnh viện tỉnh Điện Biên phát hiện có một khối u ở vú bên trái, chuyển tuyến đến Bệnh viện K, Hà Nội.
"Sao lại là tôi?", người phụ nữ dân tộc Thái lúc đó 28 tuổi thốt lên khi nghe bác sĩ kết luận bị ung thư vú. Thời điểm đó chị suy sụp nhiều, sau chấp nhận sự thật, tiếp nhận phác đồ điều trị.
Cuộc sống yên bình bỗng xáo trộn. Chị gửi 2 đứa con nhỏ ở nhà rồi cùng chồng xuống Hà Nội đến Bệnh viện K điều trị. Ngày mới truyền hóa chất, chị mệt nhiều, mái tóc đen dày thưa dần. Trong suốt quá trình điều trị 6 đợt chuyền hóa chất và 30 mũi xạ, cơ thể mệt mỏi song chị vẫn lạc quan, động viên chồng "em không sao hết, em còn phải nuôi các con đến khi lớn khôn mà".
Cuối năm 2014, các bác sĩ hội chẩn và đánh giá tình hình sức khỏe của chị ổn định, cho ra viện. Từ đó đến nay, chị Trang chỉ đi khám định kỳ 6 tháng một lần, không phát hiện điều gì bất thường.
"Em vẫn sống như con voi trên rừng", Trang nói.
Chị Trang sống khỏe sau 5 năm mắc ung thư vú. Ảnh: H.K
Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, chia sẻ: "'Tôi còn sống được bao lâu nữa?' là câu hỏi khó trả lời nhất cho bác sĩ chữa ung thư". Để dự đoán một người bệnh còn sống được bao lâu, bác sĩ phải xem xét kỹ lưỡng nhiều yếu tố như loại ung thư, độ ác tính, thể mô bệnh học, đặc điểm sinh học khối u, giai đoạn bệnh, các biến chứng của bệnh, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng, thể trạng người bệnh, tình trạng chức năng các cơ quan, các xét nghiệm, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và nhiều yếu tố khác.
Mỗi người bệnh là một trường hợp khác nhau. Một số bệnh nhân sống lâu hơn thời gian mà bác sĩ dự đoán, số khác lại ngắn hơn. Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân ung thư, trong đó có bệnh nhân ung thư vú sau khi điều trị theo phác đồ vẫn sống khỏe thêm mấy chục năm.
"Ung thư biết sớm trị lành", ông Thuấn nói.
Ung thư vú là một trong 10 ung thư thường gặp ở phụ nữ Việt. Ước tính cả nước có khoảng 45.000 phụ nữ đang sống chung với ung thư vú. Hơn một nửa số này được phát hiện muộn khiến hiệu quả điều trị thấp, chi phí cao. Độ tuổi mắc ung thư vú đang ngày càng trẻ, có những bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở tuổi thanh thiếu niên.
Phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Chất lượng điều trị do đó hiện được cải thiện đáng kế. Tuy nhiên, yếu tố then chốt để điều trị hiệu quả là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.
Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Giai đoạn 1-2, bệnh nhân hơn 90% có thể chữa ổn định. Ở giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi nếu phát hiện sớm là 60%. Đến giai đoạn 4 thì thường quá trình điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn.
Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao.
Đặc biệt, người bệnh nên tin tưởng và thực hiện theo phác đồ của bác sĩ, tránh bỏ lỡ "giai đoạn vàng" của việc điều trị.
Lê Nga
Theo VNE
Người 'bắt' ung thư nằm im 36 năm HÀ NỘI - Phát hiện bị ung thư tuyến giáp khi vừa tròn 20 tuổi, Dung bàng hoàng, đầu óc trống rỗng rồi tự hỏi "ung thư là gì". Khi ấy là năm 1983, Dung đi khám vì nuốt vướng, đau họng. Đến viện khám, bác sĩ chẩn đoán u lành. Thời điểm đó, nhận thức về bệnh ung thư của cô cũng...