Khởi tố hai công an dùng nhục hình
VKS tối cao xác định trong quá trình lấy lời khai, hai công an đã đánh đập nghi can, sau đó nạn nhân Nguyễn Tuấn Thanh chết. Trước đó, gia đình Thanh đã làm đơn tố giác, yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố, điều tra về cái chết của Thanh.
Ngày 24-12, Cục Điều tra VKSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố hai bị can Huỳnh Ngọc Tòng (Thiếu tá – Đội phó Đội Điều tra Công an TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) và Phạm Xuân Bình (Thiếu úy, cán bộ điều tra Công an TP Cao Lãnh) cùng về tội dùng nhục hình.
Cơ quan này cũng thực hiện lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Bình, riêng ông Tòng được cho tại ngoại điều tra.
Hai sĩ quan công an trên bị khởi tố vì liên quan đến cái chết của nghi can Nguyễn Tuấn Thanh (ngụ xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) sau một ngày đêm bị Công an TP Cao Lãnh bắt giữ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trưa 16-11-2012, Phạm Quốc Nhựt (ngụ cùng xã với Thanh) cùng Nguyễn Tuấn Thanh chạy xe từ TP Cao Lãnh về huyện Đức Huệ (tỉnh Long An). Khi Thanh và Nhựt đến gần trụ sở Công an xã Đốc Binh Kiều thì bị bốn công an viên của xã này chặn xe, kiểm tra giấy tờ.
Với lý do không có gương chiếu hậu, không có giấy phép lái xe nên Thanh và Nhựt bị đưa về trụ sở công an xã làm việc. Tại đây, có hai người xưng là cảnh sát hình sự công an TP Cao Lãnh lấy lời khai vì nghi ngờ họ có liên quan đến nhiều vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn.
Video đang HOT
Trước đó, trong một chuyên án, Công an TP Cao Lãnh bắt khẩn cấp hai đối tượng và họ khai rằng Thanh đã thực hiện ba vụ trộm xe máy trên địa bàn. Từ lời khai này nên khi phát hiện Thanh có mặt tại TP Cao Lãnh, Công an TP Cao Lãnh đã thông báo cho Công an xã Đốc Binh Kiều phối hợp chặn xe của Thanh để kiểm tra hành chính.
Đến chiều cùng ngày, Công an TP Cao Lãnh đưa Thanh và Nhựt về TP Cao Lãnh để lấy lời khai. Tại đây, Thanh và Nhựt bị giữ ở hai phòng riêng. Theo tường trình của Nhựt cho VKS tối cao, trong khoảng thời gian bị bắt giữ ở trụ sở Công an TP Cao Lãnh, Nhựt và Thanh bị đánh ngất lên ngất xuống. Đến gần trưa ngày 17-11-2012, Nhựt không nghe tiếng la hét, rên rỉ của Thanh ở phòng đối diện nữa. Đến chiều tối cùng ngày, Nhựt được thả ra, công an còn cho tiền Nhựt để đón xe về Long An. Riêng Thanh sau khi bị công an “làm việc” đến hết kêu la, trưa 17-11, công an đưa Thanh vào BV Đa khoa tỉnh Đồng Tháp cấp cứu.
Theo ghi nhận của bệnh viện, bệnh nhân đã chết trước khi đến bệnh viện. Trên người bệnh nhân có các vết bầm tím tại cổ tay, chân, đùi, ngực do tác động mạnh từ bên ngoài. “Bệnh nhân bị chấn thương phần mềm ở ngực và chi” – biên bản khám nghiệm tử thi của BV Đa khoa tỉnh Đồng Tháp ghi nhận.
Sau khi nhận xác, gia đình Thanh đã làm đơn tố giác, yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố, điều tra về cái chết của Thanh. Sau đó, cơ quan điều tra VKS tối cao có công văn yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc tử vong của Thanh để điều tra làm rõ. Đầu tháng 1-2013, Công an tỉnh Đồng Tháp đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan này.
Sau gần một năm điều tra, bước đầu, cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định: Trưa 16-11-2012, Công an TP Cao Lãnh bắt giữ Thanh vì nghi Thanh có hành vi trộm cắp. Sau khi đưa về trụ sở Công an TP Cao Lãnh, trong đêm 16-11, hai công an Tòng và Bình đã tiến hành lấy lời khai đối với Thanh.
Trong quá trình lấy lời khai, hai công an đã dùng nhục hình, gây thương tích cho nghi can Thanh. Đến 23 giờ cùng ngày, Thanh được đưa vào nhà tạm giữ. Sáng hôm sau, Thanh tiếp tục được đưa ra làm việc và đến 12 giờ trưa cùng ngày thì chết.
Hiện cơ quan điều tra VKSND Tối cao đang tiếp tục làm rõ vụ án này.
Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. (…) phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến 12 năm. Theo Điều 298 Bộ luật Hình sự
Theo PHAN THƯƠNG
PLHCM
Phó Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vụ "ăn" tiền của trẻ khuyết tật
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang kiểm tra sự việc báo chí phản ánh về tiêu cực xảy ra tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Hà Giang.
Ảnh minh họa (Ngọc Diệp)
Theo thông tin các cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian qua, từ tố cáo của công dân, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế (Công an tỉnh Hà Giang) bước đầu xác định sai phạm tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em khuyết tật, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh này.
Theo đó, trong hai năm 2012 và 2013, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em khuyết tật tỉnh Hà Giang cùng hai cán bộ thuộc cấp là Nguyễn Thị Lan Anh, cán bộ kế toán và Trịnh Thu Hương, cán bộ thủ quỹ, đã ăn bớt tiền hỗ trợ (đi lại, ăn uống) cho trẻ khuyết tật trong quá trình khám sàng lọc tại các huyện trong tỉnh, từ vài chục nghìn đến 100.000 đồng/trẻ.
Năm 2012, khi mua thiết bị, ông Phạm Ngọc Thành cùng bà Nguyễn Thị Lan Anh nâng khống giá trị các trang thiết bị y tế để chiếm hưởng số tiền 31 triệu đồng.
Cơ quan CSĐT tỉnh Hà Giang nhận định, đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản (quy định tại Điều 278, Bộ Luật hình sự), phạm tội có tổ chức với số tiền chi sai và chiếm hưởng số lượng lớn lên đến xấp xỉ 182 triệu đồng.
Vụ việc đã được cơ quan CSĐT làm rõ. Tuy nhiên ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang có văn bản đề nghị cơ quan CSĐT không khởi tố hình sự các đối tượng trên; đồng thời cũng đề nghị bàn giao hồ sơ để Sở Lao động xử lý cán bộ theo thẩm quyền.
Theo ông Thái lý giải, "việc cơ quan CSĐT không khởi tố là góp phần ổn định chính trị địa phương... Những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì đại cục, vì cái to lớn hơn..." (!?)
Những phát biểu của ông Thái khiến dư luận trong những ngày qua hết sức bất bình.
Liên quan đến vụ việc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang kiểm tra sự việc báo chí nêu, nếu đúng thì chỉ đạo cơ chức năng điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đồng thời chỉ đạo kiểm điểm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cá nhân có liên quan trong việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong quý I/2014.
Hồng Ngân
Theo Dantri
Tội danh nào sẽ không còn án tử hình? Với 9 tội danh được đề nghị "xóa" tử hình được đưa ra bởi một nhóm chuyên gia mới đây đã gây nhiều tranh cãi trong chính những người làm công tác pháp luật và cả sự quan tâm đặc biệt từ dư luận xã hội. 22 tội, vẫn còn nhiều Tại hội thảo nghiên cứu hoàn thiện Bộ luật Hình sự (BLHS)...