Khơi thông thị trường vốn để tiếp đà tăng trưởng
Với dự báo tăng trưởng GDP 2019 ước đạt 6,8%, Việt Nam tiếp tục được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là một trong không nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chững lại. Để tiếp đà tăng trưởng này, WB khuyến nghị, cần khơi thông tiềm năng thị trường vốn, tạo nền tảng cho các khu vực kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân phát triển.
Động lực tăng trưởng dài hạn đến từ khu vực kinh tế tư nhân cần nhiều cải thiện hơn.
Hai yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng cao của năm 2019 được WB chỉ ra là tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp, hộ gia đình.
Cụ thể, xuất khẩu dự kiến tăng trưởng trên 8% trong năm 2019, cao hơn gần 4 lần so với bình quân của thế giới.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn FDI cam kết gần 3 tỷ USD mỗi tháng.
Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố đóng góp ngày càng quan trọng cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu ngày một lớn mạnh và mức lương tăng lên. Đầu tư của doanh nghiệp ở khu vực tư nhân tăng ở mức 17% so với cùng kỳ.
Theo WB, triển vọng trong ngắn và trung hạn của nền kinh tế là tích cực với dự báo GDP tăng trưởng quanh mức 6,5% trong những năm tới.
Dẫu vậy, động lực tăng trưởng dài hạn đến từ sự bền vững và khỏe mạnh của khu vực kinh tế tư nhân dựa trên một môi trường kinh doanh lành mạnh và thị trường vốn phát triển dường như vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Con số khảo sát doanh nghiệp năm 2016 được tổ chức này đưa ra tại Báo cáo Điểm lại năm 2019 vừa công bố cho thấy, cùng với các vấn đề về thủ tục hành chính, cơ hội tiếp cận tài chính vẫn được coi là trở ngại lớn nhất đối với 22% doanh nghiệp được khảo sát.
Video đang HOT
“Cần tìm cách tăng cường huy động các nguồn tài chính dài hạn ở Việt Nam. Việc xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm, hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Thực trạng phát triển thiếu cân đối của thị trường vốn Việt Nam khiến doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận tín dụng dài hạn trên thực tế đã được cảnh báo lâu nay.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam ( VBMA), cho đến nay, vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp và cả nền kinh tế vẫn chủ yếu phải dựa vào nguồn tín dụng, tạo nhiều áp lực và dồn rủi ro lên hệ thống ngân hàng khi phần lớn vốn huy động là vốn ngắn hạn.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn trung – dài hạn cho đầu tư phát triển vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa thực sự phát triển, các định chế tài chính như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư chứng khoán tuy đã có cơ chế chính sách, song vẫn khó khăn trong thành lập và hoạt động.
Để giúp doanh nghiệp tăng khả năng huy động được vốn, giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng, theo VBMA, vấn đề cần sớm giải quyết hiện nay là phát triển thêm nhiều công cụ tài chính khác như các sản phẩm phái sinh, các sản phẩm quỹ…
Đánh giá về mức độ phát triển của thị trường vốn Việt Nam gần đây, báo cáo của WB cho rằng đã có sự cải thiện tích cực, nhưng quy mô và thanh khoản còn nhỏ so với Thái Lan, Malaysia và vẫn chủ yếu do một vài tổ chức lớn chi phối, bao gồm cả Chính phủ.
“Tuy thị trường cổ phiếu và trái phiếu tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể thời gian qua, nhưng giá trị vốn hóa thị trường vẫn còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Đây là sự hạn chế, nhưng cũng cho thấy tiềm năng phát triển của các thị trường này vẫn còn nhiều”, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhận định.
Các chuyên gia WB khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để khuyến khích phát hành các sản phẩm tài chính mới, cải thiện sự vận hành của thị trường nhằm đem lại nguồn tài chính dài hạn cho khu vực tư nhân.
Trên quy mô tổng thể, phát triển các thị trường vốn vận hành tốt sẽ là nền tảng bền vững cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.
Theo đó, 5 lựa chọn chính sách để đẩy mạnh sự phát triển của các thị trường vốn được WB đề xuất bao gồm: Hiện đại hóa nền tảng quy phạm pháp luật về thị trường vốn; cải thiện quản trị và công bố thông tin; mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư; phát triển các sản phẩm sáng tạo và tăng cường vai trò của Chính phủ trong phát triển các nguồn huy động tài chính dài hạn.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Nghịch lý tăng an toàn, lãi suất khó giảm
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ấn định lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, từ 2020 đến 2022, từ 40% về mức 30% nhằm để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể giảm áp lực cấp vốn đối với nền kinh tế, từ đó giảm lãi suất. Tuy nhiên, để làm được các nhà băng tăng cường huy động dài hạn để giảm chênh lệch đáo hạn huy động - cho vay, nhưng lại bị tác động không khả quan đến mặt bằng lãi suất.
NHNN liên tục điều chỉnh giảm
Đặc thù của thị trường tài chính Việt Nam lâu nay là sự mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Điều này đặt gánh nặng cung ứng vốn dài hạn lên vai các NHTM suốt nhiều năm qua. Trong khi các NH lại chủ yếu huy động vốn ngắn hạn và cho vay vốn trung, dài hạn.
Đã vậy, các NH không thể tùy ý thu hồi các khoản cho vay trước hạn, trong khi người gửi tiền lại có quyền được rút tiền gửi bất cứ lúc nào. Chênh lệch đáo hạn đầu vào, đầu ra như vậy khiến NH luôn đứng trước rủi ro rơi vào tình trạng không đủ tiền mặt để chi trả cho nhu cầu rút vốn. Để cân bằng nhu cầu tín dụng, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn liên tục được NHNN điều chỉnh.
Lệch pha giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ nên ngân hàng vẫn gánh vốn chủ yếu cho nền kinh tế, do vậy để giảm lãi suất rất khó khăn.
Cụ thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từng được áp dụng ở mức 30% trong một thời gian dài trước đây, từ năm 2009 đến 2014. Nhưng từ năm 2014, đầu ra tín dụng gặp nhiều khó khăn và nhu cầu vay vốn trung và dài hạn cao, trước kiến nghị của các NH về việc nới tỷ lệ này, tháng 2-2015 NHNN đã nới rộng lên mức 60%.
Sau đó NHNN tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ này về mức 50% trong năm 2017, 45% năm 2018 và 40% năm 2019. Và mới đây, NHNN ban hành Thông tư 22/2019, quy định các giới hạn, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm tiếp. Theo đó, từ 1-1 đến 30-9-2020 áp dụng tỷ lệ 40%; từ 1-10-2020 đến 30-9-2021 giảm còn 37%; từ 1-10-2021 đến 30-9-2022 còn 34% và từ 1-10-2022 áp dụng tỷ lệ 30%.
Theo giới chuyên gia, tỷ lệ giới hạn giảm theo lộ trình trên là cần thiết khi ngăn chặn được tình trạng nhà băng sử dụng nhiều nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Hiện nay, một phần áp lực cho vay trung và dài hạn đã được chuyển sang thị trường chứng khoán và kênh trái phiếu doanh nghiệp. Quy định trên kỳ vọng thúc đẩy việc kinh doanh bằng vốn chủ sở hữu, hoặc tìm vốn trung và dài hạn thông qua kênh trái phiếu, cổ phiếu, thay vì bằng tiền vay NH. Còn nếu các NH vẫn muốn cho vay dài hạn sẽ phải gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn để giảm chênh lệch đáo hạn về mức thấp.
Nhưng vẫn hiệu ứng ngược với lãi suất
Về lý thuyết, nếu NH được giảm áp lực cho vay trung và dài hạn sẽ nâng cao an toàn trong hoạt động, cũng như giảm căng thẳng về nguồn vốn huy động. Như vậy, lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được kéo dãn trong 3 năm cũng tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động các kỳ hạn trung và dài tại NH nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản.
Hơn nữa, Thông tư 22 còn tăng hệ số rủi ro kinh doanh và các khoản vay mua bất động sản. Theo đó, quy mô cho vay bất động sản sẽ hạn hẹp vì lãi suất cho vay lĩnh vực này sẽ tăng, giúp thị trường cân bằng hơn. Như vậy, đây là công cụ vĩ mô giúp thị trường tốt hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế Thông tư 22 sẽ tác động đến lãi vay trung và dài hạn trong vài năm tới, do các NHTM vẫn chuộng cho vay trung và dài hạn. Báo cáo tài chính 9 tháng 2019 cho thấy, hiện 13 NH có dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm hơn 50% trong cơ cấu tổng dư nợ. Điển hình là dư nợ cho vay trung và dài hạn của VIB chiếm 82,32%/tổng dư nợ. Tỷ trọng này đạt 75% tại LienVietPostBank, 68,92% tại OCB, 68% tại TPBank, 64,91% tại VPBank, 63% tại Techcombank... Điều này không khó lý giải, bởi cho vay kỳ hạn dài luôn có biên lợi nhuận cao, đóng góp lớn vào thu nhập lãi của các NH.
Việc các NH vẫn chuộng cho vay trung và dài hạn, trong khi với quy định 100 đồng vốn huy động ngắn hạn chỉ dùng 40 đồng để cho vay và sắp tới sẽ giảm dần còn 30 đồng, chắc chắn các nhà băng sẽ tiếp tục tăng cường huy động kỳ hạn dài, phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu để cơ cấu lại kỳ hạn, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ cũng như nguồn vốn để cho vay. Những loại hình huy động luôn cạnh tranh nên lãi suất cao hơn huy động thông thường và tương ứng với đầu vào, cùng với đó NH luôn giữ lãi suất cho vay ra chênh lệch 3-4% với lãi suất đầu vào để đảm bảo lợi nhuận. Do vậy, việc hạ lãi suất trong vòng xoáy huy động sẽ khó xảy ra.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng, cho đến khi kênh vốn cung cấp cho vay trung và dài hạn của Việt Nam bắt kịp thông lệ quốc tế, tức doanh nghiệp chủ yếu tìm kiếm nguồn này từ thị trường trái phiếu và cổ phiếu, NH mới có thể thực sự buông tín dụng trung và dài hạn. Còn nếu 2 công cụ tài chính này chưa phát huy hết chức năng, NH vẫn tiếp tục tìm kiếm đầu vào dài hạn để cho vay ra, tức sẽ tiếp diễn tình trạng giảm lãi suất chỉ mang tính hưởng ứng nhỏ giọt như thời gian qua. Trong khi dự báo cho thấy, đã đến lúc xây dựng được thị trường vốn hoàn hảo sẽ mất thời gian tương đối dài. Và đây là thách thức không nhỏ đối với việc giảm lãi suất.
Việc NHNN kéo dãn lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong 3 năm, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, nếu NH vẫn tìm kiếm đầu vào dài hạn để cho vay ra, việc giảm lãi suất chỉ mang tính hưởng ứng nhỏ giọt.
Đỗ Linh
Theo Saigondautu.vn
Cải cách để huy động vốn quốc tế Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chiếm 8,6% GDP so với 130% của hoạt động cho vay tín dụng. Như vậy phần lớn hoạt động tài trợ vốn đến từ ngân hàng (NH), theo đó đa số rủi ro nằm ở hệ thống NH. Vì vậy, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải phát triển thị trường vốn để có...