Khôi phục bản năng “săn mồi” của doanh nghiệp
Ý nghĩa lớn nhất của việc định nghĩa lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không chỉ cho phép nâng cao yêu cầu về quản trị, mà chính là đánh thức bản năng “săn mồi” của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sinh ra là để tìm kiếm lợi nhuận, cũng như đại bàng sinh ra là để săn mồi.
Không thể giữ nguyên
Ngày 21/10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV khai mạc tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội dành 60% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật; cho ý kiến và thảo luận về 9 dự án luật, trong đó có Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), định nghĩa lại Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là nội dung quan trọng nhất, vì liên quan đến hàng loạt vấn đề về đổi mới cơ cấu tổ chức, đổi mới quản trị, sự tham gia của cổ đông, quyền góp vốn… của DNNN.
Luật Doanh nghiệp 2014 định nghĩa “DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Nếu giữ nguyên định nghĩa này, DNNN chỉ có một chủ sở hữu là Nhà nước sẽ không nâng cao hiệu quả hoạt động trên nền tảng công nghệ hiện đại; làm kìm hãm động lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; không huy động được và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực xã hội. Dẫn đến khó bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để giữ vững vị trí then chốt và trở thành một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.
Chính vì vậy, ngày 2/10/2017, Chính phủ ra Nghị quyết 97 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm đổi mới mô hình hoạt động của DNNN và hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN, giám sát vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu
2 loại hình doanh nghiệp Nhà nước
Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo:
- Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
- Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước.
Nghị quyết số 97 của Chính phủ cũng cho thấy, các quy định về tổ chức quản trị của Luật Doanh nghiệp đối với doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối cũng cần được rà soát lại, bổ sung, sửa đổi nhằm các mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế.
Video đang HOT
Đó là những lý do căn bản để sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp 2014. Trong đó, đã định nghĩa lại DNNN. Khái niệm DNNN được sửa đổi theo hướng bao gồm cả 2 loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác
Nâng cao hiệu quả quản trị
Việc sửa đổi này cho phép nâng cao yêu cầu về quản trị đối với công ty TNHH, công ty cổ phần có sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ, tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của DNNN. Cũng từ việc sửa khái niệm DNNN này, nảy sinh nhu cầu phải sửa đổi, bổ xung vào Chương III và Chương V có nội dung về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần (mà trước đây chỉ áp dụng với doanh nghiệp tư nhân). Có thể kể:
- Sửa đổi thời hạn góp vốn điều lệ bằng máy móc, thiết bị, tài sản khi thành lập doanh nghiệp theo hướng quy định thời hạn 90 ngày phải góp đủ vốn Điều lệ không bao gồm thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính đối với máy móc, thiết bị và tài sản góp vốn để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
- Sửa đổi quy định nhằm nâng cao quyền và trách nhiệm của cổ đông. Điều 144 cho phép “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát”.
- Sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty phải được “ít nhất ba phần tư số thành viên dự họp tán thành”.
Trên thực tế, những cổ đông sở hữu lượng cổ phiếu không đáng kể thường ít quan tâm đến việc sửa đổi bổ sung điều lệ hay chuyển nhượng vốn của công ty, nên nếu chỉ cần “ba phần tư số thành viên dự họp tán thành” sẽ không đảm bảo quyền lợi của những cổ đông nắm ít cổ phiếu. Dự thảo sửa đổi yêu cầu phải triệu tập đủ “ít nhất ba phần tư số thành viên dự họp” thì mọi sự thay đổi về điều lệ, chuyển nhượng… mới được xem là hợp pháp, chính là để bảo vệ quyền lợi của số cổ đông “nhỏ” và cũng để nâng cao hiệu lực điều hành của doanh nghiệp.
- Bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn, như: Bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết; phân định phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty TNHH và công ty cổ phần với phát hành trái phiếu của công ty đại chúng; giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về loại trái phiếu, hồ sơ, trình tự, thủ tục phát hành trái phiếu đảm bảo cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người mua trái phiếu, kiểm soát rủi ro của thị trường trái phiếu.
Doanh nghiệp nhà nước theo mô hình mới, phải chịu áp lực trước những cổ đông về trách nhiệm sinh lời cho những đồng vốn của họ bỏ ra
Tinh gọn, phân cấp rõ ràng
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là một “cây gậy” pháp lý giúp cơ cấu lại DNNN theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân cấp phân quyền rõ ràng.
Nhưng điều quan trọng hơn cả, là đánh thức bản năng “săn mồi” của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sinh ra là để tìm kiếm lợi nhuận, cũng như đại bàng sinh ra là để săn mồi. Bấy lâu nay, tuy cũng là doanh nghiệp, nhưng vốn nhà nước cấp, chỉ tiêu nhà nước giao, người (đứng đầu) nhà nước sắp xếp, nên bản năng tìm kiếm lợi nhuận đã phôi pha đi ít nhiều. Tức là với DNNN, thực hiện đúng chỉ đạo của cơ quan cấp vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quan trọng hơn săn tìm lợi nhuận.
Với việc định nghĩa lại DNNN, cho phép DNNN điều hành và quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế; thay đổi cách quản lý, giám sát DNNN, giám sát vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, thì để tồn tại, DNNN buộc phải lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế làm ưu tiên hàng đầu.
Bởi một lẽ, DNNN theo mô hình mới, phải chịu áp lực trước những cổ đông về trách nhiệm sinh lời cho những đồng vốn của họ bỏ ra. Ngay cả với cổ đông nhà nước, DNNN cũng phải chịu trách nhiệm sinh lời. Nếu mức sinh lời của cổ tức không như kỳ vọng, cổ đông nhà nước cũng sẽ rút vốn để đầu tư vào DNNN khác làm ăn có lãi hơn. Trên thực tế, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã nhiều lần bán, hoặc thoái vốn tại DNNN không hiệu quả, như tháng 9 vừa qua đã đấu giá trọn lô 850.700 cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây, do làm ăn quá bết bát, dự kiến lợi nhuận trên doanh thu năm 2019 chỉ đạt 1,25% (768 triệu đồng lợi nhuận/61 tỷ đồng doanh thu).
Hương Giang
Theo tapchicongthuong.vn
Đề nghị thành lập Sở Giao dịch chứng khoán VN với 100% vốn ngân sách
Đại biểu đoàn TPHCM cho rắng, Sở GDCK Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV với 100% vốn ngân sách Nhà nước, theo hình thức mẹ-con.
Sáng 22/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và ý kiến các Đoàn ĐBQH về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (ảnh: Quochoi.vn)
Về mô hình và tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị chỉ có Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia.
Có ý kiến cho rằng, cần thể chế vào dự thảo Luật mô hình Sở giao dịch chứng khoán theo Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có 1 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán. Sửa đổi tên gọi Sở giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan.
Đây là doanh nghiệp rất đặc thù nên cần được quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia.
"Để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 42 của dự thảo Luật, theo đó Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết" - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho biết, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính hiện nay đang thực hiện theo tiến độ rất tốt với mô hình hiện tại.
Vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay lên đến hơn 5 triệu tỷ đồng, trong đó vai trò của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM đóng góp trên 85% số vốn hóa.
"Tài khoản giao dịch của Việt Nam hiện nay có hơn 2,3 triệu tài khoản, trong đó đầu tư nước ngoài chỉ có hơn 30.000 tài khoản nhưng họ đang nắm giữ khoảng 25% (tương đương 3,5 tỷ USD). Điều đó đòi hỏi chúng ta thận trọng hơn nữa về thị trường chứng khoán Việt Nam"- ông Ngân nêu ý kiến đồng thời đề nghị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong lần điều chỉnh Luật này nên xem xét có thể quy định các nội dung dựa trên Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 1/2019.
"Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV với 100% vốn ngân sách nhà nước và tổ chức theo hình thức công ty mẹ- con. Không nên quy định 50% hay trên 40%, vì đây là điều rất nguy hiểm" - ông Trần Hoàng Ngân phát biểu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. (ảnh: Quochoi.vn)
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, hiện nay đang có 2 Sở giao dịch chứng khoán với tư cách pháp nhân độc lập, hạch toán độc lập là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán TPHCM đang hoạt động rất tốt theo mô hình này.
Tuy nhiên, khi đọc dự thảo Luật, các thành viên của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM cảm thấy lo lắng. Bởi nếu ghép 2 Sở lại, tổ chức Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại Hà Nội, còn tại TPHCM chỉ đặt chi nhánh và liên kết với nhau thì sẽ phá hủy những gì đang tồn tại hiện nay đồng thời kìm hãm sự phát triển.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân tái đề nghị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam được tổ chức theo hình thức công ty TNHH MTV với 100% vốn ngân sách nhà nước, theo hình thức công ty mẹ - con. Còn những chức năng khác được Thủ tướng quy định chi tiết.
Cùng đóng góp về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) cho biết, dự thảo luật quy định thành lập Sở GDCK Việt Nam là công ty chung, ở dưới thành lập công ty con như thế nào thì do công ty mẹ quyết định chức năng, mức độ độc lập.
"Trong dự thảo luật chỉ quy định thành lập Sở GDCK Việt Nam và không quy định công ty con, công ty mẹ là phù hợp và giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết hơn" - đại biểu đoàn Hà Nội cho biết.
Đồng tình với các ý kiến đại biểu về việc thành lập mô hình Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là phù hợp với thông lệ và luật doanh nghiệp, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nên giao Thủ tướng quy định về thẩm quyền, phân công, phân cấp quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam cho các sở con.
"Không cần nói mẹ- con nữa vì theo Luật doanh nghiệp đã có mẹ-con nếu không thì dễ nhầm lần quyền và trách nhiệm của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam với 2 Sở hiện nay. Vì đây là tổ chức lại nên cần bổ sung thêm ý đó để khi triển khai không bị vướng"./.
Theo Kim Anh/VOV.VN
FTM sắp sửa tổ chức họp ĐHCĐ bất thường bàn chuyện tái cơ cấu công ty và ban lãnh đạo Đại hội lần này nóng nhất sẽ là câu chuyện nhân sự của FTM. Công ty xin ý kiến cổ đông thông qua: Miễn nhiệm chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Giang theo đơn xin từ nhiệm đã gửi về cty trong lúc...cổ phiếu của công ty rối ren nhất. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã chứng khoán...