Khởi động giải chạy mang Tết ấm cho người nghèo
Giải chạy do Ngân hàng BIDV tổ chức miễn phí từ ngày 9 đến 30/11, nhằm khích lệ tinh thần thể thao cũng như tinh thần hành động vì người nghèo trong cộng đồng.
Được tổ chức bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), giải chạy “Nụ cười BIDV – Tết ấm cho người nghèo 2020″ nhằm vận động cán bộ, khách hàng, công chúng và cộng đồng chung tay đóng góp ủng hộ tặng quà Tết cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Đây là một hoạt động nhằm phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc cũng như truyền thống thực hiện các chương trình an sinh xã hội của BIDV trong suốt nhiều năm qua.
Với thông điệp “Triệu trái tim – Chung nhịp chạy”, giải chạy là chương trình thiện nguyện mang tính nhân văn nhằm hưởng ứng tháng hành động vì người nghèo.
Giải sẽ được tổ chức online, sử dụng ứng dụng phần mềm thể thao Strava, trên nền tảng website BIDVrun.com. Người lao động trong hệ thống BIDV, khách hàng BIDV và công chúng đều có thể đăng ký tham gia theo tư cách cá nhân hoặc theo đội/nhóm, và được tự do thực hiện hoạt động đi bộ/chạy ngoài trời vào thời gian và địa điểm tùy ý.
Với mỗi km đường chạy hợp lệ người tham gia đạt được, BIDV cam kết sẽ dành từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng tương ứng cho chương trình tặng quà Tết ấm cho người nghèo năm 2020. Toàn bộ thành tích của các vận động viên đều được quy đổi thành quà tặng an sinh xã hội dành cho người nghèo do BIDV thực hiện.
Giải chạy do BIDV tổ chức mang thông điệp “Triệu trái tim – Chung nhịp chạy”.
Theo thể lệ của chương trình, các cá nhân đạt thứ hạng cao sẽ được nhận những giải thưởng như giày thể thao cao cấp, áo thể thao, túi thể thao hay túi đeo vải thân thiện môi trường. Đối với tập thể, giải thưởng là số km được tặng tương ứng với số tiền đóng góp cho người nghèo 10-50 triệu đồng/đội.
Tham gia giải, các vận động viên không chỉ xây dựng được lối sống lành mạnh cho bản thân, tạo dựng phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong cộng đồng, mà ý nghĩa hơn cả là trao đi tình yêu thương và đóng góp những món quà Tết để hàng nghìn gia đình khó khăn ở Việt Nam đón Tết ấm no, đủ đầy. Ban tổ chức dự kiến thu được 5 tỷ đồng từ giải chạy lần này.
BIDV kỳ vọng chương trình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống thực hiện an sinh xã hội “Vì người nghèo” trong hệ thống BIDV, đồng thời lan tỏa những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn trong cuộc sống.
Theo Zing
'Thằng hâm' chạy xe ôm miễn phí khắp Sài Gòn: 'Nhiều người hủy cuốc vì nghĩ tôi là kẻ lừa đảo'
Mình thấy người ta già cả hay khó khăn, bỏ ra một ít công để giúp, chẳng mong nhận lại được gì, chỉ mong tích đức cho các con sau này...
Người dân sống quanh khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy chắc có lẽ đã khá quen thuộc với chiếc xe ôm gắn theo hàng chữ đỏ 'Xe từ thiện chở học sinh, sinh viên và người tàn tật' của anh Trần Văn Quí (32 tuổi).
Không có tiền dư dả, thu nhập cũng chẳng đủ để lo chu toàn cho cuộc sống gia đình, nhưng chiếc xe từ thiện của anh Quí đã giúp đỡ biết bao mảnh đời 'cùng cực' về đến nhà miễn phí giữa một Sài Gòn xô bồ, hoa lệ.
Clip: Anh Trần Văn Quí - 'thằng hâm' chạy xe ôm miễn phí khắp Sài Gòn
Chẳng mong nhận lại được gì...
Mỗi ngày, chiếc xe của anh Trần Văn Quí lại thu hút sự chú ý của nhiều người với dòng chữ: 'Xe từ thiện chở học sinh, sinh viên và người tàn tật. 5km không thu phí'. Không khoa trương đỗ ở 'mặt tiền cổng lớn', chiếc xe của anh chỉ lẳng lặng đỗ bên vỉa hè, lề đường đầy nắng và gió bụi, nhưng đó lại là cả một niềm vui, niềm động lực với anh Quí.
Anh Quí và chiếc xe từ thiện đỗ bên đường nghĩ tạm để chờ khách
Xe từ thiện chở học sinh, sinh viên và người tàn tật.
Anh Quí sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hồng Ngự - Đồng Tháp. Vì cuộc sống ở gần biên giới, gia đình khó khăn lại đông anh em. Vì thương cha mẹ khổ cực, từ năm 16 tuổi, anh Quí đã quyết tâm cùng cha mẹ lên Sài Gòn mưu sinh.
'Mình học đến lớp 8 thì thôi học, cùng cha mẹ lên Sài Gòn kiếm sống. Lúc đó làm đủ mọi ngành nghề, cũng gặp nhiều hoàn cảnh quá khó khăn, cùng cực. Ngó lên thì mình không bằng ai, nhìn xuống thì cũng chẳng ai bằng mình. Mình đã khổ vậy, mà còn có nhiều người khổ hơn mình. Vậy mới thấy mình còn may mắn' - Anh Quí kể.
Anh Quí uống vội miếng nước bên đường trong khi chờ khách
Suốt những năm mưu sinh bằng đủ mọi ngành nghề, anh bắt đầu học việc sửa xe máy. Cũng từ đây, anh Quí lại chứng kiến thêm nhiều mảnh đời bất hạnh khác, ý tưởng chạy xe miễn phí cũng bắt đầu nung nấu trong anh.
'Có lần chứng kiến cảnh bà cụ tiếc vài đồng bạc lẻ, chịu khó lưng còng lội bộ cả cây số. Rồi nhiều khi gặp trẻ em mù, cứ vừa đi vừa mò đường,.. Thấy tội nên mình nghĩ ra ý tưởng chạy xe miễn phí cho họ. Không mong gì nhiều, chỉ mong tích đức cho con mình sau này' - Anh Quí tâm sự.
Chuyện tử tế hóa chuyện 'hâm'
Nghĩ là làm, anh Quí bắt tay vào 'chương trình' chạy xe ôm miễn phí cho học sinh, sinh viên và người tàn tật. Thời gian đầu, không có nhiều người đi vì lo sợ bị lừa gạt và chặt chém. Nhưng với tất cả sự chân thành và tình cảm của mình, dần dần, người ta cũng tin tưởng mà đi xe anh Quí.
Làm việc tốt nhưng bị trêu là 'hâm'
'Lúc đầu, nhiều người người ta ngại lắm, họ ít có đi. Sau này, người truyền miệng rằng có cái thằng này chạy miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, rồi mới có nhiều người đi hơn. Mình cũng không buồn gì, vì vốn Sài Gòn này xô bồ, khó tin tưởng ai lắm' - Anh Quí cười nói.
Từ đó, cứ mỗi sáng 7h, anh Quí lại lái chiếc xe của mình rong ruổi khắp Sài Gòn đến tận 22h đêm. Mỗi ngày, anh kiếm được khoản 300 - 400 ngàn, vừa đủ để nuôi gia đình nhỏ, vừa làm chuyện tử tế giúp người khó khăn. Đồng nghiệp thấy anh chạy từ thiện mà 'nhiệt tình' như vậy, họ phì cười và đặt cho anh cái tên là 'thằng hâm', lời ra tiếng vào trêu anh 'ăn cơm nhà lo chuyện hàng xóm'.
Anh Quí luôn bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu
'Mình không dám đỗ ở mấy cổng lớn, tổ xe ôm truyền thống họ không đuổi đánh mình. Nhưng họ lời ra tiếng vào, gọi mình là 'thằng hâm' làm mình cũng mệt tai thêm. Nên mình thường đỗ ở bên đường, để tránh họ bàn tán. Vốn dĩ mình đi làm kiếm tiền, vừa làm từ thiện, chứ đâu phải đi nghe miệng đời' - Anh Quí chia sẻ.
Bị hủy chuyến là chuyện thường
Sợ nhiều người tàn tật, khó khăn không nhận biết được mình chạy xe miễn phí. Anh Quí bèn lắp hai tấm biển một trước, một sau đuôi xe ghi rõ chạy từ thiện để họ dễ... nhận diện.
Nhưng cũng vì hai tấm biển này, anh lại bị khách hàng hủy chuyến rất nhiều. 'Có lần, mình đón một khách ở một trường đại học, họ thấy mình để biển chạy từ thiện, rồi họ hủy luôn không đi. Lần khác thì vừa đến chỗ đón khách, gọi điện mô tả xe cho họ nhận diện, thì họ hủy luôn chuyến đó' - Anh Quí kể lại.
Anh Quí luôn thông báo trước cho khách hàng là mình chạy từ thiện...
Cũng không vì thế mà anh Quí nản lòng, với anh, cứ làm viết tốt đi, rồi sau này người ta sẽ tốt với mình lại, không thì tích đức cho con. 'Có thể là họ chưa hiểu mình hay ngại gì đó. Nhưng mình tin sau này họ hiểu, họ sẽ quay lại ủng hộ mình thôi, không thì mình cũng không buôn gì. Vì làm việc tốt mà'.
Tấm biển làm việc tốt lại gây khó khăn cho công việc của anh.
Anh Quí chia sẻ thêm, vài tháng gần đây, anh thường đỗ xe gần Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình,... để tìm những người thật sự cần những chuyến xe miễn phí. 'Ở Chợ Rẫy còn ít, nhưng ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thì nhiều lắm. Có người đi không được, run tay run chân. Thấy mình họ mừng họ ôm cứng ngắc. Mừng lắm!...'
Hình ảnh đẹp của anh Quí khắp các con đường ở Sài Gòn đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo thành viên mạng. Ảnh chụp màn hình.
Giữa thành phố náo nhiệt, nơi đâu cũng sợ bị lừa gạt, chiếc xe từ thiện của anh Quí đã âm thầm đưa biết bao người có hoàn cảnh khó khăn về đến nơi, đến chốn an toàn với giá không đồng.
Cuộc sống không hề dư dả, nhưng với anh, còn hơn cả tiền đó chính là nguồn động lực từ hai cậu con trai song sinh và người vợ hết hình ủng hộ mình làm việc thiện. 'Tui mong các con tui sau này khôn lớn, sẽ tự hào về người cha của nó và cũng sẽ làm việc tốt giúp người...'
Hai cậu con trai kháu khỉnh của anh Quí. Ảnh chụp màn hình.
Tấn Lợi
Theo baodatviet
Hỗ trợ hơn 100 triệu đồng học bổng cho học sinh khó khăn Ngày 30-10, Chương trình "Tiếp bước Ước mơ" do Trung tâm Văn hóa thông tin - thể thao huyện Định Quán và Hội Khuyến học huyện thực hiện, đã tổ chức Lễ trao học bổng cho 2 anh em Trần Tấn Gia Bảo và Trần Nguyễn Hoàng Như, học sinh lớp 10A5 - trường THPT Phú Ngọc (người dân tộc Nùng), hiện ngụ...