Khởi động dự án đặc biệt có tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại
Dự án Kinh điển Phương Đông có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng.
Dự án này góp phần thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Ngày 20/4, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Dịch thuật và Phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có gần 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, các viện nghiên cứu, đại diện Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo một số tỉnh thành; các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, coi đây là “quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng” để phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc, do đó, cần ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ.
Khi nói về khoa học và công nghệ, mọi người, nhất là giới trẻ thường nghĩ đến máy tính, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo,… Tuy nhiên khoa học xã hội và nhân văn, khoa học chính trị, quản lý,… cũng có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Dẫn câu nói của người xưa “một người hay lo bằng kho người hay làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, việc làm ra của cải vật chất là rất quan trọng, nhưng xét cho cùng, làm ra của cải vật chất phải hướng tới làm cho cuộc sống của mỗi người hạnh phúc hơn, xã hội tốt đẹp hơn.
Chính vì thế, Chính phủ đã và đang chỉ đạo 5 chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc đặc biệt cấp quốc gia, bao gồm: Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử); Bách khoa Toàn thư Việt Nam; Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí); Dự án Dịch thuật và Phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển Phương Đông (còn gọi là Dự án Kinh điển Phương Đông) và Hệ tri thức Việt số hóa. Đây là những dự án mang tầm vóc quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho hôm nay và mai sau.
Phó Thủ tướng chúc mừng các thành viên Ban Chủ nhiệm kiêm Hội đồng Biên tập dự án. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Các tác phẩm Kinh điển Phương Đông được du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu Công nguyên và không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Những tác phẩm kinh điển này là kết tinh trí tuệ, triết lý nhân sinh cao sâu của các nhà tư tưởng, văn hóa kiệt suất của nhân loại, phản ánh lịch sử, xã hội và con người Phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Video đang HOT
Đặc biệt, sau khi được du nhập vào nước ta, các tác phẩm kinh điển phương Đông đã được dung thông, chuyển hóa, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, góp phần tạo lập nên hồn cốt dân tộc, nền tảng tư tưởng và văn hóa của con người Việt Nam. Trong đó, có những di sản đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Dự án Kinh điển Phương Đông là dự án có ý nghĩa đặc biệt, bởi khi thực hiện nó sẽ phát huy được các giá trị tinh hoa văn hóa, qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phục vụ công cuộc phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Khẳng định, dự án này không chỉ có ý nghĩa về khoa học, văn hóa,.. mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy các giá trị tốt đẹp Việt Nam, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa với các nước, Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các cá nhân tham gia dự án cần thực hiện tốt việc dịch, chú giải để đưa tri thức đến với công chúng một cách thỏa đáng; không chỉ dịch các tác phẩm từ Việt Nam mà còn dịch các tác phẩm đến từ các quốc gia khác; bảo đảm các tác phẩm được biên soạn và phục vụ cho các đối tượng nghiên cứu, mang tính hàn lâm, vừa đáp ứng nhu cầu phổ quát của đông đảo người đọc.
Hội đồng Cố vấn dự án ra mắt. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng chia sẻ thêm, trong 5 dự án đang được Chính phủ chỉ đạo có 3 dự án được ngân sách nhà nước đầu tư; còn lại 2 dự án (Kinh điển Phương Đông; Hệ tri thức Việt số hóa) Nhà nước không đầu tư mà sử dụng nguồn tài chính từ xã hội hóa.
Theo Phó Thủ tướng, thực hiện xã hội hóa, không phải là vì Chính phủ không có tiền, mà là vì Chính phủ mong muốn đây là dự án chung của tất cả những người yêu mến Việt Nam ở trong và ngoài nước, cùng đóng góp tâm sức, tấm lòng để tạo ra một di sản lớn dùng chung cho con mọi người, qua đó, Phó Thủ tướng hoan nghênh sự vào cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các doanh nghiệp, các nhà khoa học; đồng thời cảm ơn lãnh đạo ĐHQGHN đã “bắt cóc” ông vào Hội đồng Cố vấn dự án và cho biết, ông sẽ cùng mọi người chung tay, góp sức thực hiện thành công dự án này và cùng với các dự án trước đó, chúng ta sẽ có hệ thống các tác phẩm quý phục vụ cho hôm nay và để lại cho muôn đời sau.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh VGP/Nhật Bắc
* Được biết, cả 5 chương trình, dự án khoa học và công nghệ Chính phủ đang chỉ đạo đều có sự tham gia tích cực và cơ bản của đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQGHN. Trong đó, ĐHQGHN chủ trì hai dự án lớn là Địa chí Quốc gia Việt Nam và Dự án Kinh điển Phương Đông.
Theo ĐHQGHN, Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo là ba dòng tư tưởng – tôn giáo lớn trong văn hóa Phương Đông. Trải qua hàng ngàn năm, nhiều tác phẩm Phật, Nho, Đạo đã khẳng định được sức sống trường tồn qua thời gian và không gian, thường xuyên được tái thông diễn, được giải thích lại để đem đến những giá trị mới cho từng thời đại, từng quốc gia, từng khu vực, thậm chí là cho cả thế giới. Trong tiến trình phát triển lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của tam giáo, song cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một bộ Đại tạng Kinh Phật giáo hay một bộ Kinh điển Nho gia và Đạo gia nào được dịch thuật đầy đủ. Các tác phẩm điển tịch của các nhà tu hành Việt Nam viết cũng chưa được tập hợp, dịch và giới thiệu đầy đủ. Từ thực tiễn đó, ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ giao thẩm định, phê duyệt, chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ: Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển Phương Đông. Đây là dự án có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn, có giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng.
Với tầm vóc lớn lao của nhiệm vụ dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển Phương Đông, ĐHQGHN đã giao Viện Trần Nhân Tông, một cơ sở nghiên cứu mang tính học thuật cao và là đơn vị thành viên của ĐHQGHN do Thủ tướng ký quyết định thành lập, để triển khai dự án.
Dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước mà sẽ huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hằng năm, dự án sẽ lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thành phần, phù hợp với nguồn ngân sách được huy động./.
Trần Mạnh
Theo baochinhphu
Người họ Triệu nối đời làm thủ từ trên núi thiêng
Đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với Đền Thượng, Đền Giếng - nơi linh thiêng bậc nhất trong di tích lịch sử Đền Hùng, bao đời nay được người của dòng họ Triệu ở xã Hy Cương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trông nom, chăm sóc.
Ít ai biết rằng, cả khi chưa có cuộc thi, hay đã có cuộc thi ông Từ "có một không hai", thì dòng họ này vẫn luôn giữ thế "độc tôn"...
Theo bà Phạm Thị Hoàng Oanh - Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, để có Đền Hùng hôm nay, không thể không nhắc đến những người dân bản xứ ở xã Hy Cương (TP.Việt Trì) và một phần của thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) đã cùng nhau xây dựng, sửa chữa, trông nom Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Trung và Đền Hạ.
Cuộc thi đặc biệt
Một cụ Từ ở Đền Hùng. Ảnh: Hùng Ngô
"Từ năm 1997 đến nay, dòng họ Triệu đã có 17 cụ trúng tuyển thi cụ Từ, trông nom tại Đền Thượng và Đền Giếng. Đây là dòng họ có nhiều người trúng tuyển cụ Từ trên Đền Hùng nhiều nhất. Đây không chỉ là niềm vinh dự cho bản thân các cụ Từ, gia đình mà là của cả dòng họ, xóm làng".
Ông Triệu Văn Tiến
"Vài chục năm trước, khi được Nhà nước quan tâm đầu tư tôn tạo, Đền Hùng - nơi gắn liền với các vị Vua Hùng có công dựng nước - được người dân trong và ngoài nước biết đến và tới đây chiêm bái. Để việc trông nom di tích cẩn thận, cũng như làm cầu nối với nhân dân khi đến với Đền Hùng, năm 1997, cuộc thi cụ Từ hết sức đặc biệt đã ra diễn ra. Cho đến nay, sau hơn 20 năm, hàng năm cuộc thi vẫn diễn ra nhằm lựa chọn ra cụ Từ phục vụ trong các đền" - bà Oanh cho biết.
Cuộc thi tuyển cụ Từ được xem là "có một không hai" nhằm chọn ra người có đủ tài đức, sức khỏe tốt, lý lịch "sạch", hiểu về lịch sử, nắm rõ các văn bản pháp quy liên quan đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, kiến trúc các đền chùa, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... để chăm lo hương khói, phụng thờ thái miếu tổ tiên.
"Việc thi tuyển cụ Từ được coi là một trong những việc quan trọng nhất trong năm. Các cụ Từ được tuyển chọn không chỉ chăm lo hương khói trong các đền chùa mà còn phải có tư chất đạo đức tốt, ngoại hình ưa nhìn, khỏe mạnh, đặc biệt là phải hiểu rõ về lịch sử Đền Hùng, thuộc lòng các bài văn khấn để quảng bá cho du khách trong và ngoài nước hiểu về lịch sử, văn hóa mà các Vua Hùng để lại. Chính vì vậy, việc thi tuyển được thực hiện hết sức nghiêm túc, nghiêm ngặt, với sự hỗ trợ của cả lực lượng công an tỉnh" - ông Nguyễn Duy Anh - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chia sẻ.
Việc tuyển chọn cụ Từ theo thông lệ phải trải qua 4 bước nghiêm ngặt từ tuyển chọn, bình xét của khu, trưởng khu, bí thư chi bộ, các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Sau khi các khu bình xét xong sẽ chuyển hồ sơ lên xã Hy Cương (TP.Việt Trì) hoặc thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) sàng lọc lại. Tiếp đến, UBND xã Hy Cương và thị trấn Hùng Sơn sẽ chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh Phú Thọ để xác minh lý lịch của các "thí sinh".
"Theo quy chế thi tuyển, cụ Từ phải đạt được các tiêu chuẩn cơ bản như gia đình văn hóa, con cháu đủ đầy, gia đình chấp hành tốt quy định của địa phương, đặc biệt trong nhiều năm không có ai trong gia đình vi phạm pháp luật" - ông Nguyễn Duy Anh cho biết thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Anh, sau khi Công an tỉnh Phú Thọ điều tra xác minh lý lịch xong sẽ gửi xác nhận về Khu di tích lịch sử Đền Hùng để tổ chức cuộc thi tuyển chọn cụ Từ.
Niềm tự hào của gia đình, dòng họ...
Theo cụ Từ Triệu Chí Thanh (63 tuổi), trú tại khu 7, xã Hy Cương: "Trước yêu cầu nghiêm ngặt của cuộc thi, các cụ Từ thường phải thức khuya, dậy sớm, ôn tập trong nhiều tháng trời. Nội dung ôn thi xoay quanh các văn bản pháp quy của Nhà nước và tỉnh Phú Thọ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các quy tắc bảo tồn khu di tích, lịch sử kiến trúc các đền chùa trong khu di tích, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Rồi phải nắm được hết các bức hoành phi, câu đối, bài vị, những bài cúng tại các đền, chùa trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Dù vất vả, nhưng ai cũng cố gắng ôn luyện để được trở thành cụ Từ trông nom, chăm sóc hương khói cho các đền, chùa trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng vì đây là niềm vinh dự không chỉ cho bản thân, gia đình, dòng họ của cụ Từ mà cả xóm, làng".
Theo tìm hiểu được biết, đối với cuộc thi ông Từ, tại Đền Thượng, Đền Giếng sẽ lựa chọn người tại xã Hy Cương, mà tại xã Hy Cương hiện nay chỉ có 3 dòng họ "cổ" là họ Triệu, họ Hoàng và Đào được tham gia. Còn lại, trong thị trấn Hùng Sơn thì chỉ có người làng Trẹo và làng Cống Vị mới tham gia làm trụ trì tại chùa Trung và chùa Hạ...
"Theo thống kê sơ bộ, từ năm 1997 đến nay, dòng họ Triệu đã có 17 cụ trúng tuyển thi cụ Từ, trông nom tại Đền Thượng và Đền Giếng. Đây là dòng họ có nhiều người trúng tuyển cụ Từ trên Đền Hùng nhiều nhất. Đây không chỉ là niềm vinh dự cho bản thân các cụ Từ, gia đình mà là của cả dòng họ, xóm làng" - ông Triệu Văn Tiến - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hy Cương chia sẻ.
Cũng theo ông Tiến, các cụ Từ được trúng tuyển không chỉ cảm thấy vinh dự, thoải mái, sung sướng khi được trông nom các đền của Đền Hùng, mà còn thể hiện đó là gia đình có văn hóa, đầy đủ cả 2 vợ chồng, con cháu ngoan ngoãn không vi phạm pháp luật và nhà không có "bụi".
"Bố tôi là một trong những người đầu tiên trúng tuyển cuộc thi Từ, đối với tôi và gia đình, đó là niềm vinh dự lớn lao và bố là người để chúng tôi noi theo về chuẩn mực sống. Ngoài ra, khi bố trúng tuyển cụ Từ, anh chị em trong gia đình càng phải tự giác hơn trong việc giữ gìn hình ảnh, sống hòa đồng với dân làng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật" - ông Triệu Hồng Nguyên - con trai của cụ Từ Triệu Khí Hùng chia sẻ.
Theo Danviet
Cuộc chiến bảo vệ biên giới: Vì sao Việt Nam không tổng phản công? "Xem xét một cách khách quan, cuộc tấn công biên giới phía Bắc nước ta mà nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động năm 1979 không khác gì những cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang mà Việt Nam từng phải chống trả để gìn giữ độc lập và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong suốt lịch sử hàng nghìn năm",...