Khởi động cao tốc gần 30.000 tỷ ở Đà Nẵng
Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất có tổng chiều dài hơn 140 km được đầu tư 27.968 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và ngay đầu năm 2014 đã khởi động xây dựng đoạn đầu tiên.
Đoạn cao tốc đầu tiên trên tuyến đường chiến lược phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên vừa được khởi công dài 8km, bắt đầu từ điểm tiếp giáp QL 14B tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng với tổng nguồn vốn hơn 2.100 tỷ đồng.
Nhà thầu chính xây dựng được Bộ GTVT phê duyệt là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) và Cienco 1.
Mô hình tuyến cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất.
Tổng mức đầu tư toàn Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là 27.968 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của JICA, WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Video đang HOT
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với vận tốc thiết kế đạt 120 km/h. Quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp; chiều rộng nền đường 26m, mặt đường 24,5 m.
Dự án có 27 cầu lớn, 11 cầu trung bình và 64 cầu nhỏ, 1 đường hầm với chiều dài 540m. Tuyến đường này dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, công tác giải phòng mặt bằng của tuyến cao tốc qua địa bàn đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư ngay đầu năm 2014.
“Chúng tôi kỳ vọng tuyến cao tốc sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng để giảm áp lực cho tuyến quốc lộ 1A hiện đang được đầu tư nâng cấp 6 làn xe kết nối với Đà Nẵng” – ông Thu nói.
Theo Vietnamnet
Thủy điện xả lũ, gây thiệt hại cho dân: Chính quyền chỉ "đề nghị" xem xét, hỗ trợ...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Đinh Văn Thu - vừa ký công văn (số 6462) gửi Tổng Cty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) - chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 - "xin" hỗ trợ cho một số hộ dân ở huyện Phước Sơn có nhà bị sạt lở trong trận xả lũ của Đăk Mi 4 từ ngày 14-15.11. Động thái này của chính quyền được xem là quá "mềm" đối với các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn...
Lũ ở hạ du Quảng Nam ngày càng khốc liệt hơn, thiệt hại nặng hơn sau khi có thủy điện. Ảnh: Thanh Hải
"Đề nghị" thủy điện xem xét
Trong CV này, chính quyền tỉnh Quảng Nam nêu rõ: "Từ tối ngày 14.11.2013 đến hết ngày 15.11.2013, để đảm bảo an toàn cho hồ, đập, BQL dự án NM thủy điện Đăk Mi 4 đã xả tràn về vùng hạ lưu (xã Phước Hiệp) có lúc lên đến 714m3/s và cộng với lượng mưa trên diện rộng đã gây sạt lở nghiêm trọng vùng hạ lưu thủy điện Đăk Mi 4, nhất là xã Phước Hiệp. 13 nhà bị sạt lở, trong đó có 9 nhà bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, còn gây ngập úng cho 30 nhà và sạt lở đất nhà, đất vườn của 4 hộ dân...".
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị IDICO giải quyết hỗ trợ kinh phí cho 25 hộ tại khu tái định cư thủy điện Đăk Mi 4A (xã Phước Xuân) sửa chữa lại nhà cửa; hỗ trợ kinh phí làm đường vào khu sản xuất cho nhân dân thôn tái định cư thủy điện Đăk Mi 4A. Đối với 13 hộ dân ở xã Phước Hiệp (nơi bị thủy điện xả lũ trực tiếp gây hại ngày 15.11), đề nghị IDICO... xem xét xây dựng khoảng 150m kè, hoặc giải quyết kinh phí để di dời đến nơi ở mới.
Ngay sau khi văn bản này phát hành, người dân cho rằng chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có động thái quá "rụt rè" trước thủy điện. Đặc biệt, đối với Đăk Mi 4 - thủy điện đã cắt hẳn dòng sông Đăk Mi - một nguồn nước chính của sông Vu Gia, đổ nước về Thu Bồn để tận dụng độ chênh lệch cao, phát điện, gây hạn hán nặng mỗi mùa khô cho hạ du với 1,7 triệu dân Quảng Nam và Đà Nẵng. Mùa mưa, Đăk Mi lại xả lũ về dòng cũ, gây hại nặng nề hơn cho hạ du thuộc lưu vực Vu Gia.
Cần làm rõ trách nhiệm của thủy điện
Ông Đặng Công Thịnh (ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) bức xúc: "Bao đời nay, dân sống chung với lũ, nhìn mưa là biết mực nước lũ. Lũ bây giờ thất thường, "hỗn" và trái quy luật hoàn toàn, rõ ràng là do thủy điện".
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập cho rằng, không thể nói thủy điện vô can trong các trận lũ lớn tại Quảng Nam hiện nay được. Ngoài việc tích, xả lũ, thủy điện đã gián tiếp làm gia tăng sự khốc liệt của lũ. Thủy điện phá rừng xây công trình, làm đường, xây tái định cư, cấp đất sản xuất mới cho dân, gây ngập lòng hồ...
Từ đó, gia tăng tốc độ truyền lũ về xuôi mà dân gọi là lũ quét. Với hạ du, khó chứng minh, phân định được thiệt hại do lũ thủy điện và lũ thiên nhiên. Nhưng trường hợp nhà dân bị sạt lở ngay sau chân đập, bị ảnh hưởng trong trận xả lũ cụ thể thì phải buộc bồi thường. Không thể "nhẹ tay" được.
Còn ông Ngô Văn Minh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - cho rằng, chính quyền cần xác định rõ nguyên nhân gây sạt lở, hư hỏng nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân trước khi làm một văn bản hành chính như vậy.
Nếu xác định được nguyên nhân do thủy điện xả lũ, thì không thể chỉ đề nghị xem xét mà phải là buộc phải bồi thường, thậm chí là khởi kiện ra tòa nếu không đạt được thỏa thuận. Trường hợp chưa xác định rõ ràng được lỗi của thủy điện thì nhất thiết phải có cuộc đối thoại giữa dân và thủy điện, dưới sự giám sát, làm trọng tài của chính quyền.
Làm vậy thì mới thực sự là có trách nhiệm với dân. Đồng thời, chính quyền phải cương quyết tìm giải pháp để di dời dân đến nơi ở mới, tránh tái diễn thiệt hại tương tự cho trận lũ sau này. Đảm bảo nơi ở mới, tối thiểu phải bằng và hơn nơi ở cũ.
Theo Loadong
Ngư dân 'ngán' đưa tàu thuyền vào khu tránh trú bão Hai khu neo đậu tàu thuyền lớn ở Quảng Nam vừa được chính quyền địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ kinh phí duy tu bảo dưỡng hằng năm, trong đó có nơi bị ngư dân "né tránh" từ lâu vì sợ tàu thuyền bị va đập, hư hỏng. Khu neo đậu An Hòa (Núi Thành) đang...