Khơi dậy ý chí thoát nghèo ở vùng nông thôn miền núi – Bài 1: Bản người Dao đổi mới
Giảm nghèo cho người nghèo là chủ trương lớn, xuyên suốt và có ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, luôn được Đảng và Nhà nước chăm lo.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phương châm hành động quyết liệt của Chính phủ trong công tác giảm nghèo, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, đảm bảo tiến bộ, công bằng, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước.
Giờ thực hành môn Hóa Học của các em học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ (Ảnh chụp tháng 11/2020). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.
Từ đỉnh núi Èn Choong nhìn vào bản Sinh Tàn, những ngôi nhà mới xây lấp ló ẩn hiện sau những vạt rừng nguyên liệu giấy xanh tốt như minh chứng cho ước vọng đổi thay của đồng bào bản người Dao và chứng minh cho ý nghĩa của con đường “ý Đảng, lòng dân”.
Thời gian qua cùng với cả nước, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã có nhiều nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Những năm đầu của thế kỷ 20, bản Sinh Tàn của xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) là bản đặc biệt khó khăn. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 4 km, nhưng phải mất cả giờ đồng hồ đi xe máy mới ra tới trung tâm xã, do đường đất cheo leo bên sườn núi, lầy lội và nhỏ hẹp. Ước mơ bao đời của bản Dao Sinh Tàn là có một con đường để có cơ hội phát triển, đổi đời.
Thế nhưng, nhờ có các chương trình nông thôn mới và phát triển giao thông miền núi, đến nay bản đồng bào Dao nơi đây giờ đã thay đổi. Đường bê tông đã vào tận bản. Từ việc đổi mới của bản mà người dân ở Sinh Tàn đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhiều cách làm mới, cách nghĩ mới đã “kéo” Sinh Tàn gần hơn với bên ngoài, khẳng định sức sống và nội lực mới của người dân từ ý chí thoát nghèo và những đầu tàu gương mẫu là các cán bộ, đảng viên nơi đây…
Ông Đinh Văn Xam, người dân bản Sinh Tàn chia sẻ, sau khi con đường nối liền bản với trung tâm xã được hoàn thành, gia đình mạnh dạn đầu tư, mua lại xe tải cũ làm dịch vụ vận chuyển tại địa phương và các vùng lân cận. Nhờ đó, kinh tế gia đình ổn định, có của ăn, của để và xây nhà cao tầng trị giá hơn 800 triệu đồng từ năm 2017…
Video đang HOT
Chia tay bản Sinh Tàn, chúng tôi tìm về khu Hạ Bằng, một trong 12 khu dân cư của xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, nhưng là bản xa nhất, cách trung tâm xã gần chục cây số. Hơn 40 năm hạ sơn lập bản, trải qua bao khó khăn, vất vả, người Dao sống rải rác bên những dãy núi cao, nhiều đời leo lét như ánh đèn dầu, nay đã nên bản thành làng, ấm áp quây quần dựng xây đời sống mới. Bản xa nay đã bừng lên một sức sống mới, sức sống mang đậm dấu ấn, sự nỗ lực của người dân, đồng thời khẳng định sự thẩm thấu của những Nghị quyết, chủ trương phát triển kinh tế- xã hội đã và đang “bám rễ” đất này.
Bí thư Đảng ủy xã Kim Thượng Phùng Văn Cửu cho biết, Hạ Bằng có 103 hộ người Dao và là một bản khá phát triển. Theo đánh giá thì các bản của Kim Thượng như Tân Minh, Hạ Bằng, Tân Hồi… đều có bước phát triển khá trong những năm gần đây với nhiều đổi thay rõ nét. Do biết làm kinh tế, mở rộng diện tích lúa nước, trồng rừng, phát triển sản xuất, nên các bản cơ bản không còn hộ đói, hộ khá giả tăng dần lên. Bên cạnh đó, người dân còn tranh thủ nông nhàn, đi làm thêm tăng thu nhập nên nhiều hộ có nguồn thu để đầu tư phát triển kinh tế.
Anh Bàn Văn Cương, Trưởng khu Hạ Bằng cho biết, bản vẫn còn hơn 40 hộ nghèo, nhưng con số này cũng giảm nhiều theo từng năm, những hộ kinh tế khá ở bản chủ yếu từ làm đồi rừng như Triệu Văn An, Đặng Văn Dũng, Đặng Văn Sinh, Đặng Văn Hồng… Những hộ này trung bình có 5-10 ha rừng bồ đề, keo, mỡ… Bây giờ, cây bồ đề đến chu kỳ khai thác được bán với giá từ 60-70 triệu đồng/ha. Đổi thay lớn nhất trong suy nghĩ của bà con là biết làm kinh tế, cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
Ngoài trồng rừng, nhân dân còn chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, vịt suối… Hạ Bằng cũng là khu có nhiều ruộng nhất xã, nhân dân trồng lúa Thiên Ưu, Sơn Lâm, 838… có năng suất cao nên giờ bản không có hộ đói, đứt bữa khi giáp hạt.
Năm năm trước đây, sau nhiều năm trăn trở với câu chuyện thoát nghèo cho bản người Dao Đá Cạn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, Đảng ủy xã đã bàn bạc, thống nhất có một Nghị quyết chuyên đề dành riêng cho nơi này, với mong muốn bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đá Cạn sẽ sớm vươn lên.
Bí thư Đảng ủy xã Hương Cần, Đinh Quang Vận nhớ lại: Năm 2016, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết trên tinh thần “cầm tay chỉ việc” để hỗ trợ bản người Dao Đá Cạn thoát nghèo. Những việc làm cụ thể được đồng loạt triển khai gắn với nhiệm vụ của từng cán bộ, đoàn thể xã, cùng tìm hướng giúp Đá Cạn thoát nghèo. Cán bộ cùng ăn, cùng ở, bàn với chi bộ, đảng viên, đồng thời “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ con giống, cây rau màu, thậm chí cán bộ còn làm mẫu cách đánh luống, trồng rau, nuôi trồng con giống… rất cụ thể, để bà con thay đổi nhận thức và làm theo… Nhờ triển khai kịp thời “Nghị quyết thoát nghèo”, nhiều người dân ở Đá Cán đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hương Cần Đinh Quang Vận, thời gian tới để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, các cấp chính quyền xã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là thế mạnh đồi rừng; tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, xã tập trung phát triển cây chuối phấn đặc sản và chăn nuôi trâu, bò, dê; đồng thời phát triển các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường nhận thức của nhân dân, khai thông được tư tưởng trông chờ ỷ lại của số đông người dân. Bên cạnh đó, xã tạo nguồn phát triển Đảng để xây dựng chi bộ mạnh về tư tưởng chính trị, đông về số lượng làm đầu tàu “kéo” bản Dao đi lên…
Theo đánh giá, dù công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng chưa thực sự bền vững, không đồng đều và tỷ lệ tái nghèo còn cao. Cụ thể vùng miền núi Tây Bắc, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 là 17,3% cao nhất trong cả nước. Những nghiên cứu sâu và thực tế cũng chỉ ra rằng tốc độ giảm nghèo, mặt bằng giáo dục và trình độ dân trí, mức độ thụ hưởng dịch vụ y tế, giáo dục của đồng bào thiểu số miền núi là rất thấp so với mặt bằng chung. Kết quả này một mặt xuất phát từ điều kiện tự nhiên, xã hội không thuận lợi, phong tục tập quán văn hóa khác nhau… Mặt khác nó cũng xuất phát từ định hướng xây dựng và quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần có chiến lược cụ thể.
Bài 2: Đi tìm nguyên nhân dẫn đến tái nghèo
Đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần giúp người nghèo cần câu hơn là con cá, xây dựng căn nhà hỗ trợ nhưng quan trọng hơn là hướng dẫn sản xuất.
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất, chiều 23-7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho hay chương trình có tổng nguồn vốn 75.000 tỉ đồng, gồm 6 dự án: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, phát triển mô hình giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm, truyền thông và nâng cao năng lực giám sát...
Trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, phải giảm tỉ lệ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh.
Do vậy, chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững...
Tuy nhiên, bà Thúy Anh cho rằng một số dự án, tiểu dự án được xây dựng trong chương trình có sự trùng lặp về nội dung thực hiện tại cùng địa bàn nông thôn do chưa làm rõ chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đầu tư.
Việc tách bạch chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo có thể dẫn tới một số nội dung đầu tư manh mún, nhỏ giọt, không đảm bảo tính bền vững, kém hiệu quả.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là khó khả thi, đề nghị điều chỉnh mục tiêu xuống còn 40%.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trương Xuân Cừ, phó chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, cho rằng quan trọng nhất là tạo sinh kế cho người dân, nhưng làm sao để đào tạo bồi dưỡng con người để có được sinh kế là vấn đề lớn. Đơn cử như việc đào tạo công nhân xuất khẩu lao động, mặc dù rất quyết tâm nhưng không đơn giản.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần giúp người nghèo cần câu hơn là con cá, xây dựng căn nhà hỗ trợ nhưng quan trọng hơn là hướng dẫn sản xuất. Vì vậy, cần tập trung hướng dẫn người nghèo sản xuất, kinh doanh làm ăn, nâng cao trình độ học vấn.
"Nghèo chính là ở chỗ học vấn thấp. Tôi nói, nông thôn gia đình nghèo nhưng người ta tập trung lo cho con tốt nghiệp cấp III là thoát nghèo. Nâng cao dân trí, trình độ học vấn chính là mấu chốt của thoát nghèo" - ông Mẫn nhấn mạnh.
Công bố tổng thư ký, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội khóa XV
Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã trao các nghị quyết của Quốc hội đối với chức danh tổng thư ký Quốc hội; chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và tổng Kiểm toán Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao nghị quyết của Quốc hội đối với chức danh tổng thư ký Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và tổng Kiểm toán Nhà nước - Ảnh: TTXVN
Theo đó, các chức danh thuộc cơ cấu của Quốc hội khóa XV gồm: Tổng thư ký Quốc hội: ông Bùi Văn Cường; Hội đồng Dân tộc: chủ tịch là ông Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy ban Pháp luật: chủ nhiệm là ông Hoàng Thanh Tùng; Ủy ban Tư pháp: chủ nhiệm là bà Lê Thị Nga; Ủy ban Kinh tế: chủ nhiệm là ông Vũ Hồng Thanh; Ủy ban Tài chính - ngân sách: chủ nhiệm là ông Nguyễn Phú Cường; Ủy ban Quốc phòng và an ninh: chủ nhiệm là thiếu tướng Lê Tấn Tới; Ủy ban Văn hóa, giáo dục: chủ nhiệm là ông Nguyễn Đắc Vinh; Ủy ban Xã hội: chủ nhiệm là bà Nguyễn Thúy Anh; Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường: chủ nhiệm là ông Lê Quang Huy; Ủy ban Đối ngoại: chủ nhiệm là ông Vũ Hải Hà; Tổng Kiểm toán Nhà nước là ông Trần Sỹ Thanh; Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: trưởng ban là bà Nguyễn Thị Thanh và Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: trưởng ban là ông Dương Thanh Bình.
Huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 05-CT/TƯ (ngày 23-6-2021) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Chỉ thị không chỉ nêu rõ những hạn chế cần khắc phục mà còn đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói,...