Khởi đầu nóng của Sao Diêm vương
Các nhà khoa học vẫn có ý kiến khác nhau về vấn đề Sao Diêm vương có phải là hành tinh hay không. Đặc biệt, sự hình thành của thiên thể này luôn là đề tài tranh luận sôi nổi.
Sao Diêm vương.
Những nghiên cứu mới nhất, công bố trên tạp chí “Nature Geoscience” (Anh) cho thấy, khác với những phân tích trước đó, Sao Diêm vương có thể có “sự khởi đầu nóng bỏng” trong Dải Kuiper lạnh giá và đại dương chứa chất lỏng xuất hiện trên Sao Diêm vương sớm hơn rất nhiều so với giả định.
Các nhà khoa học đi đến kết luận này thông qua so sánh những mô phỏng nhiệt khác nhau bên trong Sao Diêm vương với dữ liệu quan sát các hành tinh lùn do tàu thăm dò vũ trụ New Horizons thực hiện.
“Suốt một thời gian dài, mọi người nghĩ về tiến hóa nhiệt của Sao Diêm vương và khả năng tồn tại cho đến ngày nay của đại dương. Khi có các bức ảnh về bề mặt Sao Diêm vương từ sứ mệnh New Horizons, chúng ta có thể so sánh những gì chúng ta quan sát được với những dự đoán từ các mô hình tiến hóa nhiệt khác nhau” – nhà khoa học Francis Nimmo ở ĐH California (Mỹ), đồng tác giả công trình nghiên cứu cho biết.
Cho đến trước thời gian thực hiện sứ mệnh New Horizons, các nhà thiên văn học không biết rõ Sao Diêm vương thật sự là như thế nào. Nhờ tàu thăm dò vũ trụ, mọi việc trở nên rõ ràng.
Hiện có quan điểm cho rằng dưới lớp vỏ hành tinh lùn này (Sao Diêm vương chính thức được coi là hành tinh lùn) có đại dương chứa nước mặn. Nhiệt từ phản ứng nhiệt hạch bên trong lòng hành tinh lùn là nguyên nhân hình thành đại dương. Tuy nhiên, những mô phỏng mới cho thấy không phải như vậy.
Video đang HOT
“Nếu Sao Diêm vương hình thành với tư cách là một thiên thể lạnh lẽo và băng đá trong lòng nó tan chảy, thì thiên thể này sẽ co lại và chúng ta phải quan sát được các đặc điểm đặc trưng của quá trình nén trên bề mặt của nó. Ngược lại, nếu Sao Diêm vương bắt đầu nóng lên, nó phải nở ra và chúng ta sẽ quan sát được các phần tử giãn nở trên bề mặt Sao Diêm vương.
Chúng ta nhìn thấy nhiều chứng cớ cho thấy Sao Diêm vương giãn nở, nhưng chúng ta không nhìn thấy dấu hiệu nén; do đó các quan sát rất phù hợp với giả định cho rằng Sao Diêm vương ra đời cùng đại dương chứa chất lỏng” – Tiến sĩ Carver Bierson ở ĐH California nhận định.
Để Sao Diêm vương đủ nóng, duy trì được đại dương lỏng trong những ngày đầu hình thành, phần lớn năng lượng hấp dẫn thoát ra từ vật chất bồi tụ phải được giữ lại dưới dạng nhiệt. Để điều này xảy ra, quá trình hình thành Sao Diêm vương cũng phải diễn ra rất nhanh.
“Cách thức Sao Diêm vương hình thành có ý nghĩa lớn đối với tiến hóa nhiệt của nó. Nếu như đất đá tập hợp lại quá chậm, vật chất nóng trên bề mặt sẽ giải phóng năng lượng vào không gian; còn nếu đất đá tập hợp quá nhanh, thì nhiệt sẽ bị giữ lại bên trong hành tinh lùn” – ông Francis Nimmo nói.
Các tính toán cho thấy, nếu Sao Diêm vương hình thành trong khoảng thời gian ngắn hơn 30.000 năm, thì nhiệt sẽ được giữ lại.
Bí mật Sao Diêm vương vẫn chưa có lời giải cuối cùng.
Sao Diêm Vương có phải là một hành tinh không?
Sao Diêm Vương là một trong hàng trăm nghìn tiểu hành tinh băng giá (được gọi là các vật thể trong vành đai Kuiper) quay xung quanh Mặt Trời và ở xa Mặt Trời hơn cả sao Hải Vương.
Nhưng trong một thời gian 76 năm, sao Diêm Vương từng được coi là hành tinh thứ chín của hệ mặt trời.
Sao Diêm Vương được nhà thiên văn học người Mỹ, ông Clyde Tombaugh, phát hiện ra vào năm 1930. Và mãi đến năm 1992, các nhà thiên văn học mới phát hiện ra thêm vật thể thứ hai của vành đai Kuiper. Vì thế suốt một thời gian dài, sao Diêm Vương được coi là vật thể duy nhất ở cách xa Mặt Trời của chúng ta hơn cả sao Hải Vương và đương nhiên là một hành tinh.
Kính viễn vọng lớn hơn
Càng ngày chúng ta càng có những chiếc kính viễn vọng to hơn và tốt hơn, vì thế chúng ta có thể chụp được những bức ảnh rõ nét hơn của các vật thể xa xôi như sao Diêm Vương. Nhờ đó các nhà thiên văn học bắt đầu nghi ngờ rằng sao Diêm Vương bé nhỏ hơn rất nhiều so với các hành tinh khác. Vào khoảng thời gian tìm thấy vật thể thứ hai trong vành đai Kuiper, các nhà thiên văn học đã biết rằng sao Diêm Vương thậm chí còn nhỏ hơn cả Mặt Trăng, nhưng vì sao Diêm Vương đã được gọi là hành tinh trong thời gian rất dài rồi nên nó vẫn được coi là nằm trong nhóm hành tinh.
Các nhà thiên văn học cũng đã biết quỹ đạo của sao Diêm Vương cắt quỹ đạo của sao Hải Vương, trong khi không một hành tinh nào khác lại cắt quỹ đạo của nhau. Vậy vì sao quỹ đạo của sao Diêm Vương lại khác biệt như vậy?
Trong vài năm tiếp theo đó, hàng chục rồi hàng trăm vật thể trong vành đai Kuiper được phát hiện ra và cuối cùng đến năm 2005, nhà thiên văn học tên là Mike Brown đã tìm ra tiểu hành tinh Eris. Eris cũng vẫn còn lớn hơn sao Diêm Vương.
Quyết định về các hành tinh
Hiện nay các nhà thiên văn học đang đứng trước một quyết định: Cả Eris và sao Diêm Vương đều là hành tinh chăng? Thế còn tất cả những vật thể trong vành đai Kuiper mà nhỏ hơn sao Diêm Vương một chút thì sao, chúng cũng là các hành tinh ư? Phải cần có bao nhiêu cái tên để đặt cho các hành tinh để cho mọi người nhớ được?
Vào năm 2006, các nhà thiên văn học của Liên hiệp hội Thiên văn học quốc tế đã họp lại và bỏ phiếu quyết định có tiếp tục gọi sao Diêm Vương là hành tinh thứ chín nữa không. Nhiều nhà thiên văn học rất yêu thích sao Diêm Vương thì cho rằng sao Diêm Vương là một "cậu em nhỏ" trong hệ mặt trời của chúng ta và miễn cưỡng phải loại sao Diêm Vương ra khỏi "câu lạc bộ hành tinh". Nhưng nhiều nhà thiên văn học khác thì cho rằng chúng ta đã mắc lỗi khi gọi sao Diêm Vương là hành tinh, mà lẽ ra ngay từ đầu phải gọi nó là một vật thể trong vành đai Kuiper.
Và họ đã đi đến một ý kiến thống nhất.
Sao Diêm Vương không còn là một hành tinh nữa, thay vào đó nó được xếp vào một loại vật thể mới được đặt tên, đó là "các hành tinh lùn".
Hành tinh lùn
Các hành tinh lùn có kích thước đủ lớn để trọng lượng của chúng kéo chúng thành hình cầu giống như một hành tinh, như vậy chúng không còn ở hình dáng kì quặc như củ khoai tây chẳng hạn, như nhiều tiểu hành tinh nhỏ. Cũng có khi có những vật thể kích thước tương đương như vậy bay qua quỹ đạo của các hành tinh lùn, trong khi không có tình trạng như vậy đối với các hành tinh vì hành tinh có trọng lượng đủ lớn để gạt bỏ các vật thể ở gần quỹ đạo của nó.
Có một hành tinh lùn trong vành đai các tiểu hành tinh, đó là hành tinh lùn Ceres và một số tiểu hành tinh được biết đến trong vành đai Kuiper, như là sao Diêm Vương chẳng hạn. Và rất có thể trong tương lai các nhà thiên văn học sẽ còn phát hiện ra thêm các hành tinh lùn khác nữa.
Như vậy, chúng ta có thể thấy lý do mà nhiều quyển sách gọi sao Diêm Vương là hành tinh chính là vì trong 76 năm (từ khi phát hiện ra vào năm 1930 đến khi các nhà thiên văn học biểu quyết xếp loại nó vào năm 2006) thì nó là hành tinh. Những người nào đến nay đã trên 30 tuổi thì có đến nửa cuộc đời cho rằng sao Diêm Vương là một hành tinh.
Vào năm 2015, tàu thám hiểm vũ trụ Chân Trời Mới (New Horizons) của Mỹ đã bay qua sao Diêm Vương và chụp được những bức ảnh có độ phân giải cao nhất từ trước đến nay của hành tinh lùn này. Những hình ảnh tuyệt vời này cho chúng ta thấy sao Diêm Vương là một thế giới đầy núi, băng, hố va chạm và lớp khí quyển mỏng. Nó không còn được gọi là hành tinh nữa, nhưng nó là một hành tinh lùn rất được yêu thích trong vành đai Kuiper.
Phạm Hường
Kỳ thú 'cuộc diễu hành của các hành tinh' diễn ra vào tháng 7 Cuộc diễu hành của các hành tinh sẽ diễn ra trong khoảng 2 tuần của tháng 7 nhưng không thể quan sát hoàn toàn. Mặc dù không có thuật ngữ "cuộc diễu hành của các hành tinh" trong khoa học, người yêu thiên văn học thường dùng cụm từ này khi nói về hiện tượng các hành tinh xếp thành một hàng trong...